Nông dân muốn cạnh tranh bình đẳng

Những suy nghĩ của người nông dân trồng cà phê về việc các doanh nghiệp nước ngoài bị cho là phạm pháp khi tổ chức thu mua cà phê đăng ngày 17/02 đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của công luận. Ban biên tập Y5cafe xin giới thiệu bài viết ngày 19/02 trên báo điện tử NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN.

Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho biết, Hội ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê để có sự cạnh tranh về giá, đảm bảo lợi ích cho nông dân trồng cà phê. Tới đây, Hội sẽ có văn bản góp ý với Chính phủ về vấn đề này.

cà phê arabica

Những ngày này, nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vui mừng bởi giá cà phê trong nước liên tục tăng, đạt mức cao nhất trong khoảng 14 năm qua (dao động từ 40.500 – 41.000 đồng/kg, thậm chí ngày 17.2, các đại lý ở Gia Lai mua giá 42.500 đồng/kg).

Một chuyên gia về cà phê ở Đăk Lăk cho biết, có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy giá cà phê tăng như hiện nay. Đầu tiên phải kể đến nguồn cung arabica (cà phê chè, chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới) eo hẹp trong năm 2010 và 2011. Tiếp đó, như một hiệu ứng, chỉ số giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng kéo giá cà phê lên. Việc USD giảm so với đồng euro cũng là một yếu tố khiến giá cà phê tăng mạnh.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác, hiện đang trở thành vấn đề gây tranh luận giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (doanh nghiệp trong nước) và nông dân trồng cà phê, là việc các doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức nhiều hệ thống thu mua trực tiếp cà phê trong dân.

Trên thực tế, sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài, với tiềm lực tài chính mạnh, đã tác động lên giá thu mua cà phê nội địa. Vì thế, trong khi người trồng cà phê vui mừng vì được giá thì doanh nghiệp nội khiếu nại các doanh nghiệp ngoại đã vi phạm luật pháp Việt Nam.

Lý lẽ của doanh nghiệp

Trong văn bản trả lời Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam (G20) về quyền hạn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào sản xuất chế biến, xuất khẩu và thu mua cà phê để xuất khẩu, Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đang vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Thông tư số 09/2007/TT – BTM ngày 17.7.2007 do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) ban hành. Theo đó, Thông tư 09 quy định: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu.

Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu thu mua cà phê xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng năm nay hoạt động thu mua trực tiếp trong dân của doanh nghiệp nước ngoài diễn ra dồn dập hơn. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp nước ngoài đang lập đại lý thu mua trực tiếp của nông dân trồng cà phê ở Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, với khối lượng vào khoảng 60% lượng cà phê trong nước.

Một số thành viên của G20 cho biết đang phải đối mặt với những khó khăn như thiếu vốn, lãi suất cho vay ở mức cao nên cạnh tranh không nổi với doanh nghiệp ngoại. Theo các chuyên gia cà phê, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nào đã bán khống trước đó với mức giá thấp, thì nay sẽ rơi vào cảnh giá càng tăng mạnh lỗ càng nhiều.

Nông dân muốn cạnh tranh bình đẳng

Ngược với doanh nghiệp, trên diễn đàn của người nông dân trồng cà phê (Y5cafe) tại địa chỉ www.giacaphe.com, các ý kiến đều mong muốn có sự cạnh tranh bình đẳng trong thu mua cà phê giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hãy để nông dân làm ra hạt cà phê được hưởng lợi chính đáng bằng cách tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh với nhiều thành phần kinh tế tham gia mua bán”, thành viên Bien Ho bày tỏ. “Nhớ vụ 2000 – 2001, chưa có doanh nghiệp nước ngoài thu mua trực tiếp, giá cà phê xô chỉ có 4.000 đồng/kg, nay giá lên tới 42.500 đồng/kg. Nói thế để chúng ta thấy rõ lợi ích của một thị trường có cạnh tranh lành mạnh của nhiều thành phần kinh tế”.

Thành viên Trần Ngọc Tích nói: “Hãy để buôn bán cạnh tranh công bằng. Việc mua bán giữa nông dân và doanh nghiệp nước ngoài là thuận mua vừa bán. Dĩ nhiên nông dân suy tính bán cho ai và với giá bao nhiêu mà người nông dân được hưởng lợi cao nhất!”.

