Tin buồn

Kinh doanh cà phê: Khó nói cũng phải nói!

Giá cà phê đang trên đà giảm. Trong khi bên ngoài người ta vẫn có thể chơi trò nâng giá kiếm lời thì nông dân Việt Nam vẫn bị thông tin dẫn vào thế khó…

Giá giảm dần mỗi năm

“Giá một cân cà phê bữa rày chỉ còn 32.000-33.000 đồng. Kiểu ni chắc nông dân cà phê như bà tui không sống nổi”, giọng Nghệ Tĩnh của một vị trung niên ngồi chung dãy ghế trong chuyến xe từ Bảo Lâm về Đà Lạt than vãn.

Đúng vậy, giá cà phê nhiều nơi ở Tây Nguyên từ mươi ngày nay như “chán không muốn lên”, 33-34 triệu đồng/tấn tại các trung tâm chế biến; ở nơi xa hơn còn rẻ nữa, chỉ 32 triệu đồng/tấn.

Vị khách cùng chuyến xe nhắc lại từng mốc giá cà phê một cách rành rọt, đầy tiếc nuối: “Từ bốn năm nay, cứ sau mỗi niên vụ, giá ở chỗ tui lại bị cắt cụt đi một miếng, từ 52 triệu đồng xuống còn 47 triệu đồng, rồi 42 triệu đồng (mỗi tấn) năm ngoái. Giờ thì chỉ còn 32 triệu đồng”.

Cà phê mỗi năm chỉ một vụ. Đầu mùa, khi giá tăng nông dân còn phấn khởi thu hái, nhưng nghe giá giảm là rầu đến “cả tàu không ăn cỏ”.

Cứ giá rớt là kêu mất mùa

Hợp tác xã cà phê bền vững Lâm Viên có trụ sở tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một trong vài hợp tác xã cà phê kiểu mới trên cả nước. Hợp tác xã này được tổ chức và kinh doanh minh bạch, bài bản. Xã viên tự nguyện góp vốn bằng sản lượng để làm ăn chung, tự bỏ tiền thuê giám đốc quản lý sản xuất kinh doanh.

Ghé thăm hợp tác xã vào một ngày cuối tháng 11-2015, nghe giá cà phê rớt xuống thấp, thấy ai cũng buồn rười rượi. Anh Trương Minh Phát, một thành viên ban quản trị, chở tôi trên chiếc xe gắn máy đi suốt một ngày mà vẫn chưa rảo hết các rừng cà phê ở Tân Châu và Đinh Trang Hòa – hai xã sản xuất cà phê trọng điểm của huyện. Giá thị trường giảm mất cả 10 triệu đồng mỗi tấn so với đúng thời điểm này năm ngoái. Nhiều người tỏ ra mất tự tin. Không ít vườn vẫn để trái nằm trên cây chưa buồn hái. Ai cũng cho rằng năm nay mất mùa.

Mất giá là khổ. Nhiều thông tin quá nhưng đôi khi lại trái ngược nhau khiến nhiều người càng lo, càng mất phương hướng. Thật vậy, hàng năm, cứ đến thời điểm này, thị trường đưa ra không biết bao nhiêu là dự báo về sản lượng, mỗi người nói một kiểu, khiến nông dân… “tẩu hỏa nhập ma”, đặc biệt trong lúc giá thấp như thế này!

Như mới đây, báo cáo thị trường cà phê của ngân hàng thương mại Rabobank (Hà Lan) ước sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 của Việt Nam (bắt đầu từ ngày 1-10-2015) đạt 28,4 triệu bao, tức trên 1,7 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra con số 29,3 triệu bao tương đương gần 1,76 triệu tấn… Thậm chí trước đây, nhiều người còn đưa ra các con số lớn hơn: 1,8 hay 2 triệu tấn. Mỗi người tham gia có một cách nhìn thị trường, cách kinh doanh riêng nên đều tìm con số riêng cho họ. “Người mình” lại khác, không tự tìm mà chỉ nghe tin đồn, thấy giá xuống là than mất mùa. Suốt bốn năm nay, giá từ đỉnh 52 triệu đồng/tấn, không ai dám nói được mùa vì sợ nói ra giá sẽ xuống nữa thì sao!

