Tin buồn

Bón các chất trung, vi lượng cho cà phê

Trên thực tế việc trồng cà phê ở Việt nam cho thấy, ngoài việc bón ba chất đa lượng cơ bản cho cây trồng như đã nói ở những bài trước, nhà nông cần phải quan tâm bón đủ các chất trung, vi lượng cho cây mới mong có một mùa cà phê năng suất cao, chất lượng tốt được.

Đối với vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên thì việc này cần phải chú trọng hơn nữa.

Xem thêm:

cham-soc-ca-phe
Bón các chất trung, vi lượng cho cà phê

Bên cạnh việc bón ba chất đa lượng cơ bản cho cây trồng là Đạm (N), Lân (P), và Kali (K), cây cà phê còn rất cần những chất trung, vi lượng khác nữa.

Đặc biệt đối với vùng đất Tây nguyên, nơi chuyên canh cây cà phê lớn nhất của nước ta, do đặc điểm của quá trình hình thành đất đỏ bazan nên các chất trung, vi lượng thiếu khá nhiều. Vì thế muốn tăng năng suất và chất lượng của cà phê thì bà con cần phải chú ý để bón bổ sung cho cây.

Qua thăm dò nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk, nhận thấy bà con ta vẫn chưa chú ý đúng mức về các chất trung, vi lượng và việc bón phân cũng không theo qui trình có tính khoa học mà theo kinh nghiệm, thói quen ước chừng hay giá cả thị trường là chính.

Đợt 1 bón phân đơn thì đợt 2 bón phân trộn và đợt 3 quay lại phân đơn, nghĩa là bón xen kẻ, thay đổi để “có chất này chất khác” một cách cảm tính. Vì thế bà con cần có nhận thức hợp lý và đúng đắn hơn.

1. Các chất trung lượng

Là những chất mà cây cà phê cần khá nhiều như Canxi (CaO), Magiê (MgO), Lưu huỳnh (S),

– Canxi (CaO) : Sau Đạm, Lân và Kali thì Canxi là chất cây cà phê hút nhiều nhất, do trong đất vốn có nhiều nên bà con ít chú trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng lượng Canxi cây lấy đi của đất gần gấp 3 lần Lân nên cần chú trọng bón trả để nâng cao độ pH, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Thực tế đất đai ở Tây nguyên lại rất nghèo chất Canxi và Lưu huỳnh.

Canxi được bón thông qua việc bón Vôi (Vôi từ đá vôi tốt chứa khoảng 90% CaO, Vôi sò chứa khoảng 50% CaO), phân Super Lân (chứa khoảng 30% CaO), phân Lân nung chảy (chứa khoảng 38% CaO).

Theo kinh nghiệm nếu đã bón phân đơn thì chỉ cần khoảng 300 – 400 kg vôi/ha/năm. Bón phân trộn thì nhiều hơn khoảng 1,5 lần.

– Magiê (MgO) : rất cần cho sự quang hợp, chuyển hóa dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng mạnh mẽ, xanh tốt, trái to, chắc hạt, chống chọi tốt với mùa khô hạn. Cây hấp thu khá đáng kể, cần khoảng bằng một nửa Canxi.

Magiê được bón thông qua bón phân Lân nung chảy (chứa khoảng 18% MgO), Dolomite (chứa khoảng 10-18% MgO), Magiê Sulphate (chứa khoảng 15% MgO).

Theo những nghiên cứu và kinh nghiệm thì cần bón từ 60 – 80 kg MgO/ha/năm là đủ.

– Lưu huỳnh (S) : Thiếu Lưu huỳnh sẽ gây ra bệnh bạc lá và làm giảm năng suất, chất lượng cà phê rất rõ. Lượng Lưu huỳnh cây cà phê hút rất thấp so với các chất trung lượng khác nhưng rất cần thiết. Do đất Tây nguyên quá thiếu nên phải chú ý để cung cấp.

Theo những nghiên cứu và kinh nghiệm thì cần bón khoảng 40-60 kg S/ha/năm là đủ.

Lưu huỳnh được bón thông qua phân Đạm SA (Sulphate Amonium – chứa khoảng 24% S), phân Super Lân (chứa khoảng 14% S), phân Lân nung chảy (chứa khoảng 12% S) hoặc trong một số phân trộn có chứa hàm lượng S.

Đối với các chất trung lượng, ta thấy Canxi và Magiê là 2 chất ít bị rửa trôi hơn Lưu huỳnh và mức bón, tùy theo năng suất cà phê, như dự kiến ở trên đã gồm cả sự tiêu hao và hệ số hấp thu của cây.

