Mới nghe qua thì con chồn chẳng có liên quan nhiều tới sản xuất cà phê nhưng nhờ nó, các doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam có thể chọn một hướng đi trong quy trình sản xuất bền vững ngành hàng cà phê.
Giá cà phê trên thị trường thế giới và trong nước giảm sâu, ở mức dưới giá thành sản xuất gần cả năm nay có lẽ là tác động xấu cuối cùng buộc ngành cà phê Việt Nam phải tính chuyện đi vào sản xuất bền vững sau hơn một thập kỷ tăng nóng cả về diện tích, sản lượng và xuất khẩu.
Cà phê chồn và cách chế biến ướt
Dân gian truyền tụng rằng con chồn lựa những quả cà phê chín mọng trên cây để ăn và sau đó ị ra những hạt cà phê nhân mà dạ dày của nó không tiêu hoá được. Người ta đem những hạt cà phê này rang xay, tạo nên thứ cà phê có biệt danh là cà phê chồn thơm ngon nổi tiếng mà nhiều người nghe nói chứ ít ai được thưởng thức. Còn cà phê chồn mà các cửa hàng bán cà phê nói với khách hàng thường chỉ là cà phê rang xay tẩm hương liệu tổng hợp na ná cà phê chồn thứ thiệt.
Sở dĩ hạt cà phê nhân mà con chồn thải ra có vị thơm ngon khác thường là do quả cà phê đi qua dạ dày của con chồn, được dịch vị trong dạ dày giúp quả cà phê lên men tự nhiên, rồi dạ dày của con chồn lấy tiêu hóa phần vỏ và thịt của quả cà phê một cách tự nhiên. Một yếu tố khác là con chồn chỉ ăn những quả cà phê chín mọng trên cây, không ăn quả xanh; cho nên cà phê chồn trước tiên là quả cà phê chín cây, có độ đồng đều cao.
Theo một số doanh nghiệp cà phê thì đầu thế kỷ 20, nguời Pháp đã đưa vào Việt Nam cách bóc vỏ và thịt của quả cà phê để lấy nhân bằng phương pháp chế biến ướt – giống như cách chế biến trong da dày của con chồn.
Theo cách chế biến ướt, cà phê khi thu hoạch phải chín đều, không lẫn lộn quả xanh, rồi dùng dùng nước để bóc tách vỏ và thịt cà phê. Phương pháp này khác với cách chế biến khô đang áp dụng hàng chục năm qua, chỉ hái cà phê (cả chín lẫn xanh), rồi phơi khô, sau đó đưa vào máy để bóc tách vỏ và thịt, lấy nhân.
Kể từ khi Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê hơn một thập kỷ qua, khá nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc thiết bị để áp dụng phương pháp chế biến ướt nhằm tăng chất lượng cho cà phê nhân. Thế nhưng máy móc dùng để chế biến ướt mà các doanh nghiệp đầu tư đa phần đành phải “đắp mền” bởi tập quán thu hoạch của người nông dân đã trở thành thói quen khó dứt bỏ là dùng tay lặt cả quả chín lẫn quả còn xanh (còn gọi là tuốt sạch cả cành), ít tốn công hơn rất nhiều nếu so với chỉ lựa quả chín.
Thứ nữa, các doanh nghiêp cũng ngại chế biến ướt vì thấy chế biến khô cũng xuất khẩu được cà phê thì ai dại gì mạo hiểm chế biến ướt, lỡ không có khách mua thì nguy to.
Nên xem: Giới thiệu công nghệ và quy trình chế biến ướt xưa và nay
Thay đổi thói quen để tăng giá trị
Sau hơn một thập kỷ phát triển nóng, ngành cà phê Việt Nam gia tăng cả về diện tích và sản lượng, chạy theo cà phê nhân chất lượng thấp, không thương hiệu, nên khi khủng hoảng giá nổ ra, người nông dân trồng cà phê lẫn doanh nghiệp lao đao.
Theo ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa, một nhà xuất khẩu cà phê lớn hiện nay, chỉ trong chục năm qua, ngành cà phê đối mặt với hai cuộc khủng hoảng giá: Khủng hoảng thừa cà phê giai đoạn 2000-2004 và khủng hoảng tài chính tác động xấu tới giá cà phê kéo dài từ năm ngoái tới nay.
