Thị trường kinh doanh cà phê không đơn giản chỉ là chuyện anh cần tôi có và tiền trao cháo múc.
Nếu đơn giản thế thì thời gian qua đã không có chuyện vỡ nợ, bỏ trốn vì “thời tiết ở Brazin” vì “đồng bạc xanh tăng giá”, và vì hàng trăm cái lý do trên trời khác để cho hàng chục đại lý phải đêm hôm bỏ trốn mang theo cả công sức lao động trong một năm trời của người nông dân.
Mời bà con theo dõi tiếp phần 3 của loạt bài nói về những yếu tố tác động đến thị trường cà phê của tác giả Kinh Vu để hiểu thêm về những góc khuất mà xưa nay chưa ai nói.
Xem thêm:
Phần 3: Thông tin và tác động
Mùa đông Brazil thường diễn ra trong khoảng từ 21/6 đến 25/8 hàng năm, đây là thời gian lạnh nhất trong năm, biểu đồ giá cà phê luôn có tỷ lệ nghịch với hàn thử biểu trong giai đoạn này, chỉ với một bản báo cáo đêm qua nhiệt độ những vùng trồng đã xuống thấp dưới 0°C hoặc dự báo trong những ngày tới sẽ rất lạnh thì hầu như ngày hôm sau thế nào giá cũng tăng, hoặc ít nhất là không sụt thêm nữa.
Chúng ta đừng đòi hỏi tính chính xác bản tin đó được bao nhiêu phần trăm, khoan nói đến chuyện có sương giá hay không sương giá, người kinh doanh thường thuận theo thời cơ này để mà mua hay bán, người nông dân cũng nên lợi dụng thực tế này để bán thành quả của mình.
Thực ra nhiệt độ xuống thấp gần 0°C chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để tạo ra sương giá tại Brazil, còn một điều kiện thứ hai nữa nhưng trong các bản tin ít khi đề cập đến đó là áp suất của cột áp cao thường di chuyển từ miền nam Brazil đi lên, cột áp cao này phải đạt trên 1030mb mới có khả năng gây ra sương giá, theo thống kê thì những cột áp cao nhưng đi ngang từ phía đông vào thì khó có khả năng gây ra sương giá, một cột áp cao nhưng xảy ra trước ngày 21-6 hay sau ngày 25-8 thì cũng khó gây ra sương giá.
Theo đây thì khả năng xảy ra sương giá gây hại như năm 1994 cũng không dễ dàng xuất hiện, vì vậy cho nên sự đặt cược vào cuộc chơi thời tiết này cần sự cân nhắc và thông tin đầy đủ.
Nhiều khi tôi thấy cũng như trong cuộc đời, mình phải tự tìm cho mình Thầy hiền Bạn tốt, lên mạng tìm đọc thông tin cũng vậy mình phải tự cảm nhận và tìm hiểu đối chiếu thông tin đọc được, huống hồ là trong mua bán kinh doanh hay phát triển cho kinh tế riêng của gia đình nhằm định hướng thời điểm bán cái thành quả cả năm trời của bao nhiêu thành viên mới có được.
Vì vậy mà việc chia sẻ học hỏi lẫn nhau qua lần thất bại hay sự thành công trong cộng đồng là điều cần thiết để nhanh chóng rút ra những kinh nghiệm, đừng vội bài bác luật chơi đã có từ bao đời nay bởi vì nó khắc nghiệt với bạn, cái biểu đồ cà phê tăng giảm xưa nay vẫn thế, bản thân biểu đồ này bị tác động bởi thông tin thật giả lẫn lộn, nếu có liên quan đến nó chúng ta hãy tận dụng cơ hội để tìm hiểu, đừng đòi nó thông cảm với ta, đừng trách tại sao có yếu tố giả lẫn vào trong đó.
Trừ Lùi (Differential)
Nói đến vấn đề trừ lùi đầu tiên chúng ta phải định nghĩa rằng giá cả mà chúng ta nhìn thấy giao dịch trên thị trường hàng ngày là giá hàng giao tại cảng đến, về lý thuyết thì khi mua cà phê thì người ta thường nói rằng: Giá cà phê giao tháng 9 tại cảng A hôm qua đã kết thúc ở mức 1730$ như vậy nếu người mua chỉ yêu cầu bạn giao tại cảng của người bán mà ta thường gọi là FOB Hồ Chí Minh, FOB Hải phòng… thì đương nhiên họ phải trừ đi một khoản để còn chi phí cho vận chuyển, bảo hiểm…
Lâu dần theo sự biến hóa của thị trường, khoản trừ lùi này không chỉ vì những lý do nêu trên mà còn vì chất lượng, uy tín của thương hiệu cà phê của nước này so với nước khác, nên khoản trừ lùi đó sẽ khác nhau, khi ta nói giá cà phê tháng 9 hôm qua tại London giá 1730USD/tấn, thật sự đó là nói tắt thôi chứ chưa đủ nghĩa, mà còn chỉ định rõ cà phê đó chất lượng như thế nào nữa, trong giới mua bán cà phê thì ai cũng ngầm hiểu đó là loại cà phê R2 với 1% tạp chất, 5% đen vỡ, 13% độ ẩm, 90% trên sàng 13 (5ly), bởi đây là loại cà phê có chất lượng mà khả năng chúng ta có thể chế biến được hồi xưa.
Cũng trong cùng thời điểm đó nhưng cà phê nước bạn có một tiêu chuẩn khác tốt hơn loại vừa nêu thì rõ ràng giá trừ lùi sẽ ít hơn.
