Tin buồn

Ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam – Một hướng đi cần thiết

Trên thế giới, công nghệ sinh học trong nông nghiệp có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách tăng năng suất và an ninh lương thực, giảm chi phí đầu vào và giúp xoá đói giảm nghèo và suy dinh dưỡng.

Giống bắp biến đổi gen
Giống bắp biến đổi gen. Ảnh minh họa: Sciencedaily

Năm 2011, trên thế giới có 9% tổng diện tích đất trồng sử dụng cây trồng công nghệ sinh học, trong đó 2/3 là ở các quốc gia đang phát triển. Hoa Kỳ với gần 70 triệu ha trồng đậu nành, bắp, bông vải, cải dầu, củ cải đường, cỏ linh lăng, đu đủ, bí đao, Brazil có 30 triệu ha và Argentina có 24 triệu ha trồng đậu nành, bắp, bông vải. Riêng Paraguay, Trung Quốc, Canada và Ấn Độ sử dụng tổng cộng 28 triệu ha để trồng cây biến đổi gen. 14 năm qua, sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen được nghiên cứu và chưa thấy có bất kỳ sự cố nào đến sức khoẻ con người.

Điều này cho thấy, các quốc gia đi đầu và ứng dụng cây trồng biến đổi gen đã thu lợi lớn so với nhiều quốc gia khác. Vì vậy, dù còn những băn khoăn về tác hại của sản phẩm biến đổi gen, quan niệm phải gắn nhãn cho sản phẩm biến đổi gen… việc sử dụng công nghệ sinh học ở nước ta là một hướng đi cần thiết và cần có lộ trình, ông Nguyễn Trí Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục trồng trọt khẳng định: “Việt Nam chúng ta muốn tiến nhanh, tiến kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới thì chúng ta phải nhanh chóng áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới người ta đã làm, đang làm để nhanh chóng đưa những tiến bộ kỹ thuật này vào sản xuất là rất cần thiết và tôi khẳng định là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta quyết tâm nhưng phải có lộ trình những bước đi của chúng ta phải được đánh giá rủi ro, phải được giám sát một cách chặt chẽ, nhưng tôi cũng nhất trí rất cần sự bản lĩnh của các nhà quản lý và của các nhà khoa học trước những vấn đề khoa học mới của thế giới”.

Ứng dụng công nghệ sinh học không biến đổi gen trong nông nghiệp ở nước ta đã được triển khai nhiều năm qua. Ví dụ như Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM, từ đầu năm 2012 đến nay, đã nhân giống được 22.700 cây và cung cấp cho nhà vườn khoảng 11.700 cây con các loại. Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục thực hiện các đề tài về kit Elisa phát hiện virus gây bệnh trên hoa lan, chuyển gen tạo rễ tóc sâm Ngọc Linh, vaccin ngừa bệnh cho cá tra, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm interferon alpha 2b, tạo phôi và cấy phôi bò sữa, tạo bộ kit phát hiện và định type virus gây bệnh cho gia súc, nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ một số bệnh trên rau, nghiên cứu sản xuất cồn sinh học… Về hiệu quả của ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Công nghệ sinh học đa dạng, trước đây mình sử dụng chủ yếu các chế phẩm sinh học để giải quyết như thuốc trừ sâu rồi cho chăn nuôi, mà quan trọng nhất là cho canh tác rau quả, ví dụ thuốc trừ sâu sinh học thì mình không phải áp dụng các thuốc hoá học nhưng nó có hiệu quả lâu dài, hôm rồi có bắp chuyển gen làm thử nghiệm ở trại Hưng Lộc, nếu cho áp dụng sớm sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề sâu bệnh và bảo vệ tốt sản lượng, đồng thời xa hơn nữa là giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi”.

