Dự báo thị trường ‘lởm’, nông dân mất tiền oan

Các mặt hàng nông sản thường được người dân bán ào ạt ngay sau khi thu hoạch và thường chịu mức giá thấp, đến khi giá lên lại hết hàng. Chung quy là do công tác dự báo thị trường quá kém.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức về thiệt hại do công tác dự báo thị trường, nhưng nhìn vào biến động giá một số nhóm hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay cho thấy thiệt hại mà người nông dân gánh chịu không hề nhỏ.

Mất tiền tỷ như chơi

Trong những tháng đầu năm, giá hồ tiêu thu mua trong nước chỉ trên dưới 40.000 đồng một kg. Hiện ngành hồ tiêu cả nước đã xuất khẩu tới 72.000 tấn, nếu lấy tổng sản lượng vụ tiêu năm nay (90.000 tấn) thì từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 30.000 tấn, trong đó bao gồm cả những hợp đồng ký dài hạn từ trước. Điều đáng nói ở đây là giá tiêu xuất khẩu liên tục tăng đã khiến giá thu mua mặt hàng này trong nước cũng tăng vọt. Hiện giá tiêu đen tại nhiều vùng lên đến 80.000 đồng một kg, khiến không ít nông dân tiếc đứt ruột vì trong vòng 2 – 3 tháng, mỗi ký hồ tiêu mất đi 30.000 – 40.000 đồng.

Tương tự với mặt hàng cà phê, ông Trần Viết Thuận, hộ dân trồng cà phê tại Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, 5 tấn cà phê nhân ông thu hoạch từ cuối năm ngoái nếu bán ngay thì có thể được 27.000 đồng một kg. Tuy nhiên do chi phí sản xuất của vụ cà phê năm ngoái tăng nên mức này chưa có lãi, ông Thuận giữ đến tháng 6 năm nay để đợi giá lên, nhưng càng ngày giá càng sụt.

Khi giá cà phê xuống mức 21.500 đồng, nhiều người trữ cà phê như ông đã phát hoảng vì lo ngại giá tiếp tục xuống. Nên ngay khi giá cà phê tăng trở lại mức 24.000 đồng một kg không ít người đã “chạy làng”. Đến khi lượng cà phê tồn trữ trong dân cạn dần, ngay lập tức giá lại vọt lên cao ngất ngưởng (30.000 đồng). “Chưa đầy một tháng trời mà mất đứt 30 triệu đồng do chênh lệch giá bán…”, ông Thuận tiếc rẻ.

Theo Bộ Công thương, giá xuất khẩu cà phê bình quân trong 6 tháng đầu năm ở mức gần 1.400 USD một tấn, nhưng từ cuối tháng 6 đến nay, mức giá luôn duy trì trên 1.700 USD. Như vậy mỗi tấn cà phê đã mất 300 USD, với gần 600.000 tấn cà phê xuất khẩu từ đầu năm đến nay, riêng mặt hàng này đã “ném tiền qua cửa sổ” gần 2 triệu USD (38 tỷ đồng). Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều mặt hàng nông sản hiện nay.

Khó dự đoán

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, việc dự đoán thị trường hiện nay là rất khó. Bởi một số loại mặt hàng nông sản có tính mùa vụ ngắn. Chẳng hạn như từ đầu năm, VFA dự đoán Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo do mất mùa, thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên chỉ ba tháng sau đó, nước này lại trúng mùa lớn. Không chỉ gạo mà các loại lương thực khác cũng bội thu, nước này tránh được phải nhập khẩu khiến giá lương thực trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Còn theo phân tích của ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc công ty CP cà phê Việt Nam (Vinacaphe), kể từ khi gia nhập WTO ngày càng có mặt nhiều các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản trong số đó có cả những nhà đầu cơ với đủ chiêu thức điều khiển, lũng đoạn thị trường. Với lợi thế về tài chính, những doanh nghiệp ngoại rất dễ biến thị trường theo ý muốn của họ, “bài học từ diễn biến thị trường cà phê thời gian qua rất có thể tái diễn đối với những mặt hàng khác…”, ông Hoàng cảnh báo.

