Bàn cách cứu cà phê

Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2007-2008 do Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) tổ chức ngày 31-10 đã trở thành cuộc họp tìm cách cứu ngành cà phê trong tình cảnh cà phê trong nước và xuất khẩu đang rớt giá quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng của chính những người kinh doanh.

Nếu tính theo niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng 10 năm trước tới hết tháng 9 năm sau thì niên vụ cà phê 2007-2008 vừa kết thúc cách nay một tháng là niên vụ xuất khẩu thành công nhất từ trước tới nay của Việt Nam.

Theo Vicofa, cả niên vụ Việt Nam đã xuất khẩu được 1,07 triệu tấn với kim ngạch 2,08 tỉ đô la Mỹ theo đơn giá bình quân 1.937 đô la Mỹ/tấn, trong khi niên vụ trước với khối lượng nhỉnh hơn chút đỉnh là 1,08 triệu tấn nhưng kim ngạch thì thấp hơn nhiều, chỉ 1,58 tỉ đô la Mỹ.

Nhiều nỗi lo lắng
Nếu so sánh giá trong nước vào tháng 4 lên tới đỉnh điểm 42.000 đồng/kg nhân cà phê thì đồ thị giá cà phê chỉ trong vòng 6 tháng đã đi xuống khá sâu, khi hiện nay chỉ còn 22.000 – 23.000 đồng/kg. Cựu thứ trưởng Bộ Thương mại cũ (nay sát nhập thành Bộ Công Thương), ông Lương Văn Tự mà nay là Chủ tịch Vicofa, thay vì đọc báo cáo tổng kết niên vụ với nhiều thành tích thì lại nói rằng tình hình cà phê bây giờ đang rơi vào khó khăn mới rất khó lường.

Ông Tự lấy thí dụ vào tháng 3 năm nay, giá cà phê nhân robusta giao dịch trên sàn London ở mức cao kỷ lục trong 15 năm qua với 2.900 đô la Mỹ/tấn thì nay chỉ còn 1.500 đô la Mỹ/tấn, tức giảm gần phân nửa. Nguyên nhân chính, theo lời ông, thì gần như ai cũng biết, đó là do khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tới tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cà phê.

Ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi, một doanh nghiệp nhà nước ở Đắk Lắk vừa trồng vừa xuất khẩu cà phê, cho biết ngoài tình hình khó khăn trên thế giới đã đè nặng trên vai nhà kinh doanh cà phê thì hiện có thêm khó khăn từ tình hình thu hoạch cà phê.

Tại huyện E H’leo của Đắk Lắk, nơi mà công ty ông Thái khảo sát cho thấy thu hoạch cà phê đầu niên vụ này tới 1.400-1.500 quả tươi/kg, còn tại vườn cà phê của công ty ông thì bình quân 1.070 quả tươi/kg. Điều này có nghĩa nhân cà phê mùa này sẽ có kích thước nhỏ, đồng nghĩa với sản lượng cà phê đạt tiêu chuẩn R2 nhiều, loại R1 ít đi, trong khi R2 có giá bán thấp hơn R1.

Đó là chưa kể thời tiết năm nay mưa nhiều cả trong thời kỳ cà phê trổ bông lẫn thu hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê. Càng mưa nhiều thì nông dân càng có tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”, tức thu hoạch cả quả xanh lẫn quả chín. Nhưng cà phê lẫn lộn trái xanh và trái chín thì chất lượng càng xuống thấp.

Mặc dù thời gian gần đây một số nguồn tin không chính thức cho rằng sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2008-2009 có khả năng vượt niên vụ 2007-2008, nhưng theo ông Thái, cao lắm chỉ đạt 17,5 – 18 triệu bao (bao 60 kg), tức 1,05 – 1,08 triệu tấn, xấp xỉ niên vụ vừa qua.

Cả ông Lương Văn Tự và nhiều doanh nghiệp hội viên của Vicofa đều đồng tình với dự báo của ông Thái và khẳng định, các nhà nhập khẩu thường có xu hướng dự báo sản lượng cà phê Việt Nam cao lên để làm cơ sở chèn ép giá khi mua.