Càng tin càng dễ mắc bẫy

Thật ra, các con số dự báo sản lượng không ai nắm chắc bằng nhà vườn. Tuy nhiên, nhà vườn lại ít chịu hỏi thăm chừng năm bảy đồng nghiệp của mình ở nhiều vùng trồng cà phê khác nhau xem thử năm này được mùa hay mất mùa, xem sản lượng cà phê to hay nhỏ, nhằm định hướng cách mua bán cho riêng mình. Còn khi nghe và tin số liệu của người khác, theo những nhận định của họ để quyết định mua bán thì không bị dẫn dắt vào bẫy kinh doanh bầy đàn mới lạ.

Thông tin sản lượng đôi khi chỉ là một yếu tố nhỏ để cấu thành giá trên thị trường. Nông dân mình ít để ý chuyện trên thị trường có nhiều tay kinh doanh hay bất ngờ nhận định tình hình được mùa, mất mùa với dụng ý riêng để làm giá trong một giai đoạn nào đó có lợi cho họ.

Vào thời điểm này năm ngoái, tự nhiên có tin Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới – bị hạn hán trầm trọng. Thế là giá cà phê trên sàn kỳ hạn London, nơi cà phê robusta thường dùng làm giá tham chiếu, “bùng” lên trên 2.100 đô la Mỹ/tấn. Ở mức ấy, những người tung tin đã mạnh tay bán để giải quyết hàng tồn kho của họ mua từ Brazil. Phản ứng với cùng một thông tin, Brazil bán mạnh còn người mình lại mua hàng tồn trữ. Để tới cuối niên vụ 2014-2015 chấm dứt vào ngày 30-9, Brazil xuất khẩu cà phê với mức kỷ lục chưa từng có là 36,3 triệu bao; còn doanh nghiệp Việt Nam lại mua trữ cà phê, xuất khẩu chỉ 1,26 triệu tấn, giảm so với 1,6 triệu tấn của một năm trước đó (theo Tổng cục Thống kê), nhiều người đã thua lỗ nặng. Giá kỳ hạn đến cuối tháng 11-2015 chỉ còn quanh mức 1.520 đô la/tấn, mất gần 600 đô la/tấn so với thời kỳ này năm trước.

Hiện nay, thông tin khá phổ biến cho rằng thế giới vẫn thiếu hụt cà phê do hạn hán, mất mùa, El Niño… Nói vậy nhưng ít đưa dẫn chứng cho nông dân biết rằng dù Brazil mất mùa nhưng họ vẫn xuất khẩu đạt mức kỷ lục, và cớ sao nói thiếu hàng nhưng giá trên thị trường kỳ hạn vẫn rớt tơi tả (chỉ tính từ tháng 7-2015 đến nay giá kỳ hạn robusta mất đến gần 300 đô la Mỹ)?

Sản xuất để xuất khẩu hay tích trữ?

Trước đây, tồn kho trên sàn cà phê kỳ hạn London hầu như là cà phê do Việt Nam cung cấp, còn nay, tuyệt đại bộ phận là từ Brazil. Gần đây, khi chủ kho của sàn tại châu Âu quyết định phạt tiền lưu kho hàng để lâu, các chủ hàng bắt đầu đua bán, giảm giá ngay khi nước ta đang vào mùa. Lượng hàng tồn kho thuộc sàn kỳ hạn London thường là để chủ hàng làm giá trên sàn, nay bị áp dụng phạt tiền, cơ hội tích trữ giảm, áp lực giải phóng tồn kho tăng lên.

Có lẽ không có mấy nước thoải mái như Việt Nam: sản xuất cà phê chủ yếu để xuất khẩu (vì tiêu thụ trong nước rất ít) nhưng lại cho doanh nghiệp trong và ngoài nước mở kho trữ cà phê tự do. Sức chứa hiện nay của các kho có thể đã ngang bằng hay hơn sản lượng cà phê trong nước! Sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không yêu cầu người mua mang nhanh ra thị trường để xoay mua vòng mới mà lại ủng hộ tích trữ! Với cách này, vô hình trung chúng ta đã tạo điều kiện cho khách ngoại mua bán theo kiểu ăn chênh lệch. Một mặt, họ hô hào ngoài kia mất mùa, thị trường nội địa ém hàng, không có hàng xuất thực hiện hợp đồng. Những người có hàng trong tay thì chỉ cần lời vài đô la là họ có thể mua bán lòng vòng trong kho, làm đội giá thành trong nước, ngăn cản dòng xuất khẩu. Còn giao hàng cho người thứ ba thì họ dùng cà phê mua từ nước khác.