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, lý giải, hầu hết nông dân hiện nay không có vốn xoay vòng, nên mỗi khi bước vào vụ thu hoạch rộ phải ồ ạt bán ra. Giá đầu vụ lại thường xuống thấp, hiệp hội có kêu gọi hạn chế bán vì biết chắc giá tiêu sẽ còn tiếp tục lên. Nhưng đa phần người trồng đều trông ngóng đợi đến mùa, bán tiêu để lấy tiền trang trải các khoản đầu tư, các khoản vay…

Muốn khắc phục điều này, theo ông Tụng nên hỗ trợ người nông dân trong những khoản vay ưu đãi để họ có điều kiện trữ hàng, điều phối lượng hàng bán ra để duy trì mức giá có lợi chung cho ngành. Nhưng không ít chuyên gia trong chính những ngành hàng này lại lo ngại, nếu mặt hàng nào cũng yêu cầu được nhà nước hỗ trợ vốn, mua tạm trữ… rất dễ vi phạm các điều khoản cam kết với WTO về vai trò bảo hộ của Nhà nước.

>> Suy nghĩ về các dự báo “Giá cà phê”

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trần Mạnh Hùng

    không biết thì đừng dự đoán, có bao giờ đoán đúng đâu. chuyển qua hướng làm chủ thị trường đi chứ ngồi mà đoán già đoán non nông dân có bao giờ bán được đúng giá đâu

  2. Nông Văn Dân

    Nếu chúng ta đổ cho do Dự báo thị trường ‘lởm’, nông dân mất tiền oan, thì vẫn chưa hoàn toàn chính xác, trong đó phần lớn do người nông dân thiếu vốn, hầu hết nhà nông ta sau vụ thu hoạch là phải bán để trang trải nào nợ nần, ăn uống, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày,tái sản xuất…cho dù lúc đó giá cả cao hay thấp. Chỉ có số ít còn lại chờ giá ( không quá 30 % tổng sản lượng thu hoạch ) vì chưa bao giờ mà nhà nông trừ mọi chi phí còn có lãi tới 30 % . Do đó nhà nông khi cần là phải bán bất kể giá cao hay thấp, chẳng lẽ ngồi ” hít “không khí để chờ giá cao mới bán. Những người chờ giá chỉ là khá giả, hoặc người mua dữ trữ, số này không nhiều. Muốn để nhà nông có lợi thì nhà nước nên hỗ trợ người nông dân trong những khoản vay ưu đãi để họ có điều kiện trữ hàng, điều phối lượng hàng bán ra để duy trì mức giá có lợi.
    Văn Dân tôi có vài ý kiến vậy, chứ vừa rồi Văn Dân cũng bán 5 tấn giá 26000 thôi.

  3. Đăngvsquang

    Tuy là 9x nhưng cháu cũng xin góp ý vài lời. Gia đình cháu là người ngoài bắc nhưng bố lặn lội vào nam để mua trữ cà phê. Hơn tháng trước giá cfe cầm chừng bố lo lắm, nhưng rồi giá tăng nhìn vẻ mặt biết bố rất mừng.

    Hằng ngày đăng nhập giacaphe.com để tìm hiểu lời khuyên các chuyên gia_để mong có chỗ tin cậy. Nhưng cháu thấy rằng, khi giá tăng thì các chuyên gia dự báo tăng, rồi khi giá cfe giảm các chuyên gia lại dự báo giảm, ngược đời. khi giá lên đến 30.100đ o lâm đồng thì nghe các chuyên gia, để tiếp. Giờ giá hạ, bố bán rồi, vi có bài viết giá cà phê hạ nhiệt mà, bên braxin lại sắp thu hoạch.

    Tối nay, 15/7 gia thế giơi lại tăng chóng mặt, bán mất rồi, còn đâu. Đề nghị các bác sau này hãy dựa vào ý kiến của mình hơn là của các chuyên gia nhé, chúc các bác thành công.!!

