Quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê

Cây cà phê là một trong các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên, đồng thời cà phê cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Ở Tây Nguyên, cây cà phê được đầu tư thâm canh cao và nhiều nông hộ cũng đã có những kinh nghiệm nhất định trong kỹ thuật chăm bón cây cà phê để đạt được năng suất rất cao.

vuon-ca-phe-gia-coi

Một trong các biện pháp kỹ thuật đẩy mạnh năng suất cây trồng là bón phân cân đối và hợp lý.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà phần lớn diện tích cà phê đã được khai thác trên 20 năm, giá cả phân bón càng ngày càng tăng cao thì người nông dân cần phải nắm vững hơn nữa yêu cầu dinh dưỡng của cây cà phê để bón phân cân đối hợp lý, từ đó tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Các kết quả điều tra trong sản xuất cà phê hiện nay ở vùng Tây Nguyên cho thấy vẫn còn một bộ phận không ít các nông hộ trồng cà phê bón phân chưa hợp lý mấy. Điều này thể hiện ở việc sử dụng phân khoáng với liều lượng cao mà chưa chú trọng lắm đến việc bồi dưỡng hữu cơ và cung cấp thêm các yếu tố dinh dưỡng trung vi lượng cho vườn cà phê.

Để quản lý tốt dinh dưỡng cho vườn cà phê trong giai đoạn hiện nay cần chú ý đến các điểm sau:

  • Bón kết hợp hóa học với hữu cơ.
  • Bón cân đối NPK và cung cấp đầy đủ trung vi lượng cho vườn cà phê.
  • Tăng cường sử dụng phân bón lá.

1. Bón kết hợp hóa học và hữu cơ

Phân hữu cơ có những đặc tính mà phân hóa học không thể có được, khi bón vào đất ngoài tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn cải tạo được lý hóa tính, sinh tính đất tức là cải thiện môi trường đất. Bón phân hữu cơ còn có tác dụng làm tăng hiệu quả sử dụng của phân hóa học.

Trong các loại phân hữu cơ thì phân chuồng là loại phân lý tưởng nhất cho cà phê và đặc biệt rất cần thiết khi trồng mới. Với diện tích cà phê hiện nay, nếu chỉ dựa vào phân chuồng thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu, do vậy cần sử dụng tốt các nguồn phân hữu cơ khác.

Phân xanh, cỏ rác, cành lá mục trên lô là nguồn hữu cơ tại chỗ. Phân rác, phân than bùn, vỏ quả cà phê đã qua chế biến thành các loại phân hữu cơ sinh học, sinh hóa hữu cơ…. đều là các nguồn phân hữu cơ tốt để bón cho vườn cà phê.

2. Bón cân đối NPK và cung cấp đầy đủ trung vi lượng cho vườn cà phê

Cà phê là cây lâu năm, đời sống của cây được chia thành 2 thời kỳ: thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh. Ở từng thời kỳ nhu cầu dinh dưỡng của cây khác nhau.

– Thời kỳ kiến thiết cơ bản: lúc này cây còn nhỏ, bộ rễ còn yếu, cây cần một lượng phân lân dồi dào để kích thích sự phát triển của bộ rễ. Vào thời kỳ này, cây cũng cần nhiều đạm để phát triển thân, cành, lá. Kali cần chưa nhiều vì cây chưa cho thu hoạch.

– Thời kỳ kinh doanh: khi cây cho quả nhiều thì cần đạm và kali nhiều hơn vì đây là hai yếu tố có trong quả, trong nhân cà phê với hàm lượng rất cao. Như vậy đạm và kali là 2 yếu tố dinh dưỡng thiết yếu cho cây cà phê vào thời kỳ kinh doanh. Vào thời kỳ này cây cà phê cần lân với tỷ lệ thấp hơn đạm và kali, tuy vậy lân cũng rất cần thiết cho sự ra hoa đậu quả của cà phê.

Như vậy tùy từng thời kỳ của cây cà phê mà chọn lựa công thức phân bón cho hợp lý.

Trên thực tế hiện nay, người nông dân ưa sử dụng phân NPK hỗn h ợ p hơn phân đơn. Phân NPK hỗn hợp được coi là tiến bộ lớn trong ngành sản xuất phân bón. Phân NPK hỗn hợp có ưu điểm hơn phân đơn ở chỗ dễ sử dụng, khỏi mất công phối trộn. Ngày nay công nghệ sản xuất NPK phát triển mạnh và đã sản xuất ra các loại phân chuyên dùng cho một số các loại cây trồng, phục vụ tốt cho bà con nông dân. Trên thị trường có nhiều loại phân hỗn hợp chuyên dùng cho cà phê. Công thức các loại phân bón này khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cà phê. Người nông dân cần phải biết lựa chọn đúng công thức phân bón phù hợp với các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây để đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ.

