Y5Cafe xin giới thiệu đến bà con “Quy trình hoàn thiện chế biến vỏ cà phê thành phân hữu cơ sinh học”, tài liệu được cung cấp bởi Trung tâm khuyến nông tỉnh Đăk Lăk
Giới thiệu
Tây Nguyên là vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng khác nhau, đất đai ở đây được đánh giá là thiên đường để trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, cao su và các cây trồng khác.
Nhưng do các yếu tố tự nhiên, địa hình dốc bị chia cắt mạnh và sự khai thác đất không hợp lý, không đúng kỹ thuật của con người nên đã làm suy thoái sức sản xuất của đất, mà trước hết là làm sụt giảm hàm lượng chất hữu cơ trong đất, sau đó là độ phì, cấu trúc đất cũng bị sụt giảm theo.
Thực tế sản xuất đã khẳng định vai trò thiết yếu của phân hữu cơ trong việc duy trì độ phì nhiêu của đất, ổn định năng suất cây trồng, góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, hiện nay nguồn phân hữu cơ từ chất thải của gia súc ngày càng khan hiếm không đủ để đáp ứng cho canh tác nông nghiệp của Tây Nguyên, trong khi đó, vỏ quả cà phê (VCP) một nguồn hữu cơ quí, có sẵn lại rất rẻ, có thể sản xuất thành phân hữu cơ để thay thế một phần hay toàn bộ phân chuồng, chưa được chú trọng sử dụng trong sản xuất, thậm chí nhiều hộ gia đình còn vứt bỏ cả nguồn hữu cơ quí giá này.
Nhìn thấy được tiềm năng của vỏ quả cà phê có thể góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững của Đăk Lăk, nên từ đầu năm 2005, Dự án Phát triển Nông thôn Đăk Lăk đã hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk, Trạm Khuyến nông của 2 huyện Lăk và Ea H’leo tiến hành thử nghiệm mô hình chế biến phân hữu cơ sinh học từ vỏ quả cà phê.
Cuốn sổ tay này được biên soạn là tổng hợp kết quả và kinh nghiệm thu được từ những mô hình thử nghiệm trong những năm qua để cung cấp tài liệu hữu ích cho nông dân và cán bộ khuyến nông trong việc xử lý vỏ quả cà phê thành phân hữu cơ sinh học tại nông hộ.
Lợi ích của việc sử dụng vỏ quả cà phê để sản xuất phân hữu cơ sinh học
Với diện tích cà phê hiện tại của Đăk Lăk nói riêng và Tây nguyên nói chung thì hàng năm thải ra hàng trăm ngàn tấn vỏ quả cà phê từ quá trình xay xát, nếu lượng vỏ này được chế biến thành phân hữu cơ sinh học thì mang lại lợi ích rất lớn cho mỗi gia đình và xã hội.
Chỉ cần bỏ ra công lao động, vỏ quả cà phê và ít tiền để mua men sinh học, phân chuồng (nếu gia đình không có), phân urê, phân lân, vôi, và đường ăn thì có thể sản xuất ra hữu cơ sinh học có chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với giá phân cùng loại bán trên thị trường.
Do đó, có thể tiết kiệm được một lượng kinh phí đáng kể để đầu tư cho công việc khác. Mặt khác, bón phân hữu cơ sinh học này cho cây trồng, góp phần ổn định năng suất, giảm được lượng phân khoáng là hướng đi đầy tiềm năng để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Sử dụng phân hữu cơ sinh học chế biến từ vỏ quả cà phê bón cho lúa, ngô, cà phê, hồ tiêu, … có những ích lợi về môi trường sau đây:
- Không gây ô nhiểm môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, cây trồng, vật nuôi
- Cải thiện kết cấu, độ xốp và độ phì nhiêu của môi trường đất
- Cân bằng hệ vi sinh vật trong môi trường đất
- Có tác dụng phân huỷ, chuyển hoá các chất hữu cơ khác trong đất để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
- Có tác dụng nâng cao được hệ số sử dụng phân khoáng bón cho cây trồng, dẫn đến giảm thiểu lượng phân hoá học rữa trôi xuống tầng nước ngầm hay thăng hoa vào môi trường không khí gây ô nhiểm môi trường.
Hướng dẫn chế biến
Nguyên vật liệu
- Nguyên liệu chính để chế biến phân sinh học là khoảng 1.000 kg vỏ quả cà phê được lấy từ quá trình xay xát tạo ra 3.000 kg cà phê nhân.