Hiện nay về mặt chất lượng xuất khẩu thì chúng ta đã tiến bộ rất nhiều nhờ thiết bị chế biến hiện đại hơn, những nhà chế biến của chúng ta đã đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn rất nhiều và vì thế mà không những mua cà phê của họ không bị trừ lùi mà còn phải nói là “London Cộng” tức là giá London cộng thêm nữa. Đã xưa rồi cái thời mấy ông nước ngoài khi thấy năm nào có nắng tốt, cà phê ít đen thì đòi mua cà phê với tiêu chuẩn 8% đen vỡ (để mà trừ được nhiều hơn) còn năm nào mưa nhiều thì hỏi mua cà phê 5% đen vỡ. Những kiểu chơi như thế nay đã bị điểm mặt xưng tên.
Bây giờ chúng ta quay trở lại với kiểu mua bán trừ lùi.
Ví dụ ở thời điểm hiện nay (tháng 7) tôi đồng ý bán cho người mua 10 tấn tính theo giá thị trường London giao tháng 9 trừ lùi 100$, thì có nghĩa từ đây cho đến ngày thông báo đầu tiên (First Notice Day) của giao hàng tháng 9, tức là khoảng vào ngày 02/10, trong khoảng thời gian này vào bất kỳ ngày nào tôi cảm thấy đẹp trời là tôi có quyền gọi ra lệnh chốt giá, ngay cả khi vừa ký hợp đồng xong tôi cũng có quyền gọi chốt giá ngay. Như vậy qua đó chúng ta thấy bản chất của việc bán trừ lùi không có gì là sai hay rủi ro cả, vấn đề người ta bàn tán bán trừ lùi là rủi ro thì lại nằm ở những điểm khác:
- Chúng ta chưa bao giờ làm chủ được mức trừ lùi (hay giá trừ lùi) mà do người mua áp đặt, những người mua cho dù ở Châu Âu hay Châu Mỹ nhưng kỳ lạ một điều là họ luôn đặt ra được một mức trừ lùi thống nhất cho tại một thời điểm mua nào đó, trong khi cùng là người Việt Nam chúng ta lại không làm được điều tương tự.
- Khi bán trừ lùi, chúng ta để cho người mua thống kê được tổng lượng hàng mà chúng ta đã bán và sẽ giao nhưng chưa chốt giá xem như số phận của chúng ta đang chờ thị trường phán quyết, khác với bán chốt giá ngay thì số phận do chúng ta tự định đoạt. Từ đó họ nắm chắc trong tay số hàng họ sẽ có được vào ngày nọ tháng kia cho nên trừ khi núi lửa phun lên ở những vùng trồng cà phê Brazil họ mới nhảy ra nâng giá mua. Trong khi đó chúng ta không hề có một sự thống kê nào đáng tin cậy (hay là tôi không tìm thấy thống kê đó, nếu ai biết xin chỉ cho xem với) cho giới kinh doanh khả dĩ biết rằng hiện nay giới kinh doanh trong nước đã bán được khoảng bao nhiêu phần trăm ở dạng trừ lùi với những mức trừ lùi như thế nào rồi, nếu biết được điều đó, tôi tin chắc những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam sẽ có sự định hướng cần thiết phải bán kiểu gì trong thời gian tới.
- Chính vì sự đủng đỉnh của người mua khi đã biết có bao nhiêu cá trong đìa cho nên khi gọi đặt giá chốt trên thị trường sau những thời điểm này rất khó để mà khớp lệnh, bởi số lượng sắp hàng chờ đến phiên bạn khá dài, nóng ruột, sợ giá rớt thêm người bán lại hạ giá đặt lệnh xuống và cứ tranh nhau làm như thế khiến cho nhiều khi giá cà phê như xuống đèo mà thắng mất hơi, đến nước này thì bán London cộng cũng chết nữa là trừ lùi.
- Sẽ có nhiều người đọc đến đây và hỏi vậy tại sao những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam lại bán trừ lùi? Như tôi đã nói, thật ra sự bán trừ lùi không có tội tình gì cả nếu điều hành vĩ mô có một công cụ tốt hơn để giúp cho những nhà kinh doanh thống nhất với nhau về chiến lược. Nhưng thật tình vấn đề không chỉ ở đó mà còn ở một điểm khác nữa đó là tình hình sức khỏe tài chính của các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam mà những tay tài phiệt nước ngoài hiện nắm rất rõ.Chúng ta đã thấy rất nhiều lần giá cà phê nội địa cao hơn giá thế giới (đây lại thuộc về một câu chuyện khác nữa) tại thời điểm như vậy thì bán làm sao, chốt giá ngay cũng lỗ mà trừ lùi cũng thấy ngay cái lỗ trước mắt, nhưng nhiều công ty vẫn phải bán để có hợp đồng làm cơ sở cho việc vay tiền, mà tiền lúc đó không phải để mua cà phê mà để đáo hạn Ngân hàng, tất nhiên trong trường hợp này không ai bán chốt giá ngay mà phải bán dạng trừ lùi để còn nuôi hy vọng (trong tuyệt vọng) là từ đây đến ngày mình chốt giá sẽ còn có cơ hội giá lên. Chúng ta chưa có được khả năng chủ động tài chính để mà lúc nào tốt thì bán, lúc nào giá không tốt thì nghỉ đi chơi.
Ngưng thua lỗ (Stop loss)
Không nhà kinh doanh cà phê nào là không biết thuật ngữ Ngưng Thua Lỗ này cho nên tôi không có ý định “múa rìu qua mắt thợ” khi giải thích, nhưng trên diễn đàn của bà con nông dân mình thì có lẽ không phải ai cũng biết cho nên tôi xin nói qua.
Khi nhà kinh doanh đã bán ở dạng giá London trừ lùi hay cộng thêm đi nữa tuy chưa chốt giá (chỉ mới chốt mức cộng hay trừ mà thôi) mà đã đến thời hạn giao hàng, hay muốn giao sớm để có tiền sớm thì hàng vẫn được giao, giá đóng cửa giao dịch trên thị trường London của ngày giao hàng sẽ được dùng như tạm tính để trả tiền cho người bán, nhưng chỉ được thanh toán trước 70% giá trị của lô hàng.
