Lên sàn giao dịch chống rủi ro cho cà phê

Trước sự vỡ nợ của nhiều đại lý ký gửi cà phê ở Đăk Lăk, nhiều người trồng cà phê cho rằng, chỉ xây lô cốt chứa cà phê trong nhà là an toàn nhất.

Xem thêm: Tại sao nông dân không tham gia sàn giao dịch cà phê BMT?

Cà phê của nông dân tại kho chứa của sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột
Cà phê của nông dân tại kho chứa của sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Trong khi đó, một số hộ dân lại tìm đến với Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (còn gọi là sàn BCEC) để làm quen với cách kinh doanh mới.

Ông Hoàng Trọng Đạt, ở thôn 2, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, là một trong những người đầu tiên đưa cà phê từ rẫy lên sàn.

Năm 2008, khi sàn giao dịch cà phê bắt đầu hoạt động, ông đã đưa cà phê của mình lên đây để giao dịch. Ban đầu còn bỡ ngỡ, ông gửi 4 tấn cà phê để “thăm dò”, thấy an toàn và có lợi ông đã huy động con cái cùng gửi. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 50 tấn.

Anh Hùng ở xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột mỗi vụ thu hoạch chỉ được khoảng 5 tấn cà phê nhưng vẫn theo ông Đạt gửi vào trung tâm cho an toàn. Ông nói: “Tưởng lên sàn khó khăn lắm, ai dè còn dễ hơn đi rẫy”.

Một số nông dân đang giao dịch cà phê với BCEC kể chỉ cần gọi điện tới sàn và cho biết nhu cầu ký gửi, cầm cố, hay vay vốn… thì cán bộ của sàn sẽ hướng dẫn cụ thể.

Mỗi lần giao dịch, dân có thể vay được 70% giá trị cà phê gửi trong kho, mức vay tối đa là 15 tỷ đồng. “Vay được vốn sẽ giúp những nông dân như chúng tôi không phải bán cà phê ở thời điểm giá thấp. Khi nào giá cà phê lên chúng tôi bán rồi thanh toán”- ông Đạt cho hay.

Theo ông Nguyễn Tú – Phó Giám đốc sàn BCEC, nông dân đưa cà phê lên sàn giao dịch sẽ được rất nhiều cái lợi.

Bình thường, ở ngoài tất cả cà phê đều được định giá chung, còn khi lên sàn có chất lượng tương tự, giá cũng cao hơn cà phê bán bên ngoài. Điều này giúp nông dân bù vào tiền phí gửi kho, tiền vận chuyển, bốc xếp. Hiện nay, có 40 hộ nông dân, đại lý mua bán cà phê đăng ký làm thành viên bán tại sàn.

Còn vì sao lượng cà phê giao dịch trên sàn còn ít, ông Tú cho rằng, đó là do tâm lý e dè, ngại thay đổi của nông dân. Ngoài ra, sàn cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá – Sắp tới Trung tâm sẽ xem xét xây dựng các đại lý vệ tinh ở các huyện trọng điểm về cà phê để nông dân dễ dàng tiếp cận với sàn hơn.

Theo TPO

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Quốc Thịnh

    Tôi không đánh giá nhiêu về lợi ích mà sàn mang lại. nhưng yêu tô mà ngươi dân chưa mặn mà là không thấy tiện vi sàn giao dịch chưa phủ rộng. Tôi nghi muốn người dân măn mà thi ngoài việc làm lợi cho dân thi yếu tố tiện phải được đặt lên hàng đâu do. Do vây nên đăt thêm nhiều đại lý ” sàn ở tuyến cơ sở”

  2. Tran Quang

    Theo tôi nghĩ vấn đề không phải là người dân không mặn mà với sàn giao dịch cà phê mà cái chính là ở phương thức kinh doanh hàng gởi kho chưa phù hợp. Thời gian gởi kho bị khống chế, phí lưu kho, lãi suất ngân hàng… làm cho người dân e dè là chính. Nếu giá cà phê thấp và kéo dài thì việc gởi kho ứng tiền 70% của bà con có được bảo đảm kéo dài không? (Thời gian có thể từ 6 tháng đến 1 năm). Nếu được thì Sàn giao dịch xử lý như thế nào khi chất lượng cà phê gởi kho sẽ xuống cấp và không được mua bán ở vụ mới (cà phê cũ).

  3. v_tr_duong

    Với kiểu làm ăn như sàn Bcec hiện nay thì điều nó làm được cũng chỉ là tạo ra được một kỷ niệm đẹp sau vài năm nữa mà thôi.

    Tôi xin được đưa ra một ý kiến như sau:
    Hiện nay trở ngại lớn nhất khiến bà con chưa quan tâm đến việc mang cà phê vào sàn gửi là do đường xá xa xôi, thử hỏi nhà có vài tấn cà phê thì mắc mớ gì cha con phải chăn gối chầu chực được giao dịch trên sàn.
    Tại sao sàn ko chi têm vài tỷ nữa xây kho ngoại quan ở những vùng trọng điểm cà phê cho gần với dân, có chiến lược tiếp cận và hướng dẫn cụ thể để người dân khỏi bở ngỡ.
    Nếu làm được vậy thì cà phê có mà đầy, sợ lúc đó lại không có xe để chở cà phê về.

Tin đã đăng