Nên chăng hàng cà phê lưu kho tại nội địa Việt Nam, dù đã nhập vào kho ngoại quan, cần khuyến khích hay có biện pháp xuất hàng ra khỏi nước trong một thời hạn ngắn nhất có thể. Nếu không, hàng cà phê Việt Nam dần dần sẽ bị người mua cuối cùng lãng quên, loại khỏi công thức rang xay và bị mất thị phần từ đó.

Khó khăn còn dài dài

Hầu như nhiều người vẫn chưa biết các nước sản xuất cà phê cạnh tranh với Việt Nam gồm Colombia, Brazil, kể cả Indonesia đã và đang hoàn thành chương trình tái canh, sản lượng của họ ngày càng lớn một cách vững chắc. Cộng với đồng nội tệ của ba nước ấy phá giá liên tục (Colombia và Brazil có khi 60-70% tính từ một năm nay; Indonesia cũng từ 25-30%) nên nông dân bán cà phê nội địa của họ vẫn có lời. Trong khi đó, tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ đang làm đau đầu nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam.

Một dự báo mới đây cho biết trong năm 2016, tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ sẽ giảm 3-4%. Mức phá giá ấy không bõ bèn gì để hạt cà phê Việt Nam cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới. Vài tháng tới, khi thu hoạch cà phê ở trong nước ngày càng rộ, khó khăn về xuất khẩu vẫn còn dài dài và giá nội địa xem chừng cũng khó lên nếu không có đột phá trong chính sách tiền tệ hay khuyến khích xuất khẩu.

Nhiều nông dân trồng cà phê đang tính toán sẽ tiếp tục ôm hàng cố thủ nếu giá thấp. Đó là sự quay lại của một quá khứ đau buồn. Đó cũng là chuyện khó nói nhất hiện nay với người sản xuất cà phê.

>> Kinh doanh cà phê: Tạm trữ là… “tự trảm”

Nguyễn Quang Bình, TBKTSG online 13-12-2015

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Thị trương đang có hiện tượng ĐẦU CƠ GIÁ XUỐNG!
    Có thể đã có một lượng lớn cà phê KHỐNG được bán ra khiến giá hạ mạnh. Họ sẽ đợi giá xuống mức thấp hơn nữa, lúc đó sẽ mua vào để thanh toán khoản bán KHỐNG trước nhằm kiếm chênh lệch (!?). Thời gian mua vào cũng đã … đến gần!
    …!!!???

  2. Phan Trọng Anh

    Cà phê đã lao dốc tính ra gần 14 tháng … theo toán học là 45 độ … thị trường đang xấu còn gặp thêm gáo nước lạnh của một số quan chức của ngành… sao mà chẳng chết … mà đã xuống dốc mà còn đạp thêm ga nữa chắc chết quá bà con …

  3. Hoàng Hiệp

    Bài viết chứng tỏ anh QB rất thông hiểu thị trường.Đúng ra , anh phải đưa lên diễn đàn một năm trước thì tốt biết bao nhiêu.

  4. PT

    Tôi đồng thuận hoàn toàn với bài viết của tác giả , nhưng xin bổ xung thêm một số ý như vầy :
    – Ngân hàng năm nay sẽ thử tất cả các khoản nợ đến hạn sau đó mới cho vay lại ,chứ dứt khoát không cho gia hạn như những năm trước . Đây là một vấn đề sẽ để nâng lên giá cà phê vào dịp cuối năm !
    – Các doanh nghiệp xuất khẩu không mặn mà với công việc của mình sau 1 năm thua lỗ ! Mua được cá mới ký hợp đồng vô hình dung lại càng khó cho việc tiếp cận nguồn vốn của NH !

    1. Lâm Anh vũ

      Bạn nói ngân hàng sẽ thử tất cả các khoản nợ dáo hạn trước khi người vay có muốn tăng hạn mức thì dúng hơn ,năm nay dối với hộ kinh doanh ngân hàng sẽ cho vay theo hình thức vốn lưu dộng thời gian dáo hạn ngắn mà vay dược rất nhiều tiền. Còn tiệm buôn nhỏ năm nay hết tiền hoặc thua quá dang bị cúm. Còn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thì mình không rành

  5. manh tuan

    Đồng ý với bác Bình là vụ năm nay vẫn khó khăn cho ngành xuất khẩu cà phê . Nhưng cái khó sẽ giảm rất nhiều so với vụ trước . Đó cũng được cho là tích cực rồi .

