Thu hái quả xanh, bán non cà phê: Vấn nạn đến bao giờ ?

Tây Nguyên sắp bước vào mùa thu hoạch cà phê mới, nhưng vấn nạn thu hái cà phê quả xanh và bán non của bà con lại tiếp tục…chẳng những làm họ thiệt đủ bề mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu của nước ta. Để giải quyết vấn nạn này cần phải có một lối đi ở tầm vĩ mô, bền vững.

Hái cà phê trái xanh chẳng những làm họ thiệt đủ bề mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu

Cắn răng chịu thiệt…

Năm trước, do cần tiền gửi cho con đang học đại học ở TP.HCM và thanh toán nợ tiền phân bón của đại lý, chị Nguyễn Thị Vân (ở xã Đak Sak, huyện Đak Mil, Đak Nông) đã bán non cả rẫy cà phê cho thương lái. Gia đình chị Vân gắn bó với cây cà phê hơn 10 năm qua nên rất chú trọng các khâu chăm sóc vườn cây. Vì vậy, năng suất khá cao, thường đạt 15 – 16 tấn quả tươi/ha. Mỗi vụ thu hoạch, rẫy cà phê của chị thường đem về 45 – 48 tấn tươi, tương đương với 10 – 11 tấn nhân.

Nhưng do phải bán non, người mua cho rằng rẫy của chị chỉ đạt 13 – 14 tấn/ha và ra giá 4,400 đ/kg quả tươi. Sau khi khấu trừ chi phí, họ trả chị 580 triệu đồng, ứng trước 400 triệu đồng. “Vẫn biết bán non cà phê sẽ bị thiệt, nhưng đành phải cắn răng mà bán để lấy tiền gửi cho con và trừ tiền nợ phân của đại lý. Năm nào cũng thế, cứ sắp vào vụ thu hoạch là họ lại đến bảo mình bán trước rẫy cà phê cho họ để trừ tiền nợ mua phân nên không bán cũng không được”.

Tương tự như hoàn cảnh chị Vân, vợ chồng anh Hùng, chị Nhung (ở xã Êa Nam, huyện Êa H’Leo, Đak Lak) trồng được hơn 2ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ tư. Mới đây, anh chị phải bán non 1,5ha cà phê để lấy tiền cho ba đứa con ăn học (hai con lớn đang học đại học ở TPHCM và Buôn Ma Thuột). Bán non vườn cà phê chưa đến ngày thu hoạch, đó là “thảm cảnh” của không ít bà con trồng cà phê ở Tây Nguyên, nhất là với những nông hộ nghèo, ít vốn.

Ngoài vấn nạn “bán non” vườn cà phê trước vụ thu hoạch, bà con trồng cà phê ở Tây Nguyên còn có thói quen thu hái cà phê quả xanh. Đó là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cà phê nước ta. Với tâm lý lo sợ nạn ăn trộm cà phê và đồng thời nhằm giảm chi phí công hái, rất nhiều bà con đã cho “tuốt” sạch 1 lần cả quả chín lẫn quả xanh.

Thậm chí, có vườn lượng quả xanh chiếm đến 60% – 70% sản lượng thu hoạch. Trong khi đó theo quy trình kỹ thuật thì việc thu hoạch phải được tiến hành làm 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 10 – 15 ngày tùy theo lượng quả chín trên cây. Anh Cao Thế Thành (ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, Đak Lak) phân trần: “Chúng tôi cũng biết rằng thu hái cà phê xanh sẽ làm giảm chất lượng quả, nhưng không hái quả xanh lẫn quả chín thì mất nhiều nhân công và thời gian để thu hái, còn bị bọn trộm nó tuốt sạch cả cành”.

Nông dân vì thiếu tiền đành phải “bán non” cả vườn, còn tiểu thương vì thấy cái lợi trước mắt nên thu hái cả vườn khi cà phê còn xanh. Một tiểu thương ở TP Buôn Ma Thuột (Đak Lak) thẳng thắn trả lời: “Vấp anh cũng vậy thôi, không hái để bọn trộm nó hái dùm à”! Anh này còn cho biết, bọn hái trộm cà phê ở Tây Nguyên thường là dân từ nơi khác tới, có tổ chức thành từng đội rất chuyên nghiệp, chủ yếu hái trộm vào ban đêm nên rất khó canh chừng.

Cần một lối đi bền vững

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đak Lak cho biết, hái cà phê xanh thì sẽ làm giảm chất lượng quả vì hương sẽ không thơm, vị sẽ nhạt, nhân không đẹp, không mẩy bóng mà teo tóp và làm giảm từ 10 – 15% sản lượng, khi xuất khẩu sẽ bị khách hàng chê, bị trừ lùi cao (1 tấn từ 100 – 120USD). Hàng năm, cà phê kém chất lượng của Việt Nam bị thải loại trên thị trường chiếm tới gần 80% số lượng bị thải loại của cả thế giới. Cho nên tính ra mỗi năm ngành cà phê Việt Nam bị thiệt hại tới hàng trăm triệu USD.

