Đoạn kết buồn của dự án cà phê chè (cà phê Arabica)

Hôm 13-11, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân và giải quyết dứt điểm sự tồn tại của dự án cà phê chè (arabica) đầy tham vọng ban đầu.

Cà phê chè (arabica) vẫn chưa thể thay thế một phần cà phê vối (robusta) Ảnh: Y5cafe

Dự án trồng cà phê chè (cà phê Arabica) của Việt Nam được khởi động vào năm 1997 với vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 800 tỉ đồng giờ đây xem như phá sản khi đầu tư sai địa chỉ, duy ý chí, không khác gì chương trình mía đường, xi măng lò đứng hay đóng thuyền đánh bắt xa bờ trong hơn chục năm qua.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dự án nói trên được triển khai vào thời gian giá cà phê trên thị trường thế giới đang ở mức cao, thế giới đang khủng hoảng thiếu cà phê và tham vọng của các nhà quản lý lúc đó là nâng diện tích cà phê chè của Việt Nam, nơi vốn chủ yếu trồng cà phê vối (robusta), theo hướng đa dạng sản phẩm, giảm dần sự phụ thuộc hoàn toàn vào cà phê vối trong xuất khẩu.

Hơn nữa, vào thời điểm đó, dựa vào thống kê nhiều năm, các nhà quản lý cho rằng giá cà phê chè luôn cao hơn cà phê vối trên thị trường thế giới và nếu nâng diện tích cà phê chè, có nghĩa tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng cà phê.

Dự án được duyệt với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 800 tỉ đồng, trong đó một nửa là vay từ quỹ AFD của Pháp với lãi suất 3,5%/năm. Trong số phân nửa vốn đầu tư còn lại thì một phần vay từ các tổ chức tín dụng trong nước, một phần do nông dân và doanh nghiệp tự bỏ ra.

Với số tiền nói trên, ngành nông nghiệp dự kiến trồng ít nhất 40.440 héc ta cà phê chè chủ yếu ở 15 tỉnh phía bắc Việt Nam, nơi được các nhà khoa học cho là có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với cà phê chè và nông dân những vùng này còn nghèo, cây cà phê chè có thể giúp nông dân cải thiện thu nhập. Ngoài ra, một vài địa phương ở phía nam, nơi có các doanh nghiệp của Tổng công ty Cà phê Việt Nam đứng chân, cũng tham gia dự án.

Bài toán lý thuyết đã cho rằng dự án cà phê chè sau khi cho thu hoạch sẽ giúp Việt Nam có thêm 43.600 tấn nhân cà phê chè mỗi năm phục vụ xuất khẩu, ứng với doanh thu 485 tỉ đồng/năm.

Thế nhưng, vào tháng 3-2005, khi Chính phủ quyết định kết thúc giai đọan 1 của dự án thì diện tích cà phê chè chỉ trồng được 13.500 héc ta, đạt 33,4% mục tiêu ban đầu của dự án. Điều đáng nói là 24% diện tích đã thực hiện của dự án bị mất trắng, 42% diện tích được đánh giá là quá xấu, ít có khả năng cho thu hoạch, chỉ còn một ít diện tích có khả năng cho thu họach.

Chẳng hạn Thanh Hóa là một trong các địa phương ở phía bắc thực hiện dự án trồng cà phê chè. Trong các năm qua, gần 100 tỉ đồng đã đổ vào Thanh Hóa để trồng 4.000 héc ta cà phê chè. Nay thì cả tỉnh chỉ có… 59 héc ta trong số diện tích 4.000 héc ta cà phê là có khả năng cho thu hoạch, còn lại bị mất trắng hoặc quá xấu, mất khả năng cho thu hoạch.

Còn tỉnh Yên Bái vay 2,3 tỉ đồng của dự án để cùng với vốn tín dụng của ngân hàng và nông dân bỏ ra trồng 350 héc ta cà phê chè. Nay chỉ còn 150 héc ta cho thu hoạch, còn lại xem như bị chết.

Theo một quan chức ngành nông nghiệp (từ chối nêu tên), việc đầu tư trồng cà phê chè ồ ạt mà không quan tâm đến điều kiện thời tiết, đất đai của từng vùng hay trình độ kỹ thuật của nông dân là nguyên nhân chính khiến dự án bị thất bại. “Họ đưa cây cà phê chè đến tận các làng bản xa xôi, dân trí thấp, chưa hiểu hết quy trình canh tác cà phê chè, thiếu điều kiện nước tưới, đất đai lại không phù hợp với cây cà phê thì làm sao không thất bại?”, quan chức trên nói.

