Doanh nghiệp cà phê biến mất: Lộ thủ đoạn chiếm đoạt thuế tinh vi

Sau khi kê khai doanh số hàng nghìn tỉ đồng, 8 doanh nghiệp kinh doanh (DN) cà phê ở thị xã Buôn Hồ đã đồng loạt… biến mất. Từ các thông tin do cơ quan thuế thu thập được, thủ đoạn chiếm đoạt thuế GTGT của các DN này đã dần hé lộ.

Xem thêm: >> Kinh doanh cà phê: Mua cao, bán thấp để … chiếm đoạt thuế

Thủ đoạn này có thể liên quan đến hàng chục DN tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực Đông Nam Bộ với danh nghĩa đơn vị “bán hàng”.

Đường đi của hóa đơn

Như đã phản ánh trong bài viết trước, 8 DN ở thị xã Buôn Hồ mới được thành lập đầu năm 2012, đến cuối năm thì biến mất. Theo Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ, cả 8 chủ DN đều đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hải Dương. Họ chỉ thuê nhà dân tại Buôn Hồ làm địa chỉ kinh doanh, có trường hợp khai man địa chỉ, sử dụng giấy CMND giả để đăng ký kinh doanh. Các DN này đều không có kho hàng, không thuê mướn lao động, chỉ có một kế toán khai báo thuế. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, 4/8 DN đã kê khai doanh số lên đến hơn 2.288,1 tỉ đồng.

Theo ông Phạm Thái Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ – thì căn cứ hồ sơ khai thuế, các DN này không chiếm đoạt thuế GTGT tại địa phương. Vì với doanh số trên, thuế GTGT đầu vào là 114,649 tỉ đồng (đã trả cho đơn vị bán hàng), thuế GTGT đầu ra là 114,710 tỉ đồng (đã thu của đơn vị mua hàng). Số thuế phát sinh mà các DN này phải nộp (thuế đầu ra trừ thuế đầu vào) là 61 triệu đồng, họ đã nộp đầy đủ thông qua ngân hàng.

Điều bất thường là các DN này mới thành lập nhưng phát sinh doanh số quá lớn, thuế GTGT phải nộp lại không đáng kể, đặc biệt là theo hồ sơ khai thuế thì hoạt động mua bán không phát sinh tại Buôn Hồ. Các DN này khai mua nông sản của các DN ở Bình Phước, Đồng Nai, TPHCM (sau đây gọi là DN bán) và bán lại cho các DN ở Đắc Lắk, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Thanh Hóa… (gọi là DN mua).

Xác minh của Chi cục Thuế huyện Bù Đăng (Bình Phước), huyện Hóc Môn và quận Tân Phú (TPHCM) cho thấy, sau khi xuất hóa đơn thì các DN bán đã bỏ trốn, không nộp thuế GTGT cho Nhà nước. Một số DN nhận hóa đơn đã hợp thức hóa chứng từ đầu vào, được khấu trừ thuế với tổng số tiền 63,184 tỉ đồng (mới chỉ 3 quận, huyện trên). Như vậy có thể các DN bán chỉ xuất hóa đơn khống, còn các DN ở Buôn Hồ dùng hóa đơn khống để làm gì?

Chiếm đoạt thuế ở khâu nào?

Trong một diễn biến khác, ngày 11.1, Cục Thuế tỉnh Đắc Lắk có văn bản gửi các chi cục thuế, các cơ sở kinh doanh cà phê trong tỉnh cảnh báo một số thủ đoạn gian lận thuế. Cục Thuế tỉnh cho rằng “điểm mới của loại tội phạm này là hoạt động mua bán cà phê – nông sản phần lớn là có thật (xác minh tại Đắc Lắk). Để mua được cà phê – nông sản, các DN trên (Buôn Hồ – NV) đã đẩy giá mua vào cao hơn giá giao dịch trên thị trường”.

Điều này được hiểu là các DN ở Buôn Hồ đã mua một số lượng lớn cà phê tại địa phương với giá rất cao, nhưng không có chứng từ, sau đó sử dụng hóa đơn khống của các DN tỉnh ngoài để hợp thức hóa đầu vào.

Như vậy cà phê sản xuất tại Buôn Hồ đã được “phù phép” thành cà phê có xuất xứ từ các tỉnh Đông Nam Bộ để trốn thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, với lý do đã trả tiền thuế GTGT cho các DN bán ở Đông Nam Bộ (cộng 5% vào giá mua) nên các DN ở Buôn Hồ được cơ quan thuế địa phương khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Hậu quả là các DN bán khống ở Đông Nam Bộ không nộp thuế GTGT, nhưng các đơn vị mua hàng thật của các DN ở Buôn Hồ lại được Nhà nước khấu trừ, hoàn thuế GTGT trong quá trình luân chuyển hàng hóa vì… có hóa đơn.

