Tin buồn

Bảo tàng cà phê thế giới ở… Tây Nguyên

Có nhiều Bảo tàng Cà phê đã được thành lập từ rất lâu trên thế giới, từ bảo tàng do tư nhân bỏ tiền và dày công tạo nên, có bảo tàng do chính phủ bỏ tiền để thành lập. Là một trong những cường quốc cà phê của thế giới, nhưng nếu không có sự nỗ lực của Công ty Trung Nguyên thì… suýt chút nữa Việt Nam đã không thể có một Bảo tàng Cà phê kiểu như của Brazil, Ethiopia…

1. Ở Brazil, cường quốc số 1 về cà phê của thế giới có Bảo tàng Cà phê quốc gia đặt tại Santos, được thành lập năm 1988. Ở Ethiopia, quê hương đầu tiên của cà phê, nơi những chú dê là “người phát hiện” ra sự tuyệt diệu của hạt cà phê, bảo tàng tại đây do chính phủ đang xây dựng, dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2011. Ở Đức, có Bảo tàng Cà phê Jacobs, đặt cạnh hồ Zurich, đó là một biệt thự xinh đẹp. Bảo tàng được thành lập với mục đích khẳng định với thực khách đam mê cà phê là “Tất cả về cà phê không phải là lời đồn”…

Nhắc nhiều đến các Bảo tàng Cà phê trên thế giới để thấy rằng, hầu như ở các quốc gia có được lợi nhuận hoặc thừa hưởng lợi nhuận từ cây cà phê họ đều có những bảo tàng nhằm tôn vinh, lưu giữ và chia sẻ niềm đam mê cà phê với tất cả mọi người. Đồng thời, bảo tàng cũng là một kênh quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường cho thương hiệu cà phê của họ.

Trở lại với Bảo tàng Cà phê thế giới tại Việt Nam do Trung Nguyên là đơn vị khởi xướng. Bảo tàng Cà phê này là một dự án nằm trong tổng thể của dự án lớn hơn là biến thành phố Buôn Ma Thuột thành “Thủ phủ cà phê toàn cầu”. Bảo tàng nằm trong khuôn khổ của ý tưởng Làng cà phê và Thủ phủ cà phê do Trung Nguyên đề xuất đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài sự ủng hộ của chính quyền, dự án Bảo tàng Cà phê của Trung Nguyên còn được sự ủng hộ của các nhà sử học, giáo sư trong và ngoài nước. Điển hình có thể kể đến, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và Giáo sư Ama Galla thuộc Đại học Queensland, Australia – Phó chủ tịch Bảo tàng thế giới… Sự cộng tác của kiến trúc sư rất nổi tiếng của Nhật là Arata Isozaka.

bao-tang-ca-phe-1
Kiến trúc độc đáo của Bảo tàng Cà phê thế giới ở Việt Nam.

Hơn 3 năm vừa qua, là khoảng thời gian Trung Nguyên đầu tư tìm hiểu và nghiên cứu cách xây dựng bảo tàng cà phê của những cường quốc cà phê, các quốc gia có lượng tiêu thụ cà phê mạnh nhất. Mặt khác, Trung Nguyên còn sưu tầm các hiện vật liên quan đến cà phê, những hiện vật truyền thống của các đồng bào dân tộc tại vùng đất cà phê Buôn Ma Thuột… Đặc biệt trong khoảng thời gian tìm kiếm này, Trung Nguyên đã khai thác và sưu tầm được toàn bộ đá cây được hình thành trong lòng đất núi lửa Buôn Ma Thuột để làm vật liệu xây dựng, trang trí và trưng bày trong Bảo tàng Cà phê này.

2. Năm 1927, Erich Burg-cha của Jens Burg thành lập xưởng cà phê đầu tiên trên đường Eppendorfor, Hamburg (Đức) có tên gọi là Burg’s Kaffee Rosterei.

Dân sành cà phê ví von là “Không ở đâu cà phê được… rang chậm như ở đây”. Người ta làm việc này một cách chậm rãi như thụ hưởng tính thú vị của công việc, từ năm 1927, Erich Burg đã làm vậy. Và hơn nửa thế kỷ sau, con trai ông là Jens Burg cũng làm… y như bố mình. Nhịp độ rang cà phê không nhanh hơn, nhưng hương vị cà phê ngày càng ngon hơn. Jens Burg rang và chế biến cà phê không cần máy đo hương vị, ông chủ yếu làm việc bằng mắt, mũi và rất nhiều sự nhạy cảm từ một con người “hiến” đời mình cho hương vị của hạt cà phê.

Để có thể làm việc một cách… “biếng nhác” như vậy, Erich Burg đã phải trải qua sự khủng hoảng với việc biến mất của hàng trăm xưởng rang xay cà phê ở Hamburg vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Lý do, giá cà phê sụt giảm nghiêm trọng. Và phải có một sự đắm đuối với cà phê thì cái xưởng cà phê nhỏ trên đường Burg’s Kaffee Rosterei của ông mới có thể trụ được cho đến giờ.

Từ xưởng cà phê nhỏ cho đến Bảo tàng Cà phê nằm sát bên của Jens Burg sẽ chẳng có gì đặc biệt nhiều, nếu như không có chuyện ông từng là “tội đồ của đỉnh cao suy đồi” vì ông can tội “tẩm hương liệu cho cà phê”.

