Tây nguyên bùng nổ diện tích sầu riêng

Nông dân các tỉnh Tây nguyên đang đổ xô trồng sầu riêng với diện tích hơn 40.000 ha. Liệu cây sầu riêng rồi có gieo mối… sầu chung như đối với cây hồ tiêu đã từng diễn ra ở vùng đất này?

>> Đua nhau chặt cà phê, tiêu để trồng sầu riêng

Sản lượng và diện tích đều vượt quy hoạch

Khi nhiều diện tích cây ăn quả ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do hạn hán, mặn xâm nhập thì vựa cây ăn quả có xu hướng dịch chuyển lên Tây nguyên với diện tích được mở rộng qua từng năm. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi giúp Tây nguyên phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây ăn quả.

Thời gian gần đây, cây sầu riêng được hàng ngàn nông dân chọn trồng sau khi giá hồ tiêu trượt dốc không phanh từ 220.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/kg. Chưa kể dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, hạn hán khiến nông dân khánh kiệt, nợ nần chất chồng.

Tình hình trồng và phát triển diện tích sầu riêng càng “nóng” lên khi vào tháng 7.2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch loại trái cây này sang Trung Quốc. Nhiều nông dân càng có cớ để trồng sầu riêng trên những khu vườn của gia đình.

Tây nguyên đang có mức tăng “nóng” diện tích sầu riêng. Ảnh: TRẦN HIẾU

Theo thống kê từ ngành chức năng các tỉnh Tây nguyên, diện tích sầu riêng ở khu vực này tăng khá nhanh, hiện đã lên đến hơn 40.000 ha. Đắk Lắk đứng đầu với khoảng 15.000 ha (đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang), tiếp đó là các tỉnh Lâm Đồng gần 14.000 ha, Đắk Nông 5.000 ha, Gia Lai 4.000 ha. Diện tích này còn tăng lên bởi con số thống kê chưa phản ánh đầy đủ đối với các vườn nhỏ hoặc trồng xen. Hàng chục ngàn ha sầu riêng trong số này đang ở giai đoạn kiến thiết hoặc thu bói.

Với diện tích này, toàn vùng Tây nguyên sẽ cho sản lượng khủng, tăng dần theo từng năm. Chẳng hạn, tại Đắk Lắk, sản lượng sầu riêng hằng năm lên tới 150.000 tấn và dự kiến sẽ là 300.000 tấn vào năm 2030, Lâm Đồng hiện có sản lượng cũng suýt soát 100.000 tấn.

Tính sơ bộ, mỗi ha sầu riêng khi đi vào chu kỳ kinh doanh có năng suất từ 9 – 15 tấn tùy vườn cây, thì khu vực này sẽ có sản lượng sầu riêng xếp top đầu Việt Nam.

Dự báo của ngành nông nghiệp, năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn. Số này phần được tiêu thụ nội địa, còn lại là xuất khẩu, trong đó Trung Quốc đang là thị trường lớn. Theo Quyết định số 4085 ngày 27.11.2022 của Bộ NN-PTNT về phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng được khuyến cáo trồng trong khoảng 65.000 – 75.000 ha, sản lượng từ 830.000 đến 950.000 tấn. Song đến nay, diện tích lẫn sản lượng đều vượt mốc các con số trên.

Nguy cơ khủng hoảng thừa

Cây sầu riêng là loại cây trồng phải từ 5 – 6 năm mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Theo tính toán sơ bộ, mỗi ha sầu riêng trồng thuần sẽ được khoảng 200 cây. Trong chu kỳ 5 năm, ngoài giá trị đất, nông dân phải đầu tư khoảng 300 – 600 triệu đồng cho cây giống, công chăm sóc, phân bón, nước tưới, các loại thuốc phòng chống bệnh, kích thích sinh trưởng…

Hầu hết nông dân Tây nguyên đều chọn sầu riêng ghép để trồng với ưu điểm nhanh cho thu hoạch hơn khoảng 3 năm so với gieo bằng hạt và giữ những ưu điểm về đặc trưng giống.

Nhưng đầu ra là mối lo không chỉ chính quyền địa phương, Bộ chủ quản mà cả chính người trong cuộc. Hiện sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc mới chiếm khoảng 20% trong tổng sản lượng của phía Việt Nam và phía Trung Quốc đã cấp 130 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Đắk Lắk là địa phương có đến 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nghị định thư để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nghị định thư đã ký với phía Trung Quốc, cứ 3 năm một lần, phía bạn sẽ rà soát lại một lần đối với các mã vùng trồng được cấp. Ngoài ra, trong số diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng thì đối với sầu riêng trồng xen sẽ không được xem xét để cấp.

Nhiều nông dân ở Tây nguyên chọn cách trồng xen sầu riêng. Ảnh: TRẦN HIẾU
Nhiều nông dân ở Tây nguyên chọn cách trồng xen sầu riêng. Ảnh: TRẦN HIẾU

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 12.2, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, tình trạng phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng đã dần nóng không chỉ ở Gia Lai mà cả các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trồng theo phong trào mà cần phải nghiên cứu kỹ nhiều yếu tố và đầu ra cho sản phẩm. Chính phủ cũng cần giúp nông dân bằng các nghị định thư với các đối tác nhập khẩu sầu riêng để giải quyết bài toán đầu ra bền vững, lâu dài. Nói chung, không nên phát triển diện tích sầu riêng bằng mọi giá để tránh khủng hoảng thừa, giá giảm mạnh”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, để phát triển diện tích sầu riêng bền vững cần có nhà máy chế biến sâu, có doanh nghiệp đầu tư từ đầu để đảm bảo nguồn giống, các khâu chăm sóc và chất lượng cũng như năng suất đầu ra của sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, nông dân ở H.Đăk Đoa (Gia Lai) cho biết: “Tôi trồng hơn 100 gốc sầu riêng đã đến năm thứ 4, đã cho thu bói. Nhưng tôi chỉ trồng mò, thấy người khác bảo là sầu riêng cho lợi nhuận cao thì trồng thôi. Vườn tiêu chết hết nên tôi phải kiếm cây trồng khác thay thế. Quả thu được cũng chưa nhiều, chắc do tôi chưa có kỹ thuật cắt cành, bón phân… Nói chung, cũng không phải dễ ăn với loại cây này”.

>> Đắk Lắk khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng sầu riêng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. VŨ MINH HUY

    Đây là tính toán sản lượng trên cơ cấu có kĩ thuật chứ thực sự nông dân như em trồng theo kiểu được quả nào hay quả ấy thì làm sao tính đầu tấn được ?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84