Các công thức phân NPK hỗn hợp phù hợp với yêu cầu của cây cà phê ở từng giai đoạn như sau:

– Thời kỳ kiến thiết cơ bản: từ khi trồng mới đến năm thứ 3 sau trồng: Dùng các loại NPK có thành phần đạm và lân cao như loại NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15 để bón trong mùa mưa, trong mùa khô bón loại phân tan nhanh như NPK 20-5-6.

– Giai đoạn kinh doanh: lúc cây cà phê đã cho nhiều quả, dùng các loại NPK có thành phần N và K cao, lân thấp như NPK 16-8-16 hoặc 25-10-20 để bón trong mùa mưa, mùa khô cũng dùng loại phân tan nhanh NPK 20-5-6 để bón.

Ngoài các yếu tố đa lượng là đạm, lân kali, cây cà phê còn cần các chất trung lượng là lưu huỳnh, can xi, ma nhê và các chất vi lượng như bo, kẽm, đồng v.v. …

Hiện nay các triệu chứng thiếu trung vi lượng xuất hiện khá phổ biến ở nhiều vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên. Các triệu chứng này thường thể hiện trên lá như lá non bị mất màu xanh và biến dạng, các đốt đầu ngọn cành, ngọn thân cà phê ngắn lại, lá già bị mất màu xanh hay bị cháy v.v….

Đối với các vườn cà phê được thâm canh cho năng suất cao trên 4 tấn nhân/ha trong nhiều năm cần đặc biệt chú ý cung cấp các yếu tố trung vi lượng cho vườn cây. Đó là do khi thâm canh cao người nông dân thường bón nhiều phân hóa học để đạt năng suất cao.

Trong sản phẩm cà phê lấy đi từ đất không những có các chất đa lượng là N, P, K mà còn có cả các chất vi lượng khác nữa. Trong khi đó, các loại phân bón hóa học thường không có hoặc ít các chất trung vi lượng, do vậy lâu ngày sẽ sinh ra hiện tượng thiếu vi lượng trên vườn cà phê.

Để đáp ứng với yêu cầu bón cân đối giữa đa lượng và trung vi lượng, Công ty Phân bón Bình Điền đã phối trộn vào phân NPK một thành phần vi lượng có ích cho cây trồng như các loại phân 20-20-15+TE, 16-8-16-13S+TE v.v……

3. Tăng cường sử dụng phân bón lá

Trong nền nông nghiệp hiện nay phân bón phun qua lá ưa được sử dụng để thay thế một phần việc bón phân qua đất. Bón phân qua lá có hiệu quả cao, hơn nữa khi bón phân qua lá ta có thể giảm bớt lượng phân bón hóa học vào đất và như vậy có thể làm giảm bớt tác động bất lợi của phân bón hóa học vào đất đến môi trường đất như làm đất chua nhanh, mất kết cấu v.v…

Phun phân bón lá có tác dụng nhanh và cây sử dụng được dinh dưỡng hiệu quả hơn bón vào đất.

Đối với đạm và kali, khi phun qua lá cây sử dụng được 80-90%, đối với lân là 30-35% trong khi đó nếu bón qua đất thì lượng dinh dưỡng cây sử dụng ít hơn nhiều do bốc hơi, xói mòn, rửa trôi, bị cố định trong đất, đạm và ka li vào khoảng 40-50% và lân chỉ vào khoảng 10-15%. Các chất vi lượng như kẽm (Zn), bo (B), đồng (Cu)… khi được cung cấp cho cây qua lá cũng có hiệu quả hơn khi bón vào đất.

Phân bón lá thường được phun cho vườn cà phê từ 2-3 lần trong mùa mưa, khi cây ở trạng thái đủ ẩm. Phun phân bón lá có tác dụng làm giảm tỷ lệ rụng quả và tăng năng suất cà phê rất rõ.
Tóm lại việc bón phối hợp phân hữu cơ và vô cơ, bón cân đối đa lượng và trung vi lượng là điều cần thiết để có được vườn cà phê sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ổn định, duy trì được độ phì đất lâu dài cho một nền sản xuất bền vững.

>> Nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83