Ví dụ:
Bạn bán London tháng 9 trừ lùi 100USD nhưng chưa chốt giá, hôm thứ sáu vừa qua bạn đã giao hàng, giá hôm đó là 1730$ vậy trừ lùi đi 100$ còn lại là 1630$ giá này sẽ được dùng tạm tính để làm cơ sở thanh toán trước 70% cho bạn tức là 1630$ x 70% = 1141$/tấn.
Đến đây có thể nói rằng bạn đang có “lòng tốt bất đắc dĩ” cho người mua mượn 30% giá trị tiền hàng mà không tính lãi, nhưng nói chuyện này bây giờ thì tôi sẽ bị lạc đề.
Sau đó bạn mòn mỏi chờ đợi cái ngày đẹp trời để gọi chốt giá thanh lý cho xong cái hợp đồng trên, nhưng vì những nguyên nhân mà tôi đã nêu ra cho nên ngày nào cũng đầy mây u ám, cũng có nhiều người dứt khoát chấp nhận hạ giá gọi để chốt cho xong, chấp nhận lỗ, nhưng một phần không nhỏ quyết chờ đợi đến cùng, cái giá 1630$ của ngày trước khi giao hàng nay trở thành giấc mơ đẹp trong quá khứ, và điều họ sợ đã đến đó là một khi giá xuống đụng đến mức 1141$/tấn thì theo hợp đồng lô hàng đó sẽ được tự động chốt giá để “Bảo vệ quyền lợi của người bán” không bị thua lỗ thêm nữa, tiếng Anh chuyên ngành gọi nó một cách lạnh lùng là “Stop Loss”. Điều này đã xảy ra không phải một lần và tôi chắc rằng sẽ vẫn còn tiếp tục.
Bạn hình dung xem, giả sử một người mua đang nắm trong tay khoảng vài chục ngàn lots (lot = 10 tấn) thì khi thị trường nằm trong khoảng 1400-1300USD/tấn tại sao họ không rao bán ra vài chục lots ở mức giá 1241$/t để cho bạn rớt luôn vào cái thế Stop loss, nhiều người đã phải nhận những cú này như phát súng ân huệ, cay đắng nhìn lô hàng mình mất đi đúng 1 phần 3 kèm theo phần khuyến mãi không lãi 30% giá trị lô hàng.
Các bạn đừng nghĩ rằng những điều tôi vừa phân tích ở trên chỉ tác động đến nhà kinh doanh mà không đụng chạm đến nông dân chúng ta, có đấy mà còn như là nạn nhân của máy bay trên trời rơi xuống nữa kia mặc dù các bạn không bay trên chiếc máy bay ấy.
Người nông dân một nắng hai sương để làm ra vài tấn cà phê một năm, vì nhiều lý do như không có kho hay nhà chật không có chỗ chứa, hoặc vì đem thế chấp thành quả của mình vào một đại lý mua cà phê nào đó để dễ dàng vay tiền chi dụng, lẽ dĩ nhiên những công ty mà nông dân gởi hàng vào đó phải sử dụng cà phê của người gởi như một đồng vốn để xoay vòng chứ không ai để nằm yên.
Thông qua các công ty có chức năng xuất khẩu trực tiếp họ cũng bán hàng trừ lùi hay cộng thêm và cùng gánh chịu những thiệt hại vô cùng to lớn, bạn nào rảnh hãy thử ngồi tính toán xem với sản lượng 1 triệu tấn hàng năm, trong đó bán trừ lùi chiếm khoảng 80% sẽ thấy cái máy tính 12 số không đủ để tính.
Nếu nghĩ rằng tôi nói quá lời, các bạn cứ vào Google và gõ tìm kiếm với từ khóa “đại lý cà phê vỡ nợ” để kiểm chứng.
Cái sự thua lỗ dĩ nhiên cũng không chỉ vì chừng đó nguyên nhân, nhưng những cú ngã đau tại một chỗ mà cứ lặp lại mãi thì thật không thể nào hiểu nổi, ước mong con cái sẽ giỏi hơn chúng ta để lấy về lại số tài sản mà lẽ ra bố mẹ chúng đã không đáng mất.
Tác giả: Kinh Vu (Giacaphe.com)
Không còn từ nào để diễn tả nữa. Có thể với chuyên giao cao cấp thì có thể còn tranh luận thêm với bạn Kinh Vũ, riêng tôi kiến thức cà phê abc thì những khúc mắc lâu nay về trừ lùi đã được giải đáp.
Cám ơn anh.
Hongvanpv@yahoo.com
nhà báo Hồng Văn xuất hiện rồi sao?
Lâu nay không thấy bác viết lách gì cho bà con cùng “bàn tán với”
Rất cám ơn Kinh Vu. Thế mới biết cái lý bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh.
Những bài báo của anh rất chuẩn xác nhưng ko hiểu vì các doanh nghiệp cà phê việt ta đã nhiều lần bị phơi áo mà cứ lao vào, theo tôi nghĩ cũng tại vì nhiều người muốn buôn cà phê mà ko có vốn nên mới bị mấy thằng tư bản nó cho nếm mùi cà phê đắng thật sự !!!
Thật mừng cho cộng đồng Y5cafe phải không bà con. chúng ta đã có những nông dân tuyệt vời. Số là bác nào đăng bài cũng nói vậy em chỉ biết tin thôi.
Em thấy các bác ấy còn giỏi hơn cả những doanh nghiệp giỏi, những chuyên gia giỏi, những người làm chính sách giỏi hihi. quan trọng nhất là các bác ấy đã dành thời gian quý báu của họ để viết bài cho chúng ta đọc. thật là tuyệt vời…
bác nào cao mưu quân sư cho chính phủ để tránh ” phát súng ân huệ” .
thật là đau quá bà con ơi !
