Tin buồn

Xuất hiện loài “sâu lạ” đục vỏ cây cà phê

Tại nhiều vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đang xuất hiện một loại “sâu lạ”. Loại sâu này ăn quanh vỏ thân cây cà phê tạo thành những đường rãnh sâu đến phần gỗ của cây, thỉnh thoảng cuối mỗi đường rãnh có một lỗ nhỏ ăn sâu vào thân cây. Sau khi bị đục, vỏ cây cà phê bị đứt gãy và có thể bung lớp vỏ khô ra.

Cây cà phê bị rất nhiều vết cắn quanh phần thân

Trao đổi với một số nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, được biết họ cũng vừa nghe người sản xuất cà phê ở huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột phản ánh về tình trạng trên. Điều đáng nói là loại sâu này chỉ xuất hiện trên những vườn cà phê trong thời kỳ kinh doanh, đặc biệt là vườn già cỗi.

Cạo nhẹ lớp vỏ bị đứt gãy sẽ xuất hiện những vết cắn sâu thành rãnh

Hiện tại vẫn chưa biết chính xác đây là loài sâu gì, nguyên nhân xuất phát từ đâu, mức độ gây hại như thế nào… nên chưa thể đưa ra biện pháp điều trị, phòng ngừa cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở mức khuyến cáo người nông dân dùng thuốc Bordeaux (Boóc-đô) hoặc những loại thuốc có gốc đồng, phun vào đầu mùa mưa để phòng trị các bệnh cơ hội tấn công cây cà phê (chẳng hạn như bệnh thối thân).

Thỉnh thoáng ở phần cuối vết cắn có một lỗ ăn sâu vào thân cây

Theo các nhà khoa học, những vết cắn quanh vỏ cây cà phê thu thập được cho thấy khó có khả năng gây chết cây. Tuy nhiên, khi cây cà phê bị tấn công sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển do vỏ thân cây bị tổn thương làm hạn chế quá trình dẫn nước và chất dinh dưỡng đi nuôi cây; ngoài ra, cây phải “dành” một phần dưỡng chất để tập trung chữa lành vết sâu cắn. Điều đáng lo ngại là những vết cắn này sẽ rất dễ trở thành nơi làm ổ và tấn công cây cà phê của các loại sâu, bệnh khác.

Ở các đường rãnh còn để lại một lớp bột màu trắng rất mịn
Vết cắn đã tự lành để lại sẹo trên thân cây cà phê

Hiện tại, người sản xuất cà phê rất lo lắng về loài sâu này và rất mong các nhà khoa học sớm vào cuộc, có kết luận chính thức để người dân biết cách phòng, chống.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Đây có thể Sâu mình trắng của bọ Xén tóc đục thân (hại cà phê) có tên khoa học là Xylotrechus quadripes Chevrolat, thuộc họ Cerambycidae (Xén Tóc), bộ Coleoptera (Cánh Cứng).
    Trứng được đẻ rải rác hay tập trung trong các kẻ nứt của vỏ cây. Vết đục có “hình rặng núi” xung quanh thân cây.
    Cây cà phê trên 1,5 tuổi có thể bị hại, nhưng nặng nhất khi cây từ 3 năm tuổi trở lên. Cây càng già càng bị hại nặng.

  2. Chua Boc

    Với đặc điểm trên, có thể do ấu trùng sâu đục thân mình trắng (xén tóc) gây hại. Sau đây là một số đặc điểm của loài sâu này:
    – Nguyên nhân: Sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes) (họ xén tóc – Cerambycidae, bộ cánh cứng – Coleoptera).
    – Đặc điểm gây hại: Trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của vỏ thân rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nở, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Khi sắp chuyển thành nhộng, sâu đục ra phía gần vỏ, cho tới khi vỏ sắp thủng thì dừng lại. Sâu lột nhộng ở gần vỏ.
    – Triệu chứng gây hại:
    + Toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc nhiều chồi thân.
    + Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm. Cây dễ bị gãy gục tại chỗ bị sâu đục.
    + Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non màu trắng ngà, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt.
    – Quy luật phát sinh phát triển: Sâu đục thân mình trắng phát triển quanh năm nhưng có 2 đợt chính vào tháng 4, 5 và 10, 11. Trưởng thành ưa đẻ trứng vào những cây ít cành, thưa lá. Chúng hoạt động mạnh khi nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều.
    – Vòng đời của sâu đục thân: Trứng: 15-32 ngày -> Sâu non: 60-120 ngày -> Nhộng: 30-35 ngày -> Trưởng thành: 25-30 ngày. Trường thành thường vũ hóa tháng 3,4 và 8,9 trong năm.

  3. tieu mai

    Hiện tượng này tôi đã gặp vài cây trong vườn nhà và chỉ có ở vườn cây già, cà tơ cũng có nhưng hiếm gặp.
    Con sâu mình trắng nói trên, khi nó lột xác chính là con xén tóc. Con này thường ở cành khô sau đó ăn vô cành tươi chứ không ăn thân, chứ chưa hẳn là con sâu trắng này gây nên đâu.

  4. Đakkan

    Hình như hai bác nhầm loại sâu này là sâu đục thân thì phải? Theo tôi đây không phải là sâu đục thân, loại này đã có ở xã eatar cách đây mấy năm rồi. Hầu như ở cây cà đã già và những cây bị ăn vỏ không bị héo phần phía trên chỗ sâu ăn hoặc chết như các bác nói, mà cây nhanh cỗi năng suất rất kém. Ngoài ra bên cạnh những chỗ bị sâu ăn xuất hiện những vết bong vỏ dọc thân cây mà mọi người gọi là nổ thân, từ đó lan rộng ăn vào gỗ giống bị mục, những vườn bị bệnh này hầu như phải nhổ bỏ không thể để được.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85