  6. ho nam

    Ngày xưa Gia Cát Lượng nói trong binh pháp rằng: Ở đời lừa người khôn thì lừa cho dại- lừa người dại lại lừa cho khôn! Sau này trong kinh doanh người ta có cách rỉ tai , truyền miệng những gì mà họ muốn cho bên kia tin như thế. Giờ đây khi Internet đến tận mọi ngõ ngách thì tin gì đưa lên là ai ai đều biết! Giới kinh doanh ngày nay cũng biết lấy Internet làm công cụ cho mình!Khi cần kinh doanh mặt hàng nào đó người ta đưa ra những thông tin mà người khác nghe cứ ngỡ như thật vì thấy “có lý” và rồi cho là đúng và tin tưởng.
    Trở lại với vấn đề sản lượng cà phê hàng năm của Việt Nam thì các con số được các nguồn đưa ra thường chênh nhau! Lý do có thể là số liệu được thu thập bằng những cách và thời điểm khác nhau (cũng có thể là có ý đồ gì đó khác nhau)! Nếu vùng này mà mất mùa thì nhiều người lên tiếng còn vùng được mùa thì người ta lại im hơi và cứ thế nhiều người khi xem thông tin nghĩ rằng sản lượng sẽ giảm! Mấy năm trở lại đây thông tin trong nước nói nhiều đến mất mùa, giảm sản lượng,giảm diện tích nhưng các hãng tin nước ngoài lại cho là Việt Nam sản lượng tăng! Vậy ai đúng đây? Hãy xem gần chục năm nay Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp Tây nguyên – EAKMAT mỗi năm bán ra bao nhiêu tấn hạt giống, bao nhiêu trăm ngàn cây cà phê ghép và thực sinh ngoài ra còn rất nhiều cơ sở ươm giống của người dân các vùng khác nữa?Toàn những giống cao sản này đi về đâu mà không phải là vườn,rẫy? Ngoài ra hàng năm diện tích rừng Tây nguyên bị thu hẹp vì người dân phá bỏ để trồng cây công nghiệp trong đó cũng có cà phê. Khi giá giảm dần mà chúng ta vẫn tin cà phê Thế giới và Việt Nam mất mùa và sản lượng giảm thì có lẽ nên nghĩ lại!

    1. manh tuan

      rất đồng ý với bạn . Mình quen rất nhiều người đang trồng mới hàng vài trăm hecta , và họ chủ yếu trồng cà phê vì dễ canh tác , chăm sóc . Vùng Bảo Lâm – Lâm Đồng đang phát triển mạnh cafe trồng mới .

  7. SANHN

    Tôi trồng cà phê gần 20 năm rồi mà chưa nghe chưa thấy năm nào giá 52000kg cà phê nhân xô. Có ai biết năm tháng nào có giá 52000 không? Vậy mà bài viết của tác giả co giá 52000kg

    1. Lâm Anh Vũ

      Càphe có giá 52000 dồng/ký giao tại kho người mua ,hàng 1 tạp
      giá dạt 52000 khoảng từ tháng 3-7 năm 2011.mình bán dược 51400dong/ký hảng
      1,5 tạp giao kho người bán mình không nhầm t7/2011

    2. PT

      Hiện mình không ớ nhà lên không tra cứu được , nhưng mình nhớ vào khoảng từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 6 cà phê có giá 52,200 đồng /kg ! Mình nhớ rất rõ vì mình lúc đó có công việc cần tiền lên bán hết . Nhưng giá này chỉ đứng được 2 h sau xuống 52000 , qua tháng 7 và 8 giá xuống còncòn-47 mà thôi

      1. PT

        Xin bố xung là vào khoảng : Từ ngày 3 -5 tháng 6 năm 2011 ,cà phê có giá 52,2 triệu/tấn

  8. manh tuan

    Và phải nói thêm tại sao giá cà phê ko phải cao mà nhiều người trồng mới ????

    Vì khi trồng mới , thì chủ yếu là trồng số lượng nhiều , đất trong vùng gần rừng , giá rất rẻ . Thêm vào đó đất mới nên rất giàu dinh dưỡng , hầu như vài năm đầu ko cần bỏ phân chuồng ủ hoai . Và 1 điều quan trọng là giống mới cho năng xuất rất cao , nếu chăm sóc tử tế thì phải được trên 6t/hecta khi trồng đại điền . Còn tiểu điền thì có thể đạt 7-8-9-10 tấn… Với năng xuất cao như vậy thì điểm hòa vốn của những vườn trồng mới này giảm xuống đáng kể nên vẫn kích thích mạnh trồng mới .

  9. Lâm Anh Vũ

    @Nguyễn Quang Bình :Thật sự caphe chưa có tín hiệu tăng mạnh
    nhưng bài báo của chú người dọc rất khó dể hiểu do chú chỉ nhận dinh xấu chung
    chung ,chú không xác dịnh giá xuống bao nhiêu nên người dọc không hiểu dược
    ý của tác giá tôi dưa ra hai trường hợp
    trường hợp 1: giá cứ nằm ở vùng dáy 1400-1685 từ nay dến giáp hạt năm tới thì nhận
    dịnh của chú rất dúng
    trường hợp 2: giá vẫn xấu có thể xuống thêm một chút nữa thì tăng thì nhận dịnh của chú vẫn
    dúng (nhưng chỉ dúng cực doan ) vô tình làm nhà buôn hoặc nhà vườn bán hết caphe rồi ngồi tiếc
    dứt ruột vì nhà vườn dã bán thì không mua lại mà cả năm ” vất vả” bán phải giá thấp
    Nên trong phân tích không những giỏi mà phải hiểu người buôn hoăc người dân,mà cũng khó hiểu nhận
    dịnh của chú chỉ trong 1 ngày hay 1 tuần hay 1 tháng.thường nhà vườn thì sử dụng thời gian dài hơn nhà
    buôn

  10. thaonguyen

    Hiện tại thị trường đang có một số người cho rằng giá sẽ xuống nên đã bán khống chờ mua vào, có số khác lại mong giá xuống để mua vào đầu cơ nên họ đang cố gắng tung tin và phân tích theo xu hướng giá xuống mà không đả động gì tới yếu tố có thể làm giá lên.
    Trong điều kiện thế giới đang thiếu hụt cung cầu khi hụt nghiêng về cung và đồng tiền đa số các nước sản xuất mất giá mạnh dẫn tới họ đẩy mạnh bán ra bao gồm cả lượng hàng tồn kho gối vụ của các năm.
    Chúng ta thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi lượng hàng để tiêu thụ nội địa của một số nước SX cũng bị đẩy ra bán do đồng tiền mất giá và khi ra năm nhu cầu của ngành công nghiệp rang xay trong nước của một số nước SX bị thiếu hụt nghiêm trọng và phải đi mua lại hàng từ các nhà đầu cơ thì lúc đó giá sẽ như thế nào? Điều này chúng ta đã từng bị nhiều lần khi đầu vụ dân ồ ạt bán ra xong cuối vụ còn ít hàng dân giữ lại mong giá cao hơn nên không bán ra buộc các nhà XK không còn cách nào phải đi mua hàng lại từ các kho ngoại quan dù biết rằng giá rất cao và lỗ lớn nhưng vẫn phải mua để giao cho hợp đồng đã ký XK. Tôi đang cho rằng nếu không khéo có khi ra năm 2016 Brazil lại đi nhập khẩu cà phê để phục vụ cho các nhà rang xay trong nước nếu do đồng tiền mất giá chạy đua bán XK để hưởng chênh lệch tỉ giá như hiện nay.
    Nếu điều đó xảy ra thì không biết giá lúc đó sẽ được giới đầu cơ có hàng thực đẩy lên mức nào đây?
    Chúng ta cũng nên nhớ rằng cà phê vụ mùa 2010-2011 lên giá mạnh không phải do hạn hán mà do mưa lũ tàn phá dữ dội đầu năm 2011 dẫn tới giá cà phê tăng vọt. Vụ mùa 2016-2017 này khi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của El nino là hạn hán ở các nước Đông Nam Á và khi mưa lũ hoành hành ở vùng trồng cà phê Brazil. Giá cà phê có thể bật lên bất cứ lúc nào mà không cần chờ giá dầu, giá vàng lên. Nó là mặt hàng không phải khi nào cũng đi theo quy luật.

