Giá cà phê kỳ hạn đổ nhào, nội địa vươn cao

Tuần qua, giá cà phê robusta London rớt nhưng giá nội địa vững, không giảm. Không nhất thiết mối quan hệ giữa giá niêm yết và giá tại nước xuất khẩu bao giờ cũng phải dựa vào cung-cầu và cùng chiều để giải thích thị trường.

Giá cà phê Robusta kỳ hạn
Biểu đồ 1: Giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE tuần qua

Giá kỳ hạn rớt – giá nội địa vững

Từ lâu, giới tài chính đã sử dụng các thị trường kỳ hạn hàng hóa để làm công cụ cân đối và chu chuyển vốn cho họ. Nên, mỗi lần họ tấp vốn vào mặt hàng nào, cơ hội giá tăng là chắc; một khi rút vốn ra, giá mười mươi giảm. Trong thời gian gần đây, hình như có một sự “đổi chác”. Sau khi đổ tiền vào mua khống hàng giấy mạnh trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE, có khi lượng mua ròng đạt trên 400.000 tấn, thì nay họ đang xả dần bằng cách bán ra. Trong khi đó, họ lại chuyển tiền qua mua các lọai khác như vàng và dầu thô. Dầu thô mới ở mức trên 80 đô la Mỹ/thùng thì nay 96 đô la/thùng.

Tuần qua, sau khi bán bớt ước chừng 7.000-10.000 hợp đồng mua khống hàng giấy (hay “lot”=lô với 10 tấn/lô), giá sàn kỳ hạn robusta NYSE London giảm thêm 45 đô la Mỹ cơ sở giao dịch táng 9-2012. Như vậy, chỉ trong vòng vài tuần, giá sàn kỳ hạn robusta mất trên 200 đô la Mỹ/tấn, từ trên 2.250 đô la nay chỉ còn 2.018 đô la/tấn khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, tức rạng sáng nay thứ bảy 25-8-2012 giờ Việt Nam (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Hiện nay, đầu cơ tài chính còn “neo” ước chừng quanh 30.000 hợp đồng mua khống trên sàn robusta London. Ngược lại, tại sàn giao dịch arabica Ice New York, đầu cơ đang bán khống nên giá bị “chì chiết” lâu nay. Đến giờ, ước đầu cơ đã bán không ròng 25.000 hợp đồng arabica, tương đương với 440.000 tấn.

Như vậy, nếu xét thuần kinh doanh tài chính, cơ hội giá tăng cho arabica nhiều hơn do đầu cơ phải mua lại để thanh lý hợp đồng; giá kỳ hạn robusta vẫn còn khả năng giảm vì đầu cơ tài chính phải bán thanh lý. Giá sàn này chỉ ngừng giảm bao lâu họ ngưng thanh lý bán ra.

Giá kỳ hạn giảm nhưng rất may giá nội địa trong tuần qua không hề hấn gì, thậm chí còn tăng nhẹ. Đến sáng thứ bảy 25-8, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn ở mức trên 41.000 đồng, có nơi 41.300 đồng. Mức này bằng hoặc cao hơn mức cuối tuần trước.

Thêm một lần nữa, điều này giải thích rằng có khi giá giảm trên sàn cà phê kỳ hạn hoàn toàn không phải do cung-cầu, do dư hay thiếu hàng mà chính do đầu cơ tài chính điều động tiền của họ đi đâu. Thông thường, tại các sàn kỳ hạn hàng hóa, tiền trút đến đâu, giá tăng đến đó; tiền rút bao nhiêu, giá giảm bấy nhiêu.

Giá nội địa vững trong tuần qua chứng tỏ mối quan hệ giữa hàng giấy và hàng thực nhiều khi không nhất thiết phải đi sánh đôi, thuận chiều.

Tồn kho robusta giảm

Giá robusta xụất khẩu loại 2, 5% đen vỡ ở mức trừ 20 đô la/tấn dưới giá niêm yết kỳ hạn, cao hơn tuần trước từ 10-20 đô la/tấn FOB. Mức giá này được cho là cao vì giá loại 2 chất lượng Liffe NYSE bán trực tiếp cho sàn tại kho cảng đến do Liffe NYSE chỉ định cũng chỉ ở mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết.