- Phân chuồng: 200 kg
- Phân lân nung chảy: 50 kg
- Phân urê: 10 kg
- Vôi bột: 15 kg
- Đường cát: 2 kg
- Men sinh học: 2 kg
Ghi chú:
Men sinh học nhiều loại khác nhau:
- – Loại men sinh học có thành phần chính là vi sinh vật phân huỷ xen-lu-lô, protein, chất khử mùi hôi thối
- – Loại men sinh học có thành phần chính là nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces
Bà con có thể theo dõi bài viết về men sinh học và tìm mua theo bài viết sau đây:
Lao động
Cần 5 công lao động để chia 2 đợt để hoàn thành công việc chế biến này:
- Đợt 1: cần 3 công để hoàn thành xong đống ủ
- Đợt 2: sau đợt 1 là 40 ngày cần 2 công lao động để đảo lại đống ủ
Dụng cụ
Chuẩn bị các dụng cụ sau đây đủ để thực hiện công việc này:
- Cuốc: 02 cái
- Xẻng: 02 cái
- Cào xới: 02 cái
- Thùng chứa 500 lít nước: 01 cái
- Xoa tưới nước; 01 cái
- Bơm nước: 01 cái
- Ống nước: đủ dài để dẫn nước từ nguồn nước đến nơi chế biến
- Bao, bạt cũ: đủ để che toàn bộ đống ủ
Hoạt hoá men sinh học
Từ 4 đến 5 giờ trước khi tiến hành chế biến, bơm khoảng 500 lít nước sạch vào thùng chứa và lấy từ nguyên liệu đã chuẩn bị:
- Toàn bộ men sinh học: 02 kg
- Đường cát: 02 kg
- Phân urê: 200 gam hay 0,2 kg
Sau đó, cho toàn bộ men sinh học, đường, và phân urê vào thùng chứa nước nói trên và khuấy đều cho tan hết. Công việc này được lặp lại sau 1 giờ và tiến hành khuấy ít nhất là 4 lần để men sinh học có thể hoạt hoá hoàn toàn làm phân giải nhanh vỏ quả cà phê khi ủ.
Thực hiện chế biến
Phối trộn nguyên vật liệu khô
- Vỏ quả cà phê được trải đều trên mặt đất dày khoảng 40 cm
- P hân chuồng vãi đều trên bề mặt vỏ quả cà phê
- Lượng phân urê (9,8kg) còn lại được vãi đều trên mặt đống nguyên liệu vỏ cà phê và phân chuồng
- Tiếp theo vãi phân lân nung chảy và vôi bột Sau khi đã cho tất cả nguyên liệu vào với nhau thì tiến hành đảo đống nguyên liệu này để cho tất cả các thành phần được trộn thật đều với nhau.
Nguyên liệu khô đã được trộn đều với nhau thì tiến hành vừa tưới nước đống nguyên liệu vừa trộn để cho nước có thể làm ướt hoàn toàn đống ủ. Nếu chỉ tưới nước mà không tiến hành trộn cùng lúc thì chỉ có lớp mặt đống nguyên liệu bị ướt, các lớp dưới không ướt đều sẽ không phân giải khi ủ. Lượng nước tưới ướt khoảng 70 – 80% thành phần đống nguyên liệu là đủ, nếu tưới nhiều nước quá phân urê, phân lân và vôi có thể bị rữa trôi nhiều.
Khi đống nguyên liệu được làm ướt hoàn toàn thì để yên khoảng 15 đến 20 phút cho nước, phân thấm đều vào tất cả thành phần của nguyên liệu. Sau đó, tưới nhẹ đống nguyên liệu này lần nữa để bảo đảm tất cả thành phần của đống nguyên liệu đã được thấm ướt hoàn toàn, và tiếp theo tiến hành chất đống ủ và phối trộn men sinh học đã được hoạt hoá cho đống nguyên liệu. Công việc được thực hiện như sau:
– Dọn sạch và làm bằng vị trí để chất đống ủ
– Trải lên mặt đất một lớp rơm rạ, hay vỏ quả cà phê đã tưới ướt dày khoảng 10 cm
– Chất nguyên liệu đã trộn ướt thành lớp dày 20 cm đến 25 cm, rộng từ 2 mét đến 2,5 mét, và dài tùy ý.
– Khuấy đều dung dịch men đã hoạt hoá và dùng xoa múc tưới đều trên mặt lớp nguyên liệu.
– Công việc chất lớp nguyên liệu ướt và tưới men đã hoạt hoá được tiếp hành liên tục cho đến khi hoàn thành.
– Đống ủ khi hoàn thành phải có chiều cao tối thiểu là 1,2 m, và rộng từ 2 mét đến 2,5 mét để bảo đảm đống ủ có thể giữ nhiệt cho quá trình phân giải.
