Uống cà phê là thói quen không chỉ của nam giới mà rất nhiều chị em phụ nữ cũng yêu thích. Tuy nhiên, một số người thường bị đánh trống ngực sau khi uống cà phê và cảm giác nôn nao như người say…
ThS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong cà phê có caffeine giúp tăng sự tỉnh táo và hoạt động tư duy hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khi lượng caffeine nhiều có thể gây tác dụng phụ làm tim đập nhanh, huyết áp tăng, run tay chân, đau đầu… Hiện tượng này còn gọi là say cà phê, đặc biệt là với cà phê mạnh (đậm đặc), người mới uống cà phê lần đầu, uống cà phê lúc đói. Một số người có thể nhạy cảm với caffeine và khi uống cà phê sẽ tạo ra các cơn đánh trống ngực.
Tại sao bạn lại thấy hồi hộp, chóng mặt sau khi uống cà phê?
Bạn có thể cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, chóng mặt sau khi uống cà phê vì đồ uống này là chất kích thích. Cà phê có chứa caffeine, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương của bạn.
Caffeine có nhiều tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương, cũng như tim. Caffeine khiến tim bạn đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên và khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều cortisol và adrenaline hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, caffeine có mối quan hệ trực tiếp với nồng độ cortisol – một hormone gây căng thẳng.
Thông thường, khi caffeine vào cơ thể, hầu hết mọi người sẽ bị tăng nhịp tim, mức độ khác nhau giữa các cá nhân. Mức độ tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm lượng caffeine tiêu thụ, tần suất tiêu thụ, cân nặng và chức năng sinh lý học của người đó,…
Caffeine kích thích hệ thống thần kinh tự chủ, kiểm soát các quá trình không tự nguyện như nhịp tim và tiêu hóa. Điều này làm tăng nhịp tim, thở nhanh, tăng năng lượng và cải thiện chức năng tâm thần. Nó cũng là một chất làm giãn mạch, có nghĩa là nó làm giãn các mạch máu và tăng lưu lượng máu.
Caffeine làm tăng nồng độ cortisol và adrenaline – giống hệt phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với căng thẳng. Đây là lý do tại sao quá nhiều caffeine có thể gây lo lắng và hồi hộp, đánh trống ngực, thậm chí hoảng loạn.
Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn mỗi khi uống cà phê, có thể bạn đã mắc chứng không dung nạp caffeine hoặc nhạy cảm với caffeine. Mặt khác, nếu thỉnh thoảng bạn chỉ cảm thấy chóng mặt sau khi uống cà phê, có thể bạn đã vô tình sử dụng quá liều caffeine hoặc bạn đang có các vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng đến hệ tim mạch hoặc do các chất trong cà phê gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
[ Nên xem: Caffeine: Bao nhiêu cafein là quá nhiều? ]
Cần làm gì để tránh bị “say cà phê”?
Cách tốt nhất để thoát khỏi chóng mặt sau khi uống cà phê là tránh dùng quá liều caffeine. Tuy nhiên, nếu bạn không dung nạp caffeine, bạn nên xem xét mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và xem xét có nên cắt bỏ hoàn toàn caffeine hay không.
Cần lưu ý, caffeine không chỉ có trong cà phê mà còn có trong hạt cacao, trà và một số loại đồ uống đóng hộp sẵn như nước tăng lực, soda hay nước uống thể thao… Do đó, bạn cần chú ý đọc kỹ nhãn mác của các loại đồ uống kể trên trước khi tiêu thụ để tránh sử dụng quá liều caffeine. Nói chung, nếu việc tiêu thụ caffeine đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, thì tốt hơn hết bạn nên tránh nó.
Theo BS. Trần Thị Minh Nguyệt, với những ai lo ngại về việc cà phê có làm tăng nhịp tim hay đã từng gặp phải các triệu chứng như choáng váng hoặc chóng mặt, nhịp tim tăng, hồi hộp tạm thời khi uống cà phê thì nên tránh hoặc hạn chế lượng tiêu thụ dưới 2 tách cà phê mỗi ngày.
Theo Sức Khoẻ & Đời Sống