2. Các chất vi lượng

Là những chất cây cà phê cần rất ít như Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Bo (B), Mangan (Mn), Molipden (Mo), Sắt (Fe), Clo (Cl)…

Đối với các chất vi lượng thì mỗi năm nên phun cho cà phê 4-5 lần dung dịch chứa Axit Boric (0,3%) và Kẽm Sulphate (0,6 – 0,8%). Đồng (Cu) được bón dưới dạng thuốc trừ bệnh rỉ sắt Oxychloride hay Đồng Sulphate trộn nước Vôi phun để trừ sâu là đủ cho nhu cầu của cây. Các chất khác được xác định là cần thiết nhưng luôn sẵn có dồi dào trong tự nhiên, không cần phải bón cho cây.

Ngoài phần cây hút, ta còn cần phải bù đắp cả phần mất đi do rửa trôi, xói mòn, bay hơi hoặc do các quá trình hóa học khiến các chất này không còn nằm chung quanh vùng rễ cây hấp thu được. Để bảo đảm canh tác bền vững thì mức bón tối thiểu phải bù đắp đủ sự hao hụt của các chất này trong đất.

>> Chia làm nhiều đợt bón phân cho cà phê

Nguyễn Vịnh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. toancafe

    Bác Vịnh cho em hỏi :Sao các đại lý phân bón ở Đắc lắc không bán phân DAP hay là phân này không phù hợp cho cà phê?
    Em hỏi vậy vì nhà hay bón phân đơn tự trộn. Nếu bón lân riêng thì phải tốn thêm một lần công. Muốn trộn đủ thành phần em hay dùng NPK có lân 16 nhưng không yên tâm về hàm lượng của các loại phân này. Bác cho em một lời khuyên.

    1. Nguyễn Vịnh

      1.Trước đây phân DAP đưa về Đak Lak được tiêu thụ nhiều trong các nông hộ chuyên sản xuất rau xanh. Vì giá quá cao (gần gấp đôi ure) nên không được bà con trồng cà phê đón nhận, lâu dần trở thành thói quen.
      Thử so sánh đơn giản giữa DAP với Urê + Lân bạn sẽ hiểu ngay.
      Nói nhỏ thêm : Bón phân cho cà phê thường nhờ trời mưa hòa tan. Dùng DAP mà trời chưa mưa, bay hơi hết thì xót lắm (vì mắc tiền mà!).
      2.Mong bạn đọc thật kỹ bài viết trên, sẽ biết sự khác biệt khi bón Lân trộn sẵn trong NPK với bón Lân đơn. Còn yên tâm hay không thì khó bàn được vì có quá nhiều yếu tố. Nhưng chi phối tất cả là niềm tin của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu hàng hóa đã chọn. (mình cũng đã đặt nhiều niềm tin nhưng rồi cũng đã thất vọng lắm nên không biết phải khuyên thế nào! xin thông cảm)

  2. toancafe

    Cám ơn bác, em hỏi vậy vì nhà hay bón phân đơn tự trộn. Nếu bón lân riêng thì phải tốn thêm một lần công. Muốn trộn đủ thành phần em hay dùng NPK có lân 16 nhưng không yên tâm về hàm lượng của các loại phân này. Bác cho em một lời khuyên.

  3. Nông Văn Dân

    Gửi anh toancapfe. Văn Dân tôi cũng hay trộn phân đơn để bón, có nhiều cái lợi. Thứ nhất là tùy vào cây cà phê của nhà mình mà điều chỉnh hàm lượng NPK, thứ hai rẻ hơn phân NPK của các nhà máy, thứ ba ít bị phân giả hơn. Còn phân trộn thì anh không nên trộn lân với ure,Sunfat-kaly vì nó sẽ xẩy ra phản ứng hóa học làm giảm lượng đạm.
    Trong khi anh có được mấy cái lợi, chỉ tốn chút công bỏ mà đã sợ rồi .
    Chúc anh vụ mùa bội thu !

  4. nguyen van kiep

    Mình đang mua đất trồng ca phê ,nên muôn hỏi một số chuyên da trồng và cách chăm sóc capfe? xin cám ơn.

    1. Nguyễn Vịnh

      Hòa Thuận thân.
      Mấy hôm nay bận nhiều việc nên trả lời có chậm, thông cảm.
      Bình Điền có sản phẩm ” Phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+ “, có thành phần Nitrogen (N): 46% + Agrotain. Cty quảng cáo tiết kiệm được 20-25% lượng bón so với Urê. Màu vàng là do hoạt chất kích thích sinh trưởng và chất chống bay hơi (chậm tan) Agrotain tạo ra. Còn hiệu quả thì chưa dùng nên không rõ. Vậy nhé.

  5. hài hước

    Bạn Hòa Thuận,
    Mình nghĩ Bình Điền chiết xuất từ mấy người bệnh gan thận đó bạn ạ. Hay từ mấy ngưới uống cà phê buổi tối, thức khuya không ngủ được nên nó có màu vàng.
    Chứ mình thấy urê của các nước trên thế giới và ngay cả nhà máy Đạm Phú mỹ cũng một màu trắng hơi trong thôi. Hay là trình độ Đạm Phú Mỹ chỉ có thế?
    Nhà mình ở gần nhà máy này ở LĐ, mình thấy toàn đất núi không à!