Để hưởng ứng bài viết quá hay của bạn Kinh Vu, Labacafe xin cung cấp bản tin : Thế giới không ngủ.
Bản tin ngày 27-7 lúc London 8h00 sáng, (Brazil 4h00, Vietnam 14h00)
Brazil mưa nhiều cả ngày, nhiệt độ bình thường, ban ngày khoảng 24-33 độ C, ban đêm khoảng 12-19 độ C. Không có dấu hiệu thời tiết bất thường trên diện rộng từ Argentina trải xuống phía nam từ nay cho đến hết tháng 7.
Lúc này những nông dân Brazil vẫn đang say giấc giữa bốn bức tường mà không hề biết giới tài chính châu Âu đang bắt đầu một ngày mới bằng việc bàn tán bên ly cà phê chuyện một lát nữa đây hạt mưa sẽ làm ướt bức tường phía trước hay bên hông ngôi nhà mà họ đang ngủ.
Tôi có người quen buôn bán cà phê hàng chục năm nay. Theo lời kể, bên cạnh những lô hàng bình thường còn cung cấp nhiều lô hàng cà phê xấu như toàn đen, vỡ, sâu… thậm chí cả vỏ cà được qua sàn sãy, chọn lọc… để mà làm cà trộn mà giói kinh doanh gọi là cà đấu. Năm ít thì khoảng trăm, trăm rưỡi tấn, năm nhiều thì bốn năm trăm tấn. Bán cho các đại gia KDXNK cà phê để trộn vào các lô hàng xuất khẩu. Cái này có phải là lỗi của nông dân không?
Giờ đọc bài viết mới biết rõ để đỡ ấm ức…cám ơn Kinh Vu nhiều !
Mình có một đề nghị thế này, anh Kinh Vũ và các bạn xem có được không nhé: Diễn đàn Y5cafe sẽ tạo thêm một forum về phân tích giá cả caphe, các thành viên sẽ update các thông tin liên quan và cùng phân tích đưa ra nhận định về xu hướng giá caphe. Việc phân tích và đưa ra nhận định giá cả này sẽ có mục đích tham khảo rất hữu dụng.
Bác kinh Vũ thật tuyệt ,cung cấp cho bà con nông dân những thông tin hửu ích .Rất đáng khâm phục và hoan hô!
Nói như “bác” Kinh Vũ thì đúng rồi. Vì bác trước kia có làm cà phê mà, và đã bị thất bại rồi.
Nay bác sợ hạt cà phê lắm, nên bác chuyển sang sản xuất máy chế biến cà phê cho ít rủi ro, lời nhiều !.
Nói tóm lại: Ngành cà phê cũng như các ngành khác: vàng, dầu thô,… hàng ngày vào buổi sớm đẹp trời: các ông Trùm nhóm họp, nhâm nhi ly cà phê và căn cứ vào “các vị thế đang có trên thị trường” để ra quyết định Mua hay Bán cho các hàng hoá trên toàn thế giới, trong đó có cà phê. ” Túm lại: Giống như ta chơi bài xì tố – Nhưng bài của ta là gì họ đã thấy hết, làm sao không thua !!!” .
Xin hỏi các bác !
Tôi tìm không thấy có tài liệu nào nói về cafe Robusta của Brazil, hay là số lượng ít nên không nói. Vậy thì làm sao mà biến động cafe ở Brazil lại ảnh hưởng đến cafe VN. Xin các bác chỉ giáo cho.
Tài liệu loại này được cung cấp khá chi tiết tại các tổ chức như IMF, Cục quản lý nông nghiệp nước ngoài của Mỹ…nhưng độ chính xác thì không có ai kiểm định, nếu chỉ dùng tham khảo thì khá tốt, thậm chí dữ liệu từ những năm 60-70 cũng có.
Hi bác Nhinkhongduoc,
ở Brazil không gọi là Robusta nên bác search làm sao mà có được :d
Nó gọi là Conilon hay gì đó , tôi nhớ không rõ nhưng là 1 phân loại khác của Robusta, bác có thể search theo phân loại của robusta , có lẽ là ra :d
Chào các bạn
Cà phê Robusta ở Brazil được gọi dưới cái tên Conillon, số lượng trồng chiếm một số ít trong tổng sản lượng, vùng này phải tưới chứ không được như các vùng trồng Arabica ở Minas Gerais và Sao Paulo nhờ trời tưới giùm cho.
Cà phê dạng robusta được những nhà rang xay sử dụng như một dạng chất độn trung tính để trộn vào arabica vì robusta không có mùi thơm như arabica nhưng có hàm lượng cafein khá cao.
Việc độn vào này không chỉ là vì để có giá thành rẻ hơn mà còn vì cái “gu” uống của mỗi nước, ví dụ như Pháp hay Đức thì thích hơi đắng một chút (như Việt nam mình) còn phần lớn các nước uống cà phê như ta uống trà, nhìn ly cà phê mà hết muốn uống vì nó trong suốt từ bên này sang bên kia, nhưng mà uống vào thì thấy ngon và tỉnh táo lắm.
Sự tác động giá của Arabica đến Robusta là một dạng như kiểu tâm lý và nước lên bèo ăn theo, tuy vậy cũng đã có thời robusta mua đâu cũng có cho nên cũng cách biệt giá nhiều lắm hơn 2,2 lần, trong những thời điểm như vậy thì các nhà rang xay mạnh tay độn vào hơn một chút nhưng lựa chọn loại robusta chế biến sạch và có chất lượng cao hơn.
chào bác Kinh Vu,
sau lâu rồi không thấy bác viết tiếp phần 4 của loạt bài “tìm hiểu thị trường cà phê”, bác làm cho bà con phải đợi dài cổ rồi nè.
loạt bài của bác rất hay và vô cùng thiết thực, rất mong bác bỏ chút thời gian để viết cho bà con cùng xem
cám ơn bác
Chào Bạn Cao Trần.
