Giá cà phê kỳ hạn thế giới có xu hướng trái chiều.
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 9 USD, lên 2.153 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 7 USD, lên 2.179 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Biên độ dao động hẹp. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục suy giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,45 cent, xuống ở 137,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm thêm 0,45 cent, còn 139,6 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng nhẹ 200 đồng, lên dao động ở mức 46.100 – 46.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 2.084 USD/tấn, FOB – HCM, duy trì mức chênh lệch trừ lùi ở 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Theo các nhà quan sát, xu hướng tăng trên sàn London chỉ trong ngắn hạn và nhu cầu hàng thực có khả năng đẩy giá trừ lùi tại thị trường Việt Nam về mức thấp nhất kể từ đầu vụ. Một số nhà xuất khẩu đã phải mua cà phê Robusta ở mức giá khá cao để thanh lý các hợp đồng đã ký.
Một nhà kinh doanh cà phê Đông Nam Á tại Singapore cho biết, hàng thực tại thị trường Việt Nam hiện khó mua cho dù giá đã cao trong khi lượng hàng vụ mới về kho Lampung ở Indonesia vẫn đang ưu tiên cung ứng cho nhu cầu công nghiệp trong nước.
Các nhà sản xuất cà phê khu vực Trung Mỹ bày tỏ sự quan ngại khả năng bệnh nấm Roya hay gỉ sắt lá cà phê có thể bùng phát trở lại và mong muốn các cơ quan nông nghiệp trong khu vực sớm có phương án đối phó thích ứng. Được biết, mùa dịch cuối năm 2011 đã làm sản lượng cà phê Arabica chế biến ướt của khu vực này giảm một cách trầm trọng, kết hợp với việc Colombia phải tái canh cà phê Arabica với diện tích lớn đã đẩy giá cà phê kỳ hạn New York lên mức rất cao, trên 200 cent/lb.
Thị trường nội địa Việt Nam ghi nhận một số giao dịch với các nhà xuất khẩu có nhu cầu cần ở mức giá cao nhất kể từ đầu vụ.
Anh Văn (giacaphe.com)