– Khi đống ủ đã được chất hoàn toàn thì dùng rơm rạ, hay vỏ quả cà phê ướt phủ lên bề mặt đống một lớp mỏng từ 10 cm đến 20 cm, tiếp theo tưới nhẹ nước lên toàn bộ đống ủ, và cuối cùng dùng bao, bạt cũ hay tấm nilon che phủ kín toàn bộ đống ủ để giữ ẩm và nhiệt độ cho đống ủ.
Chú ý: Tấm bạt, nilon phải đè chèn bằng vật nặng để khỏi bị gió cuốn đi.
Kiểm tra sau khi ủ
Khoảng 15 ngày sau khi ủ, thì tiến hành kiểm tra đống ủ, dùng cuốc moi một hố sâu vào tâm đống ủ và nhận thấy có rất nhiều nấm men vi sinh trắng bám trên bề mặt nguyên liệu và nhiệt độ của đống ủ có thể lên đến 80oC có tác dụng phân huỷ nguyên liệu và tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, đống ủ cũng bị thiếu ẩm (bị khô), nên cần phải tưới thêm nước sao cho nước có thể làm ướt đều đống ủ. Sau đó, gom chất đống và che đậy lại.
Đảo trộn, chất đổng ủ lần 2 Sau khi kiểm tra từ 25 đến 30 ngày, hay 40 đến 45 ngày ủ, thì dở toàn bộ bao, bạt, tấm nilon che phủ và tiến hành đảo trộn thật đều toàn bộ đống ủ, vừa trộn vừa tưới nước đủ để thấm đều hoàn toàn nguyên liệu. Khi đã trộn xong nên tiến hành gom, chất và giẫm nén nguyên liệu thành đống có chiều cao tối thiểu là 1 mét và dùng bao, bạt, tấm nilon đậy kín lại như lần đầu.
Kiểm tra lần cuối
Khi tổng số ngày ủ được 110 đến 120 ngày, hay sau khi ủ lại được 70 đến 80 ngày, kiểm tra đống ủ thấy nguyên liệu đã mềm và nát thì có thể sử dụng để bón cho cây trồng được.
Chú ý: Luôn kiểm tra độ ẩm của đống ủ, nếu thấy khô, phải tưới thêm nước. Đôi khi ở lớp ngoài và bề mặt trên của đống ủ rất ẩm, nhưng bên trong thì rất khô, nên phải tưới nước để đống ủ ẩm hơn cho vi sinh vật hoạt động tốt, nguyên liệu mau hoai mục.
Khối lượng phân hữu cơ sinh học được tạo thành
Với thành phần, khối lượng nguyên liệu được sử dụng thì sau khi chế biến, phân giải thu được khoảng 1.300 – 1.400 kg phân hữu cơ sinh học với ẩm độ từ 20 đến 25% trọng lượng.
Sau nhiều năm làm caphee, đến nay đã là 3 năm bà con ND Đak Mil đã tận dụng vỏ cà phê ủ làm phân. Qua bài viết trên thấy có sử dụng “Vôi”, đề nghị xem lại vì nhiều thông tin cho biết vôi làm mất hoạt hóa của men, chỉ nên trộn vào lúc đóng bao đi bón cho cây.
Tôi đã làm khảo nghiệm thực tế theo quy trình ủ vỏ trấu cà fê trên cách đây 2,5 năm, tôi nhận thấy không phù hợp cho bà con nông dân mấy. Tôi đã đã đưa ra quy trình chế biến gần giống như quy trình của công ty Huỳnh Bảo, có khác là tôi nói rõ sử dụng phân urê không sử dụng phân SA, lân nung chảy không sử dụng lân supper, và có phần kích hoạt men.
Thưa bà con.
BBT tôn trọng ý kiến và quan điểm của các bạn cung cấp bài viết nên đăng đầy đủ. Chỗ nào theo bà con là chưa rõ hay còn thắc mắc xin cứ thẳng thắn trao đổi trên tinh thần xây dựng để làm sáng tỏ thêm. Mong được đón nhận nhiều kinh nghiệm và hiểu biết của tất cả mọi người vì cộng đồng Y5 chúng ta. Thân ái.
Bài viết rất có ích, thành thật cảm ơn trang web đã hỗ trợ kiến thức cho bà con trong việc phát triển cây cafe.
Cảm ơn cám bạn đã liên tục cập nhật các bài viết, cảm ơn “Thịnh Còi” đã xây dựng nên một diễn đàn cho bà con nông dân nhà mình.
Tại sao phải dùng vôi diệt khuẩn và men vi sinh cùng lúc, chưa kể là dùng chung vôi với lân? Nhờ tác giả nói rõ hơn. Cảm ơn .
Mong bạn Trần Nhật Lễ vui lòng nói rõ hơn vì sao ” sử dụng phân urê không sử dụng phân SA, lân nung chảy không sử dụng lân supper, và có phần kích hoạt men.”
Cám ơn bạn nhiều !
Chào bạn “Nông dân nghèo”!
– Không nên sử dụng phân SA để ủ vì phân SA là phân có gốc Acid (SO4) có độ PH thấp nó sẽ ức chế sự hoạt động của men thậm chí nếu cho nhiều nó sẽ tiêu diệt men.
– Tương tự, Supper lân cũng rất chua nên cũng làm ảnh hưởng đến men.
Các loại men hiện tại bây giờ đều hoạt động tốt trong môi trường có độ PH 5-7,5.
– Hiện tại men trên thị trường phần đa trong tình trạng “ngủ nghỉ chưa sẵn sàng chiến đấu” nên phải kích hoạt “để đánh thức” chúng, có một số men đã kích hoạt nên thời hạn sử dụng khoảng 2-3 tháng.
Cảm ơn bạn, chúc bạn thành công trong cuộc sống.
Ở Lâm Đồng, bà con nào muốn mua men ủ vỏ trấu cà phê HB01 của công ty Huỳnh Bảo liên hệ địa chỉ QL20 – số 06- thôn 4 Hòa ninh- Di Linh đ/t 0633.508.003 ( đối diện chợ mới Hòa Ninh), công ty có bán sỉ và lẻ ở đ/c trên
Bạn Chi Mai có biết ở Tp. Dalat chỗ nào bán men này không? tại mình ở Xuân Trường – Dalat. chỉ cho mình với
bà con vùng mình chưa thấy làm phân vi sinh từ vỏ caphe
Bạn Chi Mai có biết ở Tp.Hồ Chí Minh có bán men HB01 không? nếu có cho mình xin địa chỉ. Cám ơn bạn nhiều
Tôi cũng đang ứng dụng loại phân này cho vườn cà phê nhà mình. Những hiệu quả hiện thời là rất khả quan. Đối với những bình luận của các bạn về cách ủ men thì tôi xin có vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, cách ủ men của mỗi người phụ thuộc vào loại men mà họ sử dụng. Ví dụ: Anh Trần Nhật Lễ sử dụng ure thay cho SA vì sợ độ pH thấp ức chế vi sinh vật. Tôi đồng ý với anh và ý kiến đó vì chủng men của anh hoạt động ở pH gần như trung tính. Nhưng tôi không đồng ý nếu anh đưa nó ra làm một cách thức chung. Bởi vì trên thị trường có rất nhiều loại men khác nhau, hoạt động ở nhiều ngưỡng pH khác nhau.
Thứ hai, với từng loại men chúng ta có những cách ủ khác nhau. Hiện nay tôi đang sử dụng song song 2 loại men. Một loại mua tại trung tâm Khuyến nông Tx. Bình Long – Bình Phước, một loại do một người cháu theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học tại trường ĐH công nghiệp Tp.HCM cung cấp.
Với loại men do trung tâm khuyến nông cung cấp, cứ 5m khối vỏ cà phê tôi cần 2-3kg men. Đây là loại men trộn với cám xơ dừa và quy trình ủ như trên.
Với loại men do người cháu cung cấp, với 8m khối vỏ cà phê tôi cần 1-1,5kg men. Loại men này không trộn với cám xơ dừa mà có dạng bột trắng giống bột mì. Cách ủ đơn giản hơn một chút vì chúng ta bỏ qua giai đoạn hoạt hóa vi sinh vật. Tôi làm lần lượt 40cm vỏ cà phê rồi rắc đều 1 lượt men, tưới ẩm. Như vậy, cứ 40cm vỏ cà phê tiếp theo lại có 1 lượt men. Tuy nhiên giá thành loại men này cao gấp 2,5 lần so với loại men của trung tâm khuyến nông.
Phân thành phẩm của tôi dù ủ với loại men nào cũng có hiệu quả tương tự, điều dễ thấy là 2 lô kiểm chứng của vườn cà phê tại nhà phát triển khá đồng đều, tỉ lệ cho hoa và đậu trái cao.
Theo dự tính, nếu lần thử nghiệm thứ 3 này không cho thấy sự khác biệt giữa 2 loại men tôi sẽ chỉ sử dụng loại men mới vì quy trình đơn giản hơn.
Bà con nào muốn biết thêm về loại men mới này có thể email cho tôi qua hộp thư phungvanxo_bl@yahoo.com.
Thân ái!