  6. Nguyễn Vịnh

    CHÚC MỪNG các đơn vị vừa nhận giải thưởng SAO VÀNG ĐẤT VIỆT NĂM 2010 :
    1. Phân Đạm Phú Mỹ.
    2. Phân Đạm Hà Bắc.
    3. Phân bón Năm Sao.
    4. Chi nhánh Đầu Trâu – Lâm Đồng.
    5. Nhà máy Vinacafe Biên Hòa.

  7. CHU DUC THIEN

    Bác Vịnh kính mến.
    Tôi muốn hỏi bác về phân dành cho rau ở khu vực Lâm Đồng. vì trong LD lượng rau rất nhiều cung cấp không những cho địa phương mà còn cả xuất đến các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội…
    thưa bác! phân bón lá đa trung vi lượng dạng lỏng mình cần bón thế nào cho đúng quy trình kỹ thuật? các loại rau xanh, cà chua, các loại cải … có cần loại phân này không. cách sử lý đất trước khi trồng? em xin cám ơn bác nhiều.

    1. Nguyễn Vịnh

      Bạn nên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” có ghi rõ trên các loại bao bì đựng sản phẩm. Thân ái.

  8. phạm Thanh Bình

    Bón phân hóa học cho cây cà phê, theo kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các bạn hạn chế sử dụng phân NPK trộn sẵn với các lý do sau:
    A. Chọn hàng:
    1. Tiết kiệm được chi phí công trộn của NPK.
    2. Loại trừ được NPK giả vì thị trường hôm nay quá nhiều nhiểu nhương, thật giả lẫn lộn.
    3. Phân đơn khó bị giả vì nó thuộc tinh thể, như Ure, Sulfat, Lân, Kali…nếu giả thì dễ phát hiện hơn.
    4. Ure nên xài Đạm Phú Mỹ, vì nó tốt hơn Ure Quata hoặc thuộc LX cũ… (Hạt trắng tinh tròn đều và khô rời, chế tạo tại chỗ với công nghệ hiện đại, không phải vận chuyển dài ngày từ nước khác đến. Do đó chất lượng còn được giữ nguyên hơn, cho dù hơi đắt hơn một chút, khoảng 10 – 20 ngàn đ/100kg.)
    5. Sulfat thì nên chon Sulfat có xuất xứ từ Nhật hoặc Hàn quốc được đóng gói tại VN, hạt lớn, dều và đặc biệt khô ráo, hạt rơi giòn đều từ tay xuống. (Đặc biệt không dùng hàng xuất xứ từ Trung quốc, hiệu quả kém rõ rệt so với các chủng loại khác, không tham rẻ mà mất cả chì lẫn chài.)
    6. Kali nên chọn hàng Canada, hạt lớn, đều, khô ráo, dù đắt hơn chút đỉnh.
    7. Lân Văn Điển hoặc Ninh Bình đều tốt, sản phẩm có trung vi lượng kèm theo.
    B. Cách bón:
    1. Bón phân theo kinh nghiệm thì 150kg các loại phân (3 bao) cho 1 sào (1000m2) cho 1 năm kể cả mùa tưới (tùy vùng).
    2. Tùy theo tình hình đất mà chọn tỉ lệ Đạm – Lân – Kali cho phù hợp.
    3. Đạm có thể 50% là Ure và 50% là Sulfat vì sulfat có lưu huỳnh rất cần cho cây cà phê.
    4. kinh nghiệm đất đỏ Bazan cần bón Đạm khoảng 80-100kg trong tổng số 150kg các loại như nói ở trên.
    5. Bạn nên chịu khó lấy công để bón phân theo cách sau:
    6. Bón Lân bạn bón riêng, không trộn với phân khác. Kali có thể trộn với đạm và bón ngay.
    7. Tất cả lượng phân bạn chia ra bón nhiều lần trong năm, kể cả mùa tưới, không nhất thiết là 3 hoặc 4 đợt (càng nhiều lần càng tốt).
    8. Kinh nghiệm tôi đạt được là bón chia ra nhiều lần. 10-15 ngày bón 1 lần, liên tục theo các đợt mưa trong năm. Cây xanh tốt quanh năm. Nếu cây nào phát triển yếu hơn các cây khác mà không do bệnh thì nên tăng cường phân hơn các cây khác. Như vậy mỗi lần bón một ít thôi.
    9. Nên nhớ Đạm rất quan trong trong cơ cấu tỉ lệ phân NPK.
    10. Khi hái cà phê chín nhưng cành là vẫn xanh tốt thì đạt, hứa hẹn một vụ tốt cho năm kế tiếp.
    11. Tưới cà phê cũng bón phân theo tổng lượng phân cho 1 năm như nói ở trên, trừ tưới đợt đầu không bón phân, cây cà phê sẽ bị sốc (shock) phân do đang khô hạn. Tưới không cần không cần nhiều nhưng tưới nhiều lần. Tưới đợt đầu cần tưới đẫm hơn.

