Tây Nguyên dồn dập vỡ nợ cà phê

Liên tiếp những ngày gần đây, hai đại lý kinh doanh nông sản tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búc, đồng loạt đóng cửa, khiến hàng trăm hộ dân ký gửi càphê chưa lấy được tiền hoang mang, bức xúc. Cơ quan công an đã được chỉ đạo vào cuộc.

Chuyên đề liên quan: >> Đại lý vỡ nợ và chuyện ký gửi cà phê của nông dân

>> 

Ngày 6.4, nhiều hộ dân kéo đến cơ sở kinh doanh phân bón – nông sản Quang Huy đòi nợ trong vô vọng. Một tuần trước đó, một số người đến chốt giá bán số cà phê đã ký gửi từ đầu vụ, nhưng chủ cơ sở nói không có tiền. Sau đó cơ sở này đóng cửa ngừng hoạt động, chủ cơ sở là ông Nguyễn Văn Bình và người nhà đều lánh mặt.

dai ly vo no ca phe
Người dân tụ tập trước cơ sở Thủy Lý đòi nợ.

Bà Bùi Thị Son – trú xã Ea Sin, huyện Krông Búc – bức xúc cho biết: “Do giá cà phê đầu vụ quá thấp, nếu bán sẽ lỗ vốn nên tôi gửi kho Quang Huy 2.350kg cà phê nhân. Vừa rồi cần tiền bón phân, tưới nước cho vườn cà phê, tôi đến chốt giá bán thì ông Bình đóng cửa, gọi điện thoại cũng không nghe máy”. Với giá hiện tại, số cà phê ký gửi của bà Son trị giá gần 100 triệu đồng.

Tương tự, bà Vũ Thị Kim – trú xã Ea Tir, huyện Ea H’leo – cũng ký gửi 3,5 tấn cà phê trị giá khoảng 100 triệu đồng cho cơ sở Quang Huy. “Tối ngày 1.4, phát hiện người nhà ông Bình lén lút chở phân bón đi, chúng tôi đã đến ngăn cản, nhờ chính quyền địa phương can thiệp việc tẩu tán tài sản của họ” – bà Kim nói.

Trong khi vụ Quang Huy vỡ nợ chưa lắng xuống thì ngày 3.4, đại lý kinh doanh phân bón – nông sản Thủy Lý chỉ cách đó khoảng 200m cũng bất ngờ đóng cửa. Ngay lập tức, hàng trăm lượt người kéo đến đòi nợ, nhưng cũng không gặp chủ cơ sở là bà Hồ Thị Thủy và chồng là ông Nguyễn Văn Lý. Ngày 6.4, vẫn còn nhiều nông dân vật vạ tại nhà bà Thủy chờ lấy tiền bán cà phê, trong khi căn nhà này đóng cửa, kéo rèm kín mít.

Theo Chi cục Thuế huyện Krông Búc, cơ sở kinh doanh Quang Huy đã nhiều lần bị cưỡng chế vì dây dưa nợ thuế, hiện vẫn còn nợ gần 2,3 tỉ đồng khó đòi. Trước dấu hiệu vỡ nợ, Chi cục Thuế đã trực tiếp đến làm việc nhưng không gặp chủ cơ sở, gọi điện thoại thì ông Bình nói đi công việc ở xa. Chi cục đã gửi giấy mời cho cơ sở Quang Huy và cơ sở Thủy Lý, yêu cầu phải đến làm việc vào ngày 8.4 về nhiều nội dung. Trong khi đó, ông Trương Hữu Vinh – Chủ tịch UBND xã Pơng Đrang – cho biết, công an xã mời ông Nguyễn Văn Bình lên làm việc, nhưng hiện vẫn chưa gặp được ông Bình.

Cũng theo ông Vinh, cơ sở Quang Huy do ông Bình điều hành từ nhiều năm nay, nhưng gần đây lại chuyển thành Cty TNHH TM Hải Bình Krông Búc do con trai ông Bình làm giám đốc nên việc xử lý nợ tiền cà phê của dân cũng như nợ thuế sẽ rất khó khăn.

Trước tình hình trên, UBND huyện Krông Búc đã có văn bản giao công an huyện xác minh dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế của cơ sở Quang Huy. Công an huyện cũng được chỉ đạo phối hợp với Chi cục Thuế, UBND xã làm rõ số lượng cà phê đại lý nhận ký gửi của dân nhưng chưa thanh toán tiền, hoặc chưa trả lại cà phê để xử lý theo pháp luật.

