Theo Reuters, thị trường chứng khoán thế giới rơi vào tình trạng ảm đạm sau khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu và châu Á đồng loạt cắt giảm lãi suất và giới đầu tư lo ngại tình trạng nhiều công ty hàng đầu tại Mỹ và một số nước cắt giảm việc làm hàng loạt.
Tại thị trường phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,51% xuống 8.376,24 điểm, chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 3,14% xuống 1.445,56 điểm và chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 2,92% xuống 845,22 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,15% xuống 4.163,61 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,17% xuống 3.161,16 điểm và chỉ số DAX của Ðức mất
0,07% xuống còn 4.564,23 điểm.Thị trường chứng khoán châu Mỹ cũng bị tác động, chỉ số Bovespa của Brazil giảm 0,48% và chỉ số S&P/TSX của Canada giảm 2,28%. Châu Á cũng trong tình trạng tương tự khi chỉ số chứng khoán Nhật Bản giảm 0,62%, Hồng Công giảm 0,6% và Hàn Quốc giảm 1,23%.
Nguyên nhân thị trường chứng khoán thế giới mất điểm trong các phiên giao dịch gần đây là do các ngân hàng cắt giảm lãi suất và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Vừa qua, nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái lan rộng, các ngân hàng ở châu Âu đồng loạt cắt giảm lãi suất. ECB giảm lãi suất 75 điểm xuống còn 2,5%, Ngân hàng trung ương Anh giảm 100 điểm xuống còn 2%, Ngân hàng trung ương Thụy Ðiển giảm 175 điểm xuống còn 2%…
Trong khi đó, tại châu Á, Bộ Thương mại Ấn Ðộ thông báo việc cắt giảm lãi suất sẽ là một phần của giải pháp kích thích kinh tế sẽ được nước này công bố hôm nay (6-12). Nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới như Công ty viễn thông AT&T, Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), Công ty Môi giới Nhật Bản Nomura Holdings… thông báo kế hoạch giảm hàng nghìn việc làm. Trong số này, ngân hàng Credit Suisse cắt giảm 5.300 việc làm (11% lực lượng lao động) tại các chi nhánh trên toàn thế giới.
Việc QH Mỹ chưa thông qua kế hoạch giải cứu các hãng ô-tô lớn nhất nước Mỹ là General Motor, Ford và Chrysler trị giá 34 tỷ USD khiến các hãng này đứng trước nguy cơ phá sản, một nguyên nhân có thể khiến hàng triệu người mất việc. Theo khảo sát của Reuters, riêng trong tháng 11, có 340 nghìn người tại Mỹ mất việc làm. Ðây cũng là con số kỷ lục trong 26 năm qua.
Ðể chặn suy thoái, một số nước châu Âu tiếp tục “rót” tiền nhằm vực dậy các nền kinh tế đang sa sút. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mới đây công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 26 tỷ euro (32,9 tỷ USD), Chính phủ Ðức cũng công bố kế hoạch trị giá 31 tỷ euro nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế của nước này. Anh cũng chuẩn bị gói kích thích kinh tế trị giá 20 tỷ bảng (29,06 tỷ USD) tập trung vào việc cắt giảm thuế cho người tiêu dùng.
Theo Nhân Dân