Còn theo tính toán của Bộ NN&PTNT, việc thu hái cà phê xanh sẽ làm ngành cà phê Việt Nam thiệt hại khoảng 100 triệu USD/vụ do tăng thêm chi phí gia công, trong khi đó giá bán trên thị trường thế giới lại thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Cứ đến vụ thu hoạch cà phê, các tỉnh Tây Nguyên lại ban bố hết công văn này đến chỉ thị khác khuyến cáo người người dân không được hái cà phê quả xanh và nếu ai vi phạm sẽ bị phạt. Nhà nông cũng biết những khuyến cáo đó, nhưng vì sao họ vẫn cứ hái cà phê quả xanh? Rất đơn giản, hái xanh thì đỡ bị mất trộm hơn, giảm được công hái (vì chỉ hái một lần là xong), phơi sấy một lúc, tiết kiệm được chi phí và điều quan trọng nhất là vẫn bán được, vẫn có người mua, tuy giá có thấp hơn chút ít, nhưng lại lợi ở nhiều khâu khác…

Vì thế cứ tuốt quả xanh đưa về nhà cho chắc, “xanh nhà hơn già đồng”. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, chỉ đưa ra những khuyến cáo để người dân không còn bán non và thu hái cà phê quả xanh thì rất khó. Để có một lối đi bền vững, trước hết chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, làm sao để các nông hộ sản xuất cà phê đơn lẻ hiện nay đứng vào một tổ chức, từ đó thống nhất được một cách làm (80% sản lượng cà phê Việt Nam hiện nay là do các hộ sản xuất đơn lẻ tạo ra). Sau đó, áp dụng tiêu chuẩn VN 4193-2005 vào xuất khẩu, người sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn đó sẽ không bán được hàng.

Ngoài việc ban hành đề án phát triển cà phê bền vững để tìm hướng đi mới cho ngành cà phê của tỉnh, hiện nay Đak Lak đang thí điểm mô hình vườn cà phê bền vững ở 2 xã của huyện Krông Pak và thị xã Buôn Hồ để người dân học tập và từ đó ứng dụng. Đó là một trong những giải pháp để ngành cà phê phát triển bền vững mà các tỉnh có nhiều cà phê khác ở Tây Nguyên như: Lâm Đồng (140.000ha), Đắc Nông (85.000ha)… cần học tập.

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Vịnh

    Bài viết này đặt ra hai vấn đề:
    1.Phải có biện pháp để ngăn chận hiện tượng hái cà phê quả xanh.
    2.Nông dân trồng cà phê cần có vốn đầu tư để chăm sóc cho đến khi thu hoạch.
    Để giải quyết thì không chỉ là những lời hô hào kêu gọi suông của các cấp, ngành chức năng mà phải là những biện pháp, kế hoạch cụ thể có sức thuyết phục ở tầm vi mô lẫn vĩ mô.
    Đó cũng là mục tiêu của việc sản xuất cà phê bền vững, góp phần thực hiện quan điểm, biến chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông dân trong thời kỳ hiện đại là người nông dân phải có lãi 30% trên sản phẩm làm ra và sống được trên mảnh đất sản xuất của chính mình.
    Mong vậy thay!

  2. Vương Minh Tuấn

    Hái cà phê mà chia ra làm 3 đợt chắc là khó có bà con nào mà thực hiện được. Diện tích thì rộng, trộm thì hoành hoành, nhân công thì thiếu , tính ra thu quả xanh còn lợi cho bà con hơn nhiều.

    1. Le Ngoc Dung

      Bạn ở vùng nào mà ko thực hiện đc? Có gì khó đâu! Tăng cường khâu bảo vệ, làm tốt như Cty TNHH 1 thành viên Cà phê Thắng Lợi, Đak Lak thì muốn hái bao nhiêu đợt chả đc. Cà phê ở Cty này phải chín 95% trở lên thì mới đc hái. Nông hộ nào hái xanh thì bị phạt theo như đã cam kết.
      Để hỗ trợ bà con bảo vệ vườn cà phê của mình, Cty tổ chức hệ thống bảo vệ chặt chẽ xuống đến tận nhà dân trong địa bàn Cty. Bất cứ người lạ nào hay khách đến chơi đều biết hết. Khách ở lại trong mùa thu hoạch phải đăng ký và chủ hộ bảo lãnh trách nhiệm…
      Cái chính là chính quyền, đơn vị quản lý ở cơ sở phải vào cuộc hết mình vì bà con nông dân.

  3. Ngao văn Ngán

    Hoàn cảnh dân người dân đến hái xanh, bán non thì nhà báo nói cũng có phần rõ . Nhưng để giải quyết vấn nạn trên theo như cách ông Phó GĐ đưa ra là tổ chức lại sản xuất, phải ở trong tổ chức. Hai vấn đề này tui thấy hình như không ăn nhập gì với nhau cả.
    Từ lý do nguyên nhân trên mà cách giải quyết cuối cùng là hăm dọa người sản xuất sẽ không bán được hàng vì cái TCVN nào đó thì…trớt quớt.
    Làm cán bộ thời nay không khó lắm bà con nhỉ.
    Không có ăn thì làm cán bộ được không, hay chỉ cần đứng trong tổ chức hàng ngũ mà không cần ăn cũng làm được, có phải ý nhà báo trong bài muốn nói vậy phải không?
    Ôi ! Báo với chí !

  4. Cafe love cafe

    Em thấy bài báo có tình nhưng mà cái lý nó chưa ổn quá. Người nông dân chỉ mong có cái ăn. Quanh năm quẩn quanh với vườn cà, họ yêu cây cà fe, nó không những là nguồn thu nhập mà còn là cuộc sống của họ nữa. Bảo anh Doanh Nghiệp đừng có ép giá anh Nông Dân, Chính Phủ can thiệp thì em nghĩ mọi thứ có lẽ ổn. Tiền nào của đó, hàng tốt thì giá cao, hàng rẻ thì giá thấp. Cứ lũy tiến mà tính. Em nghĩ có nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, và nếu như bài báo chỉ nêu ra đc cái xấu, cái hại của việc hái cà phê xanh thì sao ko nghĩ toàn bất lợi mà nông dân vẫn làm?
    Phải chăng họ ko biết?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86