Nâng cao cảnh giác trong hoạt động ký gửi cà phê

Ký gửi cà phê là hình thức mua bán cà phê giữa nông dân và các đại lý, doanh nghiệp tư nhân thu mua cà phê, xuất hiện cách đây khoảng chục năm và được xem là phương thức mua bán có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với phương thức truyền thống.

Tuy nhiên, hình thức này đã và đang bị một số chủ đại lý nhận ký gửi cà phê lợi dụng để chiếm đoạt số cà phê người nông dân ký gửi rồi “cao chạy xa bay”.

[ Xem thêm: Vì sao nông dân phải gửi cà phê cho đại lý? ]

Thông thường, vào đầu mùa vụ thu hoạch, giá cà phê trên thị trường xuống khá thấp. Do đó, nhiều hộ dân không bán ngay sản lượng cà phê vừa thu hoạch mà thay vào đó là ký gửi cà phê tại các đại lý, doanh nghiệp thu mua trên địa bàn chờ giá lên để chốt bán lấy tiền.

Đồng thời, để có tiền phục vụ sản xuất, trả chi phí nhân công, tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây cho niên vụ tiếp theo, người nông dân lại đến các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê, nơi các nông hộ ký gửi cà phê để ứng trước tiền bán cà phê. Tuy nhiên, sau khi nhận cà phê ký gửi của nông hộ, một số đại lý, doanh nghiệp làm ăn gian dối đã đem bán số cà phê đó rồi lấy tiền tiêu xài hoặc dùng vào mục đích riêng…

Đến khi giá lên, các nông hộ đến chốt giá bán thì họ tuyên bố vỡ nợ, phá sản, trốn khỏi địa phương khiến không ít hộ dân điêu đứng, mất trắng số cà phê đã ký gửi.Và theo các cơ quan chức năng, hình thức ký gửi này chỉ là những giao dịch dân sự đơn thuần với sự trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên, nên khi bị các đại lý, doanh nghiệp thu mua gian dối, người dân không thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật hình sự và đành phải chịu cảnh “mất trắng” số cà phê trong nỗi oan ức. Chính loại hình giao dịch này đã làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh trên thị trường cà phê và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội của người dân.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua cũng đã xuất hiện tình trạng này và gây ra những thiệt hại không nhỏ cho các hộ nông dân trồng cà phê tại địa phương.

Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Thanh Hồng, ngày 12/01/2016 đã ký gửi 6.432kg cà phê cho vợ chồng bà Hoàng Mộng Linh (trú tại số 203 Hà Huy Tập, TP.Kon Tum) với giá chốt ban đầu 34.400 đồng/kg. Bà Linh thanh toán 3 lần (lần cuối cùng vào ngày 09/9/2016) với tổng số tiền 130.000.000 đồng; số còn lại là 91.260.000 đồng. Ông Hồng nhiều lần đòi nợ, nhưng bà Linh không trả và cho rằng “Công ty Cà phê Gia Lai” vỡ nợ, chưa trả cho bà Linh, nên bà Linh không thanh toán được.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Huỳnh Văn Bân (trú tại số 1/3 Đinh Công Tráng, TP.Kon Tum) cũng ký gửi bà Linh 6.486kg cà phê vào ngày 23/10/2016; giá chốt ban đầu là 34.800 đồng/kg, tương đương với tổng số tiền là 208.800.000 đồng. Bà Linh đã thanh toán cho ông Bân tiền và phân bón, tổng cộng 106.845.000 đồng, số tiền còn lại 101.955.000 đồng. Ông Bân nhiều lần đến nhà bà Linh yêu cầu thanh toán, nhưng bà Linh không trả và cũng đổ tội cho “Công ty Cà phê Gia Lai” vỡ nợ.

Trường hợp khác là ông Hà Văn Tích có 40.224kg cà phê tươi, quy ra theo thỏa thuận là 8.380kg cà phê nhân. Khi ký gửi kho, giá cà phê chốt là 34.400 đồng/kg. Thỏa thuận giữa ông Tích và bà Linh là phải thanh toán tiền ngay theo thời điểm chốt giá; nhưng khi ông Tích đến chốt giá, lấy tiền, thì trong kho không còn cà phê của ông và tiền bà Linh cũng không thanh toán. Nhiều lần ông Tích cùng ông Hồng, ông Bân đề nghị vợ chồng bà Linh dẫn họ đến Công ty Cà phê Gia Lai, nhưng vợ chồng bà đều lảng tránh. Bức xúc trước việc vợ chồng bà Linh liên tục lảng tránh không trả nợ, ông Nguyễn Thanh Hồng, Huỳnh Văn Bân, Hà Văn Tích cùng đứng đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kon Tum, Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum và một số cơ quan chức năng khác kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền.

Thời gian tới, để hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo qua hình thức nhận ký gửi cà phê, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nên đến những cơ sở uy tín đã được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép hoạt động để giao dịch, ký gửi; đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động của các đại lý nhận ký gửi cà phê, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, tránh để nảy sinh những vụ lừa đảo gây hậu quả đáng tiếc.

Theo  CÔNG AN TỈNH KON TUM

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng