Hạn chế xuất khẩu cà phê theo phương thức giao xa

Trong bối cảnh phải đối mặt với biến động rất phức tạp của thị trường, ngành cà phê Việt Nam cần nhiều biện pháp để phát triển ổn định, đặc biệt là việc chấn chỉnh lại phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định.

Ông. Lương Văn Tự
Ông. Lương Văn Tự

Ông nhận định thế nào về biến động bất thường của giá cà phê xuất khẩu trong thời gian gần đây?

Giá cà phê đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện giá giao dịch trên sàn LIFFE (London) chỉ dao động ở mức 1.250-1.270 USD/tấn, thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước khoảng 30%; giá cà phê trong nước ở mức 22 triệu đồng/tấn, thấp hơn 50% so với thời điểm năm 2008.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá cà phê biến động, trong đó chủ yếu là vì thị trường do các quỹ đầu cơ chi phối. Hiện thế giới có 2 sàn giao dịch nông sản lớn là LIFE (London) và Chicago (Hoa Kỳ), trong đó giao dịch hàng hoá thực chỉ chiếm 2%, còn lại là giao dịch giấy tờ. Các nhà đầu tư cùng lúc tiến hành các giao dịch khác nhau, do đó thị trường hàng hoá bị tác động bởi thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, còn có lý do là các nhà rang xay, chế biến tung ra các thủ thuật để ép giá thị trường.

Thực tế đó tác động như thế nào đến các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê trong nước, thưa ông?

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê có 2 phương thức bán hàng. Một là bán hàng giao ngay, có nghĩa là người mua và người bán chốt giá ngay tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, mà không cần tính toán giá cà phê sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tiếp theo. Hai là ký hợp đồng giao xa, nhưng không chốt giá, mà vào thời điểm giao hàng mới chốt giá dựa vào giá giao dịch trên thị trường và trừ lùi một mức nhất định.

Với hợp đồng giao xa, nhà nhập khẩu phải ứng trước cho doanh nghiệp 70% giá trị hàng hoá. Vì vậy, các doanh nghiệp bán hàng theo phương thức này có nguy cơ thua lỗ nặng, thậm chí bị đối tác kiện vì không có hàng giao theo hợp đồng.

Vậy vì sao các doanh nghiệp vẫn áp dụng phương thức giao xa?

Thị trường nông sản diễn biến rất khó dự đoán, nếu giao xa khi giá thế giới tăng, doanh nghiệp sẽ được lợi so với giao ngay. Liên tục trong 3 năm qua, VICOFA đã cảnh báo các doanh nghiệp hội viên rằng, trong bối cảnh thị trường cà phê thế giới biến động phức tạp, thì nên hạn chế bán hàng giao xa, bởi tính rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, khuyến cáo này không được doanh nghiệp tuân thủ.

VICOFA có giải pháp như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai biện pháp hỗ trợ bằng cách thu mua cà phê tạm trữ để giữ giá, đồng thời hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua cà phê trong dân.

Các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới như Brasil, Columbia đều có quỹ bảo vệ cà phê và nhà nước đầu tư cho sản xuất cà phê thông qua quỹ này, đồng thời thu mua để giữ giá khi giá cà phê xuống thấp. Tôi cho rằng, đối với các ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam (như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu…), cũng cần có quỹ thu mua để tránh tổn thất cho người sản xuất khi thị trường xảy ra biến động.

Theo ông, về lâu dài cần biện pháp nào để ngành cà phê phát triển ổn định?

Mặc dù cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, song đến nay ngành cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn, như chưa có quy hoạch đồng bộ, diện tích cà phê trồng mới có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát… VICOFA đã kiến nghị cần ổn định diện tích khoảng 500.000 ha cà phê trên cả nước, tập trung nâng cao chất lượng, không khuyến khích quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Có một thực tế là, các nhà nhập khẩu vẫn chấp nhận nhập cà phê Việt Nam kể cả khi chất lượng không đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp ít quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, mà chỉ tìm mọi cách để xuất khẩu. Tuy nhiên, sở dĩ các nhà nhập khẩu chấp nhận cà phê kém chất lượng là vì họ có lý do để ép giá, sau đó đem về tinh chế và xuất đi nước thứ ba với giá cao hơn rất nhiều.

Tôi cho rằng, về lâu dài, điều này sẽ rất nguy hại, bởi Việt Nam sẽ mãi mãi chỉ xuất khẩu các loại cà phê chất lượng trung bình, phần giá trị gia tăng cao nhất thì doanh nghiệp và người trồng cà phê Việt Nam không được hưởng.

Liên quan:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng