Thị trường phân bón lành mạnh – Đến bao giờ?

Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay nhiều vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón, thế nhưng, thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều mặt hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người dân.

>> Lâm Đồng: Thu giữ 18 tấn phân bón giả

Đại lý kinh doanh cố tình vi phạm

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1.100 cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh phân bón, trong đó, có trên 250 đại lý kinh doanh lớn, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ kinh doanh đã cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón…, chính điều này đã tiếp tay cho các loại phân bón giả, kém chất lượng trà trộn vào thị trường.

kiem tra chat luong phan bon o daklak
Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhãn mác, bao bì của mặt hàng phân bón.

Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phân bón vừa qua (từ 12-9 đến 31-10), lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 9 vụ vi phạm về kinh doanh phân bón quá hạn sử dụng, không có hợp đồng đại lý và tịch thu trên 1 tấn vôi, phân bón các loại, phạt hành chính gần 40 triệu đồng. Tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH Ngọc Hiếu (thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak) và các hộ kinh doanh: Vũ Huy Hiệu (thị trấn M’Drak, huyện M’Drak), Lê Hữu Khánh (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ)…, Đoàn kiểm tra đã phát hiện lỗi vi phạm do không có hợp đồng đại lý, trong khi, hầu hết các chủ kinh doanh đều giải thích là hàng hóa được mua bán bằng giấy tờ viết tay nên… không ký hợp đồng đại lý với nhà sản xuất (!)

Đáng chú ý hơn, tại hộ kinh doanh do bà Đặng Thị Đào (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) làm chủ, toàn bộ số hàng gồm 12 can (loại 10 lít) các loại phân bón lá hiệu HQ-204, Quaro-N, Amino KB, Ba Lá, phân hữu cơ Su K’khum, men vi sinh Bio Sun 139… đều đã quá hạn sử dụng. Ngoài ra, tại đây, Đoàn kiểm tra còn phát hiện 50 bao vôi (loại 20 kg/ bao) được đựng tạm bợ trong các loại túi mà không hề có bất kỳ thông tin gì về nhãn hàng hóa. Rõ ràng, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì số lượng lớn phân bón trên sẽ tuồn ra thị trường và nông dân, nhất là những người không duy trì thói quen đọc kỹ nhãn mác trước khi mua hàng, phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Trước đó, đầu năm 2014, lực lượng này cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ tài xế xe tải mang biển kiểm soát 47P- 0204 do Nguyễn Kim Thành điều khiển, vận chuyển 100 bao (loại 50 kg/bao) phân giả, ngoài bao bì có ghi rõ: hàm lượng ka li trên 61% và 1 tấn phân bón N. P. K (hàng nhập từ Philippin nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt) từ TP. Hồ Chí Minh về đang nhập hàng lại cho một đại lý tại Dak Lak. Qua kiểm định, 100 bao phân trên không có đủ hàm lượng dinh dưỡng như ghi trên bao bì, cụ thể, hàm lượng ka li đạt tỷ lệ chưa đến 1%!

Tuy nhiên, đó chỉ là những vụ vi phạm mà lực lượng chức năng phát hiện được khi mở đợt cao điểm kiểm soát, còn trên thực tế, ai dám chắc trên thị trường không còn phân bón giả, kém chất lượng (?!)

lay mau phan bon gia o daklak
Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu phân bón để kiểm định chất lượng.

Cần xử lý mạnh tay hơn

Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất chân chính mà còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ nông dân trước nạn phân bón kém chất lượng, mỗi năm, lực lượng QLTT tỉnh đều mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này trên phạm vi toàn tỉnh, và hầu như đợt nào cũng phát hiện vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do người bán chạy theo lợi nhuận nên cố tình bày bán phân bón giả, kém lượng để đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng (NTD).

Thêm nữa, chất lượng phân bón thường không thể nhận biết bằng mắt thường, thành ra nhiều người mua phải phân bón kém chất lượng mà không hề hay biết. Bên cạnh đó, theo ông Giao Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh thì một bộ phận NTD, nhất là NTD vùng nông thôn, vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu thông tin ghi trên bao bì sản phẩm như chủng loại, nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng…., chính điều này đã vô tình tạo điều kiện cho nạn phân bón giả vẫn còn “đất sống”. Đó là chưa kể, việc mua bán không giữ lại hóa đơn chứng từ, nên khi gặp phải phân bón giả, nông dân không biết “kêu ai” bởi không hề có chứng cứ để truy xét về sau.

