Tổng hợp thị trường cà phê tuần 29 (16/07 – 21/07/2018)

Các thị trường cà phê vẫn chưa hết tiêu cực khi căng thẳng thương mại (trade war) tiếp tục gia tăng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần thứ 29 của năm 2018, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 11 USD, tức tăng 0,66% lên ở mức 1.683 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 10 USD, tức tăng 0,60% lên ở mức 1.673 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì khá thấp dưới mức trung bình.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9/2018 tuần 29 (16/07 – 21/07/2018)

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp nối xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 1,85 cent, tức tăng 1,70% lên ở mức 110,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 1,8 cent, tức tăng 1,60% lên ở mức 114,05 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 200 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.800 – 35.400 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.573 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 17 USD, tức tăng 1,02%, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 300 đồng/kg, tức tăng 0,86% và giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 0,75 cent/lb, tức tăng 0,68%.

USD vẫn vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh của thế giới kết hợp với hàng cà phê vụ mới từ Brasil tiếp tục gây sức ép giảm giá kéo dài. Tuy nhiên dòng vốn đầu cơ trên các thị trường phái sinh vẫn loay hoay dịch chuyển liên tục theo chính sách tài chính vĩ mô mà tác động lớn nhất từ cuộc “trade war” thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu ngày càng leo thang. Thậm chí, còn có nguy cơ mở rộng, lôi kéo thêm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới tham gia.

Khối lượng bán ròng của các đầu cơ và các quỹ trên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn đang ở mức cao chưa từng thấy, hiện đã lên đến mức “quá nguy hiễm” buộc thị trường phải thận trọng cần điều chỉnh, cân đối lại.

Hiệp hội Cà phê Hạt (Green Coffee Association – GCA) của Mỹ thông báo tồn kho tháng 6 đã giảm 23.366 bao, tức giảm 0,34%, xuống đăng ký tồn kho cuối tháng ở 6.844.229 bao, được coi là một mức dự trữ an toàn (đọc thêm).

Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê Brasil (thường gọi tắt là Cecafé) cho biết xuất khẩu cà phê niên vụ 2017/2018 chỉ đạt tổng cộng 26,83 triệu bao, giảm 8,5% so với niên vụ trước, trong đó cà phê Arabica giảm tới 10% xuống chỉ đạt 26,16 triệu bao (đọc thêm).

Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận, tính đến thứ Hai ngày 16/7, đã tăng thêm 4,83% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở mức 66.390 tấn (tương đương 1.106.500 bao, bao 60 kg).

Theo nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado của Brasil, ước tính có khoảng 60% tổng sản lượng vụ mới đã được thu hoạch, tương đương 13,5 triệu bao cà phê Robusta và 23,5 triệu bao cà phê Arabica. Trong khi đó, điều kiện thời tiết các vùng cà phê chính ở Brasil vẫn khô ráo, khá thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa mới.

Thị trường tiếp tục trông chờ những tin tức về chính sách mới, nhất là vấn đề lãi suất các đồng tiền mạnh của thế giới và sự lây lan của “trade war” sẽ tác động lên xu hướng của các thị trường hàng hóa trong tuần tới. Dự kiến giá cà phê vẫn còn trì trệ trong trung hạn…

>> Xem diễn biến thị trường tuần trước (tuần 28)

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80