“Mê hồn trận” phân bón giả

Trung bình mỗi năm, Bộ Công thương xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón.

Chiếm tới 50% chi phí mỗi kỳ sản xuất của nhà nông, tình trạng phân bón giả đang khiến nông dân thất thu hàng tỷ đồng mỗi năm và làm méo mó thị trường cạnh tranh, ảnh hưởng uy tín của các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính. Mặc dù trong năm 2013, các trường hợp kinh doanh phân bón giả có xu hướng giảm khoảng 7% so với cùng kỳ 2012, nhưng số mẫu phân bón kiểm tra không đạt chất lượng vẫn còn ở mức rất cao, khoảng trên 40%. Con số này cho thấy phân bón kém chất lượng vẫn là bài toán nan giải.

me hon tran phan bon gia
“Mê hồn trận” phân bón giả

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang ở mức báo động là nhận định của Bộ Công thương trong hội nghị sản xuất và kinh doanh phân bón mới đây. Hàm lượng chất dinh dưỡng thiếu đến 80% đang ngày càng phổ biến. Con số thống kê của Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng khiến không ít người giật mình: Kết quả kiểm tra, lấy mẫu cho thấy, gần 50% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng hữu cơ, 47% mẫu không đúng về hàm lượng đạm, 33% mẫu không đạt về hàm lượng lân dễ tiêu. Đặc biệt, có tới 41% số mẫu vi phạm cả ba yếu tố NPK.

Trong khi doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín phải tốn không ít tiền của, thời gian và chất xám để đầu tư nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm phân bón đảm bảo tiêu chuẩn, thì hàng giả – với phương pháp thủ công, chỉ cần máy nghiền đất, tro trấu, cuốc xẻng và dụng cụ đóng bao cũng làm được. Bởi vậy, không chỉ được bán với giá rất rẻ, điều kiện trả chậm cũng được các cơ sở này “hết sức tạo điều kiện” cho người mua.

Cũng cần phải nói thêm rằng, chưa có nước nào lại có nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất phân bón như ở nước ta. Theo thống kê của liên Bộ Công thương – Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 doanh nghiệp, đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, số lượng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Thậm chí xuất hiện cả những công ty “sáng nổi, chiều lặn”.

Nguyên nhân, do quy định cấp giấy phép cho một đơn vị sản xuất phân bón quá đơn giản, cộng thêm việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phân bón “nhẹ như lông hồng”; trong khi sản xuất phân bón giả lại siêu lợi nhuận. Một lô hàng làm giả tiêu thụ trót lọt, chủ nhân thu về cả tỷ đồng, còn nếu “không may” bị phát hiện, mức xử phạt tối đa chỉ 40 – 50 triệu đồng, chẳng thấm tháp gì. Chính vì vậy mới xảy ra nghịch lý nhiều doanh nghiệp “xin được phạt” để được làm phân bón giả!

Phòng còn hơn chống – khẩu hiệu này được xem là khá hiệu quả đối với nhiều lĩnh vực, song đối với ngành sản xuất phân bón, việc phòng tránh phân bón giả gần như ngoài tầm với. Hiện nay, trách nhiệm quản lý chất lượng phân bón được giao cho Thanh tra các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Thế nhưng, hoạt động của lực lượng này không mấy hiệu quả. Nhiều đơn vị thanh tra sau khi có kết quả đã không xử lý rốt ráo, không công bố rộng rãi cho dư luận biết.

Về phía người trực tiếp sản xuất là nông dân – nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền đã được triển khai, nhưng vì ham rẻ, vẫn mua phân bón ở những địa chỉ không rõ ràng, hoặc quá tin vào những lời hướng dẫn, giới thiệu của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón nên họ vẫn rơi vào “mê hồn trận” phân bón giả!

Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), trung bình mỗi năm, Cục xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường đã và đang khiến cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Năng suất sụt giảm, thậm chí mất trắng. Số tiền nông dân bị thiệt hại, cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Lập lại trật tự trong kinh doanh, sản xuất phân bón – yêu cầu này đã đến hồi cấp bách nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà sản xuất chân chính cùng bà con nông dân.

>> Mất vợ vì… phân bón giả!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Văn Thành

    Mỗi năm có 300 vụ vi phạm mà không dẫn chứng ra 1 vụ để người tiêu dùng tẩy chay được 1 cái nhọt tuy vẫn còn 299 cái nhọt khác đang còn tiềm ẩn đâu đó .Đúng là , chỉ nói chung chung cho có bài .

  2. giapnguyen

    Tình trạng này là giết chết nền nông nghiệp tương lai. Thực ra thiết lập và quản lí không khó vấn đề là không làm nghiêm.

  3. lê đình luận

    Chúng tôi là người làm cà phê, hồ tiêu. Rất sợ mua và bón phân NPK vì sợ hàng giả, kém chất lượng. Chắc ăn nhất chúng tôi chịu khó trộn; Mua: Đạm phú mỹ + Kaly + Lân Văn điển. Đấu trộn 3 loại lại rồi bón cho cà phê, hồ tiêu là chắc ăn nhất, không sợ bị phân giả, kém chất lượng.

  4. Nông dân cà phê

    Các cơ quan chức năng khi phát hiên phân bón giả thì cứ đưa lên báo chí, tivi…thì bà con cạch đến già hãng phân đó.

    1. Nguyen Kien

      Móc túi nông dân chúng tôi, gây thiệt hại cho nông dân chúng tôi thế mà “nỗ” quá chừng.
      May mà năm này không bón phân này, năm ngoái mua phân cty này 17-7-17+13s bón không tan, kiếp sợ nhưng không biết kêu ai vì mua thiếu.

  5. huy

    Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), trung bình mỗi năm, Cục xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường đã và đang khiến cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

    Một câu hỏi mình đặt ra : Tại sao không thấy 1 cơ quan nào thông báo hoặc đưa lên danh sách những công ty đó nhi? Nếu ng dân biết đc những công ty đó bán sản phẩm kém chất lượng thì tránh ra không mua nữa.

  6. Nguyễn Thiên Hưởng

    Theo mình thấy thì thị trường phân bón hiện nay rất phức tạp. Nhiều loại phân NPK, Hữu cơ vi sinh phà phà tràn lan ra thị trường mà không được xử lý đơn giản vì căn bệnh cơ chế từ xưa tới giờ. Cứ sản xuất rồi lở mà bị lấy mẫu kiểm định thì phong bì
    Với mình thì mua phân nên chọn đại lý uy tín và những dòng phân nhập ngoại nguyên bao. Tuy giá có cao hơn so với phân nội, chính sách ưu đải cũng không bằng như những dòng phân nội, lại còn phải tiền mặt nữa nhưng lại yên tâm hơn vì hàm lượng đầy đủ, hiếm trường hợp phân giả vì phải qua kiểm định khắt khe mới được nhập về Việt Nam.
    Thị trường phân hỗn loạn quá Bà con

  7. Nguyễn Thiên Hưởng

    Theo thông tin chưa công bố của người quen bên Chi cục Bảo vệ Thực vật thì có trên 50% phân bón kém chất lượng trong đợt ra quân kiểm tra mẫu phân trên địa bàn tỉnh ĐắkNong. Tất nhiên vẫn không được công bố vì đã có… dày cộm bên cạnh.
    Bà con nên cẩn thận khi lựa chọn mua phân. Tốt nhất nên chọn mua những phân nhập khẩu nguyên bao vì chất lượng sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87