Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 500 đồng, lên ở mức 39.500 – 40.500 đồng/kg.
Thị trường London:
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe, giá cà phê Robusta tăng tiếp phiên thứ hai. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 25 USD, tương đương tăng 1,22 %, lên 2.073 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2015 cũng tăng 25 USD, tương đương tăng 1,22 %, lên 2.073 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2015 tăng 15 USD, tương đương tăng 0,73 %, lên 2.068 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới trung bình.
Thị trường New York:
Trái lại, trên sàn kỳ hạn ICE US, giá cà phê Arabica đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm 2,15 cent, tức giảm 1,14 %, xuống 185,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2015 cũng giảm 2,15 cent, tức giảm 1,12 %, còn 190,15 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
USD tiếp tục mạnh hơn đã thúc đẩy giao dịch trên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn trở nên sôi động hơn, biên độ giao dịch cũng rộng hơn…
Cuối cùng giá cà phê Robusta kỳ hạn đã xuất hiện cấu trúc giá đảo, như đã dự kiến trong bản tin ngày 30/10, không chỉ do ý muốn chủ quan của đầu cơ mà còn phản ánh nổi lo của nhà rang xay trên thị trường tiêu dùng trước mức chênh lệch giá giữa hai loại cà phê đang ở mức cao. Và điều gì ngăn cản nhà rang xay tăng tỷ lệ cà phê Robusta trong hỗn hợp phối trộn nhằm bảo toàn lợi nhuận?
Theo tin của Agrimoney.com, hãng Starbucks cho rằng thế giới sẽ không thiếu cung cà phê bất chấp hạn hán xảy ra tại Brazil, nhưng ai ngăn cản họ không lo mua thứ này để mua thứ khác khi mà giá cà phê Arabica ở mức cao như hiện nay? Và liệu giá có còn cao hơn nữa không khi Brazil mất mùa?
Xu thế tiêu dùng ngày nay cũng cho thấy ngày càng nhiều người hướng đến hương vị đậm đà của loại cà phê đem lại “cảm giác mạnh” này, và cà phê sẽ là thức uống ngày càng có tính đại chúng hơn. ICO cũng dự kiến mức tiêu thụ toàn cầu hàng năm tăng trưởng bình quân 2,5%.
Dù sao, giá cà phê Robusta gia tăng ngay từ đầu vụ thu hoạch làm cho bà con Tây nguyên vui hơn và cũng giúp họ thận trọng hơn khi bán ra trong lúc này. Đã xuất hiện tâm trạng lo lắng của nhiều nông dân khi có dấu hiệu sản lượng cà phê quả tươi thu hoạch không như kỳ vọng.
Những nhà quan sát cho rằng với lượng mưa quá ít tại quốc gia sản xuất Robusta hàng đầu sẽ là mối lo mới cho triển vọng thị trường cà phê Đông Nam Á.
Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 500 đồng, lên ở mức 39.500 – 40.500 đồng/kg.
Anh Văn (giacaphe.com)
Tôi ở Bù Đăng Bình Phước. Ko biết ở chỗ khác thế nào chứ tôi thấy ở chỗ tôi năm nay thấy cà phê ko đạt nhân bằng mọi năm. Quả một nhân rất nhiều… Mong rằng giá cứ giữ và lên cao nữa cho nông dân ta bớt khổ.
Hôm nay Anh Văn viết một bản tin thị trường hàng ngày có cách viết rất khác so với những bản tin các ngày trước !
Bà con ơi hãy đoàn kiết không bán rẻ mồ hôi công sức của mình, năm nay không có nhiều cà phê để bán đâu.
Các nhà đầu cơ đang “nắn gân” người trồng cà phê Việt Nam. Họ biết rằng phần lớn nông dân trồng cà phê ở Vệt Nam chẳng khá giả gì, thậm chí còn nghèo. Cả năm có khi còn hơn mới bán được cà phê, trăm thứ chờ vào một, muốn khôn cũng chẳng khôn được “cái khó bó cái khôn”. Biết trông chờ vào đâu “trời cao, đất dày”. Có cái khổ, cái khó nào lớn hơn chăng. Ai cứu mình thực sự. Chưa thấy ai. Chỉ có mình tự cứu mình thôi. Tôi lại xin nhắc lại cái điều mà đã nói và sẽ vẫn nói dù có đến ngàn lần vẫn nói về phương châm bán cà phê “bán chậm, bán chừng mực, không bán ký gửi”. Đồng thời phải cố gắng để có khoản dư tài chính cho cà phê. Cố gắng có được từ 50-100 triệu đồng/ha cà phê. Ai mua xe xịn, xây nhà đẹp cũng đừng khát khao, mình mua sau, xây sau mới là khôn. Tiên tổ đã dạy “khôn ở trại, dại ở nhà”. Ở trại rồi mới ở nhà thì vừa có nhà lại vẫn có trại, còn cứ chăm chăm ở nhà thì không có trại mà có khi nhà cũng không còn. Trại làm ra nhà chứ không phải nhà làm ra trại.