>> Khó xử lý bán phân bón giả vì… văn bản thiếu thống nhất

Thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng vận chuyển, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã được các ngành chức năng chú trọng. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục QLTT tỉnh thì trong công tác chống nạn phân bón giả vẫn còn một số khó khăn như Nghị định 163/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp” không quy định rõ thẩm quyền của lực lượng QLTT trong phạm vi vi phạm kinh doanh phân bón, nên lực lượng này vẫn phải áp dụng phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 185, ngày 15-11-2013 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, trong khi, chế tài xử lý vi phạm này hiện vẫn chưa đủ mạnh để có tính răn đe. Về phía nhà sản xuất, phân phối khi phát hiện hàng hóa của mình bị làm giả cũng không chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý do lo sợ nếu có thông tin hàng của đơn vị mình bị làm giả thì NTD sẽ không dám mua.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng QLTT tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp như cử các đội bám sát địa bàn, xây dựng nguồn cung cấp thông tin từ cơ sở, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông, nhất là các phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, theo ông Tùng thì tình trạng phân bón được làm giả rất tinh vi từ khâu sản xuất đến lưu thông, mua bán, do đó, để giải quyết tận gốc, cần siết chặt kiểm tra chất lượng ngay từ các nhà máy, cơ sở sản xuất mặt hàng này.

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tiêu Tơ

    Sao kg quản lý từ nơi sản xuất. Sao cứ để dân lấy vườn cà phê, vườn tiêu của mình ra thử nghiệm ?
    Một số phương án để xuất:
    -Phân giả giờ tràn lan, sao các công ty kg đăng kí bảo hộ thương hiệu, kèm theo tem chống hàng giả được cố định trên bao bì.
    -Phân bón nhập nguyên bao về Việt Nam thì niêm chì trên dây khâu, tránh tình trạng công ty lợi dụng tâm lý thích hàng ngoài mà in bao bì bằng tiếng nước ngoài rồi dán nhãn phụ lên.

  2. huy

    Mình có cách sau:
    Mỗi bao phân sản xuất ra nên có một mã số riêng. Công ty phân bón phải có một đầu số thuê bao riêng ví dụ như 834XXX. Sau đó công ty phân bón nên nhập từng mã số của từng bao phân. Khi người dân mua phân về thì nhập mã số ở bao phân đó nhắn tin lên đầu số đó, nếu trùng hợp thì là phân thật. Cách này tuy tốn kém nhưng đảm bảo.

  3. dinhxuaneatul

    Không biết quản lý phân bón thế nào chứ chổ tôi nhiều người cứ chở phân ở đâu về đầu tư đầu mùa đến mùa thu hoạch vào lấy cà mà tôi biết tất thảy đều là phân giả, bón đầu mùa đến cuối mùa thấy vẫn không tan hết. Chỉ tội mấy anh thiếu vốn cứ ứng trước là đói dài dài. Chúng tôi chưa bao giờ thấy chính quyền địa phương, hoặc quản lý thị trường để ý đến việc này.

  4. Nguoidan

    Cần xử lý mạnh hơn thì đúng. Nhưng chỉ “béo” một số bộ phận nào đó thôi. Có đơn vị chức năng nào giám sát thử mấy ông quản lý nào đó đi hạch sách các đơn vị kinh doanh phân bón. Loại nào chung chi đầy đủ đều đều thì qua loa cho nó bán, lâu lâu gọi điện xin đểu tiền, cái này mà công bố giải thưởng chắc ghi âm dễ nè. Loại nào mà ko tự nguyện mang quà cho mấy đại ca, là toàn lỗi gì đâu… Hù đại lý đủ đường, đến khi nào cầm cục tiền đập vào mặt là nín ngay. Cái nào xin ko được quăng lên báo làm dự án điểm. Xin lỗi 100 năm nữa cũng đừng nói chuyện thị trường lành mạnh. Hãy làm cho cơ quan chức năng trong sạch trước đi. Đưa ra chính sách, ko chỉ tổ lãng phí tiền thuế của dân để trả lương, lại còn bị hành nữa mới đau chứ.

  5. Nguyễn Thiên Hưởng

    Việt Nam nhập siêu phân bón của Trung Quốc, mà về tới Việt Nam thì kg thấy phân TQ đâu nhỉ? Vậy nó nằm ở đâu ta?

Tin đã đăng