Nông dân cần cảnh giác với sản phẩm phân bón Mỹ Việt

Thanh tra Sở NN&PTNT Đăk Lăk vừa phát hiện 10 tấn phân bón NPK 20-5-5 của Công ty Cổ phần Phân bón Mỹ Việt (gọi tắt là Mỹ Việt) – một doanh nghiệp có “tai tiếng” về chất lượng sản phẩm – được bày bán tại Công ty TNHH MTV xăng dầu Ngọc Hiếu (thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuêc, huyện Krông Păk).

Sau hai lần gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ thuộc Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, Thanh tra Sở đã kết luận có sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng và lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt với số tiền 55 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, trước đó nhiều sản phẩm phân bón của Mỹ Việt và những hộ kinh doanh sản phẩm của công ty này liên tục bị các cơ quan chức năng xử “tuýt còi” vì chất lượng kém. Chẳng hạn, ngày 27-7-2009, UBND huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đã ra quyết định số 25242/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính trong đăng ký kinh doanh, gian lận thương mại và văn hóa thông tin đối với Mỹ Việt. Theo đó, xử phạt Mỹ Việt tổng số tiền 78 triệu đồng về các lỗi: sản xuất kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc, sản xuất kinh doanh hàng hóa có nội dung bắt buộc ghi không đúng với thực tế của hàng hóa, kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh hàng hóa có điều kiện, sử dụng quốc kỳ để quảng cáo. Buộc Mỹ Việt thu hồi hàng hóa có nhãn vi phạm và khắc phục về nhãn mác trước khi tiếp tục đưa ra thị trường, thu hồi hàng hóa có nhãn vi phạm, chế biến hàng hóa lại cho phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở công bố và ghi nhãn hàng hóa trước khi tiếp tục đưa ra thị trường, đình chỉ sản xuất tại chi nhánh, đình chỉ hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón siêu vi lượng 99 và 94. Ngày 27-9-2011, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định số 1814/QĐ-XPVPHC xử phạt Mỹ Việt số tiền 45 triệu đồng đối với sản phẩm NPK cao cấp 20-20-15 TE có hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt từ mức sai số cho phép tới 80% mức công bố tiêu chuẩn áp dụng (cụ thể là mức sai số cho mỗi yếu tố dinh dưỡng là 10% so với công bố và tổng 3 yếu tố dinh dưỡng sai số 7% so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng), buộc tái chế đối với phân bón kém chất lượng. Ngày 28-11-2011, UBND TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt chi nhánh Mỹ Việt tại tỉnh lộ 8, ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi 66 triệu đồng vì hành vi sản xuất phân bón không đúng địa điểm và sản xuất, gia công phân bón không bảo đảm chất lượng.

Trong khi đó, nhiều chủ kinh doanh phân bón cũng đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vì việc kinh doanh có liên quan đến những sản phẩm Mỹ Việt. Tiêu biểu như, ngày 14-12-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định số 2823/QĐ-UBND xử phạt đối với bà Nguyễn Thị Hải Yến (thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lộc) chủ cơ sở kinh doanh phân bón vì kinh doanh phân bón hàm lượng một yếu tố dinh dưỡng chỉ đạt từ 61 đến 80% mức công bố tiêu chuẩn áp dụng của Mỹ Việt. Ngày 16-11-2010, UBND tỉnh Long An ra quyết định số 3237/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Quốc Thái, chủ hộ kinh doanh phân bón Phạm Quốc Thái tại ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ 40 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa không đạt mức công bố tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất kinh doanh phân bón. Cụ thể, theo kết quả thử nghiệm số KT3-13639HOO, ngày 29-10-2010 của trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 là kết quả thử nghiệm lần 2 đối với mẫu phân bón 20-20-TE của Mỹ Việt đã không đạt mức công bố tiêu chuẩn trong danh mục phân bón. Ngày 22-11-2011, UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định số 2386/QĐ-XPHC xử phạt bà Bùi Thị Hạnh, trú tại ấp Đồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu 55 triệu đồng vì kinh doanh phân không đạt mức công bố tiêu chuẩn áp dụng. Các sản phẩm vi phạm là phân bón trung lượng bón rễ UVF, phân bón tiết kiệm đạm URCA Silic 30N, phân bón NPK 16-16-8-13S+SiO2+TE và phân bón hữu cơ đậm đặc khoáng+Silic+TE thế hệ mới, trong đó các sản phẩm phân bón trung lượng bón rễ UVF, phân bón tiết kiệm đạm URCA Silic 30N do Mỹ Việt sản xuất. Cũng trong ngày 22-11-2011, UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định số 2387/QĐ-XPHC xử phạt ông Nguyễn Trí Hưng, trú tại ấp 3, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu 45 triệu đồng vì kinh doanh sản phẩm phân bón không đạt mức tiêu chuẩn áp dụng. Các sản phẩm bị xử phạt là phân bón 20-20-15-TE và phân bón trung lượng bón rễ Ba con gà, trong đó sản phẩm phân bón 20-20-15-TE do Mỹ Việt sản xuất.

