Giá cà phê gặp hạn (ngày 30/03/2013)

Chỉ qua hai tuần, giá kỳ hạn cà phê robusta đánh mất gần 150 đô la Mỹ/tấn. Thị trường cà phê nhân xô nội địa chia tay đỉnh cao kỷ lục của niên vụ 2012-13 ở mức 46.000 đồng lập được mươi ngày trước đây, để về nằm dưới vạch 43.500 đồng/kg.

Tin hạn hán được loan đi khắp nơi, nhưng hình như vẫn chưa đủ sức thuyết phục thị trường. Hay là giá xuống xuất phát từ một lý do khác?

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tuần qua (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tuần qua (tác giả tổng hợp)

Giá cà phê trượt dài

Từ mấy tuần nay, hầu như báo đài trong và ngoài nước đều đưa tin hạn hán tại các vùng trồng cà phê. Vừa qua, một quan chức trong Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) mạnh tiếng báo động rằng nếu đến tháng 6-2013 không mưa, “khả năng chất lượng hạt cà phê sẽ giảm trong vụ tới”.

Song, thị trường cứ ngoảnh mặt, giá trên sàn kỳ hạn và tại thị trường nội địa càng lúc càng trượt dài. Kết thúc tuần trước, giá kỳ hạn robusta sàn Liffe NYSE tại London giảm 53 đô la/tấn. Đến phiên giao dịch cuối tuần này, sàn này lại đánh mất thêm 88 đô la/tấn nữa, vị chi chỉ trong 2 tuần, giá kỳ hạn robusta giảm 141 đô la/tấn.

Mấy ngày này, nhiều nước phương Tây đang vào mùa nghỉ những ngày lễ Thánh và Phục sinh, sàn kỳ hạn không hoạt động vào ngày thứ Sáu 29-3, nên giá đóng cửa được chốt vào khuya thứ Năm 28-3 tức rạng sáng nay thứ Sáu giờ Việt Nam. Giá kỳ hạn tháng 5-2013, tháng giao dịch chính nay chỉ ở mức 2.051 đô la so với cuối tuần trước là 2.139 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).

Người còn hàng chưa bán tại thị trường nội địa phải một phen “lỡ đò” khi không bán ở mức 45.500-46.000 đồng/kg, là các mức cao kỷ lục trong 6 tháng gần đây. Nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ quanh mức 43.500 đồng, thậm chí có nơi trả thấp hơn mức ấy vài trăm đồng. Ở mức này, thị trường đang tạm thời yên ắng vì nhiều người còn hàng vẫn tin vào mức giá cao sẽ trở lại đồng thời thị trường xuất khẩu khá lắng dịu do các nước nhập khẩu lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ nghỉ lễ.

Con số xuất khẩu lớn bất ngờ

Một đánh giá khác từ Vicofa cho rằng niên vụ 2012-13 này, cũng do hạn hán, sản lượng có thể giảm 30-35%, ở chừng mức 1,2 triệu tấn. Nhưng thị trường đã không khỏi sửng sốt khi Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê tháng 3-2013 nước ta đạt 190.000 tấn, đưa tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu niên vụ này lên mức 896.000 tấn, tăng 130.000 tấn so với cùng kỳ cách đây một năm, là 766.000 tấn. Trong khi đó, Trung tâm Tin học và Thống kê thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ ước lượng xuất khẩu tháng 3-2013 ở mức 128.000 tấn.

Hai con số của hai đơn vị ước lượng chênh nhau đến trên 60.000 tấn. Song, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM cho rằng các con số ấy khá hợp lý vì có thể Tổng cục Thống kê tính luôn hàng xuất bán đưa vào kho ngoại quan (sold & unshipped) còn số của cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT chỉ tính hàng xuống tàu giao FOB (shipped).

“Thực tế, con số xuất qua lan can tàu có thể lớn hơn 128.000 tấn do (1) nhiều đơn vị giải quyết hàng xuất khẩu tồn đọng từ trước và sau Tết nguyên đán; (2) lượng bán mới xuất đi ngay nhiều nhờ giá cao trước đây; (3) áp lực giao hàng sớm để tránh đợt tăng giá cước tàu vào giữa tháng 3-2013”, vị chuyên gia giải thích.

Dù chấp nhận bất kỳ con số nào, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm với mức 850.000-900.000 tấn vẫn rất cao, tức từ 140.000-150.000 tấn/tháng, đi ngược lại thông tin hạn hán xảy ra trong niên vụ trước do Vicofa đưa ra. Trên thị trường tài chính, ta thường gặp các phản ứng hết sức nhanh và tức thời khi có một tin nào gây ảnh hưởng (tốt hay xấu) về giá; nhưng sau đó, sẽ có những “phản đòn” mà thị trường phải hứng chịu. Trong trường hợp này, thị trường phản đòn một cách tiêu cực khi thấy lượng xuất khẩu quá lớn, khác với tin đồn trước đây về hạn hán. Đó là cái mà trong kinh doanh hàng hóa người ta thường nói với nhau “mua tin đồn, bán thực tế” (buy rumors, sell facts).

