Tin buồn

6 yếu tố cho thấy đáy của khủng hoảng kinh tế

Nếu muốn biết thời kỳ tệ hại nhất của khủng hoảng kinh tế đã qua, nên nhìn vào TTCK, giảm phát, giá nhà đất, tiêu dùng, tỷ lệ tiết kiệm và thương mại toàn cầu.

Bức tranh kinh tế đã thật sự sáng sủa?

Nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith đã từng nói : “Chức năng duy nhất của dự báo kinh tế là giúp cho thuật chiêm tinh trở nên đáng coi trọng.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một câu hỏi lớn : “ Có phải khủng hoảng đã lập đáy?

Sau nhiều tháng tin tức kinh tế hết sức u ám, tuần trước, mọi chuyện đã có vẻ sáng sủa hơn. Điều này có thể sẽ chỉ diễn ra trong chốc lát. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng 12% chỉ trong 4 ngày. Đáng tiếc, hai phiên gần đây, thị trường lại hạ điểm, nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

Hai ngân hàng lớn nhất Mỹ cho biết họ đã kinh doanh có lãi. General Motors cho biết họ không cần hỗ trợ 2 tỷ USD của chính phủ trong tháng này và thị trường bán lẻ đón nhận thông tin tích cực.

Trên thực tế, dù đã tăng điểm, thị trường vẫn mất hơn 50% so với mức đỉnh cao 17 tháng trước đây. Đồng ý rằng các ngân hàng có lãi, nhưng đó mới chỉ là 2 tháng đầu của năm và đó là còn chưa nói đến hàng tỷ USD tài sản xấu trong sổ sách kế toán của họ.

GM, xét trên mọi phương diện, sẽ vẫn cần đến hàng tỷ USD tiền thuế của dân để tiếp tục hoạt động. Tin tức từ thị trường bán lẻ thì sao? Doanh số bán lẻ vẫn thấp, có điều không thấp như dự báo của các chuyên gia.

Nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia phân tích thị trường trên phố Wall nhận xét rằng nếu khủng hoảng chưa đến đáy thì ít nhất sức tàn phá của nó đang giảm dần. Các chuyên gia băn khoăn với câu hỏi : “Khủng hoảng sẽ lập đáy năm nay, năm sau hay nhiều năm nữa và làm sao để biết được điều đó?

Chuyên gia kinh tế học Galbraith không phải là chuyên gia đầu tiên cũng không phải là chuyên gia cuối cùng thừa nhận sự sai lầm của việc dự đoán những thông tin mang tính bước ngoặt.

Việc dự đoán sự kết thúc của cuộc khủng hoảng hiện tại còn khó khăn hơn bởi điều đó còn tuỳ thuộc vào việc các chính phủ giải quyết khủng hoảng nhanh nhạy và hiệu quả ra sao.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng tổ chức tài chính lớn nhất thế giới hiện đã mất khả năng thanh khoản bất chấp những an ủi từ chính phủ Mỹ rằng các tổ chức này vẫn còn đủ vốn.

Việc các nhà lãnh đạo kinh tế dự đoán và giải quyết vấn đề của ngành ngân hàng như thế nào đóng vai trò hết sức quan trọng.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng chính việc một số nhà hoạch định chính sách kinh tế của thế giới phản ứng sai lầm đã gây ra thời kỳ một thập kỷ đã mất của Nhật vào những năm 1990 và Đại Khủng Hoảng những năm 1930.

Dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng đã lập đáy?

Các chuyên gia kinh tế nhận xét có 6 dấu hiệu giúp người ta nhận biết khủng hoảng đã lập đáy: thị trường chứng khoán, giảm phát, giá nhà đất, tiêu dùng người dân, tỷ lệ tiết kiệm và thương mại toàn cầu.

Chắc chắn là không còn cách nào khác để có thể biết khủng hoảng đã đến đáy cho đến khi mọi chuyện đang dần hồi phục. Nhiều chuyên gia cho rằng có một số yếu tố giúp nhận biết khủng hoảng và hồi phục ở một thời điểm khó có thể thấy điều gì hơn ngoài sự chán nản.