Tồn kho chứng nhận cà phê Robusta
Biểu đồ 2: Tồn kho robusta có xác nhận chất lượng Liffe NYSE

Chất lượng loại 2 theo qui định hợp đồng kỳ hạn Liffe NYSE khó khăn hơn loại 2, 5% đen vỡ. Mặt khác, cà phê bán cho sàn robusta London phải được chở qua tận các kho cảng, chủ yếu nằm tại châu Âu và Mỹ nên chi phí chuyên chở và các chi phí dỡ hàng tại cảng đến cao hơn mức giá xuất khẩu FOB giao hàng tại cảng đi rất nhiều. Chính vì thế, tồn kho robusta tại các kho do Liffe NYSE chỉ định ngày càng giảm. Báo cáo mới nhất của Liffe nói rằng tính đến hết ngày 20-8-2012, tồn kho robusta có giấy xác nhận chất lượng của sàn chỉ còn 142.470 tấn (2,375 triệu bao), giảm thêm 3.740 tấn. Như vậy, so với cách đây 1 năm, lượng tồn kho này giảm mất 64%. Bấy giờ, tồn kho đạt 398.090 tấn hay 6,635 triệu bao (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Giá cà phê xuất khẩu từ Việt Nam dựa trên chênh lệch (hay thường gọi là trừ lùi) giữa giá niêm yết và giá tại cảng giao hàng cao hơn giá của người đang có hàng bán ra ở cảng đến. Hiện tượng này đã làm cho thị trường có cảm giác hàng thiếu từ gốc. Mặt khác, tuy đầu cơ vẫn có thể còn cơ hội để khống chế thị trường, giá nội địa cao cũng hạn chế rất nhiều ý đồ của họ. Chính vì thế, tồn kho được xác nhận cứ bị bào mòn liên tục từ giữa cuối tháng 7-2011 cho đến nay.

Cà phê vụ mới – hãy đợi đấy

Trước đây, cứ đến dịp tháng 8 và tháng 9, trước khi niên vụ hàng năm bắt đầu từ tháng 10 là thị trường mua bán xuất khẩu đã bắt đầu nhộn nhịp.

Trong các dịp ấy, hai bên nhập và xuất khẩu nhiều khi đã mua bán với nhau hàng trăm ngàn tấn trong khi trái cà phê vẫn còn nằm trên cây. Chỉ đến năm ngoái, tình trạng này giảm dần và đến năm nay, mua bán trước hết sức rời rạc.

Tuy sản lượng các năm trước thấp hơn các năm sau này nhiều, giá chào bán hết sức phụ thuộc vào giá niêm yết sàn Liffe NYSE và cước tàu. Có khi các mức trừ lùi xuống dưới mức “lạ đời” dưới 350 đô la Mỹ/tấn.

Đầu niên vụ trước, có khi giá chào xuất khẩu đã ở mức trừ 90 đô la/tấn nhưng rất nhanh chóng mức này được thay cho các mức cao, như trừ 10-20 đô la/tấn.

Giải thích cho hiện tượng bán tống bán tháo ấy là ngân hàng quá dễ dãi trút tiền cho các nhà xuất khẩu phía bên này, phía bên kia là các ngân hàng các nhà nhập khẩu. Thị trường nhờ thế mà nhộn nhịp. Nhưng hầu như ngân hàng bên phía nhà xuất khẩu không quan tâm nhiều đến quản trị rủi ro nên nợ xấu trong ngành cà phê khá lớn và phổ biến. Nhiều nhà xuất khẩu cà phê vỡ nợ, “chạy làng” cả đầu mua đối với nông dân và cả đầu bán đối với nhà nhập khẩu.

Cũng vậy, hàng năm, các nhà xuất khẩu thường dựa vào hàng cà phê do dân cư chung quanh gửi vào kho để rồi các nhà xuất khẩu sử dụng lượng ấy để kinh doanh. Nhưng, do quá nghiêng mạnh về đầu cơ, thiếu phòng ngừa rủi ro, nên đôi khi hàng gửi đã bán hết nhưng tiền của người gửi không trả lại. Nên, nhiều nơi người gửi cà phê chỉ biết khóc vì mất cả chì lẫn chài do quá tin vào các nhà xuất khẩu và quá dựa vào đầu cơ.