Để phát triển ngành cà phê Việt Nam phải chuyển hướng sang sản xuất bền vững. Hướng sản xuất cà phê bền vững ở tầm vĩ mô, theo ông An là không tăng diện tích (và thực tế có muốn tăng cũng không dễ) mà tập trung tăng giá trị xuất khẩu thông qua việc nâng cao chất lượng, cải tiến cung cách thu hái và chế biến, đi cùng với xây dựng sản phẩm và thương hiệu.
“Chế biến ướt là cách đơn giản nhất để tăng chất lượng, giá trị cho hạt cà phê”, ông An nói. Công ty Thái Hòa của ông An áp dụng phương pháp chế biến ướt có giá bán cà phê cao hơn 15-20% so với chế biến khô. Nhưng theo ông Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia lâu năm về cà phê từng là người sáng lập Hiệp hội cà phê Việt Nam, thay đổi phương pháp chế biến từ khô hiện nay sang ướt là phải thay đổi cả tập quán, thói quen của người nông dân và cả chuỗi ngành hàng cà phê.
Ông An cũngcho rằng muốn chế biến ướt để gia tăng giá trị, người nông dân và doanh nghiệp phải thay đổi tập quán sản xuất. Trước tiên, nhà nông phải thay đổi thói quen thu hoạch cà phê, chấp nhận tốn công thu hoạch, chỉ lựa quả chín, bù lại giá trị sẽ tăng cao hơn. “Nông dân nếu chỉ lựa quả chín để hái thì sản lượng cà phê Việt Nam đã tăng 10%, tức hơn 100.000 tấn mỗi năm, mà không cần tăng diện tích, giúp gia tăng thêm thu nhập cho ngành cà phê 150 triệu đô la Mỹ, một con số không nhỏ”, ông An phân tích.
Các doanh nghiệp thì đầu tư nhà xưởng chế biến ướt và thay đổi tập quán mua cà phê. Hiện nay đa phần các nhà máy cà phê mua của nông dân cà phê đã bóc tách vỏ, về nhà máy sàng lọc sơ để xuất khẩu. Muốn chế biến ướt, nhà máy phải đầu tư thiết bị, nhà xưởng và thay đổi thói quen từ mua cà phê nhân sang mua cà phê chín chưa bóc tách vỏ.
Ông Đoàn Triệu Nhạn cho biết hiện tại, cà phê chế biến ướt có giá bán tăng thêm 15-20%, tức 1 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu hàng năm của cả nước, nếu chế biến ướt, sẽ tăng thêm giá trị 250 triệu đô la Mỹ, gộp với cả tăng sản lượng nhờ hái quả chín, thu nhập tăng thêm của ngành cà phê lên tới 400 triệu đô la Mỹ mà không cần phải tăng diện tích.
Có lẽ cũng nhận thấy ngành cà phê cần phải đi vào sản xuất bền vững, vào tháng 8 tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng năm 2020, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững, không tăng diện tích, hạn chế tái canh cà phê robusta mà tăng diện tích cà phê arabica có giá trị cao hơn trên thương trường.
Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cùng Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) thì đang đề xuất các bộ ngành chức năng, vận động doanh nghiệp, nông dân trồng cà phê và các cơ quan khoa học thành lập Ban điều phối ngành hàng cà phê, học tập từ mô hình chuỗi ngành hàng cà phê ở Brazil và Colombia.
Nếu được thành lập, tổ chức này sẽ đảm nhận việc tư vấn hoạch định chính sách cho cà phê, cung cấp thông tin thị trường, chiến lược trồng, chế biến, thương mại cà phê trong nước, xuất khẩu và thông qua ngân sách hàng năm cho quỹ cà phê. Nhưng quan trọng hơn, tổ chức này có mục tiêu liên kết cả chuỗi ngành hàng cà phê, từ nhà nông, hội nông dân, nhà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, cơ quan khuyến nông, tiến tới thực thi chính sách phát triển bền vững.
Năm 2009, cả nước có 537.000 héc ta cà phê, tăng tới 48.000 héc ta so với năm 2008 và tính ra trong vài năm gần đây, diện tích cà phê Việt Nam tăng bình quân 2,5%/năm. Ngành cà phê ở Việt Nam là một trong những ngành hàng nông sản mới so với các ngành lúa gạo, cao su, chè nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh.