Rõ ràng, những sản phẩm phân bón do Mỹ Việt sản xuất đều có vấn đề. Với nhiều loại sản phẩm, có mặt ở các địa phương khác nhau như vậy, để đề phòng việc mua phải sản phẩm kém chát lượng, nông dân cần đề cao cảnh giác với những sản phẩm liên quan đến Mỹ Việt để tránh “tiền mất tật mang”.

Quốc Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Mức phạt như vậy thì nhằm nhò gì, phải cho ông chủ Mỹ Việt đi tù vì tội lừa đảo nông dân thì họ mới sợ. Không biết Mỹ Việt với Việt Mỹ có giống nhau không nhỉ? Nếu không cùng 1 hãng thì Việt Mỹ cũng để nhiều người hiểu lầm là Mỹ Việt, tôi thấy 2 loại phân bón này chất lượng chẳng kém gì nhau, đều làm ăn không có lương tâm chút nào cả.

  2. Hương

    Theo tôi nghĩ, nên phạt người sản xuất ra phân bón kém chất lượng thật nặng mới đủ sức răng đe, vì đó cũng là tội ác. Còn những đại lý kinh doanh phân bón, họ chỉ là người mua đi bán lại, làm sao biết được phân nào giả, phân nào kém chất lương mà phạt họ? Không có đại lý nào muốn bán phân kém chất lượng để rồi mất uy tín, không ai dám mua nữa, thế là đói luôn!

  3. trung_tin_727

    Năm vừa rồi nhà em dùng MaxOne bón cho tiêu mà không sao, có lẽ lúc đó chưa làm giả nên tiêu vẫn sống sót.

  4. Hai.cafe

    Phân bón giả thường hàm lượng các chất dinh dưỡng, trung vi lượng quá thấp chứ thông thường không gây chết cây như bạn trung_tin_727 phát biểu đâu. Ăn gian phân bón không gây chết ai nên rất khó bị phát hiện trừ khi cơ quan chức năng quan tâm.
    Hiện nay tại VN có hơn 300 nhà SX phân bón và vẫn tăng thêm hằng ngày. Trong số 300 này thì không tới 10% là nhà SX chân chính. Là người ND thông minh phải chọn những thương hiệu tồn tại lâu dài vì tất nhiên nhờ vào uy tín người ta mới tồn tại được. Theo tôi thì con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số 300 trên thôi.
    Nếu ai có người thân buôn bán phân bón thì sẻ biết rằng có rất nhiều SP mà nhà SX chi cho đại lý một con số kinh khủng nên bằng mọi giá họ bán cho ND để kiếm lời. Đơn cử một SP hiện nay có bán cũng khá rộng rãi trên TT với thành phần chỉ hơn 14% đạm và một ít lân, Kali được các CH bán với giá 560.000 đồng bao. Khi bán chưa được 200 tấn mà ĐL đã nhận được gần 400 triệu tiền hoa hồng từ nhà SX, khi bán 20 tấn được 1 vé DL Hàn Quốc. Những loại như thế này rất nhiều nhiều trên TT phân bón. Thường thì mỗi ĐL đều có hàng tốt và hàng như thế này để kiếm rất nhiều tiền bởi hàng tốt thì được phân phối rộng rãi nên không thể có lợi nhuận cao được.
    Kinh nghiệm cho thấy:
    1. Chỉ mua hàng có thương hiệu.
    2. Với SP hữu cơ thì xem TP trên bao bì để so sánh giá cả.
    3. Không mua những SP không được phân phối rộng rãi (Chiêu để bán giá cao không đụng hàng và ít bị kiểm tra)
    4. Ăn gian trong phân bón không làm chết cây nên không dễ phát hiện.

