Tiêu thụ nội địa của cà phê Việt Nam còn quá ít

Trong khi mỗi người Bắc Âu uống 10 kg cà phê nhân mỗi năm, ở Tây Âu là 5-6 kg thì người Việt Nam mới tiêu thụ khoảng 500 gr. Theo Hiệp hội Và phê ca cao Việt Nam (Vicofa), để phát triển, cà phê Việt Nam cần nâng cao chất lượng và tăng thị phần tiêu thụ nội địa.

Một số nghiên cứu gần đây được Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra cho thấy tiềm năng thị trường nội địa của Việt Nam có thể tiêu thụ tới 70.000 tấn/năm. Nghĩa là với sản lượng cà phê hàng năm thu hoạch được 700.000 – 800.000 tấn thì lượng cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam ở mức xấp xỉ 10%. Trong khi đó theo Hiệp hội Cà phê thế giới, tiêu dùng nội địa của cà phê Việt Nam hiện chỉ đạt gần 3,6%, thấp nhất trong số các nước sản xuất cà phê. Mức chênh lệch này càng “khập khiễng” nếu so với sản lượng tiêu dùng cà phê nội địa của các nước thành viên Hiệp hội Cà phê thế giới là 25,16%.

Cũng theo Hiệp hội Cà phê thế giới, Brazil hiện là nước có sản lượng cà phê cao nhất thế giới với mức cung cấp ra thị trường trên 2 triệu tấn cà phê mỗi năm. Brazil là nước tiêu thụ cà phê nội địa cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ, và là nước có lượng tiêu thụ nội địa cao nhất trong các nước sản xuất cà phê. Hiện nay Brazil tiêu thụ nội địa hằng năm khoảng 600.000 tấn cà phê, nghĩa là xấp xỉ sản lượng cà phê thu hoạch mỗi niên vụ của Việt Nam. Lượng tiêu thụ cà phê bình quân đầu người đạt tới 4,7 kg/năm.

Việt Nam vốn là nước sản xuất cà phê chỉ đứng sau Brazil và là nước đứng đầu về sản xuất cà phê vối. Theo số liệu từ Vicofa, tốc độ tăng trưởng bình quân diện tích đất trồng cà phê đạt khoảng 15% trong những năm 90, và tới cuối thế kỷ 20 cả nước đã có khoảng nửa triệu hecta cà phê. Thời tiết không thuận lợi ở Brazil làm giá cà phê thế giới tăng đột xuất vào các năm 1994 và 1997. Đó là yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cà phê ở Việt Nam những năm 1995-1998 với diện tích trồng mới 80.000-100.000 hecta cà phê mỗi năm.

Việc áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt cũng giúp nông dân nâng năng suất cà phê lên cao. Nếu năm 1985, năng suất cà phê Việt Nam mới ở mức 1 tấn/ha thì 20 năm sau năng suất đó đã đạt bình quân 1,7 tấn/ha, trong đó có một số năm đạt bình quân 2-2,5 tấn/ha. Bình quân trong 20 năm mỗi hecta cà phê đã cho sản lượng hàng năm là 1,68 tấn. Giới kinh doanh cà phê đánh giá đó là một năng suất cao trên thế giới.

Hiện nay hầu hết cà phê nhân được sản xuất ra là để phục vụ xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đạt 600.000-700.000 tấn cà phê nhân mỗi năm. Hai vụ cà phê 2000-2001 và 2003-2004 đã xuất khẩu trên 800.000 tấn cà phê. Cũng như nhiều ngành sản xuất khác, đặc biệt là thủy sản và nông sản, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến cà phê “chuộng” đầu tư để xuất khẩu hơn là tiêu thụ thị trường nội địa.

Đang tận dụng mọi phương tiện thông tin để tìm kiếm đối tác xuất khẩu, Giám đốc doanh nghiệp cà phê Thu Hà tại Pleiku Ngô Tấn Giác cho VnExpress biết, 2/3 trong số hơn 300.000 tấn cà phê bột hàng năm doanh nghiệp này sản xuất được dành cho xuất khẩu. “Chúng tôi đã cố gắng phát triển thị trường nội địa nhưng cạnh tranh hết sức khó khăn và doanh thu rất thấp so với giá trị kim ngạch xuất khẩu”, ông Giác nói. Để “mở đường” về thị trường phía Nam và TP HCM, nhãn hiệu cà phê Thu Hà đã 3 lần “tấn công”, nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. “Hiện Thu Hà đang tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng bằng cách mở những tiệm phục vụ uống cà phê, nhưng theo tôi hiệu quả không cao lắm”, ông Giác nhận xét.

Mở rộng kênh tiếp thị và tiêu thụ nội địa bằng cách phục vụ nhu cầu thưởng thức cà phê hòa tan hay pha sẵn cũng đang là cách mà một số công ty cà phê đang lựa chọn. Ngoài “chuỗi” quán cà phê Trung Nguyên, một loạt nhãn hiệu khác như Highland, Phúc Ban Mê, cà phê Buôn Mê Thuột… lần lượt mở các cửa hiệu cà phê tại các đô thị lớn như TP HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn… Song hiệu quả thì, “mục đích là để quảng bá và giới thiệu sản phẩm chứ không đặt nặng vấn đề doanh thu”, giám đốc một công ty chế biến cà phê tại Buôn Mê Thuột nhận định.

Theo phân tích của giới kinh doanh cà phê chế biến, một trở ngại khác khiến cho cà phê Việt Nam khó tiêu thụ nội địa là do xu hướng uống cà phê “công nghiệp” trong giới trẻ ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu nhanh trong nhịp sống hiện đại. “Cà phê hòa tan trở nên xu hướng tiêu dùng chủ đạo hiện nay, càng đa dạng hương vị và đáp ứng mọi nhu cầu càng hấp dẫn”, đại diện Công ty Nestcafe cho biết.

Song việc đầu tư sản xuất cà phê hòa tan lại đòi hỏi nguồn vốn lớn và chi phí chuyển giao công nghệ, trở thành một cái khó “bó” lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả, doanh nghiệp vẫn tập trung xuất khẩu cà phê nhân hoặc bột mà bỏ qua thị trường nội địa.

>> Brazil sẽ là nước tiêu thụ cà phê số 1 thế giới vào năm 2014

Theo VNexpress

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81