Đối với những quốc gia chưa sử dụng cây trồng biến đổi gen trong sản xuất nhưng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen đã được sử dụng gián tiếp cho người thông qua chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc tiêu dùng trực tiếp. 32 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nhập khẩu sản phẩm bắp, khô đậu nành biến đổi gen của Mỹ, Argentina, Brazil… Nguyên nhân nước ta phải nhập khẩu mỗi năm 1 triệu tấn bắp và gần 2 triệu tấn đậu nành để chăn nuôi là do năng suất cây trồng thấp. Hiện năng suất bắp bình quân ở Việt Nam chỉ hơn 4 tấn/ha, thấp hơn 2 lần so với năng suất bắp tại Hoa Kỳ. Nếu nâng năng suất bắp lên 5 tấn/ha thì nước ta không phải nhập khẩu bắp cho chăn nuôi và nếu năng suất tăng cao hơn, triển vọng cho xuất khẩu là rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ sinh học sẽ có lợi nhiều hơn hại, Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết: “Nếu chúng ta không đi vào cuộc cách mạng xanh lần thứ hai thì chúng ta sẽ khó khăn vô cùng, dân số tiếp tục tăng, Việt Nam mình mỗi năm tăng 1 triệu dân và đất nông nghiệp ngày càng giảm đi, đất lúa chắc chắn giảm còn 3,8 triệu, nếu chúng ta không có một giải pháp nào hết, thì biến đổi khí hậu toàn cầu khô hạn thiếu nước và nhiệt độ nóng lên sẽ làm cây không thụ phấn được, nên bị lép thì tất cả những điều đó chỉ bằng con đường là một cuộc cách mạng xanh lần thứ hai, đó là chúng ta ứng dụng công nghệ sinh học này để chúng ta có được những giống chống chịu được những điều như vậy, và những giống đó thì chúng ta không phải dùng thuốc hoá học nhiều, không bón phân đạm phân hoá học nhiều và chúng ta bảo vệ được môi trường và chúng ta bảo vệ được một hệ thống mà người ta gọi là hệ thống sinh học thì lợi sẽ nhiều hơn hại”.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 cũng xác định, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 đưa cây bắp, đậu nành, bông vải biến đổi gen vào sản xuất và đến năm 2020 diện tích trồng các giống cây biến đổi gen chiếm khoảng 30% đến 50% diện tích gieo trồng.

Một số giống cây bắp biến đổi gen của công ty Sygenta, Dekalb đã được khảo nghiệm và đưa vào làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Những thủ tục quy trình cho phép một giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất đại trà phải thông qua một hội đồng cấp quốc gia, Tiến sĩ Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM cho biết: “Sau Hội đồng khoa học của Bộ nông nghiệp đánh giá kết quả khảo nghiệm đồng ruộng rồi thì đơn vị có sản phẩm chuyển gen muốn được phép thì họ phải đưa những kết quả nghiên cứu khác tương tự ở các nước có điều kiện tương tự để bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ và họ trình cho Hội đồng an toàn sinh học cấp quốc gia là Bộ Tài nguyên môi trường tổ chức và khi Bộ tài nguyên môi trường nói giống A, giống B, giống C này đảm bảo an toàn sinh học, không có vấn đề rủi ro đối với môi trường và sinh thái cũng như con người thì người ta mới cho phép. Điều đó còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá của Hội đồng an toàn sinh học cấp quốc gia nhanh hay chậm, hiện nay, tôi nghĩ rằng phía các bộ – ngành đang rất tích cực”.

Một số nghiên cứu sử dụng sản phẩm từ cây trồng có gắn gen kháng sâu và tính an toàn thực phẩm, đã kết luận, đến nay chưa phát hiện yếu tố độc hại đến sức khoẻ con người khi ăn phải độc tố này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình – Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM cho biết: “Protein chỉ dính lên trên ruột sâu với những con sâu đặc biệt và có những receptor nhất định, còn đối với các động vật khác thì chưa thấy hiện tượng gì là protein này dính lên ruột, do vậy, độc tố quan trọng nhất gây ra ngộ độc thực phẩm là do thuốc trừ sâu”.

Theo Giáo sư Paulo, Đại học liên bang Pernambuco, Brazil, trong nhiều năm qua, Chính phủ Brazil đã thực hiện phân tích, đánh giá các nguy cơ an toàn sinh học của cây trồng vật nuôi biến đổi gen trước khi đưa vào ứng dụng. Đến nay, Brazil là quốc gia đứng thứ hai sau Hoa Kỳ về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Những lợi ích về môi trường, xã hội thông qua công nghệ sinh học của nền nông nghiệp Brazil là giảm gần 3 triệu tấn CO2, tiết kiệm 1,1 tỷ lít nhiên liệu, không sử dụng 120.000 hoạt chất thuốc trừ sâu, tiết kiệm 130 tỷ mét khối nước tưới… Vì vậy, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ sinh học cây biến đổi gen vào sản xuất sẽ góp phần phát triển nền kinh tế nói chung và gia tăng giá trị nông nghiệp nói riêng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Nhân loại đang bước vào nền “kinh tế tri thức” trong một “thế giới phẳng”. VN sẽ không là ngoại lệ nếu không muốn tụt hậu, trong đó CÔNG NGHỆ THÔNG TIN và CÔNG NGHỆ SINH HỌC là một trong những yếu tố căn bản làm nên hiệu quả của nên kinh tế tri thức. Mong sao người nông dân chúng ta được hưởng lợi từ sự phát triển của 2 ngành này.
    Trước mắt chúng ta đã và đang được hưởng lợi của CÔNG NGHỆ THÔNG TIN khi ngồi trước màn hình để tìm hiểu, giao lưu và thu nhận thông tin phục vụ cho công việc. Còn CÔNG NGHỆ SINH HỌC mong nhà nước ngày càng áp dụng có hiệu quả vào lĩnh vực nông nghiệp và y học, để chúng ta cũng được chung hưởng những thành quả này của nhân loại. Mong thay!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82