  4. nhi

    cháu là học sinh lớp 10 gia đình cháu chỉ có 5 tấn cafe cho 6 miệng ăn, cháu là đứa thường xuyên theo dõi giá cafe trên giacafe.com, mà sao các bác dự báo lung tung làm gia đình cháu khổ sở. Sao các bác không giữ lập trường của mình , hễ giá lên thì dự báo lên thì dự báo lên, hạ thì giữ báo hạ. Nếu các chuyên gia như bác thì đứa con nít 8-9 tuổi cũng biết được ạ , mong các bác sau này đừng “tác nước theo mưa”

  5. Ngô Đức Du

    Kính thưa bà con thời @
    Hiện nay trên diễn đàn của anh Thịnh mục đich phục vụ cho bà con, nắm được giá cả thị trường hàng ngày, để bà con khỏi bị ép giá bởi các danh nghiệp, các đại lý, điều này hoàn toàn đúng.
    Còn diễn biết của thị trường, giá lên hay giá xuống rất phức tạp, và hiện nay chưa có ai tiên đoán được giá cả cà phê trong tương lai như thế nào. Chúng ta cần phải có chuyên gia cụ thể như chú Bạch tuôt Paul dự đoán bóng đá, đã được dẫn chứng chứng minh.
    Nhưng qua đây bà con hiểu thêm được sự khó khăn về việc kinh doanh cà phê của nước nhà vô cùng khó khăn và phức tạp. Bà con phải thông cảm cho các chuyên gia, dù sao cũng có ít nhiều thông tin để chúng ta nắm bắt và có nhận định cho riêng mình. Còn việc nói đúng thì không sao, nói sai thì bà con trách, vậy ai lên diễn đàn này nữa.
    Tôi mong muốn bà con thời @ làm ăn hiệu quả hơn thời nông dân.

  6. Già làng

    chào mọi người trong diễn đàn!!!!
    Đọc bài này xong tôi thấy các chuyên gia nhà mình đúng là Gia Cát Dự với hiệu Đoán Toàn Sai.Không hiểu là nhà nước mình có tổ chức chuyên dùng để dự báo giá nông sản hay không mà những người được cho là chuyên gia là đầu ngành trong lĩnh vực nông sản lại cho những kết quả hời hợt, không có tính khả thi cao là thế nào.

    Việc dự báo của các vị chỉ mang tính chất mùa vụ và phô trương thân thế hay sao mà lại làm ăn vậy. Già làng tôi buồn lắm.Hay là vì nhười ta không trả lương cho các vị ấy khiến các vị ấy chán nản mà làm ăn không 1 bà con nào chấp nhận được.Năm nào cung thua lỗ cũng xui xẻo để rồi cuối cùng chỉ 1 câu “I’m sorry” thế là xong.trong khi đó những nước đầu ngành trong sx nông nghiệp họ cũng làm thế cũng trồng 1 loại cây ấy thậm chí la diện tich và sản lượng còn thua ta nhưng họ vẫn thu lãi cao. Đó là 1 câu hỏi tại sao mà già làng tôi mong các vị trả lời.

    Tôi cũng hoàn toàn ủng họ ý kiến của ông Tụng đó là ý kiến hay chính xác và có thể thực hiện được. Chỉ sợ rằng nó chỉ là ” Một viên đá mà người thợ xây loại ra, nó chỉ thành viên đá nơi góc tường mà không ai thèm để ý vì nó không được việc gì”
    Mong các bác chuyên gia ăn thật no và dự báo thật chính xác cho mọi người.

  7. thày bói

    Dự đoán thì cũng như nghề thày bói của tui thôi các bạn ơi.
    Nó cũng lúc trúng, lúc trật mới khó. Hoặc là trúng tí xíu. hoặc là trật nhiều nhiều mới là chuyện gian nan chứ nếu mà tui Đoán Toàn Sai thì sao các bạn không làm ngược lại nhỉ?? Thế là các bạn toàn trúng giá cao nếu làm ngược với dự đoán của tui, phải không nào?
    Có điều có nhiều tay có tài đoán nhưng “câm như hến”, còn nhiều tay đoán lung tung thì lại hay “bi bô”, thế quý vị mới chết!