Thị trường chứng khoán
Lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán thường lập đáy trước kinh tế.

Tháng 10/2008, tỷ phú Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới, cho biết ông đang mua cổ phiếu bởi theo ông cổ phiếu thường tăng điểm trước khi kinh tế hồi phục. Thế nhưng chính ông cũng không có bất kỳ một ý niệm nào về việc điều gì sẽ xảy ra trong tháng tới hoặc năm tới.

Từ đó đến nay, TTCK Mỹ đã hạ khoảng 20%, thị trường đã có lúc đứng ở mức thấp chưa từng có trong 12 năm. Cổ phiếu đứng ở mức giá rẻ. Chỉ số P/E đứng ở mức khoảng 13, thấp hơn 20% so với mức trung bình trong suốt 130 năm qua. Thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn không tham gia vào thị trường.

Giảm phát
Giảm phát khiến khủng hoảng kinh tế hiện nay ngày một trầm trọng hơn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc giá cả hạ mạnh. Họ kiếm được ít tiền hơn, giá cả hàng hoá, nhà đất hạ, thế nhưng số nợ của họ từ trước đây vẫn không giảm.

Ông Russell Napier, chuyên gia tư vấn cho Crédit Lyonnais và là tác giả cuốn sách “Anatomy of the Bear: Lessons From Wall Street’s Four Great Bottoms”, cho rằng cổ phiếu sẽ chưa tăng điểm cho đến khi giảm phát chấm dứt và các doanh nghiệp có thể bán hàng với giá cao hơn để trả nợ.

Ông chỉ ra ba yếu tố có thể là dấu hiệu chỉ ra kinh tế đang hồi phục, lạm phát tăng lên: giá đồng, trái phiếu doanh nghiệp, và trái phiếu chính phủ Mỹ. Giá cho cả ba loại trên hiện cao hơn mức giá tháng 11/2008.

Ông nhận xét : “Tất cả những yếu tố trên cho thấy bạn nên mua chứ không nên bán.” Ông Napier thừa nhận rằng dù giá cổ phiếu hiện đã ở mức thấp những vẫn có thể rơi xuống thấp hơn. Chỉ số P/E trung bình 10 năm dù hiện thấp hơn nhiều so với thời kỳ thập niên 1980 nhưng vẫn cao hơn so với những năm 1930.

Ông Nouriel Roubini, chuyên gia kinh tế học của Đại học New York, cảnh báo rằng lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu sẽ có thể tiếp tục hạ.

Giá nhà đất
Để quyết định xem liệu giá nhà hiện nay liệu có bị thổi phồng, các chuyên gia kinh tế sử dụng tỷ lệ so sánh chi phí mua một ngôi nhà so với việc thuê nhà hay tương quan với thu nhập. Nếu tỷ lệ này lên cao, giống như đã từng lên cao những năm gần đây, giá nhà có thể đã bị thổi phồng. Khi giá nhà hạ, việc sở hữu một ngôi nhà thuộc khả năng chi trả của người dân hơn.

Ông Barry Ritholtz, một nhà đầu tư chuyên nghiệp, người viết blog kinh tế The Big Picture, có cách tiếp cận khác đơn giản hơn: Giả dụ một cặp vợ chồng trẻ có thu nhập khiêm tốn đang cố gắng mua một căn hộ 2 hoặc 3 phòng ngủ tại một khu thu nhập trung bình trong thành phố. Liệu họ có đủ điều kiện mua nhà thế chấp và đủ khả năng chi trả không?

Nếu câu trả lời là không, như vậy thị trường nhà đất chưa suy giảm đến đáy. Ông là người đưa ra quan điểm rằng giá nhà đất Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm sâu.

Ông Ronald J. Peltier, giám đốc điều hành công ty môi giới bất động sản Home Services of America, nhận định bong bóng giá nhà đất tại các vùng ở Mỹ không giống nhau, vì thế khi giá nhà hạ, mức độ hạ cũng không đồng nhất và thị truờng nhà đất các nơi sẽ không cùng lập đáy tại một thời điểm.

