Nông dân lên sàn giao dịch cà phê

Khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào sáng ngày 11-12 và dù các thành viên đăng ký giao dịch cà phê qua Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột mới chỉ có 10 doanh nghiệp và 2 hộ nông dân nhưng rồi đây, nông dân trồng cà phê ở Dak Lak và cả Tây Nguyên, thủ phủ cà phê Việt Nam có thể tham gia mua bán cà phê qua sàn này.

Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột
Lễ khai trương sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Ông Nguyễn Đình Đối, một nông dân ở nội thành Buôn Ma Thuột có trồng 2 héc ta cà phê ở ngoại thành rất muốn đăng ký tham gia sàn giao dịch nhưng theo quy định hiện nay của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), nông dân nếu muốn đăng ký làm thành viên giao dịch của BCEC thì phải có tối thiểu 3 héc ta cà phê.

“Tiếc quá nhưng tôi sẽ rủ mấy ông bạn trồng cà phê chung nhau đăng ký 1 thành viên”, ông nói khi tham quan cách thức giao dịch cà phê qua sàn và hỏi tỉ mỉ nhân viên của sàn cách giao dịch.

Một chặng đường dài

Phải nói rằng hiếm có dự án chợ, trung tâm thương mại hay sàn giao dịch nào ở Việt Nam trải qua một chặng đường dài như BCEC. Nó được phê duyệt vào giữa năm 2003 nhưng mãi tới tới gần cuối năm 2006 mới khởi công xây dựng vì phải trải qua nhiều lần điều chỉnh quy mô diện tích, vốn đầu tư và kể cả việc nó là chợ đầu mối nông sản thông thường như các dự án chợ đầu mối gạo ở ĐBSCL với phương thức mua bán truyền thống “tiền trao cháo múc”mà nông dân thường thấy hay là sàn giao dịch cà phê theo phương thức giao dịch hiện đại.

Không chỉ chính quyền Dak Lak mà các bộ ngành trung ương đặt nhiều kỳ vọng vào BCEC khi muốn biến ngôi sàn này thành nơi đầu tiên của Việt nam làm thí điểm xây dựng và vận hành một sàn giao dịch hàng hoá, cụ thể ở đây là cà phê. Nơi đây, nông dân và doanh nghiệp không chỉ ở Tây Nguyên mà cả nước có thể trực tiếp đến chợ hoặc thông qua mạng internet để đặt mua, đặt bán cà phê, mang cà phê đến đây giới thiệu ở showroom, tổ chức các phiên đấu giá cà phê, dưới sự trợ giúp của ngân hàng ủy thác thanh toán đặt tại sàn, hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, kho chứa hàng, nhà máy chế biến tại chỗ.

Mục tiêu của nó thì ai cũng có thể biết, đó là đưa người bán và người mua cà phê trong nước xích lại gần nhau, tránh thiệt hại về giá cho nông dân và doanh nghiệp do mọi thông tin giá cả, sản lượng đều công khai, rõ ràng như mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Việt nam hiện nay chưa có một sàn giao dịch hàng hoá theo phương thức hiện đại của thế giới, nên ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc BCEC kể lại là trong lúc các nhà thầu đang xây dựng sàn thì ông cùng anh em nhân viên của sàn lặn lội xuống TPHCM quan sát cách thức hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán, thậm chí nhờ các chuyên gia chứng khoán tư vấn kỹ thuật như toà nhà trung tâm dành ra mặt bằng làm sàn giao dịch, bảng điện tử thể hiện diễn biến giao dịch ra sao….

Bao nhiêu đó chưa đủ, mô hình sàn giao dịch này còn học hỏi kinh nghiệm sàn giao dịch nông sản của Trung Quốc, Brazil, thậm chí học cả cách giao dịch của thị trường kỳ hạn cà phê London. Trong lúc mô hình vận hành của sàn đang lúng túng thí Quỹ hỗ trợ phát triển của Pháp (AFD) đồng ý tài trợ hơn 800.000 euro chủ yếu cho trang bị các phần mềm kỹ thuật và đưa nhân viên của sàn đi đào tạo cách thức giao dịch hiện đại ở nước ngoài, mà ông Hà nói không khác gì “gặp may”.

Vậy là mất gần 6 năm, sàn giao dịch cà phê mới hình thành mà ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc xây dựng và vận hành một sàn giao dịch nông sản hiện đại ở Việt Nam cũng khó khăn, dò dẫm từng bước đi tương tự như quá trình tập dần cho nông dân từ bỏ dần phương thức mua bán truyền thống sang mua bán, giao dịch hiện đại.

Chứng khoán… cà phê

Bây giờ bước chân vào sàn giao dịch cà phê không ai nghĩ rằng nó dành để giao dịch … cà phê, vì nó quá hiện đại. Tòa nhà 2 tầng mà tầng một là nơi dành làm sàn giao dịch, có hơn chục máy vi tính cá nhân để tra cứu thông tin, đặt lệnh mua, bán cho nông dân và doanh nghiệp, tất nhiên kèm theo một màn hình LCD loại lớn để những người tham gia giao dịch có thể xem các thông tin sản lượng, giá cả cà phê thế giới, trong nước làm cơ sở cho lựa chọn giá đặt múa, đặt bán của mình.

Còn tầng 2, nơi có hội trường lớn để tập huấn cách thức giao dịch, phổ biến thông tin đến nông dân, doanh nghiệp và tầng này cũng là nơi đặt Cafecontrol, tổ chức được BCEC ủy thác kiểm tra chất lượng cà phê giao dịch và Techcombank, ngân hàng được ủy thác thanh toán.

Phía sau lưng sàn là hệ thống 4 kho chứa có công suất chứa tại một thời điểm lên tớ 30.000-35.000 tấn cà phê nhân của Công ty cổ phần cà phê An Giang cùng với 1 xưởng chế biến cà phê nhân nếu nông dân có nhu cầu đưa cà phê tươi vào BCEC chế biến ra nhân và mang ra giao dịch ngay.

Cũng tương tự như sàn giao dịch chứng khóan ở các công ty chứng khoán ở TPHCM, những thông tin giá cả cà phê trong nước, thế giới được in thành bản tin khổ giấy A 4 phát cho “nhà đầu tư”. Bên trong của tầng 1 là “quả tim” của sàn giao dịch, ở đó có những nhân viên mặc áo có in chữ BCEC ngồi cập nhật thông tin giao dịch y như Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.

Trước mặt họ là 3 màn hình điện tử cỡ lớn, một bảng thể hiện thông tin thị trường giao dịch cà phê thế giới ở London, New York, một bảng thể hiện diễn biến của giao dịch như mã thành viên nào mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, khớp lệnh ra sao. Bảng còn lại mang tính tổng kết chỉ số VNCOFFEE-INDEX, chẳng khác gì chỉ số chứng khoán.

Khác với chứng khoán, cà phê là hàng hóa thật nên giao dịch được tính theo lô, mỗi lô 5 tấn cà phê mà ông Hà cho biết, loại cà phê giao dịch trên sàn trước mắt là cà phê vối (Robusta) và nông dân có thể đặt một lệnh bán nhiều lô trong một lần giao dịch. Thành viên giao dịch mua phải ký quỹ với mức ký quỹ bằng 10% giá trị khối lượng hàng hoá.

Tất nhiên tiền tệ giao dịch là tiền đồng và bước nhảy giá (ticksize) là 50 đồng/kg. Giới hạn của biên độ dao động giá không vượt quá 10% giá tham chiếu. Sau khi khớp lệnh và có kết quả giao dịch, các thành viên giao dịch nộp hoặc chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng ủy thác của BCEC hiện nay là Techcombank, tương ứng với giá trị hợp đồng hàng hóa mua được, nếu là bên mua. Thời gian chậm nhất là một ngày làm việc (gọi là T+1) kể từ ngay sau ngày có kết quả giao dịch.

Việc thực hiện hợp đồng và xác nhận chuyển giao quyền sở hữu lô hàng cà phê tại hệ thống kho hàng của BCEC, nếu là bên bán. Còn chuyển giao sản phẩm thì hoàn tất trong ba ngày làm việc (gọi là T+3) kể từ ngay sau ngày có kết quả giao dịch.

Cách thức giao dịch như trên đối với nông dân trồng cà phê mà doanh nghiệp kinh doanh cà phê cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn ban đầu, tuy nhiên, ông Hà cho biết trước khi sàn đi vào hoạt động, BCEC đã tổ chức tập huấn, giới thiệu cách thức giao dịch cho hơn 200 hộ nông dân trồng cà phê lớn trên địa bàn tỉnh, cùng với với chục doanh nghiệp cà phê.

Dần dà rồi cái mới cũng sẽ quen”, ông nói và cho biết riêng việc yêu cầu nông dân đăng ký tham gia giao dịch có tối thiểu 3 héc ta cà phê trở lên (phải có giấy chứng nhận sử dụng đất và xác nhận của địa phương là trồng cà phê) là cách để giúp nông dân liên kết với nhau trong mua bán, có thể nhiều người “chung” lại diện tích rồi đứng tên một người đăng ký, như trường hợp ông Đối ở đầu bài viết.