Từ chỗ sản lượng và giá trị xuất khẩu không đáng kể trước năm 1990, nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14% sản lượng cà phê thế giới) và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê robusta. Cà phê đã trở thành một trong 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với sản lượng xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm và đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỉ đô la Mỹ/năm, đứng thứ 2 sau gạo trong nhóm hàng nông sản.
>> Những bất cập trong việc chế biến cà phê ở ta
Hồng Văn – SGTimes
Đọc bài của bác HV cảm nhận đầu tiên là kiến thức của bác về cà phê không bao nhiêu mà bác lại ôm đồm muốn nói qua nhiều.
Tôi không muốn đề cập đến toàn bộ câu chuyện con chồn của bác, chỉ xin được đưa chi tiết chia việc thu hái ra làm nhiều giai đoạn để nâng cao chất lượng và giá thành (theo như bài là 15-20%).
Tôi xin được tính thế này:
– Mỗi ha cà phê nếu hái theo kiểu tuốt 1 lần như hiện nay tốn khoảng 100 công x 80 -> 120,000đ = ~9tr/ha.
– Nếu hái theo như bài báo đề cập thì ít nhất cũng phải chia làm 3 đợt, mà đặc điểm của cà rô là cuống dai nêu hái từng quả chín một thì chỉ có nước lọi tay và vô cùng tốn công. Cứ cho mỗi đợt chỉ tốn từ 50->70 công x 80->120,000đ = 5,5tr/ha x 3đợt = 16,5tr.
Mỗi héc ta trung bình cho 3 tấn (cứ cho là đạt năng suất cao vậy đi), với giá thành như hiện nay là 25tr/ha = 75tr/ha. Nếu có tăng (15-20%) như bài viết thì tổng cộng theo công nghệ chế biến ướt nông dân lời thêm là: 13tr/ha.
Đến đây tui xin được giải thích cái câu vì sao tui nói bác HV ko biết gì về cà phê mà lại nói nhiều. Các bác có biết chế biến ướt là thế nào không, nếu:
– Hái quả tươi bán cho nhà máy thì tiền vận chuyển sẽ rất lớn, thứ hai công thu hái phải đông vì nếu trong ngày hái được ít quá không bán được thì để qua đêm nó chảy nước hết còn gì là lời.
– Nhân công thu hái thường làm theo thời vụ, và chẳng ai ngồi không để đợi cho cà phê của bác chín mà hái tiếp cả. 1 là họ sẽ bỏ đi vườn khác, hai là bác nuôi họ chờ đến đợt chín tiếp theo, mà như bác biết công hái bây giờ đâu phải dễ kiếm.
– Nếu tự chế biến thì phải có máy xát vỏ, điều đó có nghĩa là tốn thêm xăng dầu, ủ 1-5 ngày rồi tốn công đãi (làm sạch) > lại tốn nước. Chưa nói đến chuyện ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra nếu không xử lý tốt.
* Cái quan trọng nhất mà nãy giờ tui chưa đề cập đó là chờ cho chín mà hái thì chỉ còn lá với lá. Mà sợ cũng chẳng còn lá để hái, trộm giờ nó chặt nguyên cây vác đi chứ nó cũng chẳng hơi đâu đứng đó mà hái.
————
Bây giờ tui tính cho bác hồng văn cái sự lời từ câu chuyện con chồn nhé:
– Số tiền được cộng thêm do chế biến ước là: 13tr/ha (1)
– Số tiền công đội lên do hái thành nhiều đợt là: 16,5tr – 9tr = 7tr (2)
– Tiền khấu hao cho máy móc, xăng dầu, công đãi, tiền nước, điện: 3tr (3)
– Tiền công thuê 2 ông lực sỹ canh ngày canh đêm để có cái mà chế biến ướt, vụ mùa thường kéo dài 3 tháng mỗi ngày 80 ngàn x 2 ông x 60 ngày = ~10tr. (4)
(1) – ( 2+3+4) = chắc giờ bác đã thấy cái lờ từ việc chế biến ướt.
Ở đây tui không dám nói là chế biến ướt không ích nước lợi nhà, mà là phải có những chính sách, chuổi giá trị phù hợp để thúc đẩy bà con đi theo con đường đúng đắn đó. Chứ mấy hôm nay cứ đọc ba cái bài “hiến kế”, “cứ vãn”, “giải pháp”, “con chồn, con dơi” nghe mà rầu quá.