    1. hoathuan

      tui thật ưng ý của bác , quá cụ thể , không bác học, chắc ai đọc xong cũng hiểu được,
      tui hỏi thêm bác 1 chuyện : chọn thời điểm tưới lần đầu tiên cho cây ra hoa: ra hoa tập trung nhưng không ép cây khô quá? và nhà bác tưới 2 lần cách nhau mấy ngày? vườn cafe của bác ở đâu vậy? Mong bác hồi âm !!!

    2. Xuân Phương

      Sao lại bón nhiều Ure thế bác Bình. Đất bazan mà bón như thế thì chỉ vài năm nữa là chai đất, bạc màu, cafe nhiều bệnh, đặc biệt là hỏng hết bộ rễ.

  9. NGUYỄN XUÂN HOÀN

    bác vịnh ơi ,cho em hỏi là phun thuốc kích thích cho cây cà phê .để có năng suẩt cao thì mình nên dùng loại nào và mua ở dâu , em hoàn ở kbang gia lai chào thân ái

    1. Chau Phong

      Thực ra việc phun thuốc để kích thích cho cây cà phê ra hoa nhiều là có. Tuy nhiên, đó không phải là chất kích thich mà thực chất là chất điều hòa sinh trưởng. theo mình được biết thì chát này là GA(gibberellic acid). Chất này có tác dụng kích thích sự phân chia tế bào mầm hoa, dẫn đến nụ hoa tăng trưởng. Đồng thời giúp cho ống phấn mọc dài ra, làm tặng sụ thụ phấn, đậu quả và ngăn chặn, giảm bớt rụng quả. Ngoài ra, GA còn làm cho quả chín đồng đều hơn. Nên phun trước khi hoa nở khoảng 7 – 10 ngày, với liều lượng khoảng 100mg/l.
      Trên đây là những lý thuyết mà mình tham khảo được, còn hiện nay mình không có dùng bất kỳ chất kích thích ra hoa nào cả. Và chất này hiện mình, cũng không biết ở VN có bán không, và có thì ở đâu bán.
      Tuy nhiên, việc ra hoa và đậu trái ở cây cà phê còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: chăm bón, kĩ thuật tỉa cành, thời điểm ra hoa(mưa hay nắng), các loài côn trùng như ong, bướm, rồi kể cả loại, giống cà phê nữa,.. nên để năng suất cao thì bạn cần phải chú trọng kĩ thuật chăm bón hơn là trông chờ vào các chất kích thích(nhiều chất bị cấm đấy bạn).

  10. Chau Phong

    em cũng vùa mới biết đến trang web này gần đây, thấy nội dung hay và khá bổ ích cho dân trồng cà phê, đặc biệt là phần giá cả được cập nhật liên tục. Hôm nay đọc bài này thấy các bác bàn về việc chon và bón phân cho cà phê khá là hay nên em cũng muốn góp chút kinh nghiệm của gia đình mình để các bác cùng tham khảo.

    Trước đây nhà em cũng đã tùng bón cả phân đơn trộn lẫn phân NPK cả trong nức lẫn phân Phi thấy cây đều phát triển như nhau, có khác nhau thì cũng không đáng kể( mà có khi là do đất mỗi chỗ mỗi khác cũng nên). Hơn nũa khi bón thì thường cà phê đâm nhiều chồi, xương cà, cành tăm tỉa rất mất công mà lại còn chóng hết hơi phân. khi hết hơi phân thì các bác cũng biết cây cà sẽ xuống sắc, vàng lá rụng trái nhu thế nào rồi. Hai, ba nam gần đây nhà em chuyển sang bón kết hợp phân hữu cơ vi sinh thấy hiệu qủa hơn hẳn, lại giảm được lượng phân vô cơ phải bón. Cây cà phê thì khỏi phải lo luôn, cây giữ màu xanh bền hơn, ít rụng trái. lượng cành tăm ít, chỉ tập trung vào cành tơ có khả năng cho trái là chủ yếu. Nhà em mới vùa hái xong cà phê Moka được mấy ngày, năng suất hơn hẳn, mà đặc biệt là hái xong mà cây vẩn xanh đen luôn.

    thường thì nhà em hay kết hợp bón thêm một số chế phẩm vi sinh diệt sâu bênh như nấm trichodesma,.. và bón thêm vôi bột( rắc cả lên thân và lá cũng không sao) nên sâu bệnh, rệp sáp không có. kiểm tra đất thì thấy lượng giun nhiều hơn hẳn.

    các bác có thể kết hợp làm biogas trong chăn nuôi, nước thải từ biogas thì có thể dùng để ủ lẫn với vỏ cà phê, trấu, vỏ bắp,… để làm phân bón thì tuyệt vời.

    1. trần văn chiều_gia lai

      Chào bác Châu Phong, bác cho e hỏi bác ở đâu vậy? Bác bón phân vi sinh loại nào? Chứ ở cạnh nhà e, e thấy phơi 1 đống đất to tướng hỏi ra mới biết để làm phân vi sinh. Có bác nào biết tỉ lệ đất trong phân vi sinh là bao nhiêu% cho e biết giùm, e xin cảm ơn.

  11. đinh hồng hải

    Chào tất cả các bác, cho em cùng tham gia vào diễn đàn với nhé. Xin hỏi bác Phong ở vùng nào vậy, bác có thể nói rõ hơn là phân vi sinh mà bác bón là loại phân gì vậy, tỉ lệ bón là bao nhiêu kg một gốc.
    Nhân tiện xin hỏi các bác một câu thế này, trên thị trường hiện nay phân bón lá tràn lan, các bác nào biết loại nào tốt, có uy tín thì xin giới thiệu giùm.

  12. Hamon

    Bác Châu Phong cho e hỏi: Bác bón phân hữu cơ vi sinh gì vậy, chi phí co cao hơn không? theo e được biết phân hữu cơ vi sinh phải bón nhiều mới có hiệu quả .

  13. vũ hà

    Trước khi bón phân hóa học, nông dân ta hay cào lá ra khỏi bồn.
    Vậy bạn nào phân tích xem tác dụng của công đoạn này đối với cây cà phê.
    Tôi trồng mười mấy năm nay mà chả bao giờ cào rác ra khỏi bốn khi bón phân.
    Vậy đúng hay sai?

  14. Phạm Hùng Sơn

    Bạn Vũ Hà thân mến! Tôi cũng là dân cà phê, đã 4 năm nay tôi bón phân đơn và THỰC HIỆN BÓN LẤP. Tôi không cào bồn, chỉ bón lấp thôi. Bón lấp rất có lợi, bón ít nhưng có tác dụng nhiều: Đỡ chi phí mua phân, cây xanh tốt được lâu. Bà con nông dân mình thường không thấy những cái mất vô hình (lượng hao hụt, bay hơi, trôi…) rất lớn của phân khi bón nổi mà chỉ thấy chi phí hơi nhiều (nhân công) của bón lấp (lượng chi phí này so với lượng hao hụt của phân là rất nhỏ). Mấy lời chia sẻ cùng bạn. Thân!

    1. HoaThuan

      Một kinh nghiệm nhỏ.
      Phân vi sinh là tốt với điều kiện: phụ gia phần lớn phải là các chất tạo mùn ( các chất sau khi bón 1 thời gian tự tiêu hủy được và khi đó nó tạo mùn cho đất, nên phải là các chất có nguồn gốc thực vật như vỏ cafe , lá cây “ép xanh” , rác hữu cơ…bằng cảm quang bác có thể nhận ra được, ( có chút kinh nghiệm thì tốt hơn). nếu đúng như vậy là phân tốt, hiện tại phân VI SINH kém chất lượng phụ gia là ĐẤT, LOẠI NÀY ĐỪNG BÓN PHÍ TIỀN.
      1 ý kiến nhỏ của 1 nông dân “tỉnh táo”

      1. Nguyễn Vịnh

        Đính chính cho “tỉnh táo” hơn nữa : trong kỹ thuật sản xuất phân vi sinh thì ko gọi là phụ gia mà gọi là chất mang, nghĩa là chất sẽ mang vi sinh vật hữu ích sau khi làm ra chế phẩm (sản phẩm được bào chế hay chế biến mà có).
        Chất mang là nguyên liệu chính để sản xuất phân vi sinh, chủ yếu là chất hữu cơ, tạo mùn (còn phụ gia là chất ko chính, chất thêm vào như vôi, lân, mật đường…) . Giá trị chính của phân hữu cơ vi sinh là do dưỡng chất có trong các loại nguyên liệu này. Ví dụ vỏ cà phê chắc chắn có nhiều dưỡng chất hơn trong xác bả nông sản khác bị thải loại ra như vỏ trái nhãn, vỏ cùi bắp, rau xanh, hay trong cây cỏ thường làm phân xanh.
        Khi thành chế phẩm thì tất cả chất mang đã biến thành mùn hết rồi, mới được đem đi bón Hòa Thuận ạ!
        “tỉnh táo” rồi hè.

