Tin buồn

Một loạt dự báo u ám về sản lượng cà phê của Việt Nam

Sản lượng cà phê Việt NamSản lượng cà phê của Việt Nam có thể giảm 10% trong niên vụ 2012-2013 do cành cũ trên cây cà phê bị tỉa bớt. Trong niên vụ 2011-2012, Việt Nam đã đạt sản lượng cà phê cao kỷ lục.

Dự báo trên là kết quả một cuộc thăm dò mà hãng tin tài chính Bloomberg tiến hành với các thương nhân, người trồng cà phê và các công ty xuất khẩu nông sản này. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ tới có thể giảm còn 1,3 triệu tấn so với mức 1,45 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Niên vụ cà phê 2012-2013 của Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm nay.

Mức dự báo giảm về sản lượng cà phê của Việt Nam củng cố thêm những đồn đoán cho rằng, nguồn cung cà phê robusta trên thế giới sẽ hạn hẹp trong năm sau trong bối cảnh nhu cầu gia tăng. Sản lượng cà phê robusta toàn cầu được công ty CoffeeNetwork dự báo sẽ chỉ cao hơn 500.000 bao (loại 60 kg) so với nhu cầu trong niên vụ tới. Hồi tháng 7 vừa qua, quỹ Holland Capital có trụ sở ở London đưa ra dự báo, nhu cầu cà phê robusta trong niên vụ hiện tại đã tăng thêm 5,5 triệu bao.

“Sau một vụ cà phê được mùa như niên vụ này, cành cà phê trở nên yếu đi, nên người ta cắt những cành cũ để cành mới mọc ra. Những cành mới sẽ không đủ khỏe để mang nhiều quả, nên sản lượng có thể sẽ giảm”, ông Lê Tiến Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 có trụ sở ở Đắc Lắc, cho biết.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (6/8) tại sàn NYSE Liffe ở London, giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng 14 USD so với phiên liền trước, tương đương tăng 0,6%, đạt mức 2.215 USD/tấn. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê robusta tại sàn giao dịch này đã tăng 23% do các hãng rang xay tăng tỷ lệ cà phê robusta trong các sản phẩm cà phê, giảm tỷ lệ cà phê arabica đắt tiền hơn.

Đó là lý do vì sao, giá cà phê arabica đã giảm khoảng 23% kể từ đầu năm. Giá cà phê arabica giao tháng 9 trên sàn ICE ở New York chốt phiên hôm qua với mức tăng 1,7 cent, tương đương tăng 1%, lên 1,7550 USD/pound.

Trong báo cáo hàng tháng công bố cách đây ít ngày, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) nhận định, nhu cầu đối với cà phê giá rẻ hơn đang gia tăng. Dẫn chứng mà ICO đưa ra là lượng giao hàng cà phê robusta cao kỷ lục và mức giá đi lên. Lượng xuất khẩu cà phê robusta của thế giới trong thời gian từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 6 năm nay đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, lên 31,7 triệu bao.

Không chỉ có cuộc thăm dò của Bloomberg mà nhiều tổ chức dự báo khác cũng nhận định sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm trong niên vụ sắp tới.

Tháng trước, công ty Nedcoffee BV có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan, nhận định, sản lượng cà phê niên vụ 2012-2013 của Việt Nam có thể thấp hơn từ 5-7% so với niên vụ trước. Hồi tháng 6, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) Lương Văn Tự phát biểu, sản lượng cà phê của niên vụ 2012-2013 có thể giảm 15% do hoa cà phê nở sớm bị rụng mà không đậu quả.

Chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa cơ bản Keith Flury thuộc ngân hàng Rabobank cho rằng, nguồn cung cà phê robusta trên thế giới đang hạn hẹp. “Lượng cà phê tồn kho đang tiếp tục giảm, mà nhu cầu lại vượt quá kỳ vọng của thị trường”, bà Flury nhận xét.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lại dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ tăng trong niên vụ tới. USDA cho rằng, sản lượng cà phê robusta ở niên vụ 2011-2012 của Việt Nam sẽ đạt mức 21 triệu bao (1,26 triệu tấn), còn sản lượng ở niên vụ 2012-2013 sẽ đạt mức 22,4 triệu bao.