  8. hoàng hoa

    Các bạn thân mến!!!
    Tại sao chúng ta lại cứ tin theo dự đoán của người này hay người khác nhỉ?
    Trước hết tại sao khi viết bài người ta lại đưa ra nội dung là “dự đoán”?
    Thưa các bạn! đứng về pháp luật mà nói đây là một câu lách luật vì dự đoán thì có đúng và sai nên không có tội. Đứng về phía quan hệ xã hội thì dùng từ “dự đoán” sẽ tránh được búa rìu dư luận. “Dự đoán” ở đây gần giống như “đức năng thắng số” trong lá số tử vi mà thôi.
    Vậy chúng ta có nên tin vào dự đoán của người khác hay không?
    Trước hết để tin bất cứ dự đoán nào các bạn phải biết rõ những vấn đề sau:
    – Người đưa ra dự đoán làm việc cho ai? Hưởng thu nhập chính từ đâu? Cơ sở để họ dự đoán có thuyết phục không? Mục đích của dự đoán?
    Nếu bạn không nắm được những vấn đề trên mà tin thì bạn dễ bị họ “tung hỏa mù” lúc đó chủ nhân và chính người đưa ra dự đoán sẽ hưởng lợi còn bà con, xã hội sẽ thua thiệt. Trong thương trường, chính trường người giỏi họ sẽ lồng được nội dung cần thuyết phục vào trong những bài viết của mình mà người đọc không suy nghĩ kỹ thì thấy có lý, có tình, có vẻ hợp lòng người nhưng thực chất có lợi cho mục đích sâu xa của họ.
    Ví dụ:
    – Ông A là một người nổi tiếng về kinh tế.
    – Tôi là một doanh nhân đầu cơ cà phê.
    Khi giá đang thấp tôi muốn mua vào thật nhiều cà phê để đầu cơ nhưng vì giá thấp nên người dân bán ít, khan hàng. Để mua được nhiều tôi đến gặp và thuê ông A viết cho một bài dự đoán giá cà phê trong thời gian tới với nội dung “ Giá còn xuống vì cung nhiều hơn cầu, việt nam được mùa lớn về cà phê…”. Sau khi viết xong thuê một trang báo có uy tín đăng bài viết. Khi bài viết được đăng thì ở các sàn giao dịch cà phê thế giới họ có điều kiện ép làm cho trong ngắn hạn giá có thể sẽ đi xuống. Lúc này người dân cứ nghĩ rằng ông A đã đoán rất đúng và sợ giá còn xuống nữa nên đua nhau bán thế là cơ hội mua cà phê giá thấp đã đến.
    Vài lời tâm sự non nớt của Hoàng hoa có gì chưa thấu đáo mong các bạn cùng tranh luận.
    Xin chào!!!

  9. bobin

    Sao có nhiều người muốn dân bán hết cà phê đi vậy nhỉ ?
    Thấy cà phê lên là buồn vậy sao ?
    Cà phê lên còn ít nhiều cũng phải mừng cho nông dân Việt Nam chứ . Là dân làm cà phê chỉ biết cầu may thôi , lên giá là mừng lắm , nhiều khi phải liều 1 tí , khổ lắm các bác ơi

  10. NÔNG VĂN DỀN

    Giá nông sản phụ thuộc nhiều yếu tố mà các chuyên gia của ta cũng chỉ dựa vào đó mà đoán chừng và các vị này biết rằng họ đoán sai cũng không ai làm gì được họ. Tốt nhất bà con ta nên khi nào cần thì bán, đừng nên tham quá, đã bán rồi thì đừng nên tiếc nữa. Bởi vì mấy nhà buôn đẩy giá lên để bán hạ giá xuống để mua, mà bà con ta thì đâu có biết ranh giới của việc tăng giảm nó nằm chỗ nào đâu.

  11. Phạm Chơn

    Nếu ai cũng có thể dự đoán chính xác giá cả thị trường thì trên thế giới này khối tỷ phú .Các chuyên gia đâu thèm ngồi dự đoán theo kiểu làm công ăn lương mà họ đã đi buôn cà phê ,hạt tiêu từ lâu để làm giàu rồi .

    Thực tình mà nói thị trường nó có những quy luật khắc nghiệt chứ không đơn giản như người đời thường hiểu nhầm .Nếu nó dể thì không còn là kinh tế thị trường nữa.

