Thu phí xuất khẩu cà phê: Đầu xuôi, đuôi chưa lọt

Từ 1-10-2012 sẽ thực hiện thu phí 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu (XK), theo quyết định vừa ban hành của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA). Chủ tịch VIFOCA Lương Văn Tự cho rằng, nếu không thu phí thì Việt Nam sẽ tụt hạng trong xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, đến thời này nhiều doanh nghiệp (DN) XK cà phê vẫn chưa thật sự đồng tình.

Xem chuyên đề: >> Sẽ thu phí xuất khẩu 2USD/tấn cà phê từ tháng 10/2012

Hội đồng quản lý “Quỹ bảo hiểm ngành hàng cà phê Việt Nam” cũng đã thông qua quy chế, kế hoạch dự kiến thu chi của Quỹ niên vụ 2012- 2013 và nguyên tắc chi quỹ: 60% quỹ cho tái canh cây cà phê, 30% hỗ trợ lãi suất tạm trữ, 10% còn lại hỗ trợ xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng. Theo quan điểm của VICOFA, nhiệm vụ quan trọng nhất của quỹ là để hỗ trợ tạo ra các loại giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, hướng dẫn quy trình tái canh.

Như vậy, tất cả DN tham gia xuất khẩu cà phê phải đóng phí vào Quỹ (không chỉ DN hội viên VICOFA). Việc này theo ông Tự nhằm đảm bảo bảo tính công bằng. Mỗi chuyến hàng cà phê khi thông quan sẽ bị thu phí 2 USD/tấn. Trước đây, theo dự thảo cũ việc thu phí chỉ áp dụng đối với hội viên thuộc hiệp hội đã gây tâm lý tỵ nạnh.

Theo đánh giá, thời gian qua các doanh nghiệp chế biến và XK cà phê suy nghĩ vấn đề chưa cặn kẽ. Nhiều doanh nghiệp XK tranh mua tranh bán cà phê tốt nhưng lại không nghĩ đến việc giúp người nông dân tái canh và làm sao giữ được chất lượng hạt cà phê tốt điều đó dẫn đến hệ quả là đối với những tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn như Đắc Lắc cũng chỉ có khoảng 40% diện tích cho năng suất khá, hầu hết diện tích còn lại thường cho năng suất rất thấp, gây thất thu lớn. Nguyên nhân là do đa số diện tích cà phê của tỉnh già cỗi, đều được trồng bằng hạt và giống lại không được chọn lọc.

Một thông tin từ Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đưa ra, để nâng năng suất cà phê lên 2,4 tấn/ha (hiện nay gần 2,1 tấn/ha), ngành cà phê phải đầu tư ít nhất 14.000 tỷ đồng để tái canh gần 180.000ha diện tích cà phê già cỗi, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, điện…

Ông Lương Văn Tự giải thích, Việt Nam hiện có khoảng 137.000ha cà phê (chiếm 27,4% diện tích) cần được tái canh trong 10 năm tới. “Hiện nay vị trí XK cà phê là thứ 2 thế giới, nhưng nếu không tái canh thì vị trí XK sẽ tụt hạng, lúc đó sản lượng cà phê XK cũng chỉ được 50-60% so với bây giờ”. Indonesia do không chú trọng việc tái canh cà phê nên mất vị trí mạnh. Colombia những năm 2005, 2006 từng xuất khẩu 12,5 triệu bao cà phê nhân, nhưng nay cũng chỉ còn khoảng 8 triệu bao. Việt Nam không thể đi theo vết xe đổ này”.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT- TGĐ công ty CP Tập đoàn Intimex – một trong những DN XK cà phê lớn của Việt Nam lại cho rằng, cây cà phê hiện đang phát triển rất tốt. Nói việc thu phí để giúp phần nào hỗ trợ cho việc tái canh cây cà phê cũng đúng. Nhưng thực tế hiện nay, người dân trồng cà phê đang biết cách đầu tư, tái canh cho cây cà phê rất giỏi. Bản thân họ biết đâu là giống cà phê tốt.

Đại diện công ty TNHH nhà nước một thành viên XNK và đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) cũng cho biết, họ chỉ đồng tình đóng phí khi tất cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cùng bị thu. Không thể có chuyện thu doanh nghiệp nội nhưng lại bỏ qua doanh nghiệp ngoại được.

Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp phân tích, hiện nay ngành hàng nào cũng tính đến việc thu phí. Xuất khẩu cần được khuyến khích, do vậy, nếu thu phí sẽ được hiểu ngay là “tận thu”. Quan điểm của Chính phủ bây giờ là giãn sức dân, khoan sức dân. Do vậy, chúng ta không thu những khoản phí mà làm tăng chi phí, gánh nặng cho người dân, DN. Việc thu phí có thể khiến các DN phải đổ phí vào giá mua cà phê thì nông dân là những người sẽ phải chịu thiệt.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng