Tin buồn

Giá cà phê tăng chào mừng niên vụ mới

Niên vụ cà phê 2014/15 đã bắt đầu từ ngày 1-10 vừa qua. Ngay những ngày đầu vụ, giá cà phê bùng lên như một trận pháo hoa chào đón mùa mới.

bieu do ca phe robusta theo tuan
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice trong tuần đầu niên vụ 2014/15 (tác giả tổng hợp)

Chào mừng niên vụ mới 2014/15: Giá tăng

Đã có một đợt tăng giá như loạt pháo thăng thiên chào đón năm mới của người làm cà phê khắp nơi trên thế giới. Đấy cũng là dịp sàn cà phê Ice arabica tại New York chào mừng sàn robusta chính thức chuyển sang giao dịch chung một nơi một chủ vì Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã mua lại sàn robusta Liffe từ Sở Giao dịch Quyền chọn và Kỳ hạn Tài chính Quốc tế London hay thường được gọi tắt là Liffe (London International Financial Futures and Option Exchange). NYSE quyết định rút hoạt động giao dịch robusta tại sàn cũ ở London (Anh Quốc) để quy về một mối. Như vậy, hợp đồng cà phê robusta không còn được gọi là robusta Liffe nữa mà sẽ là “cà phê robusta sàn Ice tại châu Âu (robusta Ice Europe). Từ nay, để phù hợp với tên gọi mới, nó sẽ được gọi tên là “robusta Ice” cũng như đã từng gọi “arabica Ice”.

Phát pháo đầu tiên bắt đầu từ sàn arabica Ice. Chỉ mới cách nay mươi ngày, giá arabica Ice đang còn giao dịch dưới mức 180 xu/cân Anh (cts/lb), thì đến ngày 2-10 có lúc giao dịch lên mức 213,75 cts/lb, tăng tương đương với mức tăng 744 đô la/tấn, là mức tăng cao nhất tính từ đầu tháng 5-2014 trở lại đây.

Tuy không mạnh bằng arabica Ice, giá giao dịch trên sàn robusta cũng đã có lúc tăng 150 đô la/tấn so với cuối tuần trước, bấy giờ quanh mức 1.955 đô la/tấn.

Thị trường cà phê nội địa vui như tết

Đến khuya hôm qua 3-10, giá trên sàn robusta Ice vẫn còn rất vững, đóng cửa cuối tuần chốt mức 2.080 đô la/tấn, tăng 125 đô la/tấn so với bảy ngày trước và tăng 88 đô la/tấn so với giá đóng cửa ngày giao dịch cuối vụ 30-9 vừa qua (xin xem biểu đồ 1). Trong khi đó, kết quả cuối cùng sau một tuần của sàn arabica chỉ còn tăng 20,45 cts/lb tương đương với mức tăng 450 đô la/tấn sau khi hôm qua đóng cửa âm 2,10 cts/lb so với hôm trước.

Thật bất ngờ nhưng giá tăng ngay ngày đầu niên vụ mới là vui rồi. Đó là tín hiệu tốt cho vụ mới!”, anh Vương Thanh Bạch, một nông dân vừa là kinh doanh cà phê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai phấn khởi nói.

Giá cà phê nội địa bừng tỉnh, tăng lên mức 40 triệu/tấn vào sáng thứ Năm 2-10, đến chiều tối ngày hôm ấy, sàn robusta Ice tăng mạnh, thị trường nội địa càng sôi động, có lúc đạt đến mức 40,5 triệu đồng/tấn, so với cuối tuần trước chỉ 37,8 triệu đồng/tấn.

Nhiều người phấn khởi thấy rõ và đang chốt lại tồn kho, sẵn sàng cho hàng cà phê vào bao để bán, anh Bạch cho biết. “Chỉ sau mấy ngày, giá vượt qua mức kỳ vọng 40 triệu đồng/tấn. Tôi đã bán đi một ít hàng của vụ cũ đang treo với nhà kho,” anh kể. Sáng nay 4-10, giá cà phê nội địa được chào bán mức 40,3 triệu đồng/tấn.

“Ăn theo” tỉ giá

Một số nhà xuất khẩu cà phê tỏ ra vui vẻ khi chốt được các mức cao lúc giá robusta Ice lên mức 2.090-2.100 đô la/tấn. “Giá loại 2,5% đen bể bán với mức 2.040-2.050 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) là đạt kỳ vọng của công ty rồi. Tôi không dám chờ, sợ giá lên nhanh thì cũng có thể rớt lại nhanh,” một nhà xuất khẩu có trụ sở tại TPHCM cho biết.

Một số doanh nghiệp cho rằng sở dĩ họ mạnh dạn bán cà phê đợt này là nhờ tỉ giá trong mấy ngày gần đây mềm hơn. Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bóng gió nói rằng tỉ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ vẫn còn có cửa tăng thêm 0,43% trong năm nay, giá tiền đồng Việt Nam tại nhiều ngân hàng đạt mức 21.300 đồng ăn 1 đô la Mỹ, so với hai tuần trước đây ở mức 21.200-21.220 đồng ăn 1 đô la Mỹ.