      2. hoathuan

        cảm ơn bác nhiều, lên diễn đàn mới biết kiến thức mình còn quá giới hạn, lâu nay cứ tưởng…..,

    2. Hoà Bình

      Theo như bình luận thì các bác đang ám chỉ phân hữu cơ làm bằng phương pháp ủ men vi sinh chứ không phải là phân vi sinh.

      Phân vi sinh là loại phân chủ yếu chứa vi sinh vật có lợi. Bón phân vi sinh chủ yếu là bón vào trong đất các vi sinh vật có lợi nhằm phân giải các dưỡng chất khó tiêu thành dễ tiêu ví dụ: vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật phân giải xen-lu-lô (vỏ cà phê), vi sinh vật cố định đạm, v.v. Phân vi sinh có thể có tỷ lệ đất nhất định và chất hữu cơ với tỷ lệ dinh dưỡng và độ ẩm phù hợp để tạo điều kiện tự nhiên phù hợp cho các vi sinh vật có thể sống được.

      Phân vi sinh tốt là phân có chứa lượng lớn vi sinh vật còn sống chứ không phải chứa càng nhiều chất hữu cơ càng tốt; do vậy bác chọn hãng sản xuất uy tín và phân mới sản xuất là tốt nhất. Khi bón nhớ bón vào mùa mưa và bón lấp là tốt nhất. Không được trộn với phân hoá học.

  15. Nguyễn Vịnh

    Xin trả lời bạn như sau : Trả lời câu hỏi của “Ai là triệu phú?” trên VTV3 còn dễ hơn trả lời câu hỏi của bạn.
    -Phân vi sinh có giá thành bình quân dưới 2 triệu/tấn. Nhưng phí vận chuyển đội giá thành lên quá cao làm cho nông dân chưa mặn mà lắm, nhất là phân của những nhà máy quá xa, phí vận chuyển nhiều. Nên sản phẩm này thường có tính địa phương cao.
    Cả nước có hơn cả trăm cơ sở SX phân vi sinh xuống đến cấp huyện, HTX địa phương. Ban đầu cũng tạo được uy tín. Về sau nguyên liệu khan hiếm, nên cho ra những lô hàng kém chất lượng làm bà con nghi ngờ và quay lưng. Bạn nên căn cứ vào xác bả hữu cơ (tức nguồn nguyên liệu) để làm phân mà nhận định.
    Trong phạm vi DakLak hiện nay bà con dùng nhiều “AMI-AMI”, còn “Sông Gianh” đóng cửa rồi. Các nhãn hiệu khác có ghé một đôi lần rồi biến mất (do xa xôi nên giá cao, bà con không mặn mà chăng?)
    -Phân bón lá trước đây tôi thường dùng “KOMIX”, gần đây đang dùng thử “Trí Việt”.
    Xin nhắc bạn và bà con về thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan hiện nay làm cho câu hỏi của bạn rất khó trả lời. Nhãn hiệu hôm nay được bà con, báo chí khen thì ngày mai đã có hàng giả, hàng kém rồi (hơn 80%, kể cả những thương hiệu lớn, từng được nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu).
    Ví dụ ban đầu tôi tính giới thiệu cho bạn vi sinh ở Bảo Lâm, ở Long An nhưng chưa kịp thì đã có tin mới bị tòa phạt, hay bón lá Th.H. được bà con DakNông chuộng thì lại biết cơ quan CA đang mời lên làm việc… quá nhiều bạn ạ! Nên mong bạn và bà con thông cảm cho.
    Thị trường phân bón quả là khốn nạn cho bà con!

  16. Nguyễn Ngọc Lan

    Xin mạn phép đươc giới thiệu cùng bạn đọc một loại phân vi sinh.của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên, Ngọc lan đã và đang sử dụng Phân hữu cơ sinh học Eakmat của cơ quan để bón cho cây cà phê, cây ăn quả, cây cảnh của gia đình nhận thấy cây xanh tốt, và năng suất không thua kém gì phân vô cơ. Địa chỉ liên hệ: Công ty TNHH Dinh dưỡng cây trồng Eakmat , Thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột. ĐT: 05003832299; Fax: 05003832277; email: [email protected] (ghi chú: địa chỉ này ghi trên bao bì)

    1. Hồng Tú

      Cần minh bạch hơn:
      -Bình thường phản hồi của bạn nhiều lý lẽ mà chỗ này sao có vẻ tù mù vậy?
      -Bạn đang sử dụng phân vi sinh của Cty TNHH Dinh dưỡng cây trồng Eakmat ở Hòa Thắng, hay là một loại phân vi sinh của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên, hay là Phân hữu cơ sinh học của cơ quan có tên là Eakmat?
      -Bạn có thể cho biết địa chỉ nào bán ở Đak Nông? Cám ơn bạn.