Là nông dân, tôi không cần biết ông A là doanh nghiệp nước ngoài hay ông B là doanh nghiệp nội địa. Tôi chỉ cần biết ai mua giá cao, ai trả tiền liền… Mong nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện để nông dân có thể bán được giá sát với thị trường”, thành viên Hoàng nêu.

Một thành viên khác cho rằng, “nếu các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước và họ đóng thuế đúng và đủ cho nhà nước thì rõ ràng là ích nước lợi dân rồi”.

Y5cafe đã tổng hợp kiến nghị của người trồng cà phê về vấn đề này. Theo đó, nông dân trồng cà phê đề nghị Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09, theo hướng cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu được phép lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu và được trực tiếp mua hàng hóa của nông dân trực tiếp sản xuất và của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu.

Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài mới được trực tiếp tham gia thu mua cà phê của nông dân, nhờ đó, có sự cạnh tranh về giá, đảm bảo sự hợp lý, công bằng, bình đẳng, để nông dân trồng cà phê không bị chèn ép giá. “Thực hiện cơ chế thị trường cạnh tranh và bình đẳng là góp phần thực hiện mục tiêu người nông dân trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30% từ sản phẩm của mình làm ra như Nhà nước mong muốn”, Y5cafe nhấn mạnh.

Y5cafe cũng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chính thức lên tiếng vì lợi ích của nông dân trồng cà phê. Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Duy Lượng cho biết, Hội ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê để có sự cạnh tranh về giá, đảm bảo lợi ích cho nông dân trồng cà phê. Tới đây, Hội sẽ có văn bản góp ý với Chính phủ về vấn đề này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. minh triết

    Thương Hiệu Cà Phê Việt
    Có sao đâu khi đã hội nhập thì cho họ tham gia thì mới đúng chứ ?
    Có điều nhà nước và nhân dân phải có quan điểm ủng hộ DN nội nếu họ làm tốt. Vì thế chính phủ phải có tư duy chiến lược, hoạch định sự phát triển cho ngành cà phê và DN nội vươn nên khẳng định thương hiệu Việt. Đó là ý chí tự cường, tự tôn dân tộc.
    Còn các bác nông dân trồng cà phê thì cũng yên tâm ủng hộ DN nội nếu họ làm tốt thì vẫn hơn chứ. Vì hàng nội ngày nay chưa phải luôn luôn tốt, DN Việt Nam không phải là thua DN ngoại ( Nếu chính phủ quan tâm hỗ trợ vốn và lãi suất như các nước khác quan tâm tới DN của họ ).
    Nhưng có một điều là để thương hiệu cà phê Việt bay xa thì chỉ có thể là sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

  2. thành

    Điều này là tất nhiên. Người làm ra sản phẩm mà không có quyền gì thì họ làm ra sản phẩm đó làm gì, đúng không bà con. Một sản phẩm tốt là sản phẩm mà người làm ra nó phải có quyền hạn và phải có chút lợi nhuận thì họ mới cảm thấy hứng thú làm ra sản phẩm đó ngày càng tốt hơn được.

  3. Hoang van Nam

    Tôi ủng hộ quan điểm của tác giả. Cà phê làm ra bằng mồ hôi công sức của nông dân, nên phải được bù đắp chính đáng. Mong rằng cà phê lên để nông dân bớt khổ.

  4. nông dân quèn

    Tôi mong tất cả những bọn doanh nghiệp nội phải trả giá xứng đáng cho những năm chèn ép nông dân. Cứ như tình trạng này thì bọn nó lời hết tài sản của dân chứ còn gì. À phải chi mà tụi nó biết thân biết phận biết nâng giá cho bà con một chút thì bà con có coi nó như người nhà không.

  5. Nông dân nghèo

    Một trong những điều tai hại trong KD là không chịu mở mang đầu óc mà cứ làm theo bài lai. Hàng năm đến mùa thu hái thì giá cà phệ hạ thấp. Năm nay đầu mùa giá 35 tr./tấn thì ông Vicofa cho là cao và cho rằng phải xuống 30 tr./tấn, cứ thế ngồi đoán già đoán non rồi lại cứ đinh ninh là mình đoán chắc nên tuyên bố lung tung làm thiệt hại biết bao nhiêu cho những nông dân trồng cà yếu bóng vía, lo sợ giá xuống nên bà con chốt vội vàng cho đại lý thương lái hết. Bên cạnh đó, ông còn ký hợp đồng bán trước để lấy tiền mà tưởng chắc mình sắp lời to như những năm trước. Hởi ôi ! đau thương là cà không xuống 30 tr. như ý mấy ổng mà tiến thẳng lên 40 tr. Lúc này màn rượt đuổi bắt đầu diễn ra. Tôi nghiệm thấy y như bạn Kinh Vu đã phân tích trong bài này : https://giacaphe.com/8908/tim-hieu-tt-ca-phe-phan-4-ky-han-ban-khong-mua-don/
    Và bài này : https://giacaphe.com/8697/tim-hieu-tt-ca-phe-phan-4-nhung-tac-dong-xau-khi-gia-tang/
    Đến lúc này các ông bắt đầu kêu la mong nhà nước ra tay cứu vớt.
    Không thể giao số phận cà phê Việt trong tay những con người mang lối tư duy bảo thủ, cũ kỹ đó được nữa. Cần phải làm một cuộc đại phẩu thì ngành cà phê Việt mới phát triển, nông dân trồng cà phê mới sống được trong giai đoạn bão giá này!