Từ trước đến nay, mặt hàng cà phê chủ yếu được giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Nên, một khi đồng tiền Việt Nam giảm so với đồng đô la Mỹ thì đấy là cơ hội bán xuất khẩu, nhà xuất khẩu nói thêm.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn tăng

Báo cáo ra hai tuần một lần của sàn Ice châu Âu cho biết tồn kho cà phê đạt chuẩn robusta tính đến hết ngày 29-9-2014 đạt mức 111.670 tấn, tăng 14.740 tấn trong kỳ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ cách đây một năm, bấy giờ chỉ 60.380 tấn. Tồn kho đạt chuẩn là các loại hàng có chất lượng có thể đấu giá lên sàn kỳ hạn. Dù vậy, không mấy khi chủ hàng dùng hàng này để đấu giá trên sàn, mà thường sử dụng tồn kho này làm công cụ kinh doanh tài chính.

ton kho ca phe robusta dat chuan
Biểu đồ 2: Tồn kho đạt chuẩn robusta Ice tăng (nguồn: NewEdge)

Kinh nghiệm cho thấy rằng cứ mỗi khi lượng tồn kho được đắp lên cao như trong các năm 2009 và 2011, các quỹ đầu cơ thường khuấy động giá, tạo những đợt thiếu hàng cục bộ để siết giá bán, phải chăng lịch sử đang được lặp lại khi tồn kho đạt chuẩn dâng cao liên tục từ mấy tháng nay (xin xem biểu đồ 2)?

Cảnh giác vẫn hơn

Đợt tăng ngay ngày đầu niên vụ là một tín hiệu tốt. Ít ra trước mắt cơ hội đã đến trong lúc đầu cơ xây bờ đắp lũy tồn kho vin vào cớ sản lượng Brazil giảm vào năm tới. Xét về cơ hội đường dài, lợi suất đầu tư trên các sàn cà phê trong 9 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng cao ngất ngưởng trong số 36 sàn và chỉ số được chọn: sàn arabica Ice tăng gần 75%, sàn Brazil tăng 63% và sàn robusta gần 19% (xin xem biểu đồ 3: ba cột đầu chỉ ba sàn cà phê).

loi suat cac san ca phe
Biểu đồ 3: Lợi suất các sàn cà phê tăng mạnh

Ngoài các yếu tố cung-cầu, vừa qua đầu cơ có thể chọn các sàn cà phê làm nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn của họ. Giá nhiều loại hàng hóa khác xuống rất mạnh như kim loại vàng chỉ còn 1.192,9 đô la/ounce và dầu thô xuống dưới mức 90 đô la/thùng khi đóng cửa giao dịch ngày 3-10.

Hiện nay, các thông tin mất mùa đây đó có thể là cái cớ tốt nhất cho đầu cơ tài chính chuyển vốn về sàn cà phê. Tuy nhiên, đối với thị trường tài chính, hoạt động chính là điều chuyển dòng vốn để sinh lợi nên các quỹ đầu tư có thể trở tay bất kỳ lúc nào, bán tháo nhanh để rút khỏi sàn, hệ quả là giá giảm thảm hại.

Qua 9 tháng các cột lợi suất đầu tư của cà phê quá cao và tồn tại khá lâu, liệu dễ gãy đổ giữa đường?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. PhanThao

    Thật ra lúc này vẫn đang nằm trong khoảng thời gian giáp hạt hơn tháng nữa mới vào vụ mới. Điều dễ hiểu cà phê lên được mấy giá so với cách đây chục hôm. Nhưng thị trường cà phê chi phối bởi giới đầu cơ tầm cỡ thế giới. Liệu họ có để người nông dân làm cà phê ở xứ sở xa xôi có được niềm vui hay không? Tôi không hy vọng giới đầu cơ lại hào phóng như thế, họ lại tiếp tục chiêu trò để hưởng lợi mà thôi, bởi thế : Khoan hãy vội mừng !

    1. Trịnh Thức Pleiku

      Bạn nói chuần ko cần chỉnh, đúng ý tui, chớ vội mừng. (nhắc lại “tự mình cứu mình thui” chờ mấy nhà buôn bán cứu thì chết từ lâu rùi.) Chào thân ái và quyết thắng nha.

  2. MAIHOA

    Giá tăng được chút nào thì người trồng cà phê chúng ta phấn khơi chút đó. Nhưng đây mới vào đầu vụ mới chưa có cà mới mà chỉ còn một lượng nhỏ tồn kho trong những hộ dân khá giả và một số doanh nghiệp. Tăng giá đợt này họ sẽ hốt hết lượng cà tồn của vụ cũ, sau đó khi có hạt cà mới lai giảm thê thảm để họ mua vào với khối lượng lớn rồi giá lại tăng vọt lúc đó họ xả hàng và chốt bán kiếm lời khủng, đây là quy luật rồi. Bà con chúng ta cứ thấy được giá là bán dần một phần vào các thời điểm giá tăng để có tiền mả chi phí, nếu tinh toán còn dư hãy để dành chờ giá cao hơn, mong bà con bán được giá cao.

  3. Que Loc nga,

    Giá tăng bửa này là bốp chết nông dân, mới bói bói hai ba quả,mà ăn trộm thì hắn truốt sạch cả cây, tội nghiệp làm cả năm bà con ơi. Hồi để cà phê cả mùa chẳng lên, cuối cùng bán rẽ. Nợ nầng chồng chất, chắc keo này bỏ xứ đi thôi. Đi về đâu hởi anh !!!.

  4. Anh Tú

    Cảm thấy bức xúc! Ngày 4/10 giá mạng 41.500đ vậy mà doanh nghiệp ở Gia Lai chỉ phát giá 40.800đ thử hỏi có quá đáng không……?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84