Cơ quan thuế cũng nhận định, hoạt động của các DN ở Buôn Hồ và các DN bán khống ở Đông Nam Bộ là có tổ chức, tức các DN Buôn Hồ cũng được chia chác số tiền thuế. Cũng do vậy, các DN này mua vào giá cao, bán ra giá thấp mà vẫn lãi to. Hiện ngành thuế Đắc Lắk đang cảnh báo các thủ đoạn trên, cơ quan công an cũng đã vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Nhiều cơ sở kinh doanh tiếp tay cho các công ty trên

Các DN trên đã đẩy giá mua vào cao hơn giá giao dịch trên thị trường. Vì một chút lợi ích trước mắt, một số cơ sở kinh doanh trong tỉnh đã mua gom hàng sau đó vận chuyển về nơi tiêu thụ theo thỏa thuận của bên bán (không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp).

Việc làm trên của các cơ sở kinh doanh cà phê – nông sản trong tỉnh dù vô tình hay cố ý cũng đã tiếp tay làm mất hàng trăm tỉ đồng tiền thuế GTGT của địa phương và giúp các doanh nghiệp trên thực hiện hành vi tội phạm chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước… (trích công văn số 52/CT- TTr, ngày 11.1 của Cục Thuế tỉnh Đắc Lắk).

Liên quan:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. mạnh hùng

    Là một người làm ra hạt cà phê cũng như một người có món hàng trong tay để bán và dĩ nhiên ai mua cao hơn thì tui sẽ bán cho người đó. Muốn gì thì muốn nhưng cũng phải vì lợi ích của tui trước đã.

  2. ho vuong

    Quá tức cười !
    Quanh đi quảnh lại thành phần tiêu cực (doanh nghiệp, hành pháp…) luôn được.
    Còn ai đúng thì thiệt thòi, không phải đưa ra làm gì.

  3. công tum agri

    Bỏ cái việc thu thuế VAT nông sản nội địa đi là ok, vì thường thu đâu chả thấy, lâu lâu bọn DN chộp giật nó làm cho nhát vài chục tỷ/1 chi cục thì cũng huề…

  4. PhạmHung

    Tội phạm trong làng cafe giờ đây không lừa được các bạn hàng của nhau mà chúng tập trung vào đối tượng là Nhà nước, bằng cách bán hóa đơn GTGT để nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT với hình thức thành lập doanh nghiệp mới và nợ tiền thuế, sau đó ôm tiền thuế GTGT từ các Doanh nghiệp mua hóa đơn đã trả tiền thuế GTGT bỏ trốn. Đây là một loại tội phạm có tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, ngành tư pháp phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời loại tội phạm này, phải truy tố bọn chúng trước pháp luật.

  5. Cà Phê Đắng

    Suy cho cùng thì người dân vẫn được hưởng lợi từ việc trốn thuế, vì các doanh nghiệp này lại cộng vào giá mua cho dân. Còn hơn là các công ty của nhà nước làm thất thoát nhiều nghìn tỷ rồi lại được tái cơ cấu.

  6. Mê Cà Phê

    Hèng gì cà phê mua bán thực ngoài thị trường vẫn cao hơn cả giá xuất khẩu. Vậy các công ty xuất khẩu nào mua được hàng giá thấp chứng tỏ cũng là tiếp tay cho bọn trốn thuế. Vậy thì Cà Phê Đắng nói chưa đủ vì trong vụ trốn thuế này thằng bỏ trốn ẵm nhiều nhất – nông dân – rồi đến doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ thiệt cho nhà nước và những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì coi chừng bị phá sản hoặc đóng cửa.
    Tình thế này cứ cho các doanh nghiệp nội làm ăn nghiêm túc dùng tiền thuế để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại rồi cho các doanh nghiệp nội nợ thuế vẫn hơn là để bọn ôm tiền thuế biến mất.

  7. Nông dân cà phê

    Tôi rất hoan nghênh các DN ma này, từ vụ này mà chỉ ra điểm yếu kém của bộ tài chính, yếu kém của bộ máy quản lý thuế, chỉ vì lợi ích cá nhân (?) mà làm thất thu tiền tỷ của nhà nước, của nhân dân. Cứ đưa thuế về 0% thì làm gì có chuyện này.

