Tổng hợp thị trường cà phê tuần 48 (27/11 – 02/12/2017)

Hoạt động đầu cơ trên sàn kỳ hạn tuy chưa nhiều nhưng đã làm thị trường cà phê biến động khá mạnh trong suốt cả tuần.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T1/2018 tuần 48 (27/11 – 02/12/2017)

Chốt phiên cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 27 USD lên mức 1.753 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2018 tăng 26 USD lên mức 1.750 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được tiếp tục thu hẹp khoảng cách.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng 1,25 cent lên ở 127,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 tăng 1,05 cent lên ở 129,55 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400 – 500 đồng/kg, lên dao động ở mức 36.600 – 37.400 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.650 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi duy trì ở mức 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 3/2018 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2018 tăng 4 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước giảm nhẹ 100 đồng/kg, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng tới 2,75 cent/lb.

Nhìn chung trong suốt cả tuần, thị trường cà phê Robusta tiếp tục chịu sức ép lớn khi Việt Nam đẩy mạnh thu hoạch sau mưa bão kết hợp với các nhà kinh doanh bán phòng hộ hàng vụ mới trên sàn London. Giữa tuần, giá cà phê Robusta đã có sự hồi phục nhẹ khi thị trường có thêm thông tin hỗ trợ từ dự báo thiếu hụt sản lượng toàn cầu của nhà môi giới Sucden Financial và đàm phán Brexit đạt được một số tiến bộ giúp đồng Bảng Anh và đồng Euro tăng mạnh trong rổ tiền tệ, nên giá cà phê Robusta hưởng lợi do sàn giao dịch cà phê Robusta nằm ở London. Trong khi đó, đầu cơ bán ròng ngắn hạn tất toán vị thế cuối tháng kỳ hạn kết hợp với sự hiệu chỉnh kỹ thuật trên cả hai sàn làm giá cà phê liên tiếp biến động mạnh (Xin xem biểu đồ).

Tuy nhiên, xu hướng giá trên sàn Robusta London trong tuần này chưa thực sự rõ ràng do sức ép vụ mùa mới tại Việt Nam ngày càng tăng, trong khi mối lo cà phê Arabica Brasil thiếu hụt cũng không còn do thị trường suy đoán đã được bù đắp từ sản lượng tăng của Colombia và các nước khu vực Trung Mỹ. Nhưng mức giá cách biệt giữa hai Sàn vẫn có sức thu hút đầu cơ tiếp tục rót vốn vào thị trường Arabica vốn nhiều sôi động đã giúp thị trường này có sức hồi phục liên tiếp.

Cuối tuần, các thị trường trở lại suy đoán lãi suất USD sẽ tăng trong tháng này khi Joreme Powell, tân chủ tịch Fed khẳng định sẽ tiếp tục đường hướng của vị tiền nhiệm và đặc biệt là triển vọng Hạ Viện Mỹ sẽ thông qua cải cách thuế “vì không muốn để lại gánh nặng cho thế hệ sau” đã giúp hầu hết các thị trường hàng hóa khởi sắc trở lại trước một USD suy yếu thêm trong rổ tiền tệ.

Báo cáo Thương mại tháng 9 của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng giảm 14,8%, mức giảm khá đáng kể so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng hợp xuất khẩu toàn niên vụ 2016/2017 lại tăng 4,8% so với niên vụ 2015/2016 trước đó, tổng hợp theo số liệu từ các nước xuất khẩu đã báo cáo nên không mấy tác động đến tâm lý thị trường vào lúc này.

Thu hoạch vụ mùa tại Việt Nam tiếp tục chậm lại do vùng cà phê Tây nguyên có mưa nhẹ kéo dài vào cuối tuần. Tuy không hoàn toàn ngăn cản việc thu hoạch nhưng cơn mưa kéo dài cuối tuần này đã làm dấy lên mối lo mới về khả năng tác động lên sản lượng vụ mùa năm sau. Vì cây cà phê sẽ nở nhiều bông trước thời vụ và sẽ gặp nhiều bất lợi khi dự báo khả năng một hiện tượng thời tiết La Nina trong Thái Bình Dương đang tăng dần và sẽ đem nhiều mưa cho vùng cà phê Đông Nam Á.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Senca

    Mỹ là nhà giàu như vậy mà còn “vì không muốn để lại gánh nặng cho thế hệ sau” … Còn ta nghèo thì sao ?!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80