Đắk Lắk cay đắng vì cà phê

Giá bán cà phê thời điểm này đã tụt xuống ở mức 5.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất cà phê lên tới 10.000-12.000 đồng/kg. Hàng chục doanh nghiệp và hàng trăm hộ gia đình trồng cà phê ở Đắk Lắk đang rơi vào tình cảnh: mỗi ngày “mở mắt” ra là thấy lỗ…

Nhà nông khó một, doanh nghiệp khó mười

Ông Phạm Bá Hùng, một đại gia cà phê ở Krong Păk cho biết, nhà ông có 10 ha cà phê kinh doanh, 8 ha cà phê kiến thiết cơ bản. Năm qua thu được 30 tấn nhân bán được 150 triệu đồng, nhưng tổng chi phí đã lên đến 180 triệu đồng, như vậy là lỗ 30 triệu. Trong khi đó, ông còn nợ ngân hàng 300 triệu đồng. Ông tâm sự: “Trong hoàn cảnh hiện nay dù ngân hàng có ép trả nợ chúng tôi cũngđành chịu”.

Người sản xuất cà phê đã khổ nhưng xem ra họ còn “cầm cự” được, còn với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh thì khó khăn thực sự. Một số nhà kinh tế ở Đắk Lắk nhận định rằng, nếu giá cà phê tiếp tục xuống thấp như bây giờ thì 1-2 năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp buộc phải phá sản.

Hiện nay, ở Đắk Lắk có khoảng 60 doanh nghiệp kinh doanh cà phê, trong đó 20 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 40 doanh nghiệp kinh doanh theo theo hình thức ủy thác và kinh doanh nội địa. Đến lúc này các doanh nghiệp đã thấm thía “vị đắng” của cà phê. Có vị giám đốc đã không thể giấu giếm được sự chua chát: “Doanh nghiệp cứ mở mắt ra là thấy thua lỗ”. Câu lạc bộ các nhà xuất khẩu cà phê nhận định giá cà phê sắp tới có thể còn tiếp tục sụt giảm, và như vậy tình cảnh trên vẫn còn tiếp tục kéo dài.

Ngân hàng lại càng ngao ngán

Tính đến thời điểm này, tổng mức dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã lên tới 3.700 tỷ đồng, trong đó 90% cho vay để sản xuất kinh doanh cà phê. Đối với một tỉnh miền núi có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, con số dư nợ đó là một kết quả đáng phấn khởi, song với tỉnh Đắk Lắk trong lúc này đó lại là một mối lo lớn.

Theo ông Võ Hồng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN-PTNT) Đắk Lắk, thì tổng dư nợ của chi nhánh năm 2000 đã đạt 1.620 tỷ đồng (tăng 400 tỷ đồng so với năm 1999), trong số đó 1.200 tỷ đồng là cho các hộ nông dân vay. Hiện nay, chi nhánh nàyđang phải chịu sức ép từ 2 phía. Một bên là NHNN-PTNT Việt Nam.

Trong tổng số 1.620 tỷ đồng dư nợ nói trên, có đến 1.200 tỷ đồng là vốn từ trung ương điều về với lãi suất 0,6%/tháng, như vậy mỗi tháng chi nhánh phải trả về cho NHNN-PTNT Việt Nam trên 7 tỷ đồng. Sức ép thứ hai là phía người vay để sản xuất kinh doanh cà phê, họ không thể trả tiền cho ngân hàng do thua lỗ liên tục. Sự mắc kẹt giữa 2 đường không biết kêu ai này đang là tình trạng chung của các ngân hàng ở tỉnh Đắk Lắk.

>> Xem giá cà phê Đắk Lắk mới nhất

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83