Trung Nguyên – Vinamilk: Bắt tay vì thương hiệu Việt!

Hôm qua (ngày 13/9), Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố chính thức hợp tác chuyển nhượng dự án Nhà máy cà phê Sài Gòn. Đây là sự kiện hợp tác chuyển nhượng đầu tiên giữa hai thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, phá vỡ quan điểm độc tôn truyền thống trong kinh doanh, chuyển sang chia sẻ để gắn kết

Trung Nguyên – Vinamilk: Bắt tay vì thương hiệu Việt!
Trung Nguyên – Vinamilk: Bắt tay vì thương hiệu Việt!

CôngThương – Vinamilk chuyển nhượng Nhà máy cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên nhằm tập trung chuyên môn hóa phát triển sâu trong mỗi ngành, tối ưu hóa năng lực sản xuất dựa trên thế mạnh cạnh tranh hiện có của mỗi bên.

Theo bà Ngô Thị Thu Trang – Giám đốc Điều hành của Vinamilk: “Chúng tôi quyết định hợp tác chuyển nhượng nhà máy cà phê cho Trung Nguyên để tập trung phát huy thế mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất sữa”. Là những thương hiệu quốc gia, Vinamilk và Trung Nguyên đều mong muốn thương hiệu Việt phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và khẳng định vị thế tại thị trường trong và ngoài nước. Dự án hợp tác sẽ tạo điều kiện cho hai bên tập trung phát triển tối ưu năng lực của mình, khẳng định vị trí lãnh đạo ngành: Vinamilk tập trung vào ngành sữa và các mặt hàng dinh dưỡng; Trung Nguyên đẩy mạnh phát triển trong ngành cà phê. Cả hai sẽ có cơ hội góp phần cho sự phát triển thế mạnh ngành nông sản, cũng như nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam.

Ông Lê Tuyên – Giám đốc Tiếp thị & Truyền thông, Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên – khẳng định: “Đây là cơ hội để mỗi doanh nghiệp có thể tập trung sức mạnh chuyên sâu. Đối với Trung Nguyên, việc làm này thể hiện khát vọng của cả một tập thể quyết tâm nâng cao vị thế thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế”.

Nhà máy cà phê Sài Gòn là một trong những dự án nằm trong chiến lược hoàn thiện hệ thống nhà máy công nghệ và bí quyết của Trung Nguyên với mức đầu tư 2.200 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm. Đến nay, Trung Nguyên đã sở hữu một hệ thống 4 nhà máy chế biến cà phê lớn nhất châu Á có công nghệ hiện đại nhất thế giới, gồm 2 nhà máy chế biến cà phê rang xay và 2 nhà máy chế biến cà phê hòa tan. Đặc biệt, nhà máy cà phê Sài Gòn có kỹ thuật vận hành tích hợp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và có khả năng sản xuất nhiều loại cà phê khác nhau như rang xay, hòa tan và cà phê nước đóng lon (RTD). Việc tiếp nhận Nhà máy cà phê Sài Gòn sẽ nâng tổng công suất sản xuất cà phê hòa tan của Trung Nguyên lên gấp 3 lần so với trước đây. Riêng nhà máy đã khởi công vào tháng 6/2009 tại Buôn Ma Thuột với mức đầu tư gần 800 tỷ đồng có công nghệ chế biến cà phê rang xay hiện đại nhất thế giới. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong 3-5 năm tới và đưa Trung Nguyên trở thành nhà sản xuất cà phê rang xay lớn nhất châu Á.

Không chỉ nâng cao vị thế của Trung Nguyên trong cuộc cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu cà phê toàn cầu, sự chuẩn bị này đảm bảo về sự đa dạng của sản phẩm cho mục tiêu chinh phục thế giới qua các thị trường cửa ngõ quan trọng: Mỹ, Trung Quốc, Singapore vào năm 2012. Hơn nữa, công nghệ dây chuyền hiện đại, chuyên biệt giúp Trung Nguyên nâng cao chất lượng và thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ cà phê Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế. Đây là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt xa con số 1,7 tỷ USD/năm dự kiến hiện nay và từng bước tạo dựng hình ảnh thương hiệu cà phê Việt Nam trên thế giới, giảm sự tác động từ thị trường xuất khẩu cà phê thô thế giới.

Cùng việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, để chuẩn bị cho công cuộc chinh phục thế giới, Trung Nguyên không ngừng khẳng định vị thế chuyên gia cà phê số 1 với những sản phẩm cà phê mang nội hàm văn hóa cao, những không gian văn hóa cà phê, đặc biệt là tư tưởng cà phê mang đậm tính sáng tạo, bền vững. Cà phê không còn là sản phẩm thương mại thông thường mà gắn liền với những giá trị văn hóa, trở thành biểu tượng ngoại giao của Việt Nam qua những dạ tiệc ngoại giao cà phê Trung Nguyên với tên gọi “M’jor caphe” đã giới thiệu đến hơn 200 đại sứ và quan khách ngoại giao tại “Đêm thế giới cà phê” (6/2009), “Đêm ngoại giao văn hóa ASEAN” (8/2010) diễn ra tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên (Hà Nội) và sắp tới đây là Hội quán Thanh niên (TP.HCM) được chọn là điểm đến ngoại giao văn hóa cà phê của gần 100 hoa hậu, đại sứ quốc tế trong chương trình Hoa hậu Trái đất vào tháng 11/2010

Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17 vào tháng 10/2010, Bộ ngoại giao đã chọn cà phê chồn Trung Nguyên là sản vật đặc biệt của Việt Nam làm quà tặng cho 20 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Dự án Bảo tàng cà phê thế giới với hơn 10.000 hiện vật, do Trung Nguyên sưu tầm và mua từ bảo tàng cà phê lớn nhất thế giới tại Đức, ước tính hơn 5 triệu USD sẽ được cập cảng vào cuối tháng 9/2010 và chính thức mở cửa đón khách vào tháng 3/2011 trong Lễ hội Cà phê. Dự án thành phố cà phê đang trong giai đoạn hoàn tất những bản vẽ cuối cùng và dự kiến khởi công vào năm 2011. Có thể nói, hàng loạt các dự án, kế hoạch đã và đang được tiếp tục triển khai, thể hiện tính chuyên sâu về cà phê, lòng đam mê về cà phê và là sự khẳng định mạnh mẽ nhất, quyết tâm nhất của tập thể Trung Nguyên qua “2 nhiệm vụ, 1 dự án” là: “Thống trị nội địa – chinh phục thế giới” và “Thủ phủ cà phê toàn cầu”.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83