      1. nguyen van An

        Chào bạn Dinhnhuong, tôi cũng ở Dakoa đây, nếu không có gì ngại bạn cho tôi số đt của bạn được không, tôi cũng là nông dân làm cà phê, có gì chúng ta trao đổi để học hỏi kinh nghiệm.
        Rất hân hạnh được làm quen với bạn

  6. Dang Tuan

    Đọc bài viết trên, tôi cảm thấy phấn khởi cho người nông dân nếu như điều đó thành hiện thực, khi đó người nông dân sẽ không còn lo bị doanh nghiệp thu mua ép giá. Chỗ tôi chỉ có mấy đại lí thu mua thôi vậy mà giá cả mỗi nơi một khác, có khi chênh nhau mấy giá con luôn. Tôi thiết nghĩ người nông dân sẽ thoải mái hơn khi có thêm sự góp mặt của các doanh nghiệp nước ngoài, hội nhập mà!

  7. Nhật Linh

    Mình mong là các doanh nghiệp nước ngoài được cạnh tranh công bằng có như vậy mới tạo ra thì trường cafe lành mạnh để bà con nông dân mình được hưởng xứng đáng với những gì mình làm ra

  8. thanh

    Đã gia nhập WTO thì phải có sự cạnh tranh chứ. Lâu nay doanh nghiệp trong nước cứ được nhà nước hỗ trợ vốn để mua nên quen rồi bây giờ thấy doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thì sợ mất phần chứ gì ? Các ông ơi ! ai mua cao thì nông dân bán thôi, chứ như lâu nay thì người nông dân chết mất.

  9. Nông dân CÀ

    Lâu nay đến bây giờ mới thấy bà con nông dân chúng ta cùng đồng cảm và lo lắng đến chung một vấn đề, đó là giá cà phê.
    Hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì việc “tối đa hóa lợi nhuận” là việc làm bình thường của các thành phần kinh tế. Người mua muốn mua với giá thấp nhất và người bán muốn bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên theo quy luật cung cầu, giá cả sẽ ở đúng vị trí của nó mà không lệ thuộc vào giá thành làm ra sản phẩm đó!
    Lúc này vai trò của Chính Phủ rất quan trọng!
    Nếu Chính phủ tạo được hành lang pháp lý đầy đủ và công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế vận hành đúng quỹ đạo thị trường thì nền kinh tế phát triển nhanh chóng và lành mạnh.
    Ngược lại, nếu Chính Phủ không dùng chính quy luật thị trường để định hướng và điều tiết thị trường mà dùng các mệnh lệnh hành chính nặng tính chủ quan để điều chỉnh thì thị trường sẽ bị biến dạng, nó có thể tạo được một số lợi ích trước mắt cho một nhóm nhỏ thành phần kinh tế nào đó, nhưng về lâu dài sẽ gây thiệt hại lớn cho xã hội.
    Người nông dân chúng tôi mong muốn nhà nước có những chính sách “hợp quy luật” để người nông dân chúng tôi không bị thiệt hại quá nhiều trong quá trình hội nhập hôm nay mà chính quá trình hội nhập là cơ hội tốt để nông dân chúng tôi góp phần làm giàu chính đáng cho gia đình và đất nước.

