Thách thức khi áp dụng tiêu chuẩn mới cho cà phê xuất khẩu

tieu-chuan-xuat-khau-ca-pheBộ Thương mại quyết định: “Sẽ kiểm tra chất lượng mặt hàng cà phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 trước khi thông quan ngay từ niên vụ cà phê mới 2007-2008, cụ thể là từ 1/10”. Điều khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang băn khoăn, lo lắng là nếu áp dụng tiêu chuẩn mới ngay từ niên vụ mới, liệu Việt Nam có đủ cà phê xuất khẩu?
Xem thêm:
>> Bộ tiêu chuẩn áp dụng cho ngành cà phê

Bộ Thương mại quyết định: “Sẽ kiểm tra chất lượng mặt hàng cà phê theo tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 trước khi thông quan ngay từ niên vụ cà phê mới 2007-2008, cụ thể là từ 1/10”. Điều khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang băn khoăn, lo lắng là nếu áp dụng tiêu chuẩn mới ngay từ niên vụ mới, liệu Việt Nam có đủ cà phê xuất khẩu?

Niên vụ cà phê 2006-2007, trong số hơn 700.000 bao cà phê bị loại trên thị trường kỳ hạn London, cà phê của Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 88%. Trước đó, hơn 600.000 bao cà phê Việt Nam đã bị thải loại ở Bỉ. Cùng niên vụ này, tại 10 cảng ở châu Âu, trong số gần 1,5 triệu bao cà phê bị loại của 17 nước vùng lãnh thổ, có hơn 1 triệu bao là của cà phê Việt Nam.

Uy tín của cà phê Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân khiến Bộ Thương Mại, nay là Bộ Công thương ra thông báo, áp dụng tiêu chuẩn mới cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc áp dụng những quy định với cà phê xuất khẩu cũng như với các nông sản khác là cần thiết để khẳng định vị thế của nông sản của Việt Nam và nó cũng phù hợp với cam kết của hội nhập”.

Cà phê tiêu chuẩn cũ chỉ được phân loại theo tỷ lệ hạt vỡ và tạp chất. Trong khi đó, tiêu chuẩn mới đòi hỏi cao hơn, phải chia làm nhiều loại. Để có được cà phê theo tiêu chuẩn mới, đòi hỏi ngay từ khi thâm canh, thu hái và chế biến phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Các doanh nghiệp cũng phải đầu tư đồng bộ hơn về dây truyền, thiết bị để phân loại cà phê.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam nói: “Các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng, các doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa sẵn sàng vì họ vẫn mua theo kiểu cũ với họ lợi hơn. Đối với doanh nghiệp Việt Nam họ đỡ tốn hơn trong việc phân loại cà phê”.

Việc bán cà phê xô theo tiêu chuẩn cũ đã trở thành thói quen. Có những doanh nghiệp chế biến cũng đã trang bị máy móc để có được sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên các nhà xuất khẩu lại chỉ mua cà phê xô.

Ông Lê Văn Bầm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Nếu tất cả các nước làm được tại sao Việt Nam không làm được. Việt Nam 1 năm xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê, nếu mỗi tấn chỉ thêm 20 USD thôi thì chúng ta cũng có thêm 20.000.000 USD trong khi nông dân chúng ta thu nhập còn rất thấp”.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới 2005 (gần sát với tiêu chuẩn quốc tế) thì đến nay Bộ Khoa học – Công nghệ vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này, mặc dù Bộ Thương mại cũ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị trước đây mấy tháng.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Nếu quy chuẩn này chưa được xây dựng thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị áp dụng quy chuẩn tạm thời để áp dụng cho cà phê nói riêng và hàng nông sản nói chung”.

Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rất lo lắng vì việc ký kết hợp đồng mua bán cà phê chuẩn bị vào giai đoạn sôi động. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, việc thay đổi tập quán canh tác cho hơn 1 triệu người dân trồng cà phê một cách đột ngột là không khả thi. Được biết, chất lượng cà phê Việt Nam phụ thuộc tới 70% ở các khâu, thâm canh, thu hái và sơ chế do nông dân đảm nhiệm.

Theo Cục chế biến

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81