      1. Hồng Tú

        Vậy là 2 Cty khác nhau !
        Sao mà cái từ Êa K’Mat này có nhiều anh ăn theo nhỉ? Phân vi sinh và phân hữu cơ sinh học khác nhau thế nào? loại nào sử dụng để bón cho đất bạc màu, đất bón quá nhiều phân hóa học? Xin bạn cố gắng giúp cho. Cám ơn nhiều !

  17. Nguyễn Ngọc Lan

    Thân gửi bạn Hồng Tú, Công ty TNHH Dinh dưỡng cây trồng Eak mat chuyên sản xuất Phân hữu cơ sinh học, tên thương mại là Phân hữu cơ sinh học Eakmat. Khác với Phân vi sinh do công ty TNHH một thành viên Eakmat sản xuất. Hai công ty TNHH này đều trực thuộc viên Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, đều đóng trên địa bàn thôn 10 xã Hòa Thắng. Bạn có thể email hoặc điện thoại. Mình sẽ cố gắng hỏi giúp bạn. Thân chào nhé. Ngọc Lan

  18. Nguyễn Ngọc Lan

    Nhìn chung phân hữu cơ sinh học và phân vi sinh giống nhau về cách ủ.:cơ chất chủ yếu là đất bùn, phân bắc, men vi sinh. Chỉ khác nhau về cách phối trộn. Phân hữu cơ sinh học theo Ngọc Lan thì tốt hơn phân vi sinh vì hàm lượng đa lượng, trung vi lượng trong phân hữu cơ sinh học cao hơn phân vi sinh. Bạn có thể làm thí nghiệm qui mô nhỏ để xác dịnh loại nào tốt hơn nhé.

  19. DVN

    Ông Cục trồng trọt định nghĩa các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ với những tên gọi rất lơ mơ , trừu tượng và đôi khi không rõ ràng . Có khoảng chục lọai khác nhau được định nghĩa nhưng có 3 loại sau đây là phổ biến . DVN giải thích để bà con không bị nhầm lẫn về mặt ngôn từ .
    1/Phân hữu cơ sinh học .
    Là lọai phân dùng công nghệ sinh học để sản xuất , quá trình biến đổi chất chỉ diễn ra ở khâu sản xuất (Sau khi vào bao hay bón xuống ruộng các chủng vi sinh không họat động nữa).
    2/Phân hữu cơ vi sinh .
    Là lọai phân cũng dùng công nghệ sinh học để sản xuất nhưng khi vào bao hay bón xuống ruộng phải có ít nhất 1 chủng vi sinh vật có ích còn sống và họat động . Có ích ở đây được hiểu là chúng có thể phân giải các chất dinh dưỡng trong phân hoặc trong đất hoặc tiêu diệt 1 số loài sâu bệnh giúp cây trồng phát triển tốt hơn .
    3/Phân vi sinh .
    Lọai này Cục trồng trọt định nghĩa giống như phân hữu cơ vi sinh , chỉ khác về ngôn từ ,thay vì câu”có ít nhất 1 chủng vi sinh vật ” thì họ dùng câu “có 1 hoặc nhiều lọai vi sinh vật “. Trời ơi các bạn thử suy nghĩ xem 2 câu đó khác gì nhau . Các bạn vào web cuctrongtrot.gov.vn mà đọc , tôi tin rằng đến các nhà sản xuất phân bón còn lẫn lộn về ngôn từ huống chi là nông dân .

  20. xuan phuong

    Tôi là một nông dân ở Đăk Nông. Thấy diễn đàn này thú vị, bổ ích quá, tôi muốn được tham gia. Vườn cafe của tôi mấy năm nay năng suất kém hơn trước, tôi nghi là nấm rễ. Bỏ phân nhiều mà cây không xanh tốt, bỏ nhiều loại thuốc nấm mà không cải thiện được là mấy. Đặc biệt là ra hoa đậu quả nhiều nhưng cứ lớn lên là quả không đậu được bao nhiêu. Xin các vị cho tôi một lời khuyên nên dùng loại thuốc nào để trị được.

  21. Nguyễn Ngọc Lan

    Thân gửi bạn Hồng Tú các địa chỉ tại Đăk nông có các Đại lý bán phân hữu cơ sinh học Eakmat:: Đại lý Phương Đông – xã Nhân cơ – DakRlấp – Dak nông; Đại lý Vĩnh Thái DakRlấp – Dak nông; Đại lý Hồng Ngọc Dak song; Mai Thành Dak mil. Theo Ngọc Lan đây là các địa chỉ đáng tin cậy vì rõ ràng nguồn gốc xuất xứ.

  22. ngô tiến kiên

    Chào bác Nguyễn Vịnh: tôi mới trồng cà phê được 03 năm nên kinh nghiệm chưa có, mong bác tư vấn và chia sẽ hình ảnh chỉ các bệnh thường gặp trên cây cà phê do thiếu các chất trung, vi lượng.