Tôi xin góp vui chuyện tái canh cà phê, bác nói Bộ NNPTNT hạn chế tái canh cà phê vối robusta và tăng diện tích cà phê chè Arabica.
Nhưng sự thật mấy ông tổng công ty cà phê VN đã trồng 40,000ha cà phê chè ở miền núi phía Bắc mất trắng. Nhà nước thiệt hàng hằng ngàn tỷ đồng.
Nông dân thì nghèo đói vì không có thu, còn ở Tây nguyên các công ty cũng trồng cà phê chè đều phá sản vì cà phê chè không phát triển được đều phải nhổ bỏ. Vậy mấy ông định là nghèo đất nước nữa hay sao.?
Hay các ông vã ra vấn đề để lấy tiền đút túi từ dự án “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Theo ông thì hiện nay có trên 150,000ha cà phê già cổi mà không cho tá canh thì để làm cây bonsai hay sao?
các ông không xuống gặp dân thị sát để nghe người dân nói, nhìn thực tế để làm quy hoạch mà cứ ngồi trên nghe báo cáo mà vẽ dự án trình chính phủ. Cứ như thế thì ngành cà phê VN còn đi xuống, xuống sâu nữa.
Trước đây mấy tháng tôi có viết bài ” CHỜ CAPE CHÍN THÌ KHÔNG CÒN ĐỂ HÁI ”
Hôm nay tôi lại có phản hồi về bài viết của ngài HồngVăn .Thưa ông !
Như ông Cao Trần tính toán là đúng .Chế biến ướt còn lỗ nặng hơn bình thường nữa là đằng khác. Cho nên theo tôi nó chưa thể áp dụng ở nước ta được.Tôi còn nhớ vào khoảng đầu thập niên 80 thế kỉ trước.
Khi đó chúng tôi mới vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới .Tôi cảm thấy lạ khi đồng bào dân tộc vác gùi ra rẫy lúa tuốt từng bông chín trước về giã ăn hàng ngày.Chờ đến khi lúa chín rộ thì rủ nhau ra gặt .,Gặt xong chất đống hình tròn để cả năm ngoài rẫy.khi nào hết gạo ăn lại vác gùi ra tuốt vài gùi về .đủ để ăn thì thôi. Tuyệt nhiên không mất trộm một hạt nào.
Nhưng bây giờ thì khác rồi. để trong nhà còn mất huống chi ngoài rẩy.Chúng tôi làm cape cũng vậy . phải thu hoạch mau mau ko thì chẳng còn mà hái .Ở đây tôi muốn nói .do hệ thống pháp luật và sự quản lý lỏng lẽo của luật pháp trong từng giai đoạn.Cho nên xin lỗi ông chúng tôi ko thể thu hái và chế biến như ông nói được .
Theo tôi, ông Hồng Văn chả biết cái đếch gì về cây cà phê. Chỉ biết cóp nhặt những gì đao to búa lớn mà nổ trên giấy báo để hù mấy người không biết.
Ông nói khi chế biến ướt thì giá mua tăng 15-20%, tức là cà phê VN bán tăng lên được 250 triệu đô. Vậy mà ông lại nói doanh nghiệp ngại chế biến ướt vì sợ không ai mua thì chết. Chắc ông tưởng hạt cà phê “chế biến ướt” giống như cọng giá sống hay sao? Không bán được ngày mai nó … héo!
Xin thưa với ông cà phê chế biến ướt hay khô, khi thành phẩm nó cũng khô ran với 14-15 độ thôi ông à.
Theo tôi, mấy ông xếp cà phê cũng nói kiểu … ông Hồng Văn này thôi.
Cà phê VN rẻ bèo là :
1.- Do cái sàn giao dịch LIFFE cố tình ép giá để mua rẻ (nói gọn cho cà phê robusta), vì trên đời có ai muốn mua đắt bao giờ?
2.- Do hệ thống thu mua phù phép nhiều quá. Cà phê đẹp về trộn thêm cho đạt “chuẩn xô”, ép hạ thêm giá (vì là giá xô), đến lúc thành xấu quá lại bị phạt, công ty ép đại lý, đại lý lại ép thêm dân.
3.- Bán nguyên liệu không chế biến thành sản phẩm cuối cùng.
Bây giờ muốn cà phê sống được, phải tạo được một hệ thống hoàn chỉnh, trước là cứu giúp người dân, hai là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhà nước. Nhưng cái này nó “vĩ mô” quá, không biết có làm được không?