    Các chuyên gia cũng chỉ là những người như chúng ta ,họ cũng chỉ dựa vào một số dữ liệu trên thị trường để phán đoán và sác xuất đúng sai tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không thể nào đúng hoàn toàn theo ý được .Bởi quy luật chung nhất của thị trường là không theo một quy luật nào cả mà biến động liên tục theo nhiều yếu tố bất ngờ từng giờ từng phút .

    Thắng thua được mất là quy luật chung trong thương trường .Ai nắm bắt đúng nhịp đi của thị trường người đó thắng ,bất kể giá lên hay xuống .Giá xuống mà bán khống thì thắng ,giá lên dư mua lại trúng đậm .Nhiều khi giá lên khiến nhiều anh méo mặt vì đã chốt bán số lượng lớn mà chưa mua kịp .Còn khi giá xuống mà ôm hàng thì thót tim lo lắng.

    Thị trường khó nói lắm bà con ơi .Có một người bạn nói với tôi :Ai nói nhiều nói thao thao thao bất tuyệt về hướng giá cà lên hay xuống thì chứng tỏ người đó chưa phải là dân buôn cà lảo luyện .Chuyện dự đoán giá cà cũng như sự học ,Càng học càng thấy dốt ,càng dốt càng cho mình hay chữ .Y chang thế các bạn ạ !

  12. hoàng hoa

    Gửi bạn các!
    Đồng ý với bạn Phạm Chơn là rất khó dự đoán chính xác thị trường.
    Vậy thì đừng có đoán dù người đó là ai. Bạn có biết không một khi giá đang lên chưa có điểm dừng thì đột ngột người nào đó dự báo giá cà sẽ xuống trong nay mai (Nhất là những nhà kinh tế nổi tiếng, ăn không ngồi rồi) thì tâm lý của người trồng cà phê thay đổi. Họ nghĩ rằng có lẽ giá thế này là cao rồi phải bán ngay không lỡ giá xuống vì Ông “tiến sĩ” nọ dự báo giá xuống. Hởi ôi bán xong giá xuống đâu không biết nhưng lại lên vùn vụt lúc này có hại cho ai?
    Bạn có thích khi công việc của bạn đang suôn sẽ thì có một người nào đó chọc vào bàn bạn không nên làm nữa hoặc thay đổi cách làm không? Dù bạn có nghe theo hay không nhưng bạn không muốn phải không?
    Giả sử: Người chọc vào công việc của bạn rất giỏi thuyết phục và bạn đã ngã lòng theo đến một lúc nào đó bạn thất bại thì bạn có buồn không? và nhất là sau khi thất bại bạn mới biết người bàn với bạn là tay chân của đối thủ thì bạn càng buồn phải không?
    Trong đánh giặc cũng vậy thôi chỉ một câu nói bâng quơ thôi cũng có thể làm nhụt lòng binh sĩ.
    Trong thương trường:
    Vẫn biết thắng thua, được mất là quy luật của thị trường nhưng đừng vì lợi nhuận của bản thân mà tung ra những dự đoán mà chính bản thân người dự đoán cũng không biết đúng hay sai. Đây là cách “tung hỏa mù” của những kẻ đầu cơ nhằm làm hỗn loạn thị trường để thu lợi còn thiệt thòi thuộc về người dân và xã hội.
    – Hỡi các ông “tiến sĩ, Chuyên gia” đừng vì những đồng tiền dơ bẩn mà bán rẻ thanh danh của mình. Các ông có biết không đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt, xương máu của người lao động đấy không phải của người thuê ông viết các dự đoán đó đâu.
    Hỡi các bạn nông dân chúng ta phải có lập trường tự xác định cho mình được thua đừng buồn. không nên tin theo những dự đoán vì có thể đó là “hỏa mù” của bọn đầu cơ đấy. Nhưng không tin không có nghĩa là không nghe mà phải biết “gạn đục khơi trong”, chắt lọc góp nhặt những tinh túy của người khác cho mình.
    Chào các bạn!!!

  13. TRUONG THE HUNG

    gia ca phe len xuong,chung toi la nguoi dan lam sao ma du doan duoc.mong rang cac co quan chuc nang, som dua ra du bao mot cach chinh xac hon,de nguoi dan chung toi ban duoc gia hon trong tuong lai

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81