Trước tình hình giá cà phê thế giới và trong nước rớt mạnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng cách hay nhất là làm sao giúp nông dân trồng cà phê trữ lại cà phê hay rải bán đều vì họ hy vọng tháng 6 năm tới giá cà phê sẽ hồi phục một phần.

Tuy nhiên, ông Thái đặt câu hỏi: “Vấn đề là nông dân tìm vốn ở đâu ra để cầm cự hơn nửa năm trong tình hình mà doanh nghiệp vay vốn còn khó huống hồ nông dân”. Việc trông chờ vào bàn tay hỗ trợ của Nhà nước càng xa vời hơn vì hiện không chỉ nông dân trồng cà phê mà nông dân trồng lúa, trồng tiêu, điều hay nuôi tôm, cá đều đang khó khăn tương tự.

Tìm cách vượt qua thử thách

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đều có chung ý kiến, tuy không mới, là quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cho nhà xuất khẩu vay ngoại tệ kéo dài từ tháng 4 tới nay đã gây ra nhiều khó khăn cho nhà xuất khẩu cà phê.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng gắn bó nhiều với các nhà xuất khẩu cà phê nhiều năm qua, cho biết Techcombank đã nhiều lần phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước trước quyết định không cho nhà xuất khẩu vay ngoại tệ dù chính họ là người mang ngoại tệ về cho nền kinh tế.

“Trong khi chờ thay đổi của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi linh động cho doanh nghiệp cà phê vay tiền đồng với lãi suất ưu đãi dựa theo lãi suất cho vay ngoại tệ, sau đó thu lại bằng ngoại tệ”, bà Tâm nói. Tuy nhiên, ông Đổ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa và là Giám đốc Intimex, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam không đồng tình.

Ông Nam nói: “Cái mà chúng tôi cần là một chính sách chính thống chứ không phải xé rào hay linh động như một ân huệ của các ngân hàng thương mại trong cho vay từng doanh nghiệp”. Ông cũng cho biết hiện có khá nhiều ngân hàng đã “linh động” cho vay kiểu như Techcombank.

Bà Tâm cũng chia sẻ quan điểm của các doanh nghiệp cà phê: “Nếu doanh nghiệp tính toán đầy đủ lãi suất ngân hàng cùng các chi phí khác thì doanh nghiệp kinh doanh cà phê không có lãi”. Nếu đã không lãi thì doanh nghiệp sẽ chuyển phần không lãi hay phần lỗ của mình cho nông dân thông qua việc hạ giá mua cà phê.

Dù sao thì thông tin bà Tâm đưa ra là niên vụ cà phê này, Techcombank sẽ dành hạn mức tín dụng 2.000 – 3.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với lãi suất ưu đãi và sau đó ngân hàng mua lại ngoại tệ. Theo tính toán của Vicofa, nhu cầu tín dụng dành cho cây cà phê trong cả hệ thống từ nông dân tới nhà xuất khẩu khoảng 12.000-15.000 tỉ đồng/niên vụ.

Ông Lương Văn Tự cảnh báo, nếu các doanh nghiệp vì giá xuất khẩu cà phê thấp mà ép giá quá đáng thì nông dân sẽ chặt bỏ hay không chăm sóc vườn cà phê thì suy cho cùng, người chịu thiệt không chỉ đơn thuần là nông dân mà còn chính doanh nghiệp lẫn nền kinh tế.

Do vậy, ông Tự khuyên các doanh nghiệp nên thuyết phục nhà nhập khẩu rằng nếu giá quá thấp, nông dân “chết” thì sau đó đến lượt cả người bán và người mua cũng “chết” vì không còn cà phê để mua bán kiếm lời”. Quan trọng nhất là tìm ra một giá mua bán cà phê hợp lý để chia sẻ khó khăn cho cả nhà nông, nhà xuất khẩu và nhà nhâp khẩu.

Trong tình hình hiện nay, cả Vicofa lẫn Techcombank đều khuyên các doanh nghiệp cà phê là nên “khám sức khỏe khách hàng của mình”. Theo ông Tự thì các nhà nhập khẩu cũng bắt đầu khó khăn về tài chính, do vậy nhà xuất khẩu phải xem xét lại khả năng thanh toán tiền, tránh trường hợp giao hàng theo phương thức gửi hàng trước thu tiền sau, dù là khách hàng truyền thống.

