Trong thực tế rải rác nhiều nơi ở khắp nước ta đã có nuôi chồn. Ban đầu chỉ là sự tò mò, thích thú khi nuôi một giống động vật hoang dã ; về sau là do xã hội có những nhu cầu khác nhau. Nhưng nuôi để lấy cà phê Chồn thì chỉ có các cư dân ở những vùng chuyên canh cây cà phê như Tây Nguyên mới nghĩ đến.
Kì 8 : nghề nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn.
Con chồn là loài thú dễ nuôi và cũng dễ sinh sôi nảy nở. Một số nước ở Đông Nam Á nuôi chồn trước tiên là để lấy xạ hương, một dược liệu quý hiếm cung cấp cho ngành Đông Y. Tiếp đó cùng với việc thịt rừng là món nhậu khoái khẩu thì người ta mới nghĩ đến việc nuôi chồn để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu đặc sản. Nếu lên mạng để kiếm sẽ dễ dàng thấy hàng trăm địa chỉ rao bán chồn. Nhưng nuôi để lấy cà phê Chồn thì chỉ có các cư dân ở những vùng chuyên canh cây cà phê như Tây Nguyên mới nghĩ đến.
Xuất phát từ một số Việt kiều ở Bắc Mỹ về thăm quê trong các kỳ nghỉ kể lại về trào lưu thưởng thức cà phê Chồn tại đây sau khi xem bộ phim “Niềm Sống”(The Bucket List) do Jack Nicholson và Morgan Freeman đóng vai chính. Theo trong phim thì chỉ có các tỷ phú mới là khách hàng thường xuyên của loại “thức uống đắt tiền nhất thế giới”. Đặc biệt khi có công trình nghiên cứu về cà phê Chồn của một giáo sư đại học chuyên ngành Khoa học thực phẩm ở Canada càng làm cho sự tò mò và ham muốn thưởng thức của công chúng tăng lên gấp bội…
Theo những người gắn bó lâu năm với cây cà phê ở vùng Tây nguyên thì chuyện con chồn hương ăn quả cà phê và thải ra “sản phẩm” cà phê Chồn không phải là chuyện xa lạ. Họ cũng nhận thức được rằng cà phê Chồn sẽ đem lại một nguồn lợi kinh tế rất lớn vì cái giá quá ngất ngưởng trong khi xã hội bước đầu đang có nhu cầu. Cho nên nghề nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn của cư dân mới manh nha từ đó.
Ghi nhận được người đầu tiên nuôi chồn để lấy cà phê là anh Nguyễn Văn Thưởng ở thôn 1, thị trấn huyện K’Bang, Kon Tum. Với bầy chồn hương khoảng 10 con, năm đầu tiên anh đã thu được vài chục ký cà phê Chồn. Từ năm 2006 anh đã có cà phê Chồn xuất bán ra thị trường cho người hiếu kỳ muốn thưởng thức và cung cấp cho một công ty sản xuất thử nghiệm.
Với anh Hoàng Mạnh Cường, giám đốc Công ty TNHH Kiên Cường ở Khối 8, Phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột thì từ 2 con chồn hương nhỏ mua ngoài chợ đem về nuôi vì tò mò, anh đã gây dựng lên thành một đàn chồn để chuyên sản xuất cà phê Chồn. Anh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang, đăng ký nguồn gốc chồn nuôi với cơ quan kiểm lâm. Đây là những con chồn hương được chăm sóc chu đáo, nuôi nhốt trong môi trường gần gũi với tự nhiên. Thức ăn cho chúng là các loại cá, thịt, hoa quả chín. Quy mô đàn chồn của anh đã lên đến trên 80 con, có lẽ là lớn nhất hiện nay. Anh san sẻ với nhân viên trong công ty, đưa về buôn H’Rát xã Êa Kao, TP. Buôn Ma Thuột nuôi mấy chục con cho gần nguồn nguyên liệu. Để tận dụng thời gian khai thác “sản phẩm” được kéo dài hơn và sớm có cà phê chín, anh đã thông qua bạn bè trong Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột để nhờ tìm mua cà phê chín bói với giá đắt gấp 3-4 lần về cho chồn ăn. cà phê Chồn được anh thu hoạch vào mỗi buổi sáng sau khi cho ăn. Con chồn thải ra hạt cà phê còn nguyên được anh thu gom rồi đem rửa sạch, sấy khô và đóng gói. Anh còn cho biết trong một vụ cà phê mỗi con chồn có thể “sản xuất” ra được 5 – 6 ký. Theo anh Cường, làm cà phê Chồn không khó, thu nhập mang lại rất lớn và thân thiện với môi trường.
Quy mô đáng kể nhất trong số các hộ đang theo đuổi nghề này là trang trại nuôi chồn hương của anh em Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Giang Nam ở xã Krông Buk, huyện Krông Păk, tỉnh Đak Lak. Mấy anh em họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng vào vốn giống chuồng trại để đầu tư sản xuất cà phê Chồn. Theo kinh nghiệm của anh Khánh, nuôi chồn hương để có cà phê Chồn thứ thiệt không quá khó nhưng cũng khá dày công và tốn kém. Chồn hay tấn công nhau nên mỗi con phải nuôi trong một ô chuồng, khi động dục mới cho gần gũi. Mỗi năm, chồn mẹ có thể đẻ hai lứa, mỗi lứa vài ba con. Mùa cà phê chín, anh cùng người nhà giăng lưới vây quanh khu rẫy của nhà để thả chồn cho chúng tự do chọn quả ngon để ăn. Thậm chí anh còn bỏ công đi mua thêm những quả cà phê chín ngon từ rẫy của các chủ trang trại bên cạnh với giá đắt gấp nhiều lần về cho chồn ăn.