    1. nông dân cà phê

      Tôi nói lợi ích cá nhân ở đây có nghĩa là Các ông “quan” ở các tỉnh có cà phê muốn đạt chỉ tiêu thu thuế để mong được thăng quan tiến chức… nên mới yêu cầu Bộ tài chính áp đặt thuế GTGT của cà phê là 5%, mà nhà nước lại muốn hỗ trợ mặt hàng sản cà phê nên phải hoàn lại phần thuế 5% này cho các DN xuất khẩu cà phê. Chính từ đây mới xảy ra chuyện lằng nhằng như vầy, còn nếu thuế GTGT của cà phê là 0% từ đầu đến cuối thì làm gì xuất hiện DN ma lừa đảo này.

  8. dak lak

    Gửi bạn @Mê Cà Phê.
    Bạn hãy giải thích ở đây doanh nghiệp nội là DN nào? các DN vừa trốn thuế cũng là DN nội đó thôi.
    Điều tôi bức xúc nhất ở đây là việc cấp giấy chứng nhận DKKD của Sở KHĐT, cấp phép ko chịu khảo sát rồi để những DN làm ăn chân chính chịu thiệt.
    Chưa hết đâu. Vẫn còn Cty tại xã Tân Tiến, huyện Krông Păk đang mua cao hơn giá niêm yết của Cty 2/9 1.200đ/kg kìa. Trong khi hàng nó mua xong nhập về cho Cty 2/9. Cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp để làm rõ cho dân nhờ.

  9. Trần Ninh

    Tôi cho rằng: trốn thuế nói trên chẳng có gì là tinh vi, do quản lý chưa tốt mà thôi. Chắc gì cách trốn thuế này chỉ có ở buôn bán cà phê mà đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác. Với người nông dân sản xuất cà phê chỉ mong giá bán hợp lý: đủ bù đắp chi phí bình quân và có lợi nhuận siêu ngạch.

  10. huunhi

    Doanh nghiệp cà phê biến mất: Lộ thủ đoạn chiếm đoạt thuế tinh vi.
    Các DN này họ mới có tài thực đấy, qua những vụ việc trên chúng ta thấy họ đã dạy cho các cơ quan, ngành chức năng (Thuế, Hải quan, Công an có cả sở KHĐT nữa) một bài học muôn đời “Các anh mãi mãi vẫn là người đến sau”. Khi các DN ma này đã chiếm đoạt một cơ số tiền và đã cao chạy xa bay không có tung tích, cơ sở nào để truy tìm, lúc đó cơ quan thuế mới phát hiện ra thủ đoạn của chúng ? Cho thấy các anh giỏi quá, chỉ ăn vẹn cối xay nhỏ lẻ chứ ra môi trường lớn các anh không đủ tài để kiểm soát và quản lý họ rồi.

  11. ndtrong

    Cơ quan thuế cần xác minh gấp các hóa đơn mua vào, bán ra của các đơn vị kinh doanh nông sản.
    Lấy kết quả xác minh (để biết cơ sở nào vi phạm) làm căn cứ xử phạt nghiêm các đơn vị tiếp tay cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh để chiếm đoạt tiền thuế, thậm chí có thể truy tố nếu sai phạm lớn. Có như vậy mới làm gương cho các đơn vị còn lại!

  12. Tommy Nguyen

    Về vấn đề thuế là vấn đề muôn thuở, ở các tỉnh miền núi trình độ cán bộ thuế rất yếu cộng thêm quản lý lỏng lẻo nên những việc lập doanh nghiệp ma để chiếm đoạt tiền thuế nhà nước là chuyện dĩ nhiên. Ngay cả ở những TP lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng gặp nên biện pháp tốt nhất là nâng cao trình độ của nhân viên thuế và việc quản lý doanh nghiệp của các cơ quan chính quyền.
    Ở VN mình thì quản không được sẽ cấm nên nhiều người làm ăn chân chính sẽ bị thiệt và mỗi năm cứ đến mùa thì lại có chuyện để lên báo, và cứ lặp đi lặp lại thôi.

  13. Hằng Nguyễn

    Hệ lụy của việc ban hành và quản lý. Hàng hoá ưu tiên xk nhưng lại muốn thu thuế. Thu thì không được đến khi hoàn thuế thì không cho. Thiệt hại cuả việc rớt giá thê thảm hoặc bán kg ai mua thì nông dân hoặc DN làm ăn chân chính thiệt hại nặng. Rối lại càng rối, kg biết khi nào mới gỡ được đây.
    Mong được tháo gỡ sớm để giải thoát cho ngành cà phê.
    (Sau cà phê sẽ đến mặt hàng nào làm “chuột bạch” tiếp theo đây)

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85