Uống cà phê đã thành thói quen của nhiều người. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ly cà phê họ đang cầm trên tay rất có thể chỉ được pha chế bằng… bột bắp hoặc đậu nành đã sấy cháy sau đó “tẩm ướp” với hàng loạt loại hoá chất, phụ gia độc hại.
Nhiều ngày thâm nhập, tìm hiểu về công nghệ chế biến cà phê khiến chúng tôi không khỏi rùng mình…
Xem thêm: Bọt xà phòng trong tách… cà phê
Uống nước bắp, đậu nành… rang cháy
Gặp tôi, ông V chủ một quán cà phê lớn ở quận 7, TP.HCM hỏi giá cà phê nhân hiện nay là bao nhiêu? – Tôi đáp: Khoảng 50 -55.000đ/kg. Nghe xong ông này liền nêu một nghịch lý: “Ông là nhà báo thử đi tìm hiểu vì sao mà giá cà phê cao như thế nhưng hàng ngày, nhiều hãng cà phê vào quán tôi chào hàng với giá cũng chỉ 55 – 60.000đ/kg cà phê bột.
Trong khi đó, theo tôi biết, 1 kg cà phê nhân chỉ làm được 0,7kg cà phê bột, đó là chưa kể công, nhãn mác, bao bì, tiếp thị, vận chuyển…”.
Nói xong, để chứng minh ông V mang ra một xấp bao bì quảng cáo các thương hiệu cà phê khác nhau. Qua tìm hiểu, chúng tôi được chỉ về Đồng Nai, nơi được xem là có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê cung cấp không chỉ cho khu vực Đông Nam bộ mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, thậm chí sang tận Campuchia.
Dò hỏi mãi người trong nghề, khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp xúc được ông C – người có tiếng ở Biên Hoà (Đồng Nai) về kỹ thuật pha chế cà phê. Chỉ cần nhấp một ngụm cà phê đen (không đá, đường) là ông C. có thể biết được ly cà phê có “công thức tẩm ướp” như thế nào, và ông có thể làm được gần y chang. Vì thế, ông này được nhiều hãng cà phê mời về làm, thậm chí có có công ty còn mua toàn bộ máy móc và nguyên liệu để ông pha chế.
Tuy nhiên, sau khi làm thấy chủ doanh nghiệp vì lợi nhuận cao mà “ép” phải dùng quá nhiều hoá chất độc hại, thậm chí theo ông C thì có thể gây ung thư nên ông đã từ chối thẳng thừng. Ông C bảo: “Nếu làm theo họ thì tôi sẽ có nhiều tiền, nhưng lương tâm của tôi không cho phép. Mình đã làm là phải có thương hiệu, phải có đạo đức. Mình làm cà phê, bạn bè đến mời mà mình không dám uống thì làm sao chấp nhận được? Còn nếu uống thì tự mình rước độc hại vào thân còn gì”.
Hỏi ra mới biết, ông C còn có “ngón nghề” bốc thuốc Đông y, hàng ngày ông vẫn đi chữa bệnh làm phúc cứu người. Khi biết chúng tôi muốn thâm nhập, tìm hiểu về công nghệ pha chế cà phê hiện nay, ông C từ chối vì cho rằng đây là lĩnh vực “nhạy cảm” và phức tạp (có lẽ ông sợ liên lụy, rắc rối). Ông chỉ nói: “Nông dân trồng cà phê thì ít người giàu, nhưng nghịch lý là các công ty cà phê lớn nhỏ đều giàu” – nói xong ông xin phép đi công chuyện.
Những ngày sau đó, thấy chúng tôi kiên trì “đeo bám”, cuối cùng ông cũng đồng ý cho một cái hẹn ở đúng quán cà phê của mình. Mời chúng tôi uống ly cà phê 100% bột là cà phê, sau đó ông kêu pha 1 ly cà phê khác có pha trộn. Ông C bảo: “Quán của tôi nhỏ vậy thôi nhưng ngày nào cũng có nhân viên tiếp thị của nhiều công ty cà phê vào mời chào và biếu không để uống thử, nếu mình OK thì kêu hàng họ mang đến tận nơi”.