Mấy hôm nay bận quá nên chưa suy nghĩ tiếp được, có nhiều điều muốn nói quá nên không biết phải nói trước điều nào!!!
Kinh Vu tôi vừa gởi bài nói về tạm trữ nhưng chưa thấy anh Thịnh Còi đăng, chắc bị đụng hay sao ấy!!!
Chào anh Kinh Vũ,
Rất cám ơn anh đã có những bài viết vô cùng xuất sắc thời gian qua.
bài viết “Cà phê – tạm trữ là “tự trảm” “ đã đăng ở địa chỉ: https://giacaphe.com/6930/ca-phe-tam-tru-la-tu-tram/ mời anh xem qua
Chúc anh sức khỏe.
Cảm ơn anh Kinh Vũ. Những bài viết của anh, tôi đọc kỹ : hay và thiết thực. Chúc anh sức khỏe .
Chào bà con!
Tôi là một nông dân trồng cà phê tại Buôn Hồ ĐăkLăk khoảng trên 20 năm làm cafe mới thấu hiểu nổi khổ của bà con nông dân.
Theo tìm hiểu thông tin phân tích cafe ba phần của tác giả Kinh Vũ tôi rất đáng kính trọng đó là một tâm huyết của anh Vũ đối với tất cả người nông dân cũng như các nhà doanh nghiệp nhận định thấu đáo hơn về vấn đề “Mua và bán cafe”
Theo tôi nghĩ giờ chỉ còn kết hợp bốn nhà thành một khối thống nhất trong đó là:
– Nhà nước
– Nhà Doanh nghiệp
– Nhà khoa học
– Nhà nông
+ Nhà nông đầu tư chăm sóc cafe đúng quy trình khoa học
+ Nhà khoa học hướng dẫn đúng quy trình nghiên cứu, áp dụng thực tiễn cho nhà nông thực hiện
+ Nhà doanh nghiệp đoàn kết thống nhất, sáng suốt lựa chọn nơi bán hàng đảm bảo giá cả thị trường không vì lợi nhuận của bản thân doanh nghiệp
+ Nhà nước hỗ trợ vốn đầy đủ, thông thoáng và quyết định cho phù hợp
Tất cả 4 yếu tố trên tin tưởng không có một thành phần kinh tế nào có thể bẻ gãy được nền kinh tế của chúng ta nói chung và ngành cafe nói riêng. Nếu đạt được một thành quả nhất định nào đó thì các ngành khác chúng ta sẽ nhân rộng để tạo tiền đề cho nền kinh tế chúng ta phát triển không phải lệ thuộc vào một yếu tố nào cả
Đến đây tôi có một suy nghĩ nhỏ nhoi mong quý cộng sự góp ý thêm để trang web thảo luận của chúng ta ngày càng phong phú và tác dụng thực tế hơn, có đều gì sơ sót mong quý vị bỏ qua
Đó là lời nói, lời góp ý chân thành góp một phần nhỏ bé để cho nền kinh tế nước nhà phát triển, cho người nông dân chúng tôi được hưởng lợi từ những giọt mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống mà không bị thiệt thòi cũng như lời ông bà ta thường nói “Dân giàu nước mạnh” mong sự góp ý của quý vị và các cộng sự
Chào đoàn kết quyết thắng.
Nguyễn Tiến Đạt
Pơng DRang – Krông Búk – Đăk Lăk
Tôi rất đồng tình những suy nghỉ và hành động đáng ghi nhận của Anh ! nhưng anh có thêm suy nghĩ làm sao nâng cao về chất lượng cà phê hiện nay của chúng ta nủa thì quá tuyệt ! Hiện nay tại Đà Lạt bà con thu hoạch ca phê Arabica trong vụ thường từ 2 đến 3 lần trong vụ vậy chất lượng cà phê có đạt hơn không anh ?
Chào các bác!
Mình rất vui khi được tham gia diễn đàn cùng các bác, mình là người miền trung nhưng mình rất thích cà phê, thích uống, thích sản xuất và kinh doanh cà phê. vì vậy mình quyết định lên lập nghiệp ở Tây Nguyên để được cùng sống với cà phê.
Chúc các bác, các bạn sức khỏe
Thân chào
Xin cảm ơn tác giả rất nhiều. Nhưng cho tôi hỏi là tác giả là anh Kinh Vũ hay Kinh Vu vậy.
Xin chào anh Tiến Đạt
Anh đã làm cà phê trên 20 năm thì cũng vào hàng lão làng rồi nhỉ? rất vui vì được anh chú ý hỏi đến. Khi nào có dịp đi ngang qua Buôn Hồ – Pơng Drang chắc sẽ ghé vào anh xin một ly cà phê để uống.
Tên Kinh Vu của tôi là không có dấu anh à, viết sao đọc vậy. Mong có dịp gặp anh.
Kinh Vu
Cảm ơn Anh Vũ nhiều nha!Người ta nói: ” Đi một ngày đàng nhọc một sàng khôn” thật là chí lý. Tôi đã đọc 3 bài viết của anh, chúng rất hay!
Một dân tộc may mắn hay bất hạnh là do người lãnh đạo dân tộc ấy. Một Doanh nghiệp muốn đi lên có 3 yếu tố về lãnh đạo: mạnh, sạch và có tầm nhìn. Nhưng buồn thay hiện nay ở Đaklak có doanh nghiệp kinh doanh cà phê gần 35 năm đang phải đối mặt với sự bất hạnh này.
Chào các bác !
Thật vui và hạnh phúc khi tụi cháu là hậu sinh được tiếp kiến các bác đi trước. Cháu hiện cũng xem như là đại diện cho các Doanh Nghiệp ( chỉ làm công ăn lương nhưng cũng đóng vai trò thu mua các giọt mồ hôi nước mắt của bà con mình. Đọc bài của bác Kinh Vu rồi cháu mới thấy được ngoài việc chờ mua được giá thì bên cạnh đó có nhiều vấn đề mà cháu phải suy ngẫm. Rất cảm ơn bài viết của bác. Hi vọng một ngày nào đó, người nông dân minh sẽ đỡ vất vả và không phải lo lắng như bây giờ
Kính chúc bà con có nhiều sức khỏe !
