Nhiều chiêu lừa đảo mùa thu hoạch cà phê

Công an tỉnh Lâm Đồng, vừa chỉ đạo công an các huyện có diện tích cà phê lớn như Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc, Bảo Lâm… tăng cường các biện pháp phòng chống nạn hái trộm cà phê, đột nhập kho bãi, lừa lấy tiền công thu hái…

> Dùng súng cướp… cà phê

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai trong cả nước (sau Đăk Lăk) với gần 140.000 ha, sản lượng khoảng 340.000 tấn. Tuy cà phê chưa chín rộ nhưng nạn hái trộm quả đã xảy ra ở những vùng trọng điểm cà phê, đặc biệt là những rẫy cà phê xa khu dân cư hoặc ở vùng giáp ranh giữa các xã. Tiêu biểu là các xã, thị trấn như Ninh Gia (Đức Trọng), Rô Men, Phi Liêng (Đam Rông), Nam Ban, Đạ Đờn (Lâm Hà) Hòa Nam, Hòa Ninh và Đinh Trang Hòa (Di Linh).

Vẫn chưa nguôi ám ảnh vì bị kẻ gian chặt hàng loạt cành cà phê trĩu quả, chị Nguyễn Thị Lan trú tại xã Ninh Gia nói: Chồng con tôi đã dẫn theo mấy con chó đi canh giữ vườn cà phê suốt mấy đêm nay vì sợ bọn trộm tiếp tục đột nhập cắt cả cành cà phê rồi mang tới những nơi vắng vẻ để tuốt quả cho tiện.

Một số đối tượng còn liều lĩnh tới mức trà trộn vào đội ngũ những người hái cà phê thuê, vác trộm cả những bao quả đã hái sẵn để trong vườn.

Công an huyện Đức Trọng cho hay sẽ rà soát, quản lý các đối tượng có tiền án tiền sự để theo dõi, ngăn ngừa các vụ trộm cà phê. Công an cũng phối hợp với các đơn vị khác tái lập, huấn luyện các đội tự quản để hàng đêm đi tuần tra bảo vệ các vườn cà phê trong mùa thu hoạch.

Theo Chủ tịch UBND huyện Di Linh Nguyễn Canh, tình trạng hái trộm cà phê xảy ra liên tục nhiều năm qua khiến người dân bất an, thậm chí hái cà phê khi quả còn xanh để chạy… trộm. Thực tế đó làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng cà phê. Năm nay, huyện có văn bản cấm mua bán cà phê xanh; đồng thời khuyến cáo các hộ dân cử người canh giữ vườn cà phê cho đến khi trái chín rộ mới thu hái.

Mùa thu hoạch cà phê chỉ kéo dài khoảng 2 tháng và đòi hỏi lượng nhân công rất lớn, do đó hầu như địa phương nào cũng xảy ra tình trạng khan hiếm lao động, phải thuê người từ các tỉnh khác, chủ yếu từ miền Bắc và miền Trung.

Không ít kẻ gian đã trà trộn vào đội ngũ hàng vạn người làm thuê đông đảo này và cấu kết với nhau để lừa lấy tiền công lao động ứng trước của các chủ vườn và trộm cà phê rồi bỏ trốn. Cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân nêu cao cảnh giác, không thuê mướn những người không có giấy tờ tùy thân.

Xem thêm: Nhà nông làm gì trước vấn nạn “cà tặc”? 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Chu viết Sự

    Mong các cơ quan chính quyền các cấp vào cuộc để bà con có một vụ mùa yên vui với giá cả như bây giờ.

  2. Dambri

    Các địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ số lao động các nơi về làm công theo vụ mùa để sàng lọc kẻ gian giúp cho bà con an tâm thu hoạch, cũng chính là bảo vệ cho người đi làm ăn nơi phương xa. Bọn dám trà trộn vào phần nhiều rất hung hản. Nên phòng xa vẫn tốt hơn.

  3. Hoang Dung

    Tình trạng khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê đang làm đau đầu các hộ nông dân trồng cà phê.
    Để thuê được 1 người hái cà phê từ nơi khác đến, người trồng cà phê phải chi tiền “cò”, tiền xe mất gần 1 triệu, công thêm tạm ứng trước nửa tháng lương. Nhưng vừa vào hôm trước, hôm sau bọn chúng trốn mất thế là mất tiền “cò”, tạm ứng.., và không có người hái cà phê. Thật là đau đầu, Tình trạng khan hiếm lao động nên gặp những người không có giấy tờ tuỳ thân vẫn phải thuê, mà tranh nhau thuê nữa chứ. Hiện nay tại những nhà “cò” lao động, người đi thuê lao động còn đông hơn người lao động.
    Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp gì thì tình trạng lừa đảo, thiếu hụt lao động sẽ làm khổ hơn nữa cho người dân trồng cà phê.

  4. lamgai

    Tình trạng thiếu nhân lực hái cape hàng năm thường xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng năm nay thì thật là bi đát phải không các bạn? Phải chi ông chủ tịch UBND tỉnh điều động lực lượng vũ trang xuống cùng nông dân thu hái. Coi như là một công mà được nhiều việc. Nông dân cũng trả tiền công bình thường, mà nhà nước cũng có nguồn thu cho lực lượng vũ trang. Nếu ông chủ tịch tỉnh coi đây cũng là một mặt trận, nhưng là mặt trận kinh tế thì nông dân nói riêng, nhân dân nói chung sẽ có thêm thu nhập, mà không lo lắng gì về việc thiếu nhân lực mùa thu hoạch. Hơn thế nữa tình hình an ninh trật tự lại ổn định. Phải không các bạn?

    1. Nguyễn Đình Thi

      Chính xác là như thế đó. Dùng biện pháp này cũng kiềm chế được phần nào sức tăng giá thuê nhân công. Nhưng liệu có khi nào khi thuê nhân công hái cà phê phải đăng ký với UBND xã, đem giấy CMND của nhân công lên đăng ký để quản lý, tránh nuôi ong tay áo?

      1. Dambri

        -Cứ theo đúng luật cư trú mà làm!
        Nhưng không phải đăng ký với UBND xã mà là với Công an xã, hoặc ban Công an thôn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87