Cà phê tẩm hương liệu ngày nay đã rất bình thường, thực khách có thể thưởng thức cà phê hương cam, quả mâm xôi, quế… Nhưng, ở thời điểm khi Jens Burg thử nghiệm thì đó là một hành động mà đa phần dân sành cà phê đều cho rằng là “ngu xuẩn và sốc nổi”. Với họ, cà phê chỉ nên dừng lại ở hương… cà phê.

bao-tang-ca-phe-2
Máy xay cà phê tay.

Cà phê được tẩm hương bằng hai cách. Cách thứ nhất là pha vài giọt hoặc vài thìa xirô thơm vào cà phê sau khi pha xong để tạo mùi. Đây là cách được đa phần các quán cà phê sử dụng khi thực khách yêu cầu được thưởng thức cà phê có hương vị nào đó. Cách thứ hai khó hơn, là tẩm mùi trực tiếp lên hạt cà phê. Với cách thức tẩm mùi này, cà phê có vị ngon hay dở, có bị loãng mùi cà phê hay không là tùy vào công thức bí mật trong việc sao tẩm cà phê của từng sản phẩm cà phê riêng biệt.

Và khi thành quả bao động sáng tạo miệt mài suốt 10 năm trời được mọi người thừa nhận, Jens Burg bắt tay vào thực hiện Bảo tàng Cà phê cho riêng mình. Ông nói: “Sự xuất hiện của các tập đoàn cà phê khổng lồ như Jacobs, Darboven… khiến nhiều xưởng cà phê thủ công đã phải đóng cửa do không thể cạnh tranh và các vật dụng cho việc pha chế, sản xuất cà phê nhanh chóng bị ném vào bãi rác. Điều này làm cho tôi hết sức đau lòng. Để cứu vãn những kỷ niệm, tôi đã bỏ hơn 20 năm để nhặt nhạnh tất cả và đến năm 2000 bộ sưu tập phong phú của tôi đã chính thức trở thành Bảo tàng Cà phê được đặt trên diện tích 350m2 tại số 23-25 đường Munster”. Ở bảo tàng này, du khách tham quan có thể tìm thấy chảo rang cà phê bằng than nhỏ nhất, cối xay, tách cà phê, những dụng cụ chuyên ngành, nhãn hiệu quảng cáo từ xa xưa.

Tất cả những kỷ vật quý giá ấy Jens Burg trao lại cho Bảo tàng Cà phê thế giới và Trung Nguyên đã sẵn sàng để tiếp nhận.

3. Với mô hình Bảo tàng Cà phê thế giới tại Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên sẽ giới thiệu chi tiết đến du khách tham quan về lịch sử văn hóa cà phê Việt Nam và thế giới, với 10.000 hiện vật được tiếp nhận từ Bảo tàng Cà phê Burg, bộ sưu tập đá cây độc đáo, bộ sưu tập các cổ vật, hiện vật văn hóa của Tây Nguyên… Địa điểm đặt bảo tàng là tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Cân cà phê
Cân cà phê

Bảo tàng sẽ có những mảng chuyên đề riêng. Bảo tàng tự nhiên về cà phê sẽ giới thiệu lịch sử phát triển tự nhiên của cây cà phê trên thế giới. Bảo tàng khoa học, công nghệ về cà phê giới thiệu sự cải tiến công nghệ, kỹ thuật canh tác, chế biến, sản xuất, pha chế cà phê qua các thời kỳ. Bảo tàng văn hóa cà phê, giới thiệu sự độc đáo, đa dạng về văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê trên thế giới qua những giai đoạn lịch sử riêng. Bảo tàng lịch sử xã hội về cà phê… Đặc biệt, sẽ có cà phê và văn hóa Tây Nguyên để tạo nét riêng, đây được xác định là điểm nhấn quan trọng của Bảo tàng Cà phê thế giới tại Việt Nam.

Tất cả những nỗ lực của Trung Nguyên trong việc thực hiện Bảo tàng Cà phê thế giới tại Việt Nam là nhằm khẳng định: cà phê không chỉ là một sản phẩm thương mại mà nội hàm của nó còn chứa cả những yếu tố về lịch sử, văn hóa. Và xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến du lịch kết nối những người đam mê trên thế giới. Cũng có thể, bảo tàng như là cách để xóa bỏ nghịch lý về việc Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê và có cà phê Robusta ngon nhất thế giới nhưng lại chưa có Bảo tàng Cà phê nào…

Nếu không có gì thay đổi, thì trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột vào tháng 3/2011 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Cà phê thế giới tại Việt Nam sẽ chính thức chào đón du khách tham quan

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân

    Tui rất tán thành sự hình thành cái bảo tàng của Cà phê VN, nhưng đã là bảo tàng thì nơi đó phải trưng bày và ghi rõ sự hình thành và phát triển của ngành cà phê VN, liệu ông Vũ có mạnh dạn trưng bày và ghi nhận những thành quả của các ông: Tiến – Thống – Huy – Nam – Thái… đối với ngành cà phê Daklak ko? nếu ông là công tâm, và ghi nhận những thành quả của các vị ấy thì bảo tàng cà phê VN sẽ thành công, bằng không nó cũng chỉ là chiêu tiếp thị của ông và để đánh bóng cho thương hiệu Trung Nguyên, đánh lừa người VN đến với bảo tàng, chỉ là chiêu quảng cáo của TN trong dịp festival lần thứ 3 mà thôi.
    Vài lời gửi đến ông Nguyên Vũ, nếu ông thật sự lo lắng và quảng bá cho ngành cà phê VN, hy vọng là ông sẽ làm đúng những điều mình nói.

    1. N T CHỨC

      Theo tôi nghĩ thì Trung Nguyên phải công tâm công nhận những thành qủa đóng góp của các bậc tiền bối thì bảo tàng mới thành công được .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85