Còn bà Tâm thì dự báo có nhiều khả năng, một số nhà nhập khẩu sẽ thiếu tiền để thanh toán, dẫn tới chậm thanh toán, không thanh toán hợp đồng hay trả hàng về. Một vài doanh nghiệp hội viên Vicofa thừa nhận đã bắt đầu xảy ra hiện tượng nói trên.

—————-
Bài viêt được đăng trên SGTimes

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nguyen van ngoc

    với giá ca như hiện nay làm sao mà duy trì nổi cây cafe .Tất cả các vật tư như phân bón ,săng dầu thi leo thang.con giá ca thì rẻ như vậy chăc bể nợ quá

  2. Nguyễn Đức Cảnh

    làm sao mà nông dân ở dăklăk sống nổi bây giờ, thật là buồn!!!!!!!!!! :cry: . Biết bao nhiêu người dân trông cậy vào hạt cà phê, đúng là khóc không ra nước mắt

  3. Xuân Hội

    Sắp vỡ nợ rồi :arrow: …giờ gom hết tiền rỗi của người dân ở các thành phố lớn đem gởi vô ngân hàng :shock: …ngân hàng đem tiền cho dân vay lãi thấp xài đỡ…các công ty phân bón thì cho gia hạn nợ và giảm lãi suất :eek: … nguồn tiền mặt trong dân đang khan hiếm…đói là có… :oops:

  4. Xuân Hội

    Tình hình này thì đừng nên trồng thêm làm gì… :neutral: Chi phi đầu tư cao cộng giá thấp…biết mai mốt có lên hay vẫn giá này…có tiền đầu tư cái khác chó chắc. :twisted:

  5. minh nhi

    “Cần phải có một quyết sách mang tính đột phá
    Nguyễn Thịnh
    Theo tính toán của Vicofa, nhu cầu tín dụng dành cho cây cà phê trong cả hệ thống từ nông dân tới nhà xuất khẩu khoảng 12.000-15.000 tỉ đồng/niên vụ. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để giúp được người nông dân? Bởi nếu “bắt” họ vay và phải trả với một lãi suất cao như hiện nay, tôi e rằng là không khả dĩ. Nếu không có những quyết sách đúng đắn và kịp thời chúng ta sẽ lại thấy “kịch bản cũ” như đã từng thấy những năm trước, đó là nhà nước rót tiền về cho doanh nghiệp nhằm giúp nông dân bằng cách mua trừ lùi cà phê của họ.

    Có lẽ các đợt vỡ nợ hàng loạt của các doanh nghiệp trong ngành cà phê ở Tây Nguyên các năm qua cũng đã cho thấy 1 phần của vấn đề. Chúng tôi vẫn cho rằng: Nhà nước cần phải có một quyết sách mang tính đột phá để giải quyết tình hình hiện nay nếu muốn tránh một kịch bản rất tồi tệ của thị trường cà phê sắp tới. ”
    Xin lỗi bạn có phải đây là ý kiến của bạn bên trang báo Saigon Times online ??? Nếu đúng thì theo bạn “quyết sách mang tính đột phá ” là gì ??? Bạn nên nói thẳng vấn đề để mọi người có thể tham khảo.

  6. Thịnh còi

    Chào bạn Nhi:
    Đúng là comment trên là của mình để lại trên SGTimes.
    Đó chỉ là ngu ý của mình, nôm na là nhà nước nên có 1 cách làm khác các năm trước.
    Bởi qua cách làm đó chỉ cho thấy mỗi Doanh Nghiệp được lợi, việc bắt các ngân hàng đứng mũi chịu sào là chưa đủ mà ở đây chúng ta cần có sự phối hợp đồng bộ cấp quốc gia.

    Còn cái Quyết sách đúng đắn tôi đưa ra trên SGtimes cũng chỉ là một mong muốn của cá nhân tôi, và cũng là ao ước của tất cả bà con nông dân trồng cà phê.