Tại những nơi như California và Miami – nơi giá nhà đất hiện nay chỉ bằng một nửa so với mức cách đây 3,4 năm, thị trường nhà đất có thể đã gần lập đáy.

Một dấu hiệu đáng chú ý là những người mua nhà lần đầu và nhà đầu tư đang đổ xô mua nhà, dù phần lớn trong số họ mua nhà do các ngân hàng bán lại với giá cực thấp.

Doanh số bán nhà tại California tháng 1/2009 tăng hơn 50% so với 1 năm trước. Tuy nhiên mức giá trung bình vẫn thấp hơn 40% và đứng ở mức 224 nghìn USD/căn.

Tất nhiên những ai mua nhà ở mức giá đỉnh cao của thị trường trước đây sẽ chịu tác động tiêu cực nhất nếu họ phải bán nhà ở thời điểm hiện tại. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng những vấn đề hiện nay của thị trường chỉ có thể được giải quyết bằng việc giá nhà thấp, cho vay thoáng hơn và kinh tế phục hồi.

Tiêu dùng người dân
Người Mỹ thích mua sắm, ít nhất là trong suốt thập kỷ qua. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng người Mỹ sẽ vẫn mua sắm dù kinh tế thuận lợi hay khó khăn.

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tiêu dùng người dân hiếm khi giảm và một khi đã  giảm, tiêu dùng hồi phục nhanh chóng,

Cuộc suy thoái kinh tế hiện nay đang kiểm chứng xem lịch sử có lặp lại không.

Tiêu dùng cá nhân giảm 1% trong nửa cuối năm 2008 – lần đầu tiên tiêu dùng giảm từ năm 1980. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tiêu dùng sẽ khó hồi phục bởi những người Mỹ vốn đang chịu nhiều nợ nần phải tiết kiệm để trả nợ.

Năm 2008, tỷ lệ tiết kiệm tăng lên mức 3% từ mức 0%. Tỷ lệ tiết kiệm này vẫn thấp hơn thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai là 7%.

Tỷ lệ tiết kiệm
Một dấu hiệu khác có thể cho thấy tiêu dùng đã giảm đến đáy là khi tỷ lệ tiết kiệm bắt đầu đi ngang.

Tiêu dùng sau đó sẽ hồi phục bởi nhu cầu chỉ dồn nén trong một khoảng thời gian nhất định, cuối cùng người dân cũng sẽ phải chi tiêu. Doanh số bán xe ô tô, đã rơi xuống mức thấp nhất từ năm 1981, khi đó dân số Mỹ chỉ bằng ¾ so với hiện tại.

Nhiều gia đình dừng mua xe ô tô và cố gắng tận dụng những gì họ đang có nhưng rồi họ cũng sẽ đến lúc phải thay thế phương tiện đi lại đã cũ nát.

Ông Edward E. Leamer, chuyên gia kinh tế học tại đại học California, sau khi nghiên cứu các chu trình kinh tế, cho biết doanh số ô tô và tình hình nhà xây mới sẽ dẫn đầu trong nhóm dấu hiệu cho thấy kinh tế phục hồi.

Thương mại toàn cầu hồi phục
Việc thương mại toàn cầu có dấu hiệu hồi phục cũng là điềm báo cho khả năng tiêu dùng tại Mỹ và ở đâu đó trên thế giới đang tăng trở lại.

Thương mại toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2008 tăng khoảng 7%. Xuất khẩu và nhập khẩu của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật và Trung Quốc đã giảm mạnh. Gần đây, Bộ Thương Mại Mỹ cũng công bố thông tin u ám: xuất nhập khẩu của Mỹ tháng 1/2009 giảm khoảng 12%.

Ông Kenneth S. Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhận xét thương mại toàn cầu tăng lên sẽ là một dấu hiệu rất tốt.

Ông Tobias Levkovich, một chuyên gia chiến lược tại Citigroup, cho rằng một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng đã đến đáy là khi người ta ngừng cư xử như những đứa trẻ con ngồi ở ghế sau ô tô và liên tục hỏi cha mẹ rằng : “Chúng ta đã đến nơi chưa?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80