Các nhà khoa học gắn bó với cà phê thì cho rằng cà phê chè là loại cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật canh tác và nước tưới còn khắt khe hơn cả cà phê vối vốn trồng phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn cà phê chè phải trồng ở vùng đất có độ cao hơn 200 mét so với mực nước biển và độ dốc dưới 15 độ để dễ tưới nước thì ở Thanh Hóa, dự án này trồng cà phê ở những nơi cao hơn mực nước biển chỉ 60 mét, trồng trên đồi có độ dốc hơn 20 độ và không có khả năng làm thủy lợi để tưới nước.

Mặt khác, trong quá trình triển khai dự án, giá cà phê chè trên thị trường trong nước và thế giới bị khủng hoảng từ năm 2000 tới năm 2005, với giá bán quá thấp, khác xa với giá cà phê khi xây dựng dự án, là nguyên nhân khiến doanh nghiệp và nông dân chẳng buồn quan tâm chăm sóc cây cà phê chè. Đến nay, giá cà phê hồi phục thì cây cà phê chè của dự án chẳng còn, khiến nhiều người tiếc rẻ.

Giờ đây, các địa phương thực hiện dự án đang đề nghị Chính phủ khoanh lại số nợ mà nông dân và doanh nghiệp đã vay thực hiện dự án. Theo lời quan chức trên, dự án đang đặt ra cho Chính phủ hai phương án xử lý trái ngược nhau. Hoặc là khoanh nợ và tiếp tục cho vay để cứu vườn cây cà phê, hoặc chấm dứt không đầu tư nữa để cố định số nợ hiện nay.

Công văn của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng hôm 13-11 đã  giao cho Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng công ty Cà phê Việt Nam thực hiện kiểm toán độc lập cho dự án 40.000 héc ta cà phê chè vay vốn của AFD, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiện của tổ chức cá nhân, trên cơ sở kiểm toán sẽ chủ trì để phối hợp với các bên liên quan kiến nghị biện pháp xử lý tài chính tổng thể để giải quyết dứt điểm tồn tại của chương trình.

HỒNG VĂN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. huong

    Tôi làm cho một công ty nhật, trước khi họ triển khai dự án sản xuất một sản phẩm mới nào đó thì phải chọn ra môt nhóm cùng các chuyên gia làm mẩu, test làm thử không biết bao nhiêu lần với nhiều điều kiện khác nhau để xem tốt xấu thế nào và tim ra phương án tốt nhất để xử lý cho việc sản xuất đại trà. Những án không khả thi, phát sinh sự cố nhiều thì hủy. Những dự án khả thi thi trước khi sản xuất, nhóm dự án phải lập những nguyên nhân đối sách trong quá trình làm mẩu, sản xuất thử và hướng dẫn cho những người thực thi biết để đối phó như là một đối sách phòng chống sự cố. Sau đó mới cho sản xuất thử một vài chuyền, nếu trong vài tháng có khi cả năm mà không có vấn đề thì mới cho triển khai đại trà. Họ là tổ chức nhỏ mà làm thế, còn nước mình có quá nhiều nhà khoa học, lãnh đạo cap cấp mà sao các dự án lớn hàng trăm tỷ mà triển khai không bình thường(!) thất vọng. Nếu chính phủ mà cứ duyệt dễ dàng thế thì dân khó giàu nổi.

  2. Hongvan

    Bạn Hương nói đúng quá. TUy nhiên bạn ơi, có những cái ở ta ai cũng biết là không đúng nhưng vẫn cứ làm mà không cần quan tâm tới hiệu quả của nó. Có lẽ nó phục vụ ý chí chủ quan của một nhóm quyền lợi nào đó thôi bạn à. Cám ơn bạn!

  3. AQ chính truyện

    Sau 10 năm gắn bó với dự án, những gì mà 350 hộ công nhân nhận được là món nợ hơn 30 tỷ đồng; 350 ha cà phê phải phá bỏ vì sâu bệnh và kém năng suất; hàng ngàn người lâm vào cảnh lao đao.
    Càng làm càng nợ
    Các ông Bùi Xuân Bình, Nguyễn Đình Trọng, Đào Văn Lập, Nguyễn Văn Phương và hàng trăm hộ dân khác ở xã Quảng Tín huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông đều có cùng một câu chuyện buồn giống nhau:
    Năm 1997 họ vào làm công nhân cho Công ty Cà phê Việt Thắng (thuộc tỉnh Đăk Lăk cũ).
    Trung bình mỗi hộ được Công ty giao khoán chăm sóc một hécta cà phê chè với mức khoán phải nộp là 14 tấn cà phê mỗi vụ.
    Nhưng mót máy sạch sành sanh, người nhận khoán chỉ nộp được cho công ty khoảng một nửa số sản lượng được giao vì cà phê bị sâu bệnh cho năng suất quá thấp.

    Liên tiếp từ năm 2000 cho đến nay, tình hình thiếu sản lượng khoán ngày một trầm trọng hơn vì cà phê ngày càng sâu bệnh và ít trái. Số nợ của nông dân trong dự án cà phê chè tăng dần lên đến gần cả trăm triệu đồng/hộ.
    Chị Hồ Thị Phương rầu rĩ trong căn nhà ván mục nát: “Càng gắn bó lâu với dự án này chúng tôi càng nợ nần chồng chất. Hơn 10 năm quần quật làm lụng căn nhà nhỏ xíu này chúng tôi cũng không sửa sang nổi”.
    Triển khai ồ ạt, phá sản nhanh
    Năm 1995, UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt dự án phát triển cây cà phê chè Catimor ở hai huyện Đăk Nông và Đăk R’Lấp (nay là thị xã Gia nghĩa và huyện Đăk R’Lấp tỉnh Đăk Nông) với mục tiêu phát triển vùng đất này thành vựa cà phê chè lớn nhất Tây Nguyên.
    Năm 1997, Công ty Cà phê Việt Thắng nhanh chóng triển khai dự án và trồng một lúc gần 350 ha ở huyện Đắk R’Lấp, đồng thời nhận 350 hộ công nhân vào chăm sóc.
    Trước khi cà phê có thu hoạch, công ty này cũng được duyệt chi hơn 10 tỷ đồng xây dựng một dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất trong ngành cà phê để chế biến sản phẩm.
    Nhưng ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, cây cà phê Catimor ở đây đã xuất hiện nấm bệnh nghiêm trọng và năng suất chỉ đạt 1/2 dự kiến.
    Các năm tiếp theo, nấm bệnh trên cây cà phê tiếp tục hoành hành và Công ty Việt Thắng lúc này mới nhận ra rằng việc trồng ồ ạt hàng trăm hécta cà phê chè trên vùng đất mới mà không qua thử nghiệm là sai lầm.
    Dù sử dụng hết các loại thuốc phòng trừ nấm bệnh, diện tích cà phê này cũng không có dấu hiệu suy giảm nấm bệnh
    Phương án chữa cháy nhanh chóng được thông qua là giao diện tích cà phê trên về cho người dân nhận khoán, đồng nghĩa với trách nhiệm về chăm sóc và hoàn trả vốn đầu tư ban đầu đổ gần hết lên vai người nông dân.
    Kể từ khi giao khoán vườn cây về cho nông dân, sâu bệnh trên cây cà phê chè ở Đắk R’lấp càng phát triển mạnh hơn. Và sau 10 năm nai lưng trả nợ, đến nay số nợ của nông dân phải gánh cho dự án này còn đến hơn 30 tỷ đồng.
    Cho đến năm 2006, 350 hécta cà phê chè ban đầu chỉ còn sót lại 44 hécta sống lay lắt. Và đến cuối năm 2008 vừa qua, toàn bộ số diện tích này cũng bị biến thành củi khô.

    Ông Nguyễn Khắc Trọng- Phó Giám đốc công ty Cà phê Đắk Nông (đơn vị nhận tiếp quản dự án sau khi tách tỉnh Đắk Nông) – cho biết: Cho đến nay, dây chuyền sản xuất cà phê Catimor trị giá 10 tỷ đồng vẫn chưa được Công ty Việt Thắng làm xong thủ tục bàn giao nên chưa có hướng xử lý. Còn về diện tích 350 ha cà phê đã chết thì cũng chưa biết sẽ được thay thế bằng cây trồng gì cho phù hợp.

  4. Vu Quy

    Việc thất bại của dự án cà phê chè 40.000 ha là do cách quản lý không phù hợp, hệ quả của việc không khảo sát kỹ điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của một số vùng xây dựng dự án đã khẳng định điều này, theo tôi khi đưa ra một cây trồng mới phát triển trên một vùng đất mới, điều kiện tự nhiên khác so với vùng sản xuất cà phê truyền thống cần phải có nghiên cứu thử nghiệm trước, phải có kết quả khẳng định thì mới phát triển được, tôi hy vọng rằng dự án phát triển cà phê chè cần được tiếp tục, và chú trọng vào các vùng phát triển có điều kịên tự nhiên phù hợp ( ví dụ: độ cao so với mặt nước biển từ 500 – 600 m trở lên)

Tin đã đăng