1.- Có hệ thống thu mua đạt chuẩn, rộng khắp. Giá đúng cho từng loại cà phê đẹp xấu.
2.- Đưa vào hệ thống chế biến ra thành phẩm cuối cùng có thương hiệu để thoát khỏi sàn LIFFE làm giá.
Về lâu về dài mới thoát khỏi cảnh “làm lúa mà bị đói”.
Vài ý kiến đóng góp, mong anh em chỉ giáo thêm.
Tôi cũng nhất trí với 4 ý kiến thảo luận của các bác trên về việc chế biến quả chín và rửa bằng nước không thể nào thực hiện được với nhà nông chỉ có một số doanh nghiệp họ dang làm mà chủ yếu các công nhân của công ty đó bắt buộc họ làm còn thiệt hại vẫn là công nhân chịu mà thôi.
Tôi nói vơi anh Hồng Văn rằng người nông dân hiện nay chưa chờ được cho cây cà phê chín quả vì rất nhiều yếu tố tác động nên đành phải hái xanh Còn anh có phân tích bình giảng gì về cây cà phê thì nên gặp bà con công nhân ở thắng lợi hoặc công nhân ct cà phê tháng mười phước an v..v thì rõ hơn (lưu ý không nên gắp các cán bộ lãnh đạo ct…)
Chế biến cafe ướt, lợi và hại, tôi đồng tình với các ý kiến đã phân tích xác đáng trên. Toi xin bổ sung thêm 2 vấn đề, đó là vấn đề nguồn nước(1) cần có để chế biến hiện nay là một vấn đề cực kỳ nan giải. Các hồ chứa đập dâng hiện nay tích nước không đủ để cho mùa tưới cafe thì lấy đâu mà chế biến ướt, một phương pháp theo tôi cực kỳ tốn nước. Tây nguyên những năm gần đây đang khát nước, kể cả mức nước ngầm cũng giảm sút trầm trọng nên việc chế biến ướt càng khó khả thi. Còn một điều cần chú ý nữa là vấn đề ô nhiểm môi trường(2) do nước thải của việc chế biến ướt. Mùi hôi thối không thể nào chịu nổi.
Trước đây các công ty cafe lớn trên địa bàn ĐakLak như Việt-Xô, Việt-Đức đều đã đầu tư hàng núi tiền để xây dựng nhà máy chế biến ướt. Kết quả đêu bị phá sản, không thực hiện được vì lí do chủ quan lẫn khách quan. Cuối cùng là xưởng bỏ không.
Chế biến ướt chắc chắn góp phần nâng cao giá trị của hạt cafe xuất khẩu không nhỏ nhưng trong thời điểm hiện nay vì quá nhiều lí do để không thực hiện được.
Lời cuối là mong trên diễn đàn có nhiều bài viết thiết thực hơn cho cây cafe, chứ cứ nói chung chung , không đâu vào đâu thì xin thôi. Để cho bà con thảnh thơi đầu óc, tư duy cho việc phát triển của cây cafe VN.
Em nói với Bác Hồng Văn một điều như thế này thôi. Vì những gì em nghĩ thì các Anh/ CHị trên cũng đã có ý kiến rồi.
Bác Hồng Văn là cán bộ. Em đặt trong trường hợp là cán bộ chỉ biết đưa ra ý kiến và tiếp thu ý kiến thôi, đưa ra hệ thống chi tiêu và nếu dân chúng làm theo thì Bác cũng báo cáo với chính phủ.
Nhưng Bác Hồng Văn ơi Bác hãy làm cho giá cà phê tăng lên để cho dân bớt khổ cái đã ,Bác hãy làm cho dân có lòng tin sau đó dân mới nghe theo Bác được.
Thứ 2 nữa là: cho là Nhân dân áp dụng vào công thức Bác đưa ra là sản xuất cà phê ướt đi , nhưng Bác hãy nhìn xem giá cả như hiện tại bây giờ Nhân dân cũng chưa đầu tư được cho cà phê có trái vào vụ mùa sau nữa và chi phí giá thành như hiện tại Nhân dân cũng đang khó khăn để trả nợ cho các bác nông dân thuê công hái đại trà nữa chứ huống chi là trả công cho Nhân dân hái cà phê chín như Bác nói.
Tế nhị mà nói thì nếu mà Nhân dân làm theo cách làm như Bác chỉ có mà chết đói mà thôi.
