Sản lượng cà phê niên vụ 2010/11 và ‘ước mơ’ điều tiết thế giới

Mỗi mùa cà phê đến rồi lại đi, nông dân Việt nam vẫn luôn băn khoăn với những điều bất hợp lý đã trở thành quy luật đó là ‘được mùa thì mất giá’, ‘mất mùa thì được giá’ hoặc ‘xuất khẩu nhiều nhưng vẫn nghèo’… mặc dù Việt nam được biết đến như một nước xuất khẩu cà phê đứng nhất nhì thế giới.

Biểu đồ sản lượng cà phê thế giới và phần đóng góp của các nước qua các năm
Biểu đồ sản lượng cà phê thế giới và phần đóng góp của các nước qua các năm

Tình hình sản xuất niên vụ 2010/11

Cà phê thế giới niên vụ 2010/11 ước đạt 139,7 triệu bao (hoăn 8 triệu tấn, bao 60kg), tăng 14 triệu bao so với năm 2009/10, chủ yếu nhờ dự đoán vụ mùa bội thu ở Brazil trong năm nay. Trong đó sản lượng cà phê của Brazil chiếm 40% trên tổng sản lượng và đứng thứ nhất, của Việt nam chiếm 13% trên tổng sản lượng và đứng thứ nhì thế giới.

Sản lượng của Brazil dự đoán tăng 10,5 triệu bao, đạt mức kỉ lục 55,3 triệu bao trong niên vụ 2010/11. Niên vụ 2010/11 ở Brazil tính từ tháng 7/2010 đến hết tháng 6/2011. Trong đó Arabica tăng 8,8 triệu bao đạt 41,8 triệu bao nhờ chu kỳ hai năm đạt sản lượng một lần của loại cây này, và nhờ những cơn mưa thuận lợi vào tháng 7 và tháng 9 năm ngoái làm cho cây trổ hoa và tỉ lệ đậu trái rất tốt. Sản lượng robusta dự đoán tăng 1,7 triệu bao, ước đạt 13,5 triệu bao.

Sản lượng của Việt nam dự đoán tăng 1,2 triệu bao, đạt 18,7 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi trong thời kỳ ra hoa và đậu trái. Niên vụ 2010/11 ở Việt nam tính từ tháng 10/2010 đến hết tháng 9/2011. Sản lượng cà phê Việt nam giữ mức ổn định suốt 5 năm qua và giao động ở mức 17,5-19,5 triệu bao/năm. Trong đó Robusta ước đạt 18,2 triệu bao, do đó trong năm 2010/11 Việt nam tiếp tục là nước có sản lượng cà phê loại này lớn nhất thế giới.

Nhu cầu cà phê thế giới

Nhu cầu cà phê thế giới trong năm 2010/11 ước đạt 131,5 triệu bao, tăng 2,8 triệu bao so với cùng kỳ năm trước. Phần tăng này chủ yếu do dự đoán nhu cầu của Brazil và EU sẽ tăng khoảng 1,4 triệu bao trong năm nay. Trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ở những nước trồng cà phê, đặc biệt là Brazil và Việt nam, luôn cao hơn so với những nước nhập khẩu mặt hàng này như Mỹ, EU.

Hiệp hội công nghiệp cà phê Brazil vừa thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa thông qua chương trình kêu gọi các nhà chế biến nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm cà phê. – Ở Việt nam, hàng loạt quán cà phê được khai trương nhằm đáp ứng nhu cầu về một thức uống tiện lợi và phổ biến tại nước này.

Dự đoán sản lượng tiêu thụ trong năm 2010/11

  1. Khối 27 nước EU : 46,3 triệu bao, tăng 650000 bao
  2. Mỹ : 23,7 triệu bao, tăng 400000 bao
  3. Brazil : 19,5 triệu bao, tăng 750000 bao
  4. Nhật bản : 6,7 triệu bao, giảm 125000 bao.
  5. Việt nam : 1,2 triệu bao, tăng 140000 bao

Dự trữ

Mặc dù dự trữ thế giới được dự báo giảm trong năm 2010/11, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sẽ vẫn giữ mức 2%/năm. Dự trữ ước đạt 31,3 triệu bao, giảm 5,5 triệu bao, chủ yếu là do lượng dự trữ của Brazil sẽ duy trì ở mức thấp. Hai nước xuất khẩu hàng đầu là Brazil và Việt nam hiện nay chỉ dự trữ khoảng 15%, trong khi đó EU, Mỹ và Nhật chiếm khoảng 75% tổng dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên Brazil và Việt nam đang thực hiện các chính sách hổ trợ tạm trữ do đó cán cân này có thể sẽ thay đổi trong niên vụ 2010/11.

Nhận xét

Sản lượng cà phê Việt nam: Robusta đứng thứ 1 thế giới, tính theo tổng sản lượng thì đứng thứ nhì thế giới nhưng tỉ trọng chỉ chiếm 13% trên tổng sản lượng toàn thế giới. Giả sử cứ đến vụ thu hoạch, nông dân đồng lòng ‘tạm trữ’ một nữa thì sẽ làm ‘hao hụt’ tổng sản lượng thế giới khoảng 9 triệu bao tức khoảng 600 ngàn tấn, vừa đúng bằng ‘phần thừa’ do ‘sản xuất dư’ trên toàn thế giới trong 1 năm.

Trong khi dự trữ thế giới là 31,3 triệu bao chiếm 22% tổng sản lượng và gấp 1,5 lần tổng sản lượng cà phê Việt nam, có thể hiểu là lượng dự trữ này nằm đâu đó trong các kho trên thế giới và sẵn sàng đem ra sử dụng khi cần mà ta không kiểm soát được.

Vì vậy, căn cứ so sánh các trữ lượng, thiết nghĩ chúng ta không nên quá ảo tưởng hay kì vọng vào những ‘cái nhất’, ‘cái nhì’ mà ta có được.

Thiết nghĩ để có thể điều tiết được thị trường cà phê thế giới, chúng ta nên chăng phối hợp đồng bộ giữa nông dân, nhà nước và quốc tế cho vấn đề này?

Trong nước

  • Thành lập hiệp hội nông dân, là đại diện cho nông dân với nhiệm vụ làm tham mưu.
  • Nhà nước hổ trợ vốn trực tiếp cho nông dân (đảm bảo bằng cà phê, hoặc tính theo ‘giá tạm tính’.v.v…) để nông dân có vốn tái đầu tư, sinh hoạt…
  • Nhà nước hổ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu…
  • Thành lập cơ sở dữ liệu về cà phê để phổ cập cho nông dân : tin tức, kiến thức, dự báo…

Quốc tế

  • Thành lập liên minh các quốc gia trồng cà phê, tối thiểu phải có Brazil, Việt nam, Columbia, Indo nhằm đảm bảo đủ sức điều tiết cà phê thế giới.

>> Làm sao để tránh “Được mùa mất giá”

Chúc bà con sức khoẻ,
Laba Cafe
Email: labacafe@yahoo.com

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng