Giá cà phê trái chiều, bất lợi cho Robusta (26/01/2018)

USD đảo chiêu tăng trở lại trước thông tin ECB vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ, gây bất lợi cho giá cà phê Robusta nhưng lại hỗ trợ cho giá cà phê Arabica.

Biểu đồ Robusta London T5/2018 ngày 25/01/2018

Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta quay đầu sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 12 USD, xuống 1.763 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 10 USD còn 1.745 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được thu hẹp khoảng cách.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 1,15 cent, lên 123,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng 1,15 cent, lên 126,05 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 đồng, xuống dao động trở lại trong khung  36.500 – 37.000 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.645 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

USD bật tăng trở lại sau phát biểu của Tổng thống D.Trump tại diễn đàn kinh tế Davos là “muốn một đồng đô-la mạnh”, nhưng nên hiểu là một nền kinh tế mạnh dựa vào một đồng đô-la vững chắc mà không phải một đồng đô-la quá mạnh với tỷ giá cao ngất ngưởng, làm kỳ đà cản mũi việc xuất khẩu, trước hết là từ Mỹ vì giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.

Chỉ nhìn về khía cạnh tiền tệ, giá cà phê Robusta có đường đi khác biệt với nhiều hàng hóa khác, kể cả với cà phê Arabica. Nếu sự hồi phục của thị trường New York do có sức hỗ trợ từ một USD mạnh thì giá cà phê Robusta có sự chi phối lớn của nhà sản xuất hàng đầu do tỷ giá VND được cố định so với nhiều ngoại tệ khác, mà không thả lỏng theo thị trường.

Và ở một góc nhìn khác, giá cà phê Robusta còn chịu sự tác động mạnh của Euro và Bảng Anh do sàn giao dịch cà phê Robusta đóng ở London. Cho nên giá cà phê Robusta đảo chiều giảm khi thị trường đã quá kỳ vọng vào quan điểm “bất động” của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong bối cảnh USD trên đà giảm trở lại mà hầu như quên chú ý đến sức mạnh đồng bạc xanh vào lúc này. Sự đối trọng của hai bên bờ Đại Tây Dương thường hay kéo theo sự đối trọng, sự trái chiều của hai sàn cà phê kỳ hạn quốc tế là vì vậy.

Giá giảm từ sức ép bán ra tại thị trường Việt Nam là điều đương nhiên, không còn phải bàn cãi khi mà nông dân của quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới vừa có một vụ thu hoạch được đánh giá là rất khả quan so với vụ trước đó. Vấn đề là cách bán, sức bán như thế nào mới là điều không chỉ riêng nông dân lẫn các thương nhân nội địa mà cả nhà xuất khẩu cần phải cân nhắc để đáp ứng một cách ổn định, đầy đủ cho nhu cầu của thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78