  5. MUF

    “4. Ăn gian trong phân bón không làm chết cây nên không dễ phát hiện.”

    – NHƯNG CÂY SẼ VÀNG VỌT, RỤNG TRÁI VÀ KHÔ CÀNH năm sau chỉ còn cái thân chính còn sống, CÂY VẪN KHÔNG CHẾT, mùa mưa sẽ có vài cái chồi èo uột.

  6. nguyen huu thang

    Phân bón giả gây thiệt hại như thế nào thì ai cũng biết. Tại sao nhà nước ko bố trí mỗi tỉnh vài điểm phân tích phân nhỉ?

  7. Đinh tân lâm

    Một công ty phân bón kém chất lượng bị nhiều địa phương phạt như vậy mà vẫn thấy sản phẩm đó đầy trên thị trường. Sao các cơ quan chức năng ko rút giấy phép kinh doanh của cty đó, chứ phạt vậy thì chẳng nhằm gì với số tiền khổng lồ kiếm từ phân kém chất lượng mà có.
    Đây chỉ là tảng băng nổi trong hàng trăm cty phân bón, thuốc sâu kém chất lượng trên thị trường VN, mà nông dân thì làm sao phân biệt thật giả. Mong sao các báo chí công bố những tên của cty làm ăn bất chính để dân tránh.
    Tôi thấy có nhiều loại phân chở tới bỏ cho đại lí chừng nào bán hết mới lấy tiền và cho đại lí rất nhiều hoa hồng, có người nói là phân dỏm nhưng chưa có công bố nào của báo chí nên những người ham rẻ vẫn dính. Tôi thì sợ phân rẻ vì sợ dỏm nên thường dùng phân đắt tiền (phân yara, Hà lan, Đức) nhưng đó chỉ là theo cảm tính và hên xui nên rất mong được có những công bố tên các cty phân kém chất lượng từ báo chí.

  8. cuc dat

    Phân giả nhưng tiền thu từ bán phân là tiền thật. Bà con chúng tôi chỉ nhìn vào hạt cà phê, mọi chi phí trang trải trong gia đình đều nhờ vào sản lượng của cây trồng , nếu cả mùa không may trúng vào 1 đợt phân giả coi như tiêu đi 2 năm ăn chay. Sao những người sản suất phân giả, lương tâm họ để ở đâu? Nểu như gia đình họ có người đau mà uống phải thuốc giả thì họ nghĩ gì??

    Theo tôi nhưng cơ sở làm phân giả không những phạm tội gian lận thương mại mà là những tên móc túi, những tên cướp ngày trắng trợn, nó đã góp phần làm cho nhân dân càng nghèo thêm, đã đi ngược lại với chính sách của Đảng và Nhà nước hiện hành. Vậy tôi đề nghị nhà nước không những phạt tiền mà còn truy cứu trách nhiệm hình sự mới xứng đáng.

  9. Hoàng Mai

    Đọc bài viết thấy nghi nghi? Đây là bài PR hay là hành vi cạnh tranh của các công ty phân bón. Tôi làm ở Sở Nông nghiệp Đắk Lắk, hàng năm có vài chục công ty bị phạt, sao báo không nên hết tên cho bà con biết để tránh nhỉ? Mỹ Việt, Việt Mỹ đều phạt như nhau, tôi được biết hai công ty này đang chơi nhau trên thị trường đó bà con ơi.

  10. trinh

    Phạt xong đâu lại vào đấy. Tôi đang ở Lâm Đồng nên biết rất rõ về sản phẩm này, nhưng mới phạt được vài ngày thì phân bón này lại tiếp tục hoạt động mạnh hơn, cán bộ làm việc còn lỏng lẻo quá không làm nghiêm, người thiệt thòi vẫn là nông dân.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86