Giá cà phê trên thị trường thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 25/8 bởi hoạt động bán thanh lý của các quỹ hàng hoá.
Đầu tuần này, giá cà phê arabica kỳ hạn đã leo lên mức cao nhất của gần 13 năm nhưng lại quay đầu giảm một cách đột ngột ngay phiên sau đó, để mất tới 8,1% giá trị, do làn sóng bán tháo trên thị trường sau thông tin sản lượng cà phê ở Braxin niên vụ 2010/11 có thể đạt tới 54,6 triệu bao, vượt xa kỷ lục 48,8 triệu bao thiết lập trong niên vụ 2002/03. Thị trường còn chịu tác động từ làn sóng bán tháo nói chung thị trường hàng hoá sau khi Mỹ công bố doanh số bán nhà đã qua sử dụng giảm mạnh xuống mức thấp nhất của 15 năm – làm tăng nỗi lo về khả năng xảy ra suy thoái kép ở nền kinh tế số 1 thế giới.
Phiên hôm qua 25/8, giá tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn bởi hoạt động thanh lý của các quỹ hàng hoá. Lúc đóng cửa phiên, giá kỳ hạn tháng 9 tại ICE mất 2,75 cent, tương đương 1,7% còn 164,10 cent/lb, kỳ hạn tháng 12 giảm 1,85 cent xuống 166,60 cent/lb.
Trên thị trường Luân Đôn, giá cà phê robusta kỳ hạn cũng rơi xuống mức thấp mới trong phiên 25/8 sau phiên giảm 8% trước đó. Đóng cửa phiên, kỳ hạn tháng 11 mất 49 USD, tương đương 3% còn 1.591 USD/tấn.
Giới phân tích cho rằng, giá giảm trong 2 phiên vừa qua là quá mạnh và thị trường sẽ hồi phục nhẹ trở lại.
Ông Nestor Osorio, giám đốc điều hành của Tổ Chức Cà phê Quốc tế, cũng nhận định dù giá giảm mạnh trong 2 phiên vừa qua nhưng sẽ hồi phục trở lại và duy trì ở mức cao trong vài tuần tới do cung cho các kỳ hạn gần vẫn rất khan hiếm.
Nguyễn Hằng
Theo dự đoán chung của tình hình caphe thế giới sẽ phụ thuộc vào năng suất vụ mùa caphe ở BRZ thường đúng không, những yếu tố tác động căn bản quyết định giá là gì? rất mong được học hỏi kinh nghiệm ở mức tương đối. Xin cảm ơn!
Gửi bạn Hải
Nói chính xác là có 2 nhóm yếu tố :
– Nhóm 1 là nhóm tác động nguồn CUNG như : năng suất cao làm tăng cung, hổ trợ của chính phủ là tăng cung, điều kiện tự nhiên thuận lợi làm tăng cung…và còn rất nhiều yếu tố khác nữa
– Nhóm 2 là nhóm tác động CẦU như : dự đoán giá thời gian tới sẽ tăng sẽ làm tăng cầu, tâm lý nhà đầu tư tốt làm tăng cầu, mức sống người dân nâng lên cũng làm tăng cầu, hoặc giá cacao tăng chót vót làm người ta chuyển qua uống cà phê cũng làm tăng cầu…
Ví dụ : Báo chí đưa tin uống cà phê ban trưa sẽ giúp giảm nguy cơ tiểu đường.
Chúng ta phải suy luận được “ À, tin này sẽ làm người ta uống cà phê nhiều hơn, và như thế là thuộc nhóm 2, làm tăng cầu. Kết quả là giá tăng”.
Ví dụ khác : Khi giới trẻ ‘kháo nhau’ thanh niên vào quán phải uống cà phê mới là sành điệu cũng làm tăng cầu.
Ví dụ thêm : khi nói : Vụ mùa Brazil bội thu, có nghĩa là làm tăng Cung, suy ra giá giảm
Thậm chí có những thông tin trên trời dưới biển, phải suy luận cả buổi mới ra nhưng cũng có tác động tới giá cà phê.
Tuỳ mức độ ‘sốc’, ‘ép phê’, chính xác và mức lan truyền của thông tin sẽ làm giá tăng hay giảm bao nhiêu. Cái này gọi là phải ĐỊNH LƯỢNG được thông tin, Có nhiều cách để định lượng thông tin và nó có phương pháp khoa học hẳn hoi. Thông thường một lúc có rất nhiều thông tin tác động, dù thật hay giả thì thông tin nào cũng có tác động hết.
Chúng ta cứ tập hợp tất cả thông tin và xếp vào hai nhóm trên. Rồi suy luận như sau :
– Cứ Cầu tăng nhiều hơn Cung thì giá tăng
– Cầu ổn định mà Cung giảm thì giá cũng tăng (VD :mất mùa được giá)
– Cầu tăng mà Cung cũng tăng thì làm giá tăng
– Cầu ổn định mà Cung tăng thì giá giảm (VD: được mùa mất giá)
– Các trường hợp còn lại làm giá giảm
Mấy ngày qua, Mỹ công bố các thông tin vĩ mô xấu, làm nhà đầu tư lo sợ về viễn cảnh của tương lai, nên nó làm giảm cầu nên giá giảm.