Mà Bác nói là sẽ mua với giá cao hơn là 15-20% giá thị trường mà năm nay cho là giá đã lên tới 25,000vnđ/ kg nhưng sang các năm Bác mua giá cao hơn 15-20% mà không biết giá thị trường sẽ xuống 20,000 vnđ/kg thì thu hoạch như Bác thì Nhân dân lấy cơm đâu ra mà ăn. Tiền đâu mà đầu tư cho cà phê. Tiền đâu mà thuê nhân công chặt nhổ cà phê trồng cây khác đây.
Em chỉ mong muốn bây giờ Bác hãy đưa ra phương hướng làm sao mà giá cà phê ổn định để Nhân dân bớt phải lo là hôm nay giá có tăng hơn không nhỉ, ngày mai giá sẽ ra sao? Lên thì ta bán một ít mua cháo cho con nhưng ngày mai giá xuống rồi ta lại chờ giá lên, bán khi giá xuống thì lấy tiền đâu mà trả ngân hàng, hay thôi chờ cho Nhà nước có hỗ trợ thôi mà hỗ trợ 200,000 tấn nhưng mà chưa mua được 1kg nào.
Thế đấy Bác ơi.
Em chỉ mong rằng các Bác hãy suy nghĩ trước khi mình làm điều gì hay nghĩ cho bà con nông dân hướng đi mới mà lợi cho nông dân trước nhé.
Cảm ơn Bác Hồng Văn đã chia sẻ cho bà con những hướng đi mới. Mong bác có phản hồi cho bà con nông dân được biết kết quả.
Cảm ơn anh Thịnh nhé.
tôi rất đồng ý với quan điểm của bác cao trân va cac y kiến phản hồi bác hv tôi thì thấy chỉ có cách lột vỏ phơi là ít tốn kém nhất từ khi lột vỏ đến khi đủ độ chỉ hết khoảng 7 lít dầu và 4 công lao động /1 tấn cà phê nhân nhưng thời tiêt thì không chiều lòng người cho lên ta phải chuẩn bị một cái lò xấy nếu 1 hộ trồng cà phê 5 ha như nhà tôi thì chỉ cần cái lò 12 m vuông là đủ mỗi lần xấy 6 tấn cà tươi thời gian xấy cả đảo là 12 tiếng chỉ đảo 1 lần lúc đó xay mất3 tiếng nữa rồi lại đổ vào lò xấy 1 tiếng nữa mang ra xay sơ lại đóng bao cất có rễ ràng hơn không chi phi hết với giá dầu hiên nay là 220 ngàn từ a-z ,2 công lao động 400 ngàn củi hoăc than như thế tôi thâý lợi nhiều hơn vài lời mong các bac chỉ giáo nông dân mà
Tôi không khẳng định về điều lợi hại từ việc chế biến cà phê uớt hay chế biến khô. Trong thời buổi nền kinh tế hội nhập sâu và rộng như hiện nay, việc tìm kiếm một hướng đi nào phù hợp và bền vững cho một ngành hàng là điều quan trọng, là yếu tố tiên quyết quyết định cho sự tồn tại hay mất đi của nó.
Các bác, các chú hầu hết đã không đồng tình với ý kiến của bác Hồng Văn (SG times). Tuy nhiên, bà con cũng chưa đưa ra được ý kiến nào hay hơn, có lợi hơn cho ngành hàng cà phê của VN, vậy mà cứ ngồi đấy chửi bới lung tung. Tôi không nghỉ để hái cà phê được chín lại phải chia ra nhiều đợt hái, tốn nhiều công đến vậy (Theo bác Cao Trần là 50 – 70 công/đợt x 3 đợt). Năm ngoái, niên vụ 2009 – 2010 gia đình tôi cũng toàn hái cà chín, mà cũng đâu tốn cỡ như bác Cao Trần nói, tuy nhiên việc chế biến ướt gia đình tôi chưa áp dụng, vì thấy nhiều công đoạn, hơn nữa độ phức tạp của nó.