Trong khi đó, nhiều người dân cho biết trong kho các đại lý không còn hạt cà phê nào, phân bón cũng không đáng kể nên họ rất hoang mang. Ông Trương Hữu Vinh cũng nhận định, người ta tẩu tán tài sản như thế nào phải có bằng chứng thì mới khẳng định được. Nhưng thông thường tài sản còn lại trong các vụ vỡ nợ là rất ít, người dân có khởi kiện ra tòa cũng chẳng vớt vát được bao nhiêu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Teo_Daklak

    Tại sao đã bao nhiêu vụ vỡ nợ cà phê xảy ra đã nhiều rồi mà dân mình vẫn còn ký gửi cà phê? Dân mình phải biết rút kinh nghiệm chứ? niềm tin, uy tín là gì đây khi vỡ nợ thì mọi thứ đều xa xỉ cả! Vẫn biết vì nhiều lý do như nhà không có kho, sợ bị mất trộm … nhưng gửi kho mà gặp lừa thì tay trắng thôi. Luật pháp của mình có nhiều kẻ hở, chưa nghiêm minh … nên nhiều đại lý lợi dụng lừa đảo, tẩu tán tài sản … mà có bị xử lý gì đâu trong khi dân khốn đốn thì con cháu bạn lừa đảo vẫn nhà cao cửa rộng, ô tô hàng sang, nhà mua Sài Gòn… . Cần phải rút kinh nghiệm thôi bà con ơi, đừng ký gửi nữa, hãy tự bảo vệ mình trước khi chờ luật pháp bảo vệ!

  2. yeu viet

    Ky cóp cho cọp nó xơi! Cần tuyên truyền cho bà con thấy và cảnh giác tránh một phản ứng vỡ nợ dây chuyền thì chỉ có bà con thiệt!

  3. mai dan

    Nếu nhà mà không có kho để trử thì bà con tìm mọi cách khắc phục miễn là không đem cafe gởi cho đại lý.
    Với mình nếu mua cafe chấp nhận giá cao và tiền bốc vác để chở về nhà chứ nhất định không gởi đại lý.
    Bà con ơi mình phải tự bảo vệ tài sản của mình trước khi nhờ pháp luật bảo vệ chứ.

    1. tranvancuong

      cũng khó khăn cho bà con, có nhà thì có kho có thể mang về cất giữ cẩn thận, nhưng nhiều bà con hoàn cảnh khó khăn nhà đang còn xây chưa được tiền đâu mà xây kho, mà để ở nhà thì ko yên tâm với bọn kẻ cướp nên mang đến ký gửi cho an toàn, ai ngờ gặp những ông chủ điếc ko sợ súng quỵt nợ, thât tội nghiệp cho bà con, chỉ mong chính quyền đòi lại được phần nào cho bà con bớt khổ

  4. nông dân cà phê

    Đúng là chuyện rất cũ nhưng cũng rất khó tránh khỏi vì nhiều lý do:
    Ví như:
    + Đại lý đó là anh em ruột thịt nhà mình mà lo gì.
    + Nể tình trước đây mình đói khổ, không có tiền đầu tư, ăn uống, cái gì cũng chạy đến đại lý mượn tiền, nay họ không đủ hàng giao cho Công ty thì mình lại phải cho họ mượn cà phê lại thôi,
    + Nay chốt 1 tạ, mai chốt 5 tạ… đến khi đại lý vào chở cà phê chốt bán là 6 tạ, trong kho còn 5 tạ thôi thì cho họ chở nốt đi… và còn nhiều lý do nữa khiển việc gửi cà phê vào đại lý vẫn còn diễn ra dẫu biết rằng việc ký gửi này rất mong manh trong việc lấy tiền.

    Đúng là nông dân vẫn khổ trăm bề.

    1. thegioiphang1

      Xin chào bà con, em là dân ngoài nghề muốn tìm hiểu thêm về phương thức ký gửi cà phê của nông dân. Em đang không biết việc nông dân mình ký gửi cà phê cho đại lý thì có khác với nông dân mang cà ký gửi cho doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH ở những điểm nào?

      Bà con nào biết thì trả lời dùm em với!

      1. tam

        Ký gửi cho đại lý: khả năng mất tình anh em xóm làng cao, thuộc dạng chết cả làng.
        Ký gửi cho công ty thì chỉ một mình gia đình mình ký gửi chết, nó thuộc về chết lẻ.
        Kết luận: bạn muốn chết hết hay chết lẻ. Chết kiểu đoàn kết hay chết riêng lẻ?

Tin đã đăng