Theo cá nhân tôi đánh giá thì nhà đầu tư hơi nhạy cảm và bi quan, kiểu như bị giật mình và ‘phong trào’ nên chỉ vài ngày, cỡ cuối tuần hoặc đầu tuần thì giá lại nhích lên thôi (Tôi nhận định vậy là vì tôi định lượng thông tin trên là nhẹ, nhưng nếu anh A nào đó có nhiều thông tin hơn và định lượng là nghiêm trọng thì ảnh sẽ phán giá tiếp tục hạ).
Thân chào.
Nhờ Labacafe và bà con phân tích giùm 3 thông tin sau :
-ICO còn dự báo, sản lượng cà phê của Braxin niên vụ 2010/11 sẽ đạt 47 triệu bao, thấp hơn so với mức kỷ lục 48,48 triệu bao thiết lập trong niên vụ 2002/03, nhưng vẫn trên mức sản lượng 39,47 triệu bao của niên vụ 2009/10.(bản tin thị trường 19/08)
-Theo dự báo ngày 18/6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê Braxin niên vụ 2010/11 có thể đạt kỷ lục 55,3 triệu bao, tăng 23% so với vụ trước đó. (trong bài Nhu cầu café của Brazil, 24/08)
-thông tin sản lượng cà phê ở Braxin niên vụ 2010/11 có thể đạt tới 54,6 triệu bao, vượt xa kỷ lục 48,8 triệu bao thiết lập trong niên vụ 2002/03. (bản tin thị trường 26/08)
Vì sao có những con số khác nhau vậy? có ý nghĩa, mục đích gì?
Phân tích để cho Nông dân nghèo mở mang đầu óc. Xin cám ơn nhiều.
Lâu rồi không thấy Hoàng Hoa ghé thăm bà con…!
Mỗi cơ quan sẽ có những bộ phân phân tích khác nhau nên đưa ra những dự báo khác nhau. Ví dụ ICO có bộ phận chuyên nghiên cứu về sản lượng cà phê chỉ dựa vào những điều kiện như khí hậu thời tiết, sản lượng các năm trước từ đó suy ra sản lượng của năm nay. Bộ nông nghiệp Mỹ thì có bộ phân chuyên đi thực tế đến tận Braxin nghiên cứu phân tích sự ra hoa kết quả, phát triển của cà phê vụ mới từ đó họ đưa ra dự đoán sản lượng cho vụ mới. Có những những cơ quan không cần phân tích dự báo gì mà chỉ ngồi chờ cơ quan khác đưa ra số liệu dự báo từ đó họ thay đổi vài % và áp ngay cho cơ quan mình một con số dự báo mới….
Mục đich chính của những con số này đều thông báo cho chúng ta biết là sản lượng tại Braxin niên vụ mới sẽ TĂNG hơn so với nv 2009/2010.
Theo nhiều thông tin tôi đã tổng hợp về Vĩ mô thì giá cà phê mùa vụ 10/11 sẽ Giảm vì lý do sau: Lượng cung tăng, lượng cầu cũng tăng nhưng không bằng cung thêm vào đó tình hình tài chính toàn cầu không khả quan lắm, đặc biệt là những khó khăn về tài chính của các DN cà phê.
Chào bác Nông Dân Nghèo,
Quả là bác có những thắc mắc rất đáng ” thắc mắc” , có lẽ nhiều người cũng thắc mắc như bác.
Xin trả lời ” đại khái ” như sau :
ICO dự báo : trong suốt 1 timecrop ( thời gian mùa vụ : từ khi bắt đầu thu hái đến khi đợt ra hoa đầu tiên của vụ kế tiếp ) thì ICO luôn có vài dự báo và các dự báo này sẽ luôn thay đổi và các dự báo sau luôn ” gần đúng hơn” so với các dự báo trước ( keyword trong trường hợp này là chữ Estimate- có nghĩa là dự báo )
Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) : cũng tương tự như ICO họ cũng có các dự báo của mình .
Brazil : tại Brazil có 2 luồn dự báo : 1 là của chính bộ nông nghiệp Brazil và 2 là của liên kết các hợp tác xã ( của tư nhân) và 2 nguồn này họ cũng luôn đưa ra dự báo cho riêng mình .
———–
Do đó bạn sẽ thấy: sự dự báo này chỉ mang tình tương đối .
VD như VN mình có ” ông” VICOFA , ổng cũng dự báo theo ” bài ” mà ICO hay làm , tức là 1 mùa vụ cũng tung ra khoảng 3 dự báo : đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ , nói cung các dự báo sau luôn ” gần đúng” hơn các dự báo trước .
Do đó, các con số sẽ luôn có những thay đổi .
Phạm Xuân Vỹ
BQT