>> Sự hình thành các đại lý cà phê

HỒNG VĂN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Sàn với chả Sẩy

    Sàn với chả sẩy, đọc bài giới thiệu đã muốn tẩu hỏa nhập ma. Sàn kiểu này thì có khác nào đánh đố nông dân.
    Nhà tôi có 3 ha cà phê, mỗi năm cũng non 12 tấn không lẽ thu hoạch xong cha con lại khăn gói ôm cà phê lên sàn nằm chờ giao dịch.

  2. Bravo

    Nghe hay phết, bravo việt nam, bravo Daklak vậy là từ nay việt nam ta lại có thêm một cái index gọi là coffee index.

    Bác “sàn với chả sẩy nói” cũng có lý, kiểu này là đánh đố nông dân. Quá ư là nhiêu khê, quá ư là phiền phức.

    Hôm trước có ghé vào sàn dịp khai trương, đúng hoành tráng nhưng sao kiếm mãi không thấy dãy phòng trọ hoặc đại loại như liều bạc, dịch vụ cho thuê chiếu chăn để bà con còn có chổ qua đêm trong lúc ăn chực nằm chờ được giao dịch chớ.

    Nhưng thôi, cứ như bác Hồng Văn nói “lâu dần cũng quen” cứ bravo cái đã.
    BRAVO COFFEE- INDEX

  3. Le@

    Trung tâm giao dịch cà phê đã thai nghén từ nhiều năm trước, những người đi tiên phong đã mời cấp lãnh đạo đến tham quan sàn giao dịch cà phê tại london,newyork để học hỏi kinh nghiệm quản lý điều hành làm sao cho đúng quy trình công nghệ và phù hợp với tốc độ phát triển kinh tề thế giới, luôn mong rằng cà phê Việt Nam co tiếng nói riêng để không bị ép cấp ép giá; nay Trung tâm đã chính thức khai trương làm nao nức bà con và các doanh nghiệp kinh doanh cà phê;
    Thế nhưng sẽ có người buồn đến nao lòng, bởi vì ý chí và nguyện vọng được đóng góp một phần nhỏ bé kinh nghiệm cho ngành cà phê Việt Nam chưa được “tham chiếu” ?
    Gọi là Trung tâm giao dịch hay là sàn giao dịch gì gì đi nữa thì đó là nơi diễn ra việc mua bán, là chợ mà đã là chợ thì mọi cá nhân doanh nghiệp khi tham gia họ biết rõ hành vi của mình và tự chịu trách nhiệm về hành vi đó, rõ ràng hành vi mua bán cà phê tại sàn giao dịch là hành vi pháp luật không cấm, thế tại sao điều lệ lại có những vách ngăn ( thành viên ) nằm trong quy định?
    Là chợ cà phê Việt Nam thì trung tâm phải mang tầm quốc gia, không ai cấm công dân trong cả nước hoặc các nhà kinh doanh quốc tế không được tham gia mua bán, và càng không thể có những định chế chỉ huy mang tính mệnh lệnh, do vậy việc quản lý trung tâm lại trực thuộc một sở quản lý chuyên ngành của nhà nước liệu có ổn không ?
    Nếu nói trung tâm chỉ là nơi bà con mang cà phê đến gửi chờ giá tốt để bán thì cũng phải cần xem lại, vì tại Trung tâm chỉ có một doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp nắm hàng ( cà phê gửi kho) tự quyết giá mua khi người gửi cần bán, thế giá mua sẽ như thế nào so với mặt bằng chung?
    Nông dân tôi chỉ có đôi điều cùng bà con, mong quý vị cùng suy ngẫm!.

  4. Hongvan

    Điều anh Le@ nói rất đúng, đáng để chúng ta, những ai có liên quan hay yêu thích cây cà phê, và những nhà quản lý suy nghĩ lại và tìm tòi hướng đi tốt hơn. Theo tôi biết thì trung tâm mới thành lập, cũng dò dẫm từng bước đi, chúng ta nên ủng hộ, trong quá trình họ “đi”, họ khắc tìm ra “đường” của mình.

  5. Minh Nhi

    Thôi thì công ty cổ phần cà phê An Giang đặt luôn một văn phòng thu mua tại kho cho tiện,chứ đời thuở nông dân nào có cà phê đem đến kho gửi cho đủ số lựơng 5 tấn (1 lô) rồi mới “khớp lệnh”.Chúc mừng công ty cà phê An Giang nhé vì nhờ có “sàn giao dịch” này các bác càng ngày càng có cơ hội thu mua cà phê được nhiều hơn.

  6. Dao

    Chỉ có tấm biển và 2 người thì có gọi là tưng bừng khai trương không? Có nên thay đổi bằng một hình khác sinh động hơn không?

  7. Võ Hồng Văn

    Thứ Hai, 29/12/2008, 15:04 (GMT+7)
    Sàn cà phê BCEC: “Điều kiện sàn như vậy là phù hợp!”