  11. Nguyễn Quang Bình

    Rất nhiều bạn đọc yêu cầu tác giả phải nói giá tăng hay giảm, thời điểm nào, tăng lên cao là mức nào, giảm xuống sậu là ở đâu, và khuyên tác giả không nên nói chung chung v.v và v.v…
    Thật ra, các bài báo viết về hàng hóa không được phép nói các điều đó và nếu tôi có viết thẳng như thế để phục vụ quý bạn, ban biên tập hay quản trị sẽ duyệt bỏ ngay.
    Điều này có thể thể hiện ngoài bài viết như trên các diễn đàn, đối thoại…nhưng vẫn được xem là các hiểu biết, cảm giác, suy nghĩ về thị trường. Trên diễn đàn của “giacaphe.com”, tại “vfm.giacaphe.com”…các bạn sẽ thấy rất nhiều trao đổi như các bạn yêu cầu, nhưng bản thân tác giả đôi khi thích nói vẫn bị cấm nói mà phải giữ thái độ trung tính ở mức tối đa và tối ưu.
    Giả sử tôi có dăm chục triệu hay vài trăm triệu để mua hay bán cà phê, tôi không dại gì nói các bạn chuyện làm ăn của tôi.
    Tôi đề nghị các bạn viếng thăm vfm.giacaphe.com để nghe nhiều người nói giá rõ hơn nhưng chỉ theo nhận định các nhân của họ, sai hay đúng, hoàn toàn do các bạn quyết định và họ không chịu trách nhiệm. Thỉnh thoảng, tôi cũng vào tham gia mua bán thử nghiệm với vfm.giacaphe.com, nhưng rất ít lần. Hình như kết quả đang có số dương để tự giải quyết các cảm giác của mình. Các bạn nên hỏi ban quản trị để tham gia vì khá có ích.
    Riêng về người viết, tôi được phép nói về khuynh hướng chung. Tôi cũng không phải là tiên tri để đoán giá suốt năm cho các bạn vì bạn thấy ngay cả các ngân hàng lớn trên thế giới, có bộ sậu nghiên cứu được trả mỗi người hàng năm hàng trăm ngàn USD, vẫn phải thay đổi chỉnh lý dự đoán của họ liên tù tì, đôi khi chưa tới 3 tháng họ đã thay rồi.
    Mong các bạn thông cảm để lần sau khỏi yêu cầu về điều này. Còn riêng bản thân người viết, tôi đã từng có rẫy cà phê 4 héc ta, cuốc cày phân gio như quý bạn, tôi cũng mua bán kinh doanh xuất nhập khẩu, làm công nhân viên nhà nước về xnk cà phê, làm cho các doanh nghiệp chuyên doanh cà phê nước ngoài…nay stop tất cả để phục vụ quý bạn. Nhưng giả sử có ngày món nấu dỡ, mong quý bạn bỏ quá cho. Lưu ý “thức ăn” tôi nấu có chọn lọc, không hề có hóa chất độc hại và thực hiện đúng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiểu và thông cảm được vậy thì quý lắm thay.

    1. nguyen king

      xin cảm ơn những món ăn mà bác bình phải rất tâm huyết để tạo ra nó. cảm nhận của mỗi người là khác nhau. ngon hay dở là do khẩu vị của họ. mong rằng bác sẽ tạo ra những món ăn để bà con nông dân dể dàng cảm nhận được. chân thành cảm ơn bác.

  12. PT

    Theo tôi , những bài viết trên diễn đàn chỉ lên : Đưa các tín hiệu , các dự kiện và lý giải những diễn biến đã qua của thị trường như thế là quá đủ ! Ngược lại phần bl thì vô tư đoán già đoán non cũng được .Tuy nhiên phải đi thẳng vào chủ đề mà tựa đề bài viết đã nêu chứ đừng chỉ trích nhau như thời gian vừa qua .
    Được như thế thì thật tuyệt !

  13. máy rang dương thành

    – Kinh doanh ai cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận cả, mua bán lòng vòng miễn sao có lợi là được, cái lợi trước mắt đó kéo theo cả một hệ lụy lâu dài, ai cũng chỉ nghĩ lợi cho bản thân mình, nếu các doanh nghiệp cà phê việt liên kết với nông dân để cùng tạo thương hiệu cho cà phê việt không phải là tốt hơn sao, bán được giá, chất lượng ổn định, sản lượng hàng năm cao thì ai cũng có phần của mình hết, nông dân bán được giá cao, doanh nghiệp xuất khẩu mạnh, đất nước thu được nhiều tiền hơn, không những vậy giá cà phê cao và ổn định còn tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề khác cùng phát triển.

  14. nguyễn Thanh Tuấn

    Theo tôi giá cafe xuống nông dân trồng cà chỉ chết một phần nhưng cái ảo của giá và của sản lượng của các CHUYÊN GIA sẽ làm nông dân trồng cà nagỳ một chết thảm.Đây chỉ là nhận định cá nhân nhưng hy vọng chính xác phải không các bác. Chúng ta hãy nhìn thẳng nói thật để người dân đỡ phải đứng trên bờ vực. Chân thành cảm ơn các CHUYÊN GIA.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80