    Hy vọng với sự sáng suốt của các cấp ban ngành có liên quan sẽ đưa ra được nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn hiện tại của ngành cà phê Việt Nam.

    Thân mến,
    Nguyễn Thịnh

  7. trieutuduong2110

    để cây cà phê của ta còn đất sống theo tôi thì vấn đề dầu tiên cần giải quyết là chất lượng cà phê của ta phải được cải thiện. phải thay đổi được cách nghĩ của người nông dân về thu hoạch, chế biến , và phương pháp chăm sóc cho cây cà phê

  8. Xuân Hội

    @ trieutuduong2110 : rất khó đó bác,khi những vườn cà phê già,cao,sum suê không còn nữa chỉ còn là cà phê tơ,thấp thì mới thu hoạch theo kiểu lựa trái được…một phần nữa là do thời tiết mưa nắng thất thường,máy móc chế biến thiếu thốn,giá cả chênh lệch không bao nhiêu nên dân mình cứ theo lẽ cũ mà làm thôi…có lẽ là phải 10 năm hay hơn thế nữa…may ra mới áp dụng được…đây là ngu ý của em,mong các bác hiểu và nhẹ tay :smile:

  9. Nguyen Do

    Thật là buồn. Ca phê rớt giá liên tục. Cuộc sống rồi đây sẽ ra sao
    tất cả đầu tư cho cây cà phê . Mà giờ rớt giá vậy
    có ai có biện pháp gì không
    chia sẻ cho mình với

  10. bui quoc duy

    khả năng vào những tháng tới có thể biết được giá cafe tăng tụt để bà con giữ cafe không bán , cấn đưa ra chính sách vay vốn ngân hàng cho dân đảo hạn để có thể giữ lại cafe.với mức giá như này thì bà con chết đòi .đêm ra bà con sẽ có xu hướng phá cafe để trồng cây khác.xin cảm ơn

  11. vu xuan truong

    Chặt cà phê trồng cây khác theo mình thì chỉ khả thi đối với số lượng nhỏ, nếu một số lượng nông dân chặt càphê rồi tập trung vào điều, cao su,… hay một số cây công nghiệp nào đó thì lúc đó có ai đảm bảo giá điều, cao su… sẽ cho lợi nhuận cao ko? Còn nếu trồng những cây ngắn ngày như bắp, dứa, … thì chắc không thể cạnh tranh được. Vì mình được nghe và đã từng trông thấy đa số nền đất mà bà con đã trồng qua càphê thì thoái hóa (nôm na là đất không còn nhiều chất dinh dưỡng bởi tác hại từ chính lượng phân hóa học, thuốc cỏ,….) mà số tiền để cải tạo lại đất thì thật là chỉ có khóc. Lỡ mà thất bại thì coi như trắng tay luôn. Nghĩ cách khác đi thôi bà con!

  12. lecongthu

    giá cà phê đang xuống nông dân giữ cà phê lại không bán vay tiền đầu tư tại ngân hàng nông nghiệp nhưng không được hỗ trợ lãi suất thấp như thông tin mà báo chí đã đưa vậy là sao

  13. tuongluan

    Em đang tính chặt bớt để trồng cây lấy gỗ đây các bác, thay thế dần dần thôi. Bám theo cây cà phê riết chắc đi ăn mày quá. bác nào có kinh nghiệm chỉ e với

  14. phuceadar

    bà Tâm cũng chia sẻ quan điểm của các doanh nghiệp cà phê: “Nếu doanh nghiệp tính toán đầy đủ lãi suất ngân hàng cùng các chi phí khác thì doanh nghiệp kinh doanh cà phê không có lãi”. Nếu đã không lãi thì doanh nghiệp sẽ chuyển phần không lãi hay phần lỗ của mình cho nông dân thông qua việc hạ giá mua cà phê.

  15. hoa lan

    Ừ tui cũng đang nghĩ thế, tui đang nghĩ trồng cây xoan đào lấy gỗ. Tui có truy cập thấy xoan đào đóng đồ gỗ rấy tốt mà bán có giá. Không biết ai có kinh nghiệm xin chỉ giáo, cám ơn.

Tin đã đăng