Hôm 26/7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên bố, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam có thể giảm 16% xuống còn 1,08 triệu tấn vào năm 2015 do cây cà phê già cỗi bị chặt hạ để trồng cây mới thay thế. Ngoài ra, diện tích trồng cà phê robusta cũng sẽ được thu hẹp để nhường chỗ cho các loại cây trồng khác.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. huyền

    Dự báo của Bộ Nông Nghiệp Việt Nam sản lượng cà phê giảm là đúng. Cà phê nhà mình năm nay trái buồn lắm quả chín không đều, hiện giờ đã có cây chín đỏ nhưng tỉ lệ nhân đậu không cao. Nhân nhỏ và lép. Mình bóc thử 10 trái thì chỉ được 5 nhân còn lại đen và thối thì làm sao đạt thành, quả còn lại thì bé tí chưa kể là đang có hiện tượng khô cành rụng trái nữa. Mình mới bỏ phân đợt 2 mùa mưa và sun phát đồng mà cũng không thấy cải thiện được là mấy. Phân thì đắt gấp rưỡi năm ngoái mà giá cả thì không tăng là bao làm cà phê chẳng ăn gì! Bà con đang phá cà phê trồng tiêu nhiều lắm mình cũng đang suy nghĩ có nên chuyển đổi cây trồng hay không?

  2. honam

    Người dân làm cà phê không chờ đến dự báo này cũng đã chắc chắn biết sản lượng cà phê cả nước mùa tới sẻ giảm. Nguyên nhân do diện tích vườn cây già cỗi ngày càng tăng lên, do chuyển đổi sang trồng cây khác, sâu bệnh ở nhiều vườn cây gia tăng, do năm ngoái được mùa làm cây cà phê chưa hồi sức và nguyên nhân cây nở hoa trái vụ gặp trời mưa ở Tây nguyên cuối năm ngoái cũng làm giảm sản lượng đáng kể. Chi phí vật tư tăng cao, nạn phân bón kém chất lượng phân giả, thuốc bảo vệ thực vật “rởm” cũng góp phần cho tính chính xác của báo cáo trên. Dự báo đưa ra sản lượng cà phê niên vụ 2012-2013 của Việt Nam giảm trong lúc nhu cầu đang tăng thì cũng có nghĩa là giá cà phê năm tới sẽ ở mức cao hơn. Nên bà con ta cố gắng chăm sóc vườn cây để bù cho những gì đã mất.

  3. VNS_BOOKBOOK

    Theo tôi thì thế này!

    Khi người ta tham lam thì mình phải biết sợ hãi

    Khi người ta sợ hải thì mình phải tham lam.
    (Tư tưởng của một vị giàu trên sàn chứng khoán Mỹ- không nhớ tên).

    Với tình hình như trong những năm qua, thì giá cà phê sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới.

  4. Thuận Hòa

    Cứ cho ra lò càng nhiều cơ sở sản xuất phân bón thì càng có sản lượng thấp. Mà như thế lại tốt vì càng ít sản lượng thì giá càng khó lòng xuống sâu được. Năm nay theo mình thì sản lượng tăng rất cao cho nên cứ việc bán khống thỏa mái sau đó đi chạy mua bù lỗ là phá sản. Không biết niên vụ 2112-2113 có thêm đơn vì nào RA ĐI không ngày hẹn gặp nữa đây?

  5. quỳnh gialai

    Theo tôi nghĩ thì dù sản lượng thì giá caphe cũng khó tăng vì chúng ta vẫn chịu sự chi phối của tư thương. Chịu khổ vẫn chỉ là nông dân. Phân bón cao, nhân công cao, thời tiết thì khắc nghiệt, sâu bệnh nhiều. Ai cũng kêu để dành đợi giá lên nhưng vốn ở đâu, tiền sinh hoạt, con cái học hành, chăm sóc càphe… Thử hỏi găm hàng làm sao? Tôi mong nhà nước ta giống như Braxin thì hạnh phúc biết mấy.

  6. Ngọc Lan Consumer

    Sản lượng giảm (dự báo của bloomberg) => có ý đồ đánh lên của tài phiệt =>> bà con lại tiếp tục chiến lược bán nhỏ giọt =>> giá lại tăng!

  7. Cà Phê Đăk Lăk

    2000 nọc tiêu vào kinh doanh cho thu 8 tấn, tính ra tiền tỉ.
    Còn 2000 cây cà phê chỉ cho số tiền bằng 1/3 sản lượng so với trồng tiêu.
    Thế thì nên chuyển đổi 50% diện tich trồng cà phê sang trồng tiêu để cân đối nguồn cung cầu…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81