Hàng giấy quậy hàng thực

Cứ cho hạn hán hiện nay là có thực, thì tin này chỉ được xếp sau các rối ren trên thị trường tài chính xảy ra trong những ngày qua, kích đầu cơ xả hàng giấy đổi lấy an toàn để đi nghỉ lễ.

chi so usd
Biểu đồ 2: Chỉ số đồng đô la Mỹ (USDX) tăng thời gian qua

Vụ gây hoang mang nhất trong tuần là chính quyền đảo quốc Cyprus, cũng chính là thiên đường tài chính, nơi mới đây đã tạo mọi điều kiện dễ dàng cho các quỹ đầu cơ và hãng kinh doanh hàng hóa lớn, trong đó có cà phê, đã quyết định giải thể một trong hai ngân hàng lớn nhất của họ, đồng thời, áp đặt thuế mức cao từ 40-45% lên những tài khoản có số dư trên 100.000 euro. Cùng lúc đó, đã một tháng sau khi có kết quả bầu nghị viện, Italia vẫn chưa thành lập được chính phủ.

Các nước eurozone trở nên lo lắng và lộn xộn. Đồng euro mất giá. Đồng đô la Mỹ lên ngôi. Chỉ số đồng đô la Mỹ mới ở quanh mức 79 điểm nay trên mức 83 điểm (xin xem biểu đồ 2). Đồng đô la tăng, trở nên mắc hơn, buộc các nhà đầu cơ phải bán thanh lý để giữ vị thế kinh doanh của mình trên các sàn hàng hóa. Mặt khác, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng, các chỉ số Dow và S&P 500 trong tuần qua lại vượt qua các mức cao kỷ lục mới. Dòng tiền đầu tư ưu tiên đổ về thị trường cổ phiếu Mỹ bằng cách bán tháo trên các thị trường hàng hóa, trong đó có cà phê.

Trên sàn kỳ hạn, nhà đầu tư có quyền mua hay bán khống để đầu cơ cho giá lên hay giá xuống theo ý mình. Đối với sàn kỳ hạn robusta, “họa vô đơn chí” vì tính đến tuần trước, đầu cơ mua khống (ròng) một lượng hàng giấy rất lớn, trên 35.173 lô so với mức cao kỷ lục là 38.071 lô (10 tấn/lô).

Vừa bị hối thức từ thị trường hối đoái, thị trường cổ phiếu, gặp phải đang giữ vị thế mua ròng quá lớn, đầu cơ trên sàn robusta buộc phải bán tháo, gây nên cảnh giá xuống liên hồi chưa biết lúc nào ngưng.

Thị trường hàng thực (physicals) là thị trường mua bán trao đổi với nhau giữa hàng với hàng, giữa hàng với tiền, còn thị trường “hàng giấy” (paper market) chỉ kinh doanh mua bán trên sàn kỳ hạn, thường người tham gia không muốn giao nhận hàng mà chỉ thanh lý với nhau bằng các vị thế mua và bán hay ngược lại, thông qua hệ thống thanh lý của sàn.

>> Thị trường cà phê: 3 mốc lịch sử đáng nhớ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tân Hưng

    Ý của tác giả: thường người tham gia không muốn giao nhận hàng mà chỉ thanh lý với nhau bằng các vị thế mua và bán hay ngược lại, thông qua hệ thống thanh lý của sàn.
    Do đó chúng ta cần quan tâm hơn đến số lượng XK, giá FOB nhiều hơn vì nó tác động trực tiếp.
    Nhưng vậy thì chúng ta quan tâm đến tồn kho London, con số tồn kho tăng giảm thì có ý nghĩa gì? Làm sao để phân biệt số hàng thực với hàng giấy qua 1 phiên giao dịch?

    1. yennguyen

      Hàng thực là hàng được đưa ra cảng và lên tàu, hàng thật khó mua khó bán hơn hàng giấy vì nó còn chất lượng, giá trừ lùi hợp đồng. Muốn biết hàng thật giao dịch bao nhiêu chỉ có thể xem ở báo cáo Tổng cục Hải quan và thông báo hàng tồn kho. Còn giao dịch trên sàn giao dịch nó chỉ phản ánh 1 phần giao dịch hàng thật của những nhà kinh doanh mức trừ lùi. Tức là hôm nay tôi mua dc 10 tấn cà phê hạt tôi sẽ bán 1 slot trên sàn giao dịch. Thời điểm tôi mua là trừ lùi 100$ đến thời kỳ tôi bán giá sẽ + 40$. Khi đó tất toán trạng thái tôi sẽ được 1.400$/10 tấn. Vì thế hàng thật người mua chỉ quan tâm đến mức trừ lùi thôi. Còn giá lên hay xuống là cuộc chiến giữa nông dân và 1 đàn cá mập.

  2. phanhuong

    sao cà phê xuống quá vây ta, nhà còn ít tính bán mà giá ngày càng xuống không biết có lên lại nữa không. bà con giúp tôi với

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88