Tôi là một thanh niên có đam mê rất lớn với cafe, tôi ước mơ sẽ giúp đỡ bố mẹ tôi và những người trồng cafe bớt nhọc nhằn hơn và giàu có hơn trong cuộc sống .
Hiện tại tôi đang xây dựng doanh nghiệp tại Đak Nông với mục tiêu phục vụ chính là nông dân trồng cafe, với kế hoạch đang ấp ủ, tôi tin trong vòng 5 năm nữa tôi sẽ giúp được 70% nông dân khu vực tây nguyên trồng café về đầu ra đựơc giá hơn, cùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật uy tín chất lượng hơn. Rất mong được sự ủng hộ và góp ý của bà con qua hộp thư Anhco@gmail.com
Chúc mọi người một mùa cafe bội thu.
Chúc anh Thịnh ngày càng có nhiều độc giả và đăng nhiều bài viết ý nghĩa cho nhà nông .
anh Kinh Vu chép lại nguyên si từ báo kinh tế sg hay sao ấy nhỉ? đây là bài viết bên báo https://thesaigontimes.vn/cau-chuyen-tru-lui-trong-xuat-khau-ca-phe/
Chào bạn Hoàng Đoan
Bài viết Tìm hiểu về thị trường cà phê từ phần 1 đến phần 3 (đến hôm nay đã có phần 4) khởi đầu từ tháng 7/2010, ngay trong bài viết phần 3 mà bạn đang đọc đây cũng ghi rõ ngày đăng là 26/7/2010, có lẽ bạn cũng biết cái ngày này phát sinh tự động do trang web đó đưa lên chứ tôi không sửa được.
Tôi rất cảm ơn bạn đã chỉ ra đường link trên báo khác mà tôi không hề biết có bài viết giống của tôi, tuy nhiên xin bạn hãy xem lại ngày đăng của họ thì lại là 31/10/2010. Như thế thì phải nói là cái cô Hồng Ngọc – Viết Vinh nào đó đã lấy bài của Kinh Vu tôi đây chứ!!!
Tôi không phiền hà gì việc ai đó đăng lại bài của tôi, thậm chí cảm thấy rất hân hạnh, chỉ xin ghi rõ là bài này đã được đăng trên Y5Cafe – Tác giả Kinh Vu và đừng sửa ý của tôi trong đó vì tôi chắc rằng các vị đăng lại bài không hiểu rõ cà phê như tôi đâu.
Bạn Hoàng Đoan yên tâm đi, tôi tin cộng đồng Y5Cafe có thừa những người có thể viết những bài hơn thế mà không cần phải copy ở đâu bạn à.
Rất cảm ơn bạn.
Rất cám ơn sự tinh ý đến tuyệt vời của bạn hoàng đoan,
Tuy nhiên nếu bạn để ý một chút thì sẽ thấy bài của anh Kinh Vu đăng trước rất lâu so với bài trên SGTimes.
Cám ơn bạn Hoàng Đan. Mình là Võ Hồng Văn, nhà báo ở SaigonTimes, cũng là một thành viên tham gia từ rất sớm với Y5Cafe. Hôm trước, mình có trao đổi với anh Lê Viết Vinh, tức Kinh Vũ, rằng mình có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ những thông tin mà anh ấy viết trên diễn đàn nếu nó hợp với tính thời sự của thị trường cà phê.
Hôm 29-10 tại TPHCM, Vicofa bàn luận khá nhiều về trừ lùi và rất nhiều người không hiểu trừ lùi là gì, nên mình mới dùng phần của anh Vinh để nhiều người hiểu hơn về vấn đề này. Hồng Ngọc là bút danh của mình.
Mình đã điện thoại trao đổi với anh Vinh và anh ấy đã OK.
Hì hì, chỉ là một hiểu lầm nhỏ thôi, đúng là như anh Hồng Văn nói, trước đây mình đã đồng ý với anh ấy về việc biên tập lại một số lời lẽ trong các bài viết của mình cho phù hợp với khuôn khổ Saigon Times. Tiếc là cả Hoàng Đoan và mình không biết anh có thêm bút danh Hồng Ngọc, tưởng là cô nào…nên mới sinh chuyện hiểu nhầm. Chứ mà biết nhà báo chuyên các vấn đề nông dân như anh thì mình mừng vì nhờ anh mà có nhiều người cùng đọc chứ.
Chừng nào gặp uống bia Hồng Văn nhé, nhưng mà bút danh của mình là Kinh Vu thôi, chứ không phải Kinh Vũ đâu.
Một bài viết ý nghĩa, cảm ơn các bác nhiều. Vậy mới hiểu được rõ nội dung chứ. Lần này thì có cái phân tích để nói chuyện hợp lý với cha anh rồi, không họ toàn kêu :”mày thì lo học hành cho tốt đi, chứ biết gì về cafe mà nói” buồn ghê vậy. Nhưng với những bài viết của các bác thì em đã hiểu thêm được nhiều rồi.
Một lần nữa xin gửi tới các bác lời cảm ơn chân thành!
Tôi là một người kinh doanh cà phê ,vả lại rất thích đọc trang mạng y5cafe. Tôi thấy hình như các báo điện tử thường hay cop bài của y5cafe hơi bị nhiều. Cái điều tệ là họ lại cứ giả lơ ghi tên mình phía dưới bên phải những bài viết đó tạo nên nhiều sự hiểu nhầm ngược lại đối với cộng đồng.
Mong rằng từ nay về sau của ai ra của người đó đi, thế mới là văn minh và hợp đạo lý : “Tam cang, ngũ thường !” chứ phải không các bạn .