Sau khi nhấp thử cà phê ở 2 ly được mời, tôi thấy có sự khác nhau hoàn toàn về vị giác, kể cả về màu sắc bên ngoài. Ông C cho biết: “Hiện nay ở Việt Nam khó có thể thống kê được có bao nhiêu đơn vị sản xuất cà phê bột, chỉ biết rằng lượng cà phê và lượng người uống mỗi ngày là rất lớn. Thế nhưng, có một lượng không nhỏ cà phê đang được chế biến bằng bắp và đậu nành. Sẽ chẳng có gì vô hại nếu những thứ đó được chế biến bình thường, nhưng đằng này họ sấy cháy đen hết những thứ đó thành than rồi mới tẩm ướp rồi đóng gói và tung ra thị trường”.
Công nghệ… cuốc xẻng
Ông C khẳng định, với giá cà phê như hiện nay, để sản xuất ra một kg cà phê bột (gồm nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác…) phải 100.000đ trở lên. Do đó, nếu giá cà phê bột bán với giá 55-60.000đ/kg thì chỉ có bột bắp, đậu nành mà thôi. Bởi hiện giá bắp chỉ khoảng 8 – 9.000đ/kg, đậu nành khoảng 13.500đ/kg.
Như vậy, với bột bắp, đậu nành mà bán 55-60.000 thì họ lời khủng khiếp cỡ nào”.
Ngoài ra, đánh vào tâm lý các quán cà phê thích lấy hàng rẻ để có lời nhiều, các hãng cà phê đua nhau mọc lên và tung ra thị trường sản phẩm rất bát nháo. Chìa cho chúng tôi cả chục loại cà phê đến tiếp thị, ông C còn cho hay: “Có nhiều thương hiệu cà phê khi gọi vào số điện thoại in trên bao bì thì chỉ nghe tò te tí, hoặc truy ra là địa chỉ ma”.
Theo ông C: “Tuỳ theo quán sang hay không, gu của từng quán mà chủ quán có thể mua hoặc đặt hàng với nhà cung ứng. Do đó, tỷ lệ cà phê – đậu nành- bắp sẽ được tạo thành một công thức để ra cà phê. Kinh hoàng hơn cả trong công nghệ pha chế cà phê là trộn cả chục loại hoá chất, phụ liệu để sản phẩm giống y chang cà phê thiệt, trong đó có nhiều loại độc hại như: bột CNC (chất làm keo), chất tạo bọt trắng, caramen tạo mùi, tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani…”.
Được biết, toàn bộ những hoá chất trên đều mua ở “chợ hoá chất” Kim Biên (phường 13, quận 5 – TP.HCM). Nếu không có những chất đó thì không bao giờ bột bắp, bột đậu nành có thể “hô biến” thành cà phê được!
Ông C cho hay: “Công nghệ chế biến cà phê bột ở những cơ sở nhỏ lẻ cũng chẳng khác nào công nghệ “cuốc xẻng” trong sản xuất phân bón rởm, kém chất lượng. Chỉ cần đầu tư 10 triệu đồng là có ngay một cái bồn để sấy bắp, đậu nành, sau đó mua thêm 1 chiếc cối xay là có ngay một quy trình chế biến cà phê. Trong khi đó, giá một chiếc cối xay cũng chỉ từ 1,5- 7 triệu đồng (tuỳ loại 1 ngày có thể xay được trên dưới 200kg) nên thực tế việc đầu tư làm thương hiệu cà phê “cỏn con” là không tốn kém bao nhiêu, trong khi lợi nhuận là rất lớn”.
Ngoài ra, nếu chủ nhân lén lút làm ở trong nhà thì sẽ an toàn tuyệt đối. Chính vì thế, hiện nay thị trường cà phê dường như đang bị thả nổi chất lượng.
Xem thêm: Hãi hùng mục kích lò sản xuất “cà phê bẩn”
(Còn nữa)
Bài viết này tôi đã nghe rất quen thuộc! bởi vì đã không ít tác giả đã nêu lên vấn đề này từ rất lâu rồi mà tính thị trường vẫn gần như không thay đổi. Thiết nghĩ vì sao, có lẽ vì thói quen! vì giá thành sản phẩm! hay vì nhận thức của người tiêu dùng chưa cao! còn hám của rẻ, hay vì một lý do khác … Thói quen uống cà phê không có pha bắp… hoặc đậu… bơ, sữa, hương liệu… thì có cảm giác không đậm đà và khóai khẩu. Cũng giống như khi nấu ăn ta không nêm nhiều bột ngọt thì một số người cho rằng không ngon, mặc dù họ vẫn biết rằng ăn quá nhiều bột ngọt là không tốt, có thể làm giảm trí nhớ…
Nếu như người tiêu dùng sản phẩm không ham của rẻ thì những sản phẩm chất lượng không cao sẽ không còn chỗ đứng (như bài viết ở trên đã nói cà phê nguyên chất uống thì hương vị cũng rất khác và giá thành của sản phẩm nguyên chất cũng rất khác). Thiết nghĩ đã đến lúc người tiêu dùng thông thái hãy tập cho mình cách chọn lựa sản phẩm một cách khôn ngoan. Thứ nhất là không ham của rẻ, thứ hai là thay đổi vị giác và thói quen thưởng thức ( vì cà phê nguyên chất thông thường không có vị đắng gắt mà có mùi thơm vị ngọt nhẹ đặc trưng, nước màu sắc cánh dán). Để tự bảo vệ sức khỏe và tránh mua phải hàng kém chất lượng chỉ nên mua sản phẩm và đặt hàng (giá cà thỏa đáng) nơi mình tin cậy.
Có phải người ta lấy hàng dỏm pha rồi bán ly cà phê rẻ đâu !
Ly cà phê vẫn đắt, nhưng nguyên liệu thì cực rẽ để lời nhiều. Tâm lý và hành động của người buôn bán (phần lớn) là như thế.
Cũng đã có nhà báo phản ảnh rau Đà Lạt đến tay người tiêu dùng đắt gấp 8 lần đó sao?
http://www.ffa.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=800%3Athuc-pham-o-ruong-gia-beo-ra-cho-ngat-nguong&catid=89%3Athi-truong-gia-ca&Itemid=313&lang=vig
Người ta lý giải nào xăng dầu, điện lên, tiền thuế, tiền sạp, tiền công v.v…
Xã hội mình giờ là thế!
Đại gia cà phê Việt mà còn làm hàng dổm thì trách gì quán cóc vỉa hè.
Biết rồi – khổ lắm – nói mãi !
Đúng thế. Đúng thế.
Đã thế còn nổ rất lớn nữa chứ, đứng đầu thế giới luôn. Biết như thế, nói mãi vẫn cứ thế. Khổ thế.
Tất cả là tại người uống thôi, quen với cái dở rồi.
Tôi có một người bạn làm trong một hãng cà phê lớn nhất nhì Việt Nam về trên khâu chế thì cho hay để tạo ra vị cho cà phê hãng này đã không ngại rang đậu nành cháy đen, nếu người dùng thường xuyên không biết có bị bệnh không nhỉ! Có cháy thì vị mới thơm ngon đúng thế rồi còn gì, ngay bản thân tôi cũng thích vị thơm thơm mần mần đó.
Nghe ti vi nói ngũ cốc chiên giòn, nướng cháy ăn vào nhiều là sinh bệnh ung thư đấy. Nhưng uống thì ko biết có bị làm sao ko…?
Thì chắc là… bình thường thôi bạn Bình thường ạ .Cứ đà này chắc nông dân trồng cà phê phải trồng xen bắp và đậu nành để thêm thu nhập thôi bà con ạ .
Vấn đề Cà phê trộn bắp, đậu nành và hóa chất chúng tôi thường hay gọi là cà phê “chợ” thì những người chế biến cà phê rang xay đã biết từ lâu vì họ sẽ tìm hiểu mâu thuẩn về giá. Nhưng làm cà phê nguyên chất cà phê sạch lại không hợp khẩu vị “chết người” của tín đồ thưởng thức cà phê và đắt hơn nên khó tiêu thụ”. Thật đúng là nghịch cảnh than ôi…
Tôi nghĩ nên đổi tên quán cafe giải khác thành bắp giải khát hoặc đậu nành rang giải khát đi. Nghe tên lạ chắc là đông khách lắm. Nước đậu hay sữa đậu nành thì tôi uống rồi, còn đậu nành rang hay bắp rang thì không biết có quán cafe nào cho tôi uống thử chưa.
Giờ hàng đểu nhiều lắm chẳng biết cái nào thật mà dùng.
– Đậu nành, Bắp biến thành cà phê không phải là chuyện mới lạ. Điều mới lạ, từ quán cóc vỉa hè đến quán nổi tiếng sang trọng, từ cơ sở rang xay nhỏ đến công ty cà phê nổi tiếng đều hô biến Đậu nành, Bắp thành cà phê. Mà điều này cũng bình thường thôi. Thế mới chết chứ!