    1. Kinh Vu

      Lời của bạn Nông dân CÀ nói thật là chí lý, không hề Cà… chút nào cả, tuy nhiên có một điểm tôi nghĩ cần trao đổi mở rộng thêm một chút đó là vấn đề “tối đa hóa lợi nhuận” quả đúng là như vậy nhưng với xu hướng kinh doanh khôn ngoan hiện nay thì người ta đang đi theo cách làm sao cho bền vững để mọi bên cùng thắng, theo phương châm “anh có sống thì tôi mới tồn tại” không phải người ta tốt với đối tác đâu nhưng người ta “không tối đa hóa lợi nhuận bằng bất kỳ mọi giá”.
      Có lần tôi vào một tiệm bán cua nhỏ ở một nước ngoài, cua của họ bán rất ngon, rẻ, tuyệt về mọi mặt có điều toàn là cua đực, mà tôi (và có lẽ tất cả mọi người) thì rất thích cua có gạch (trứng), chúng tôi yêu cầu cua gạch thì chủ quán bảo rằng: “chúng tôi không bán cua gạch, nếu bắt được cua gạch thì chúng tôi thả xuống biển, vì nếu bán cua gạch cho các ông ăn thì 3 năm sau chúng tôi dẹp tiệm à” đồng ý thì ăn cua đực, chúng tôi cảm ơn, mà không thì thôi xin mời ông đến chỗ nào có cua gạch ấy.
      Khi về nhà tôi cứ suy nghĩ mãi về cách kinh doanh của cái quán nhỏ ấy.

  10. Gửi Anh Thịnh Còi; Anh Kinh Vu

    Anh Thịnh Còi Or Anh Kinh Vu có thể phân tích tình hình thị trường cà phê, cách quản lý tại các nước như Brazil; Indonexia để mọi người cùng biết được không ạ. Để mọi người có thể tham khảo và cùng nhau tham gia bàn luận định hướng cho sự phát triển của ngành cà phê VN.
    Mong nhận được phản hồi sớm nhất

    1. Kinh Vu

      Chào Bạn,
      Thật sự thì chúng tôi rất mong muốn đóng góp được điều gì đó cho bà con trồng cà phê, dĩ nhiên trong đó có chúng tôi, nhiều cũng tốt mà ít cũng tốt. Tuy nhiên vấn đề định hướng như bạn nói thì thật là không dám vì điều đó giống như là “cầm đèn chạy trước xe tăng” , hẳn là bạn cũng hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu mình lỡ chân vấp ngã.
      Tôi có lòng tin ngày nào đó các nhà hoạch định tầm cao sẽ tìm ra phương hướng thích hợp, hãy có lòng tin mà sống bạn à, các nước khác cũng thế thôi họ cũng phải trải qua giai đoạn bất cập để rồi từ đó sẽ có phương cách.
      Thôi hãy tạm bằng lòng với những cánh én hiện nay, tuy chưa qua khỏi mùa đông nhưng mùa xuân rồi sẽ đến.

  11. Nông dân tập sự

    hôm nay 22/2 , các đại lý ở Đak Đoa đã mua với giá 45.200 , mà sao theo bảng báo giá trên trang web chỉ báo với giá 43.800 vậy? nếu nói chênh lệch giữa các vùng thì cũng đâu chênh nhau xa dữ vậy?

  12. phùng hà nội

    Mình là một nông dân vui tính, mình rất hay đọc những ý kiến,thảo luận. Ý kiến của các bác viết thật hay,nhưng mình thấy ý kiến của NHẬT LINH rất hay, hợp với ý của mình vì “cạnh tranh công bằng là nền tảng của sự bền vững”.

  13. suin

    Chúng ta co nên hay không ?
    Thiết nghĩ, cho doanh nghiệp nước ngoài thu mua, thực sự sẽ nâng giá nhưng rồi cũng sẽ thành độc quyền mà lần này là người nước ngoài thao túng thị trường. Các doanh nghiệp VN không thể cạnh tranh bời nhiều nguyên nhân như mạng lưới thu mua, tỉ giá hối đoái, không giao dịch tại sàn cafe thế giới trưc tiếp …
    Các doanh nghiệp nước ngoài được quyền thu mua thì DNVN không thể cạnh tranh. Vậy làm sao, xây dựng lộ trình sao cho hợp lý, tại sao ta không tạo kênh giao dịch trực tiếp tại hai sàn cafe lớn của thế giới mà cứ phụ thuộc vào DNNN, đó mới là vấn đề cho đầu ra. Khi đó ta có cạnh tranh được hay không.
    Tôi nói thật, DNVN thật sự là rất tệ và chỉ biết có mỗi ao làng.

  14. cafe day

    Các bác nông dân bán hàng cafe rang xay thì lợi nhuận cao, làm gì còn nhân xô mà bán cho công ty nữa mà lo lắng đến cạnh tranh.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

93