Chào anh Kinh Vu!!
Em thắc mắc là không biết những nhà mua hợp đồng kỳ hạn cà phê ở hai sàn ở Luân Đôn và New York, họ dùng cách nào để thông kê tổng lượng cà phê chúng ta đã bán kỳ hạn? và bao nhiêu là lượng cà phê thực và bao nhiêu % là càphe “Giấy”…
Xin chân thành cảm ơn!
Chào anh Kinh Vu. Khi tìm hiểu các hợp đồng xuất khẩu đang giao dịch hiện nay, P có xem vài tài liệu và báo chí giải thích. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều chưa thật sự hiểu rõ. Vì là dân học thuật, nên P mới phân tích câu chữ như vậy, mong anh đừng cười và cố gắng giữ… kiên nhẫn đọc và giúp P hiểu rõ vấn đề hơn héng. Cám ơn anh.
Theo tìm hiểu thì có 3 loại hợp đồng:
Outright – bán hàng giao ngay:
Bán hàng giao ngay (outright) trong truyền thống giao thương cà phê thế giới có nghĩa người mua và người bán chốt giá ngay tại thời điểm ký hợp đồng mua bán mà không cần biết giá cà phê tại thời điểm giao hàng diễn biến ra sao. [1]
Bán theo phương thức outright (giá cố định, thời gian giao hàng cố định). Phương thức này bảo đảm rủi ro ít, nhưng lợi nhuận đem lại cũng ít do không tận dụng được thay đổi có lợi của thị trường. [2]
Phương thức giao ngay, thuật ngữ tiếng Anh gọi là outright. Theo phương thức này hai bên mua và bán ký kết hợp đồng với giá cố định tại thời điểm hiện tại và thời gian giao hàng cố định. Họ không quan tâm đến giá tại thời điểm giao hàng cao hơn hay thấp hơn giá cố định.[3]
Hợp đồng giao ngay: là hợp đồng mà người mua và người bán thỏa thuận giao hàng ngay sau khi ký hợp đồng từ 3 đến 15 ngày thì hợp đồng sẽ được thực hiện. Người Anh gọi là hợp đồng giáp lưng (Back to back – hợp đồng nối hai đầu). [4]
Như vậy, từ các giải thích trên, có thể tóm lại như sau:
• Giá:
o xác định tại thời điểm ký hợp đồng/thời điểm hiện tại
o giá cố định
• Thời gian giao hàng:
o thời gian cố định
o từ 3 đến 15 ngày sau khi ký hợp đồng
Price to be fixed contract/differential – trừ lùi, chốt giá sau:
Hợp đồng giao xa mà nhà nhập khẩu thường ứng trước 70% số tiền của hợp đồng cho nhà xuất khẩu, phần còn lại được tính toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn London. [1]
Ở đây có mấy điểm chính:
• ứng trước 70% số tiền của hợp đồng => câu hỏi là dựa trên giá nào?
• phần còn lại thanh toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào LIFFE => khi giao hàng sẽ chốt giá hay được phép chốt trước khi giao hàng?
Hợp đồng bán trừ lùi chốt giá sau (differential hoặc price-to-be-fix): quy định giá được xác định sau bao nhiêu ngày, căn cứ vào giá thị trường London và trừ lùi một mức nhất định, chủ yếu là không chính thức (OTC). [2]
Tương tự:
• giá được xác định sau bao nhiêu ngày => câu hỏi là bao nhiêu ngày?
• căn cứ vào giá thị trường London và trừ lùi một mức nhất định
Phương thức kinh doanh chốt giá sau (Price-to-be-fixed – PTBF) là hình thức cho phép người mua hoặc người bán “chốt giá” tại thời điểm nào đó trong tương lai, trước khi thực hiện giao, nhận hàng. Người mua và người bán sẽ thỏa thuận về số lượng, chủng loại, tháng giao hàng (delivery month). Riêng đối với điều khoản giá thì sẽ áp dụng một trong hai hình thức: thứ nhất, giá thanh toán là giá “trừ lùi” (minus) hoặc thứ hai, giá cộng thêm (plus) so với giá kỳ hạn (futures price). Giá kỳ hạn này thường căn cứ vào giá trên Sàn giao dịch hàng hóa London (Liffe).
Có hai loại hợp đồng chốt giá (Fixing price) sau:
Thứ nhất, hợp đồng người bán nắm quyền chốt giá (PBTF – Seller’s call contracts). Đây là hợp đồng bằng văn bản cho phép người bán chốt giá bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể. Rủi ro giá cả do người mua chịu, nên người mua phải sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ rủi ro.
Thứ hai, hợp đồng người mua nắm quyền chốt giá (PBTF – Buyer’s call contract). Đây là hợp đồng cho phép người mua chốt giá bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể. Rủi ro giá cả do người bán chịu, nên người bán phải sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ rủi ro. [3]
Các điểm chính:
• thỏa thuận về số lượng, chủng loại, tháng giao hàng
• giá: trừ lùi hoặc cộng thêm so với giá kỳ hạn (futures price), cụ thể là LIFFE => trường hợp này có ứng tiền trước không?
• chốt giá trước khi thực hiện giao, nhận hàng + trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể (ngày thông báo giao hàng đầu tiên (first delivery notice day) là bất cứ ngày nào trong tháng giao hàng của hợp đồng kỳ hạn). => ở đây P chỉ biết first notice day – là ngày mà có thông báo rằng trung tâm thanh toán bù trừ có ý định giao hàng thật cho người mua nhằm hoàn tất hợp đồng giao sau của tháng giao hàng cụ thể, ngày thông báo đầu tiên này sẽ thay đổi tùy thuộc vào quy định của sàn giao sau (theo http://www.investopedia.com) và search không thấy first delivery notice day.