Chào anh Phùng văn Xô tôi ở Tân Phú, Đồng Nai tôi có ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh, nhưng kết quả đạt yêu cầu thấp… cám ơn anh đã có bài viết và muốn chia sẻ cùng mọi người, mong anh cho tôi được biết thông tin loại men mới này ? Xin cám ơn.
Con có thấy tình hình cà phê ở Tân Phú cũng hay gặp nhiều sâu bệnh, nếu có phân VS bón thì thật tốt, cây khỏe và giảm bớt sâu bệnh rất nhiều. Hiện tại con có dự án làm phân VS cho bà con nông dân, nếu được thì có thể giúp đỡ phần nào. Có thể cho con biết thêm tình hình cà phê ở Tân Phú không ạ, và bà con có làm PVS nhiều chưa ạ?
Mong tin của chú! vì bài này cũng được đăng lâu rồi ạ.
Tôi muốn ủ vỏ cà fê nhưng không có phân chuồng , có loại men nào ủ mà không cần phân chuồng mong các bạn chỉ giúp . Cảm ơn.
Tôi ở Dăk Nông không biết có chỗ nào cung cấp men này không ? vì mới làm cafe nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi cũng muốn được biết quy trình ủ vỏ cafe 1 cách bài bản nhất. Mong được học hỏi kinh nghiệm của ai làm đạt hiệu quả. Xin mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi.
Xin chân thành cảm ơn.
SX phân từ vỏ cà phê là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường, tự SX phân thật 100%.
Vì là tận dụng nên bà con không có thiết bị chuyên dùng, không nghiên cứu sâu về kỹ thuật ủ phân làm gì. Do đó, bà con ta nên chọn cách làm đơn giản nhất.
Vì là tận dụng, chúng ta không thể có đủ những nguyên liệu phối trộn theo các quy trình chuẩn. Do đó, bà con ta nên chọn 1 loại men/visinh có thể sử dụng độc lập (không cần phối trộn), phù hợp pH thấp, không cần kích hoạt, không cần “thức ăn”,…
Có những loại men ủ phân chỉ cần pha với nước, tưới vào vỏ cà phê, đánh thành đống, bổ sung nước khi đống ủ quá khô. Chỉ sau 45-60 ngày là có được đống phân hưu cơ cho riêng mình. Tôi sẳn sàng chia sẻ thêm thông tin cùng bà con.
Hàng năm chúng tôi chế biến cà phê tươi khoảng 800 tấn lượng võ cà phê rất nhiều. Năm 2009 chúng tôi sử dụng làm phân vi sinh và dùng loại men quy trình làm như hướng dẫn trên. Năm 2010 chúng tôi được giới thiệu dùng loại men mà không cần sử dụng phân chuồng, lân, đạm, vôi, đường. Cách làm đơn giản hơn nhiều chỉ cần tưới ẩm vỏ cà trộn đều cứ 20-25cm thì rắc một lớp men cứ như vậy tạo lên đống ủ. Vậy tôi xin hỏi mọi người tôi dùng loại men đó có đảm bảo chất lượng tố không?
Xin chân thành cảm ơn./
Cảm ơn Y5Cafe cho biết qui trình làm phân, cho bà con được nhờ.
cho tôi hỏi, nếu sử dụng loại phân bón theo phương pháp này thì trong 1 năm ta có cần bón thêm phân cho cây trồng không? nếu có thì bón thêm như thế nào ( nhiều hay ít)
xin cảm ơn!
Tôi muốn nhận được và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê. Như các bạn hướng dẫn thì sau 120 ngày ủ chúng ta sẽ có được phân. Thời gian cần để hoàn tất một mẻ phân như vậy có quá dài không ? Có cách gì để giảm bớt thời gian không, nhưng vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng phân tạo ra.
Mong được sư đóng góp hướng dẫn của các bạn!
(Mình ở Bảo Lộc).
Chào bạn !
Quy trình này đã lâu, từ năm 2010, nên không còn phù hợp.
Hiện nay, dùng vi nấm trichoderma ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê chỉ khoảng 45-60 ngày.
Bạn cần tư vấn chi tiết, có thể viết email cho tôi theo đ/c: nguyenvinh@giacaphe.com
Thân
Chuyên gia cho em hỏi, tại sao phải sử dụng vôi trong khi đó vôi sẽ làm chết các vi sinh vật có lợi và cả có hại.
Hơn nữa các vi sinh vật trong men sinh học có giới hạn sống và phát triển tốt nhất ở 30-45 độ C. Vậy khi ủ ẩm độ và nhiệt độ lại quá cao, sẽ làm chết các vsv…
Vậy cách làm trên có đúng ko