    1. Nguyễn Vịnh

      Chào bạn.
      Thiếu dinh dưỡng thường làm cho thấp bé nhẹ cân. Vậy, thấp bé nhẹ cân là biểu hiện chứ không phải là bệnh. Cây thiếu chất dinh dưỡng trung vi lượng thường biểu hiện như lá không xanh mướt mà hơi vàng hoặc bạc màu, lá nhỏ và hay xoăn lại, cành lá chậm phát triển, khả năng đâm chồi thụ phấn kém, quả chậm lớn, hạt nhỏ hẳn, làm cho năng suất giảm sút. Phải bổ sung trung vi lượng cho cây qua phân bón.
      Thị trường hiện nay có nhiều loại phân bón thế hệ mới, chứa đựng nhiều thành phần dinh dưỡng, như phân hữu cơ sinh học Biogel+Biosol chẳng hạn. Sử dụng phân này vừa bổ sung dưỡng chất cho cây vừa giúp cây tự cân đối dinh dưỡng, khỏi phải lo thiếu trung vi lượng. Thân

  23. Dothang

    Bac vinh cho e hoi dongcu co tron duoc voi cac chat khac ko
    Bác Vịnh cho em hỏi dong cu có trộn dược với các chất khác không?

  24. nắng nam tây nguyên

    Chào Chú Vịnh.
    Cháu muốn hỏi một chút. Nhà cháu có 3ha cà. Nhưng 1,3ha trồng trên đất đỏ, còn hơn 1,7ha lại là đất trắng. Mọi năm cháu bón phân trên 2 phần đất tính trên mỗi gốc là như nhau. Vậy cháu có nên thay đổi cách bón hay không vì cà vùng đất đỏ mau tạo tán nhưng cũng mau bị vàng nếu ko đủ phân hơn là đất trắng.
    Phân cháu bón là phân tự trộn, gồm ure, kali, lân và trung lượng, vi lượng.

  25. Chùa Bộc

    – Vì tính chất của 2 loại đất khác nhau, nên chế độ bón phân cũng khác nhau. Đất đỏ Ba-zan có cấu trúc rất tốt, nhưng lại nhiều oxit sắt nhôm do đó đất thường chua/rất chua. Tính chất này làm các chất hay bị cố định và có xu hướng ở dạng khó sử dụng hơn với cây trồng. Đất trắng (xám), có cấu trúc kém nhưng thường trung tính hơn nên các chất thường ở dạng dễ sử dụng hơn và dễ bị rửa trôi.
    – Để xác định chế độ bón phân cho nhà bạn, cần xác định rõ: Hàm lượng hữu cơ trong đất, độ chua của đất (pH), tình trạng dinh dưỡng. Đặc biệt, yếu tố quan trọng không kém là tình trạng vườn cây cà phê như: Năng suất, sự sinh trưởng và phát triển, năm tuổi, tình trạng sâu bệnh hại, chế độ che bóng chắn gió, độ dốc,v.v..

  26. thanh oai

    Bác vịnh em hỏi là phân trung vi lượng có thể trộn với urê va kali được không vạy..em làm và phê dùng phân đơn để trộn ..bón riêng nhiều công quá.

  27. Thuytrang

    Ngoc lan, cty Ekamat mà bạn giới thiệu vừa bị phạt 160.000.000 đó. 13 công ty phân bón vừa bị phạt bạn có thể tham khảo lại đi.

  28. Đỗ văn thắng

    Cháu muốn hỏi chú Vịnh và mọi người, cháu trộn đạm, kali, sa với các chất trung vi lượng như kẽm, magiê, đồng trộn tất cả với nhau có phản ứng gì ko ah. Cháu xin cảm ơn chú và mọi người.

    1. Nguyễn Vịnh

      Chú khuyến cáo, không nên tự ý phối trộn theo các công thức tràn lan trên net, rất nguy hiểm. Bất kỳ các chất hóa học khi phối trộn với nhau đều xảy ra phản ứng, không loại trừ những phản ứng nguy hiểm không lường trước… như cháy nổ. Đó là công việc của giới chuyên môn.
      Đã rất nhiều tai nạn xảy ra >> https://baomoi.com/vu-no-kinh-hoang-o-cty-phan-bon-quan-12-tphcm-vi-pham-nghiem-trong-ve-an-toan-lao-dong/c/17998359.epi
      Thân

  29. nguyen tay

    Xin chào các bậc tiền bối ! Em ở Gia Lai vừa mới mua lại rẫy café nên loay hoay chưa biết bón phan gì đầu tiên vào mùa khô này, và sau mùa khô đến mùa mưa thì bón phân gì? Rất mong sự giúp đỡ cũng như sự sẻ chia của các bậc tiền bối giàu kinh nghiệm. Em xin thành thật cám ơn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89