Thị trường nông sản dưới tác động của khủng hoảng tài chính

Sự tham gia của các quỹ đầu tư và đầu cơ ngày càng có vai trò quan trọng chi phối các thị trường giao dịch một số mặt hàng nông sản…

Trung tâm Thông tin PTNNNT, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa hoàn thành bản báo cáo “Biến động và triển vọng giá nông sản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Café F có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Quang Diệu, giám đốc Trung tâm Thông tin PTNNNT về những chủ đề xoay quanh các nhận định của báo cáo này về triển vọng thị trường nông sản.

Xin ông cho biết nguyên nhân của suy thoái thị trường nông sản trong thời gian qua?

Tình hình suy giảm này về mặt bản chất chưa từng xảy ra trước đây.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, giao dịch thị trường nông sản đã có nhiều thay đổi, tính liên thông đã tăng lên rất nhiều giữa các thị trường tài chính, chứng khoán, nông sản. Sự tham gia của các quỹ đầu tư và đầu cơ ngày càng có vai trò quan trọng chi phối các thị trường giao dịch một số mặt hàng nông sản.

Sự khủng hoảng vừa rồi của thị trường bất động sản Mỹ đã nhanh chóng lan sang thị trường tài chính. Và trong chuỗi dây chuyền này thị trường nông sản cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra đồng USD đang tăng mạnh trở lại so với đồng Euro cũng gây sức ép làm giảm giá nông sản vì Mỹ là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới.

Các mặt hàng nào biến động mạnh nhất?

Tùy theo mặt hàng mà có sự giảm sút khác nhau.

So sánh mức giá tính đến cuối tháng 10/2008 với thời điểm những tháng giữa năm 2008 của một số mặt hàng, giá cao su thế giới giảm đến 31%-39% tùy chủng loại. Cà phê giảm 15% đối với Arabica và 27% đối với Robusta. giá gạo giảm 40%.

Có những mặt hàng phụ thuộc vào các yếu tố căn bản của cung cầu thì ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng, còn lại sẽ chịu tác động tức thời, sẽ tăng trở lại trong ngắn hạn

Một phác họa về bức tranh triển vọng thị trường nông sản?

Mỹ, Nhật Bản, EU là những thị trường quan trọng đối với thương mại nông sản quốc tế.

Theo dự báo của IMF, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều suy giảm như Mỹ từ mức 1,6% năm 2008 xuống 0,1% năm 2009, tương tự Nhật Bản từ 0,7% xuống 0,5%, Đức 1,8% xuống 1,7%.

Các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ cũng sẽ giảm tốc độ tăng trưởng.

Triển vọng của kinh tế Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng đến triển vọng giá một số mặt hàng chiến lược như dầu mỏ. Đặc biệt đối với Việt Nam, thương mại nông sản Việt-Trung có một ý nghĩa quan trọng cho cả hai yếu tố: vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi; thị trường đầu ra như cao su, rau quả, và một số mặt hàng nhạy cảm khác như lúa gạo, ngô, thịt…

Có hai nhân tố quyết định quan trọng nhất đến nhu cầu nhập khẩu nông sản là thu nhập và giá của bản thân mặt hàng nhập khẩu.

Theo tính toán trong báo cáo “Biến động và triển vọng giá nông sản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu”của chúng tôi, với triển vọng kinh tế đi xuống, giá đang giảm mạnh và có khả năng phục hồi nhẹ thì nhu cầu nhập khẩu của Thị trường Mỹ đối với cà phê giảm khoảng từ 1-2%, hồ tiêu giảm từ 0,2%-0,35%%, đối với Đức cà phê giảm từ 0-1,8%, và Nhật Bản cà phê giảm từ 0,6-1,3%.

Tình hình của Việt Nam trong bối cảnh như vậy sẽ ra sao?

Nếu nói tất cả tác động đối với suy giảm của xuất khẩu nông sản, hay kinh tế các ngành hàng nông sản gặp khó khăn sẽ không chính xác.

Vấn đề của lúa gạo là do yếu tố cung cầu thị trường quyết định chứ không liên quan nhiều đến khủng hoảng kinh tế. ngành hàng thịt thì do yếu tố nội địa chi phối, chúng ta gặp phải các trở ngại từ dịch bệnh, thức ăn chăn nuô tăng…đây là ngành hàng đang gặp khó khăn rất lớn, sức ép từ hai phía cung và cầu đó là chi phí đẩy làm giá tăng, và mức giá cao làm giảm tiêu dùng.

Ngoài ra chúng ta gặp phải những thách thức rất lớn từ nội tại như áp lực của lạm phát và khan hiếm tín dụng đang đè nặng lên các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Về hai ngành hàng lúa gạo và thịt chúng tôi đang gấp rút cho ra hai báo cáo chuyên đề về triển vọng thị trường, trong đó đặc biệt sẽ có dự báo về nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân dịp Tết Nguyên đán này.

Còn áp lực từ phía ngoài

Rõ ràng áp lực của suy giảm thị trường hiện nay rất nghiêm trọng.

Như đã trình bày ở phần trên, chúng ta gặp phải tình hình suy thoái của thị trường thế giới. Song còn vấn đề tỷ giá nữa mà ít người đề cập.

Vấn đề này tôi đã trao đổi trong một bài viết với Tờ Thời báo Kinh tế Sài gòn. So với các nước xuất khẩu nông sản cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Brazil, Columbia, Ấn Độ đồng nội tệ của họ giảm giá từ 15 đến 45% trong khi đồng Việt Nam chỉ giảm 5-6% so với đồng USD. Do đó chúng ta đang ở vào hoàn cảnh bất lợi so với các nước này trong xuất khẩu nông sản.

Liệu chúng ta có cơ hội trong bối cảnh hiện nay?

Chúng ta có cơ hội chứ. Suy giảm kinh tế không chỉ có giảm tiêu dùng một cách đơn thuần, mà còn có sự dịch chuyển tiêu dùng mang tính thay thế.

Ví dụ, khi thu nhập giảm sẽ chuyển từ tiêu dùng những hàng hóa đắt tiền sang các hàng hóa rẻ hơn, và đây là một lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh này. Chúng ta chuyên xuất khẩu nông sản thô, giá rẻ nên khi các nền kinh tế nhập khẩu suy thoái có nhiều khả năng họ sẽ tăng cầu các sản phẩm giá rẻ của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dựa vào một lợi thế nhất thời như vậy trong dài hạn sẽ là một sai lầm, vấn đề ở đây là biến một cơ hội ngắn hạn thành một đòn bẩy cho quá trình chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang chế biến có giá trị gia tăng cao để có được vị trí cao trong chuối giá trị toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!

———-
Theo CafeF

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81