Tin buồn

Cách giảm bụi trong các cơ sở chế biến cà phê

Lắp đặt hệ thống máy hút bụi và máy phun sương giúp giảm 95% bụi trong xưởng sản xuất cà phê.

Cơ sở chế biến cà phê khổ sở vì bụi

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước và là cây trồng chủ lực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cà phê ở Đắk Lắk có xu hướng tăng.

Năm 2021, tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh Đắk Lắk là 209.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 178.571ha với sản lượng quả tươi đạt 2,25 triệu tấn và sản lượng cà phê nhân đạt 500.000 tấn. So với năm 2015, diện tích cà phê năm 2021 tăng 5.643ha và sản lượng tăng 224.950 tấn. Song song với việc phát triển cây cà phê, số lượng các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến cà phê cũng tăng theo.

Bụi từ xưởng chế biến cà phê bám trên lá cây cà phê ở khu vườn xung quanh tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Theo kết quả điều tra của Viện Môi trường Nông nghiệp, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 301 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, trong đó có 252 hộ gia đình và 49 doanh nghiệp. Tổng công suất chế biến cà phê nhân đạt 2.509.466 tấn, sản lượng cà phê nhân đạt 557.000 tấn.

Khu vực Tây Nguyên người dân chủ yếu áp dụng phương pháp chế biến khô, tại tỉnh Đắk Lắk có khoảng 85% cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp chế biến khô và chỉ có 15% cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp chế biến ướt. Tại các cơ sở sơ chế cà phê ở Đắk Lắk, khí thải và bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vận hành thiết bị máy móc, sơ chế hầu như chưa được kiểm soát.

Hiện nay, hầu hết các hộ sơ chế sử dụng nguyên liệu đốt là phụ phẩm nông nghiệp (củi, lõi ngô, vỏ cà phê, vỏ trấu…) nên lượng khí thải SO2, NO2, CO, CO2 phát sinh thấp hơn nhiều so với các nguyên liệu than, dầu. Do vậy, cần phải có các phương pháp xử lý làm giảm lượng khí và bụi trong các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và môi trường xung quanh.

Viện Môi trường Nông nghiệp được Bộ NN-PTNT giao chủ trì thực hiện đề tài “Điều tra đánh giá ảnh hưởng đến môi trường của các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản (sắn, cà phê), làng nghề chế biến gỗ, mây tre và đề xuất các giải pháp quản lý bảo vệ môi trường bền vững”.

Trong khuôn khổ nội dung thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được mô hình ứng dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm bụi trong một số cơ sở chế biến cà phê khô tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Giảm khoảng 95% bụi phát sinh

Mô hình được áp dụng tại hộ chế biến cà phê của ông Lê Xuân Hội, thôn 15, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, có công suất hoạt động 15 tấn/ngày và hộ Nguyễn Đình Bình ở thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, công suất hoạt động 13 tấn/ngày.

Chủ cơ sở chế biến cà phê Lê Xuân Hội chia sẻ: Cơ sở chế biến theo phương pháp khô, mỗi ngày chế biến 15 tấn cà phê quả tươi thu mua từ các hộ trong xã, mỗi khi sấy lượng khói sinh ra rất nhiều làm mù mịt cả khu vực, đồng thời mùi quả cà phê sấy gây đau đầu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Hệ thống máy hút bụi công suất 25.000m3/h, tích hợp trong công đoạn xát vỏ quả cà phê và hệ thống máy phun sương, dập bụi.

Từ khi được cán bộ của Viện Môi Nông nghiệp về lắp đặt mô hình gồm có hệ thống máy hút bụi công suất 25.000m3/h, tích hợp trong công đoạn xát vỏ quả cà phê và hệ thống máy phun sương, dập bụi lắp quanh xưởng, bụi hầu như không còn, môi trường làm việc trong xưởng được cải thiện rõ rệt.

Có thể nói, mô hình đã xử lý được từ 90 – 95% bụi phát sinh, chất lượng môi trường trong cơ sở tốt hơn rất nhiều, công nhân làm việc không còn cảm thấy cay mũi nữa. Tuy nhiên, khói từ các lò sấy chưa xử lý được, mỗi lần lò sấy hoạt động thì khói bay mù mịt khắp khu vực.

Ông Nguyễn Đình Bình, chủ cơ sở chế biến cà phê tại thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc chia sẻ: “Cơ sở chế biến cà phê nhà tôi hoạt động mới được 3 năm, cơ sở vật chất đầu tư nhiều, số vốn gia đình đầu tư lên đến 700 triệu đồng, mỗi ngày chế biến khoảng 13 tấn cà phê thu mua từ các hộ dân trong xã.

Khi cán bộ Viện Môi trường Nông nghiệp đi khảo sát để chọn cơ sở để thực hiện mô hình xử lý bụi trong chế biến cà phê thì cơ sở nhà tôi đã được chọn để thử nghiệm. Gia đình đã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống máy hút bụi công suất 25.000m3/h và hệ thống máy phun sương, dập bụi trong xưởng sản xuất cà phê.

Tuy mô hình mới được áp dụng trong một thời gian ngắn nhưng tôi thấy hiệu quả rõ rệt, xử lý được khoảng trên 95% bụi phát sinh, nếu quan sát bằng mắt thường gần như không thấy bụi bay ra nữa. Tuy nhiên, khói sinh ra từ lò sấy vẫn chưa được khắc phục”.

Ông Phạm Văn Trung, nhà cạnh cơ sở chế biến cà phê của ông Bình cho biết: “Trước đây, khói, bụi ở cơ sở này khiến mọi người rất khó chịu, đêm không ngủ được. Cây cối cũng hư hết. Rẫy cà phê của tôi ở gần lò sấy, cây và lá bị bám đầy bụi và khô quắt, chỉ khi nào trời mưa hoặc có tưới nước mới sạch được bụi”. Sau khi xưởng cà phê của ông Bình được lắp đặt hệ thống hút bụi thì lượng bụi đã giảm rất nhiều so với trước đây”.

Cần nhân rộng mô hình

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch xã Hòa Đông: Từ khi cơ sở chế biến cà phê của ông Bình và ông Hội được Viện Môi trường Nông nghiệp hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý bụi, về đánh giá trực quan bằng mắt cho thấy lượng bụi phát tán đã không còn, giảm thiểu được khoảng 85 – 90% lượng bụi so với trước đây khi chưa lắp đặt hệ thống xử lý bụi.

TS Hà Mạnh Thắng (Viện Môi trường Nông nghiệp), chủ nhiệm đề tài cho biết, kết quả lấy mẫu không khí đánh giá hiệu quả của mô hình trước và sau khi lắp đặt hệ thống xử lý bụi của các cơ sở chế biến cà phê cho thấy, hàm lượng bụi tổng số đã giảm khoảng 90 – 95 % ở các lần lấy mẫu đánh giá.

Mặt khác, thiết bị rất đơn giản trong khâu lắp đặt và vận hành, lượng bụi thu được từ túi vải có thể xử lý và sử dụng làm phân bón hữu cơ bón cho cà phê và các cây trồng khác góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí mua phân bón đối với sản xuất cà phê và sản xuất nông nghiệp.

Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại Khoản 2, Điều 56 đã quy định cụ thể về công tác bảo vệ môi trường. Đối với các hộ gia đình sản xuất ở quy mô nhỏ, phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã bổ sung quy định chế tài liên quan đến bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề tại Khoản 2, Điều 15.

Như vậy, việc giảm thiểu ô nhiễm khói, bụi trong các cơ sở chế biến cà phê là cần thiết và bắt buộc. Thời gian tới, cần tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến cà phê nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77