Vì sao nông dân phải gửi cà phê cho đại lý? ]

Tình trạng bán trước (forwards) cho giao hàng xa hiện nay hầu như ít “ai dám”.

Có lẽ đây là yếu tố hỗ trợ rất lớn và quyết định cho sự thành công trong kinh doanh xuất khẩu của 2 niên vụ cà phê vừa qua.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tâm Cà

    Chẳng tin được. Nếu tồn kho của liffe mà như thế này thì tồn kho trong nước nhiều đến mức nào? Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang ém hàng ở các kho ngoại quan để giảm chi phí vận chuyển chăng?

  2. trương thế Hùng

    Giá cà phê ngày 25/8 tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn mua 41000, có nơi mua 41300 là không sát với thị trường. Tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô ngày 25/8 tất cả đều mua 43000 trở lên, chênh lệch quá nhiều so với giá trong bài phân tích. Mong bài phân tích sát thực tế hơn chút nữa, để bà con có cái nhìn đúng đắn về cà phê. Cám ơn nhiều.

  3. Hoàng Vina

    Tồn kho của liffe mà còn công khai thì tồn kho ngoại quan sao không công khai? Sao gọi là ém hàng, là không minh bạch?
    Tồn kho liffe giảm 3.740 tấn trong bao nhiêu ngày hay chỉ 1 ngày, xin viết rõ? Nếu 1 ngày theo tôi như vậy là không nhiều, vì VN có thể xuất lên 200 ngàn tấn/tháng trong khi tồn kho liffe hiện có 142 ngàn tấn chỉ xuất khoảng 50 ngày hết thì qui mô dự trữ tầm thế giới vậy là ít, giá có cơ hội để tăng. Hay ý tác giả muốn nói tiêu thụ thế giới xuống ở mức thấp, tiêu thụ chậm?
    Xin được trao đổi.

    1. Tân Hưng

      Không nhiều như bạn Hoàng Vina suy luận đâu.
      Tin gốc đây : Ngày 24 tháng 8 (Reuters) – cổ phiếu cà phê được chứng nhận tổ chức tại NYSE Liffe kho đề cử đã giảm xuống còn 142.470 tấn tính đến ngày 20 tháng 8, từ 146.210 tấn tính đến ngày 06 tháng 8, trao đổi dữ liệu cho thấy.
      Như vậy là sau 2 tuần giảm 3,7 ngàn tấn, bèo nhỉ ! Nhưng sao tác giả không đưa tin đầy đủ vậy?

    2. Bình bo

      Tồn kho London giảm mạnh vì nhà rang xay chỉ mua tại kho của Liffe chứ không mua tại nước xuất khẩu nhưng lại gây ra cảm giác dễ bị nhầm là thiếu hàng từ gốc. Do đó giá nội địa sẽ có nguy cơ rớt (vì không có khách mua) nên lo mà bán vội đi chứ đừng găm giữ hàng nữa. Cám ơn đã nhiều lần nhắc nhở.
      Nói vậy mà không phải vậy, tỉnh táo nha!

  4. hảo lê

    Thị trường tuần nay có xu hướng ntn? Có ai phân tích giùm bà con ko nhỉ? Bác Tâm cafe, thanh le drao, cangot… hăng say thảo luận đầu tuần lấy khí thế nào…

  5. ca ngot

    ca ngọt mấy bữa nay lo giấy tờ đi du lịch nên bận quá, đã đến giờ này chẳng có gì phải suy nghĩ, để đi chơi cho thoải mái rồi về thu hoạch vụ mới.
    Nói chung giá lên xuống lúc này cà ngọt không quan tâm lắm, vì đang bận tập trung cho chuyến đi.

  6. le son hai

    Hầu như bà con đã hết cà cũ rồi nên cũng ít quan tâm về giá cả lúc này chắc cũng thêm 1 tháng nữa lại sôi nổi.
    Tôi thấy hôm nay giá lại lên lại rồi, các tiền bối thử đoán giá tuần này xem sao … cho diễn đàn thêm nhộn nhịp xíu. Cảm ơn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84