Gần đây nữa, một số cá nhân cũng như công ty cà phê ở khắp các tỉnh Tây Nguyên đang lập những trang trại có qui mô nhằm mục đích nuôi chồn hương để lấy cà phê Chồn. Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn chỉnh, hứa hẹn vụ mùa cà phê chín sắp đến sẽ có thêm nhiều sản phẩm cà phê Chồn được đưa ra chào hàng.
Không những thế, nắm được xu hướng thị trường sẽ cần nhiều chồn hương nên nhiều cơ sở chăn nuôi thú ở khắp vùng Đông Nam bộ đang chuẩn bị cho xuất chuồng một số lượng lớn chồn hương nuôi sinh sản. Và không chịu chậm chân, ở Hóc Môn, Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh và An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long của miền Tây Nam bộ cũng đã ghi nhận được một số cơ sở chăn nuôi thú đang rao bán chồn hương.
Như vậy có thể khẳng định rằng nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn đang nở rộ khắp vùng Tây nguyên là một nghề mới nổi, kéo theo sự tham gia một vài phân đoạn nuôi chồn ở những vùng miền khác. Và cũng có thể khẳng định rằng nghề nuôi chồn hương để lấy cà phê Chồn vừa là một nhu cầu vừa là một nguyện vọng chính đáng. Nên chăng giới hữu trách cần có những qui định cụ thể trong việc kiểm soát chồn nuôi, để hạn chế và ngăn chận kịp thời những nguy hại đáng tiếc có thể xãy ra, nhất là việc kiểm soát dịch bệnh(*), khi mà nghề nuôi chồn đã bắt đầu có dấu hiệu tràn lan khắp nơi.
(*)loại chồn hương này mấy năm về trước bị nghi là thủ phạm có mang virus Corona, tác nhân gây ra dịch bệnh SARS tại Trung Quốc và vùng Đông Nam Á.
Các bài cùng chuyên đề:
- Kỳ 1: Truyền thuyết về cà phê
- Kỳ 2: Cà phê, một thức uống quý tộc
- Kỳ 3: Cây cà phê với các vùng thuộc địa Châu Á
- Kỳ 4: Cây cà phê ở Việt Nam
- Kỳ 5: Các giống cà phê chính
- Kỳ 6: Hồi ức – Tôi nhặt cà phê chồn
- Kỳ 7: cà phê chồn, một món quà quý hiếm
Kì 9 : Thực trạng sản xuất cà phê chồn.
Nguyễn Vịnh
Trung Nguyên đang xây dựng trang trại nuôi chồn lấy cà phê, đâu cần mua cà phê chồn của ai nữa. Vậy ko biết các vị nuôi chồn lấy cà phê để bán cho ai? người tiêu dùng chúng tôi cũng muốn mua để thưởng thức lắm nhưng giá thành các vị bán còn quá cao, chưa hợp với túi tiền của chúng tôi. Như vậy cuối cùng nghề nuôi chồn sẽ đi về đâu? Hay các vị tính cho chồn lên mâm!
Nếu không ai nuôi chồn nữa thì TN sẽ độc quyền cà phê chồn. khi đó giá sẽ không chỉ ở 3000USD/kg nữa mà sẽ là một giá khủng, chỉ có kẻ hoang tưởng mới biết là bao nhiêu.
Nhưng không sao, người tiêu dùng chớ buồn vì TN đã nói là có muốn bán, có cần bán cho người tiêu dùng nội địa đâu. Mục đích của TN là muốn vươn ra biển lớn kia mà. Còn “ao nhà” ăn thua gì?
Câu chuyện về cà phê chồn vẫn còn bị phủ mờ. Người ta không muốn ai bàn đến vì cái giá đang tưởng chừng như bở ăn, và cũng không muốn ai tham dự vào để chia nhỏ miếng bánh này. Những người nuôi chồn chú Vịnh kể trên mấy năm nay họ bán sản phẩm cho ai? Nếu kể ra thì mọi người sẽ nhảy vào xí phần và “nuôi chồn tràn lan”…
Phải tìm ra một giải pháp tích cực, hay cứ thả nổi rồi sẽ đến lúc tự nó ổn định.
Đến khi đó sẽ có rất nhiều người khốn nạn vì tham vọng nhảy vào chia phần của mình.
Ôi ! cà phê chồn.
Cà phê chồn của Trung Nguyên là 3000USD/kg.
Chủ tịch HĐQT cà phê Trung Nguyên, ông Vũ cho biết : “bán dễ ẹc”!
Hình như ông ta bị …!
Tại sao bà con nông dân cứ loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì mà không nuôi chồn?
Ông Cường nói : “làm cà phê Chồn không khó, thu nhập mang lại rất lớn và thân thiện với môi trường”.
Anh em Quốc Khánh, Giang Nam cũng nói : “nuôi chồn hương để có cà phê Chồn thứ thiệt là không quá khó”.
Theo tôi hiểu là họ đang động viên cổ vũ bà con cùng tham gia nuôi chồn lấy cà phê Chồn để bà con nông dân Tây Nguyên mình nhanh chóng trở thành triệu phú tiền đô.
3.000USD/kg lận mà!
Hay họ nói như thế là có ý gì?
Cà phê đó chưa chắc đã ngon. Vì cà phê chồn nuôi nhốt chỉ cho ăn 1 loại caphe, còn chồn tự nhiên thì sẽ ăn nhiều loại cà phê khác nhau mà !