    (TBKTSG Online) – Sau khi Trung tâm giao dịch cà phê Việt Nam (BCEC) đi vào hoạt động hôm 11-12 mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã đề cập trong bài báo “Nông dân lên sàn giao dịch cà phê”, nhiều bạn đọc đã phản hồi với nhiều ý kiến khác nhau về điều kiện và cách thức giao dịch của sàn này.

    Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã nêu ra những thắc mắc của bạn đọc trong buổi trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Hà, giám đốc BCEC.

    Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Thưa ông, bạn đọc thắc mắc một lô giao dịch 5 tấn cà phê nhân liệu có phù hợp với nông dân hiện nay hay không, khi mà đa phần mỗi gia đình có sản lượng thấp và họ thích bán thành nhiều đợt cho phù hợp với chi tiêu của gia đình?

    Ông Nguyễn Tuấn Hà: Theo tôi thì giao dich theo lô, mỗi lô 5 tấn là nhiều với điều kiện trồng đa phần quy mô nhỏ hiện nay của nông dân. Do vậy hiện nay chúng tôi vừa triển khai giao dịch, vừa xem xét trong quá trình hoạt động của mình sao cho phù hợp.

    Tuy nhiên, vì đã là sàn giao dịch thì khối lượng cà phê phải đủ lớn để đảm bảo người mua hàng tập trung. Bà con nông dân cứ thử nghĩ nếu mình là nhà doanh nghiệp thì chẳng ai muốn mua lắt nhắt mà ai cũng muốn mua hàng tập trung. Hơn nữa, quy định lô giao dịch 5 tấn cũng là cách giúp người sản xuất có thói quen tự tập hợp lại với nhau để đăng ký bán, giúp giảm chi phí bán, công sức đi lại.

    Một số bạn đọc đã nghi ngờ kho chứa cà phê trong khuôn viên của BCEC do Công ty Thái Hòa đầu tư và quản lý, có nghĩa cà phê của người bán gửi vào kho hay mua thêm cho đủ sản lượng giao dịch đều phải phụ thuộc vào Thái Hòa?

    Kho hàng là khu vực kho, bãi được thành lập trong khuôn viên của BCEC để lưu giữ, bảo quản và chuyển giao sản phẩm cho các hợp đồng đã giao dịch thành công tại sàn, hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hóa theo hợp đồng dịch vụ đã được ký kết giữa Công ty cổ phần Cà phê An Giang (một công ty con của Thái Hòa) và chủ hàng. Việc quản lý hệ thống kho hàng tại BCEC được ủy thác cho Công ty An Giang thực hiện.

    Hay nói cách khác, Công ty An Giang với hệ thống kho của mình trong khuôn viên BCEC vẫn chỉ là một hệ thống kho theo ủy thác của sàn, làm nhiệm vụ chuyển giao sản phẩm sau khi giao dịch mà phần quyết định vẫn thuộc về người bán hàng.

    Chúng tôi đã có một quy chế kiểm định chất lượng, quản lý kho hàng và chuyển giao sản phẩm dành cho 3 tổ chức ủy thác hiện nay là Techcombank được ủy thác thanh toán mua bán, Cafecontrol ủy thác kiểm định chất lượng cà phê giao dịch và Công ty An Giang ủy thác quản lý, kinh doanh kho.

    Riêng Công ty An Giang, ngoài hệ thống kho hàng, còn có thêm các dịch vụ chế biến, bảo quản nhằm mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ cả người bán và mua trong quá trình giao dịch.

    Phương thức mua bán giao ngay hiện nay có vẻ đã biến BCEC thành một đại lý thu mua lớn chứ không hẳn đã trở thành một sàn giao dịch khi chưa có mua bán kỳ hạn, mà chỉ là mua bán giao ngay?

    Hơn một năm trước khi xây dựng dự thảo quy chế giao dịch, chúng tôi cũng đã tính tới cả hai cách thức giao dịch là mua bán giao ngay (còn gọi là mua bán hàng thật) và mua bán kỳ hạn (như các sàn giao dịch nông sản quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia thông qua mạng internet, còn gọi là mua bán hàng giấy). Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi chỉ chọn mua bán giao hàng thật để bảo đảm từng bước đi phù hợp với trình độ mua bán cà phê của phần đông nông dân và doanh nghiệp hiện nay.

    Chúng ta không thể nóng vội khi mới hình thành, lại còn thiếu nhiều điều kiện về chính sách, con người, quy mô thị trường, trình độ nhận thức của người dân. Tuy nhiên, nếu sau này một khi thị trường đủ điều kiện chín muồi thì không lý gì chúng tôi không nâng cấp lên theo phương thức mua bán như thế giới đã và đang làm.

    Xin cám ơn ông!

Tin đã đăng