Việc chế biến ướt trong tương lai chắc chắn sẽ được áp dụng rộng rãi, nếu như sự liên kết giữa “3 nhà” được thực hiện tốt và đem lại lợi ích cho các bên. Nhưng, hiện nay nhiều người vẫn hay dùng cách bóc tách vỏ cà phê tươi và chỉ cần phơi hạt khoảng 4 ngày nắng là đượ, ít ai phơi cả vỏ như kiểu truyền thống. Mặc dù không phải sử dụng đến nước, nhưng tôi thấy cách làm này cũng không khác gì so với chế biến ướt. Cách làm này rất hiệu quả, tiết kiệm được thời gian phơi, tuy nhiên chúng ta chưa thẩm định được chất lượng hạt cà phê từ hai hình thức chế biến này có gì khác nhau.
Mong các bác đừng cãi nhau mà hãy tìm cách để ngành hàng cà phê vượt lên số phận.
Chào các bác!
Chào các bác. Gần một tuần nay mới ghé lại, thấy các bác bàn luận về chất lượng, giá cả. Tui có một vài ý cùng các bác .
– Có bác nói là phải thay đổi quy trình chăm sóc từ vườn để có độ chín đồng đều. Liệu có “hàn lâm” quá không khi mà cà phê trổ bông hàng năm 2- 3 đợt cách nhau khoảng trên dưới 1 tháng cho mỗi đợt.
– Thị trường cà phê RO có tiêu thụ tất cả cà phê chế biến ướt nếu VN dùng phương pháp này 100%?. Cái này nên xem lại. Cần phải có điều tra thị trường đầy đủ, thật trung thực, khách quan.
– Tính hiệu quả của chế biến ướt (semi wash, full wash). Tôi thấy các bác nói đều đúng nhưng còn thiếu .
1. về kỹ thuật phải đầu tư máy móc, hệ thống sấy đồng bộ phòng khi xát xong trời không nắng- khâu này chi phí rất lớn vì máy phải đạt chuẩn. Hiệu suất sử dụng không cao vì hàng năm sử dụng tối đa là 80 ngày (trước đây các đồn điền của người Pháp đều có trồng cà phê mít và cà phê chè nên tăng thêm được 3 tháng sử dụng do thời vụ của 3 loại cà phê khác nhau).
2.về số lượng. Nếu so sánh giữa tiêu chuẩn xuất bán giữa cà phê 5% và cà phê chế biến ướt thì cà phê chế biến ướt mất đứt về lượng từ 1.07-1.57% tương đương 300đ/kg (giá cà phê 25 ngàn/kg) do chênh lệch tạp chất và thủy phần. Trong quy trình chế biến ướt máy xát tươi sẽ loại bỏ từ 15-20% cà phê quả (xanh, khô, sâu, ươn…) nếu nguyên liệu quả tươi chín 85%, số loại bỏ này thường cho nhân chất lượng kém nếu thời tiết không tốt ( nhanh hỏng hơn cà phê phơi nguyên quả không qua máy) nên thường là phế phẩm. Còn cà phê chế biến khô bán theo tiêu chuẩn 5%, hầu như không bỏ hạt nào.
3. Về ảnh hưởng môi trường. Đa phần các Cty, cơ sở chế biến ướt cà phê ở ta đang “ăn quỵt” môi trường, chưa tính đúng, đủ chi phí này. Thông thường để chế biến được 1 tấn cà phê thành phẩm thì phải tốn khoảng 6 khối nước sạch, và cũng từng ấy nước bẩn thải ra môi trường, nếu hệ thống nào cũng có hệ thống thu vỏ, bã hiệu quả. Nước này chảy đến đâu thì cây cối chết đến đó, và mùi hôi thối không thể nào chịu được .
Giữa cà phê chè và cà phê vối thì cà phê chè chế biến ướt rửa nhớt bằng phương pháp lên men cho chất lượng tốt nhất vì cà phê chè nhân sống có mùi hăng ngái. Cà phê vối có mùi dễ chịu hơn dù chế biến bằng phương pháp nào. Nếu chế biến ướt không đúng cách còn làm cho cà phê có mùi chua , thối còn tệ hại hơn. Nói chung lại đối với cà phê vối (cà RO) sẽ cho chất lượng tốt khi ta thu hoạch đủ già chín phơi đúng kỹ thuật (từ 10- 20 ngày là đủ độ với phơi nguyên quả, 3-5 ngày loại vỏ tươi). còn chế biến ướt chỉ là loại bỏ phần nước tự do trong quả để phơi nhanh hơn mà thôi. Lựa chọn phương pháp nào thì tùy khả năng và điều kiện cụ thể từng vùng, từng nhà mà bà con ta lựa chọn cho thích hợp với riêng mình.