Để tăng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam

xuat-khau-ca-pheTừ năm 2001 đến nay kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trung bình 31%/năm. Riêng 2 năm sau khi gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng tới 53% và đạt mức 2,3 tỷ USD trong năm 2008.

Xuất khẩu thứ 2 thế giới

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tháng 9 năm 2010 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 70.000 tấn với trị giá 100 triệu USD, đưa tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2010 lên tới 925.000 tấn, đạt giá trị 1,32 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng và 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, trong năm 2010, khối lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đạt 1,17 triệu tấn.

Với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm 2 tỷ USD trở lên, hiện cà phê được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, với những đối tác nhập khẩu ổn định tại 80 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Đức chiếm tỷ trọng 13,5%, tiếp đến là Hoa Kỳ với tỷ trọng 12,7%. Ngoài ra, các thị trường có sự tăng trưởng khá là Philippines tăng xấp xỉ 70% và Nga gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê thì ngành cà phê Việt Nam vẫn đang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Giá còn chưa cao

Khó khăn đầu tiên mà ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt, đó là vấn đề giá cả. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, tuy nhiên giá cả cà phê Việt Nam lại không cao. Đơn cử, những ngày đầu tháng 10/2010, trong khi giá cà phê robusta tại London được bán với giá 1.687 USD/tấn thì tại Việt Nam giá cà phê robusta chỉ bán được với giá 1.567-1.572 USD/tấn, thấp hơn từ 115-120 USD/tấn.

Đâu là nguyên nhân? Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, dù sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam khá cao, nhưng hầu hết toàn xuất khẩu qua các đầu mối trung gian là các DN nước ngoài, chứ chưa tiếp cận được trực tiếp với nhà nhập khẩu. Ngoài ra, đa số cà phê Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá không cao.

Hơn nữa, theo ông Đoàn Triệu Nhạn – chuyên gia cao cấp Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam: Chất lượng cà phê của Việt Nam chưa cao, các DN cà phê Việt Nam còn thiếu sự liên kết và đặc biệt, tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các DN xuất khẩu còn phổ biến. Ông Nhạn cho biết thêm: Hiện Việt Nam có khoảng 140 DN xuất khẩu cà phê, nhưng chỉ có 40 DN xuất khẩu với số lượng lớn còn lại đều rất nhỏ. Vì thế, ông Nhạn cho rằng, không thể có chuyện 40 DN kinh doanh xuất khẩu 900.000 tấn cà phê. Đặc biệt, trong niên vụ cà phê 2006/07, chỉ có 17 DN xuất khẩu trên 10.000 tấn, trong khi đó có tới hơn 60 DN xuất khẩu dưới 100 tấn. Phải chăng sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 140 DN xuất khẩu cà phê trong nước chính là một trong những nguyên nhân không nhỏ làm cho giá cà phê của Việt Nam chưa cao?

Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam, theo ông Nhạn ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng qua các khâu: trồng trọt – đảm bảo các yêu cầu cho cà phê có sản lượng tốt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đầu tư cho nông dân tiếp cận nguồn thông tin về thị trường giá cả và trực tiếp với thị trường; Định giá sàn cho cà phê của nông dân; Hỗ trợ tạm trữ cà phê của nông dân… Cần tổ chức lại các DN xuất khẩu, đặc biệt, cần đưa ra các “tiêu chí” cho DN xuất khẩu cà phê.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81