Uống ly cà phê không chỉ là chất đắng nghét của than cháy từ bắp, đậu nành là nguy cơ của ung thư mà còn có cả hương liệu, caramen, cafein, v.v.. có nguồn gốc Trung Quốc. Nguy cơ tăng ung thư lại tăng gấp bội.
Vậy nên, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất Thế Giới (cà phê vối – Robusta) nhưng người dân Việt Nam chắc gì uống được cà phê thực chất.
– Ai là người quyết định? Không thể đổ tội hết cho người bán, cũng không thể đổ tội cho người uống, mà cũng không thể đổ tội hết cho người hô biến, mà là trách nhiệm chung của cộng đồng. Nhưng nói thế thì chung chung quá. Hàng năm, hay có khẩu hiệu Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm. Vậy trách nhiệm của nhà quản lý chất lượng đâu rồi?
=> Bây giờ chỉ cần phân tích chất lượng, chất gây ung thư nếu vượt mức cho phép là cấm sản xuất, hoặc phạt gấp 1000 lần giá trị hiện tại của sản phẩm cơ sở/cty đó mà sản xuất. Nếu nhà sản xuất không bán, thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ không phải uống cà phê hô biến. (Diệt cỏ tận gốc).
=> Điều này rất có ích, vì trước tới giờ ngành cà phê đang loay hoay với bài toán thúc đẩy mức tiêu thụ cà phê trong nước. Lúc ấy, giá cà phê của nước ta không chỉ phù thuộc vào giá cà phê xuất khẩu mà nội tiêu cũng có vai trò nhất định. Người dân, không sợ tư thương ép giá, cũng không lo giá thấp vì Cầu bao giờ cũng cao hơn Cung.
(Đa số các nước sản xuất cà phê lớn, sức tiêu thụ nội địa khoảng 25%. Mình sản xuất khoảng 1 triệu tấn, tiêu thụ nội địa khoảng 20% thì cũng được 200.000 tấn. Như vậy, lượng này = với lượng mà chính sách cho tạm trữ cà phê).
Lâu nay uống cafe mà không hề biết. Đọc được những bài báo kiểu này mới thấy sợ… bắp và đậu nành mà thành than thì khả năng gây ung thư cao rồi… Không lẻ đem cafe so sánh cùng rượu , thuốc lá hay sao!
Tôi biết công nghệ này lâu rồi vì gần nhà tôi có 1 xưởng chế tạo như vậy, cũng có lần gửi bài lên cục vệ sinh an toàn thực phẩm mà không thấy hồi âm, chắc do nhiều bài quá người ta chưa đọc tới. Hằng ngày mỗi người uống ít nhất 1 ly cafe, có người uống 5,6 ly thì bệnh viện có nguy cơ quá tải.
Người dân thì không thể không uống cafe, thế nên chúng ta phải có kế sách gì cứu chúng ta đi chứ. Mấy quán cafe lớn cũng dùng cafe loại này 1 phần vì rẻ 1 phần vì “như thế mới ngon”, đó là lời của 1 chủ quán pha Trung Nguyên với tùm lum Nguyên bảo thế.
Mỗi khi dùng cái gì hay làm gì người ta luôn nói đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, vậy có ai trong chúng ta đã biết thế nào là cafe chưa? Tốt nhất là nên biết nếu bạn là người hay đi uống cafe.
Đơn giản thôi, để biết thế nào là cafe chúng ta có thể mua một ít cafe hạt nguyên chất về rang và xay lên sau đấy pha thử xem màu nước thế nào? hương vị ra sao? khi đấy đi uống trong quán cafe mà màu nước khác đi hương vị cũng khác thì nên xem lại. Tôi có biết nếu là cafe sạch thì màu nước nâu thôi không đen va sánh đâu, mọi người chú ý ha. Sức khỏe là vàng mà…
Bản thân tôi cũng uống cà phê nhiều, một ngày đều đặn 2 ly. Và cũng biết cái nạn này lâu rồi nên tôi chọn lựa những hãng cà phê sản xuất cà phê bột nguyên chất, mua về nhà và tự pha uống! Đi học thì cho vào bình giữ nhiệt, đến chiều thì vẫn có thể thưởng thức cà phê nguyên chất, mặc dù nó không còn nóng nhưng vẫn ấm.
Trở lại với vấn đề “cà phê bẩn”, tôi đã thấy nhiều và đã thuyết phục nhiều người nên từ bỏ thói quen uống cà phê cóc. Nhưng phản hồi của họ, cái mà đến tôi cũng “bí” là “uống cà phê pha bột bắp với đậu nành thì có hại gì? Nó cũng là “sản phẩm từ thiên nhiên”. Hóa chất thì thử hỏi các nước uống đóng chai hiện tại có phải làm từ hóa chất không?” … Mà dân Việt Nam mình thì hay “làm lụi”, cái gì “ngon” thì xơi, còn tốt cho sức khỏe hay không thì kệ, “để mai tính”!
Từ đó, theo quan điêm của tôi thì người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức được tác hại thực sự của cà phê “bẩn”, đơn giản bởi chưa có một nghiên cứu nào thật sự về tác động đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vì tôi không phải là người học về công nghệ thực phẩm nên không hiểu biết lắm về vấn đề này. Hi vọng các nhà khoa học cũng như các sinh viên về “thực phẩm” có thể cho ra một bài nghiên cứu khoa học đăng lên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng thực sự “sợ” mà tự bảo về sức khỏe của mình!
Các nhà khoa học, quản lý thị trường phải vào cuộc thôi, mặc dù hơi bị muộn. Nhà khoa học thì công bố tác hại của cafe dỏm, qltt thì truy quét như bắt tội phạm vậy (sản xuất thực phẩm độc hại), pháp luật phạt thật nặng. Quan trọng hơn là người tiêu dùng phải biết quay lưng, để tự bảo vệ mình.
Không có gì lạ đâu bà con ơi. Tôi là một doanh nghiệp cafe, đưa ra thị trường cafe hột nguyên chất nhưng đâu có được ủng hộ thật buồn các bạn ạ. VN trồng cafe hàng đầu thế giới mà dân mình quen uống kiễu đó rồi, khó mà thay đổi được thói quen. Cafe hột nguyên chất thì chê loãng chỉ thích đậm đen à. Các bạn thông cảm…
Bài viết này đúng sai tôi chưa bàn tới, nhưng tôi giám chắc một điều anh chàng viết bài này trước khi viết không hề tìm hiểu xem giá cà phê nhân Việt Nam đắt nhất mọi thời đại là bao nhiêu. Theo tôi nhớ 1997 giá cà phê đạt đỉnh là 40.000n/1kg trong vòng một buỏi sáng và sau đó giảm dần. năm 1999- 2000 thì phải giá chỉ còn 4000đ/1kg, lúc đấy giá 1kg cf bột là khoảng 36.000đ/1kg. Năm 2011 vừa rồi giá cao nhất cũng chỉ đạt tới 40.000đ/1kg.Để thành phẩm 1kg cf đưa ra thị trường giá thành cộng tất cả lại không bao giờ vượt qua ngưỡng 100.000đ, sau này trượt giá VND thì chua biết.
CF làm từ ngũ Cốc là có thật, nhưng nhà báo hãy đi thực tế để viết,đừng ngồi nhà bịa ra cho có bài.
Cũng như anh nhà báo ở Sai Gòn viết về du lịch lên Ban Mê Thuột cưỡi xe Ngựa đi Bản Đôn vậy, xin thưa anh muốn đi Bản Đôn bằng xe Ngựa thì đi chắc mất vài ngày vì đi bằng xe Máy cũng mất gần 1h30p.thấy khoe hình du lich cưỡi xe Ngựa đi lòng vòng trong làng cf Trung Nguyên thì cứ tưởng Bản Đôn nằm bên rìa thành phố.
Anh phản ánh thực tế này là đúng nhưng hãy đi đúng nơi mục sở thị và tìm hiểu cặn kẽ rồi hãy viết. Anh không cưỡi Ngựa mà vẫn biết được hoa đẹp thì tôi cũng phục anh.
Đề nghị @Người Ban Mê Thuột cần xem lại ý kiến của mình vì tôi thấy có quá nhiều thông tin không chính xác. Nhất là khi viết về giá cà phê “đắt nhất mọi thời đại” và giá của năm 2011. Hơn nữa trong trang cafe mà đá qua chuyện du lịch là điều không cần thiết. Đây là quan điểm của tôi.
Tốt nhất là nên đọc lại bài này > https://giacaphe.com/11088/gia-ca-phe-cao-nhat-la-bao-nhieu-vao-nam-nao/?trashed=1&ids=17328#comment-9845
Với cách chế biến cà phê bẩn đầu độc người dân Việt Nam như vậy l2 không thể chấp nhận được. Cần lắm sự can thiệp của chính quyền để chấn chỉnh tình trạng trên.