Hợp đồng trừ lùi: là một loại hợp đồng giữa người bán và mua tự thỏa thuận và đưa ra mức trừ lùi giữa giá sàn London chênh lệch với giá Việt Nam (người bán trở thành nhà đầu cơ). Các bên sẽ ký hợp đồng giao hàng tại cảng TP.HCM và người bán ứng 70% tiền không tính lãi từ nhà nhập khẩu và chờ đợi giá mong ước. Khi đến hết tháng chốt qui định mà vẫn không đạt được mức giá mong muốn thì hai bên sẽ chuyển từ tháng gần sang tháng xa với mức phí chênh lệch khoảng 40 đô la/tấn. [4]
Ở đây theo P hiểu:
• người mua ứng 70% giá trị hợp đồng => câu hỏi là dựa trên giá nào, ở đây có nhắc tới cảng TP.HCM, có thể là giá FOB?
• hết tháng chốt quy định mà không chốt, sẽ chuyển sang tháng xa với phí chênh lệch 40$/tấn => nghĩa là được chốt giá sau khi giao hàng?
Tóm lại, các thắc mắc của loại hợp đồng này là:
• có ứng trước tiền không? nếu có, chẳng hạn 70%, thì dựa trên giá nào – LIFFE hay FOB?
• có được phép chốt giá sau ngày giao hàng không?
• theo phân tích hợp đồng stop loss ở dưới thì hợp đồng PTBF này không được giao hàng trước?
• điểm khác nhau giữa stop loss và PTBF là gì?
Stop loss contract – ngưng thua lỗ:
Phương thức ngưng thua lỗ (Stop loss contract): Sau khi ký hợp đồng người mua thành toán 70% trị giá hợp đồng trước: Hai bên thỏa thuận sau bao nhiêu ngày phải ấn định mức giá. Nếu sau thời gian đó, vẫn không chọn được mức giá thì sẽ phải lấy mức giá bằng mức 70% mà người mua đã trả trước. [2]
Như vậy,
• 70% trị giá hợp đồng => dựa vào giá nào?
• sau bao nhiêu ngày phải ấn định mức giá, sau thời gian đó nếu ko chốt thì lấy mức 70% đã trả trước => câu hỏi là bao nhiêu ngày?
Không nhà kinh doanh cà phê nào là không biết thuật ngữ Ngưng thua lỗ (Stop loss). Khi nhà kinh doanh trong nước đã ký bán (ở dạng giá London trừ lùi hay cộng thêm), tuy chưa chốt giá mà muốn giao sớm để có tiền sớm thì hàng vẫn được giao. Giá đóng cửa giao dịch trên thị trường London của ngày giao hàng sẽ được dùng như tạm tính để trả tiền cho người bán, nhưng chỉ được thanh toán trước 70% giá trị của lô hàng. [5]
• có thể giao hàng sớm
• được thanh toán trước 70% giá trị của lô hàng dựa trên giá đóng cửa giao dịch trên thị trường London của ngày giao hàng
• chốt giá phần còn lại sau khi giao hàng (sớm)
Ngoài định nghĩa trên, còn có hơp đồng “khống giá” – nhà xuất khẩu Việt Nam thỏa thuận với người mua nước ngoài về số lượng, chủng loại, phương thức giao nhận, phương thức thanh toán nhưng điều khoản giá sẽ thỏa thuận vào thời điểm giao hàng. Theo hợp đồng này, người mua ứng trước cho nhà xuất khẩu Việt Nam 70-90% giá trị hợp đồng theo giá FOB cảng TP.HCM hiện tại, đến thời điểm giao hàng nếu nhà xuất khẩu Việt Nam không đề nghị thỏa thuận giá thì giá này sẽ là giá thanh toán của hợp đồng và nhà xuất khẩu Việt Nam phải giao hàng, nếu không sẽ bị phạt theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là hình thức giá sàn. [2]
Có các điểm chính:
• 70-90% giá trị hợp đồng theo giá FOB
• giá sẽ thỏa thuận vào thời điểm giao hàng, nếu lúc này ko chốt giá thì giá FOB ứng trước sẽ là giá thanh toán
• hợp đồng khống giá này cũng là stop loss contract?
Cám ơn anh đã đọc đến đoạn này :) Như vậy, P thấy PTBF và stop loss contract có sự nhập nhằng sao đâu đó…
[1] http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/21963/
[2] PGS. TS. Nguyễn Văn Nam (2005), Sàn giao dịch Nông sản với việc giảm rủi ro về giá cả, NXB Thống Kê. Hà Nội.
[3] TS. Bảo Trung (2010), “Vì sao Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hạn chế phương thức kinh doanh trừ lùi chốt giá sau?”, http://www.cmard2.edu.vn.
[4] http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/chuyengiatuvan/53822/Cac-phuong-thuc-mua-ban-ky-gui-ca-phe-tren-thi-truong.html
[5] http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/42669/Cau-chuyen-%E2%80%9Ctru-lui%E2%80%9D-trong-xuat-khau-ca-phe.html
Chào Phương,
Tôi đã đọc hầu hết các bài mà em vừa gởi đến Y5Cafe, các bài viết của em thể hiện tâm huyết và khả năng của một Sinh viên đối với các vấn đề về cà phê, cảm ơn em nhiều.
Đây là vấn đề khá dài dòng và mang tính kỹ thuật cao trong vấn đề mua bán quốc tế, trong các bài viết trước, tôi đã cố gắng hết sức trong dùng từ để cho bà con ai cũng có thể hiểu được một vấn đề phức tạp thông qua những ví dụ bình thường.
E rằng tranh luận các vấn đề này trên đây chưa chắc làm bà con quan tâm, trong bài comment của em ở trên, có một số điều đúng và một số điều chưa đúng, tôi sẽ email riêng cho em các chỗ em còn hiểu chưa đúng đó.
Dạ, cám ơn anh nhiều lắm ạ! Mong hồi âm từ anh.