Tin buồn

Phòng trừ ve sầu hại cà phê

Hiện nay tại nhiều vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên có hiện tượng vàng lá, rụng trái nhiều, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng cà phê.

Xem thêm: Nhận diện một số loại sâu bệnh chính trên cây cà phê

Nguyên nhân của hiện tượng này là do ve sầu gây hại. Một số khu vực bị hại khá nặng là Krông Buk, Cư Mga (tỉnh Đắk Lắk), Đăk Mil (Đắc Nông), Di Linh (Lâm Đồng)… Trước đây đối tượng ve sầu hầu như không gây thiệt hại đối với cây cà phê, nên ít được quan tâm. Sự hiểu biết của bà con nông dân về đối tượng này còn rất hạn chế.

Ve sầu Macrotristria dorsalis
Ve sầu Macrotristria dorsalis

Sự phát sinh, gây hại: Ve sầu có nhiều loài, nhưng loài gây hại chủ yếu trên cây cà phê là Macrotristria dorsalis. Con trưởng thành dài từ 2-4 cm, có màu nâu sẫm hoặc đen. Trong mùa sinh sản thì con đực phát ra tiếng kêu để hấp dẫn con cái. Con cái đẻ trứng bằng cách dùng ống đẻ trứng rạch những rãnh nhỏ sâu vào vỏ cây và đẻ vào trong. Mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng. Ve sầu thường sinh sản vào thời kỳ từ đầu đến giữa mùa mưa ở Tây Nguyên.

Sau khi trứng nở thành ấu trùng thì rơi xuống đất. Ấu trùng bắt đầu đào hang chui xuống đất, tìm đến rễ cây để chích hút nhựa. Thời gian của pha ấu trùng kéo dài 1-2 năm. Khi chuẩn bị vũ hóa, ấu trùng chui lên mặt đất, leo lên cây lột xác thành ve sầu trưởng thành, và lại tiếp tục chu kỳ sinh sản mới.

Phần ấu trùng chính là giai đoạn ve sầu gây hại cho cây cà phê. Ấu trùng đào hang trong đất để tìm đến rễ cây, bám chặt vào rễ hút dinh dưỡng của cây trồng. Ngoài ra, trong quá trình đào hang di chuyển trong đất chúng còn làm đứt các rễ tơ, rễ dẫn của cây, làm thương tổn bộ rễ. Cây cà phê bị ve sầu gây hại làm cho lá bị vàng héo, trái bị rụng. Nếu bị ve sầu gây hại nặng có thể làm cho cây cà phê bị chết.

Sự phát sinh phát triển của ve sầu có liên quan mật thiết với việc sử dụng thuốc hóa học. Theo các kết quả nghiên cứu thì việc sử dụng thuốc hóa học quá mức sẽ làm cho ve sầu bùng phát thành dịch, do thuốc hóa học đã tiêu diệt các đối tượng thiên địch của ve sầu như kiến, ong, nhện… Điều này cũng được khẳng định tại Tây Nguyên. Trong những năm qua người dân phải phun nhiều thuốc để trừ rệp sáp và còn bôi thuốc để trừ kiến cho dễ thu hái. Theo kết quả điều tra thì tại các vườn cà phê diệt kiến triệt để ve sầu nhiều gấp 5-10 lần so với những vườn không bôi thuốc diệt kiến, hoặc diệt có kiểm soát.

Biện pháp phòng trừ: Cần phải áp dụng biện pháp phòng trừ mang tính tổng hợp thì mới đạt kết quả cao và lâu dài. Trước hết phải bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát triển. Trong số các loài thiên địch, quan trọng nhất là kiến. Kiến tiêu diệt trứng và ấu trùng mới nở của ve sầu trước khi chui xuống đất. Không nên dùng thuốc để diệt kiến hoặc nếu thật cần thiết thì diệt phải có kiểm soát, không được diệt triệt để.

Nếu ve sầu gây hại nặng thì áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ. Hiện nay một số nơi đã sử dụng thuốc Marshal 200SC cho kết quả diệt ấu trùng trong đất rất tốt, hiệu lực có thể đạt 90-96%. Phương pháp sử dụng Marshal như sau: Pha thuốc với nồng độ 0,2% (2ml pha trong 1 lít nước), dùng bình ô doa tưới hoặc bình phun trải khắp xung quanh gốc, mỗi gốc 1 lít dung dịch thuốc. Dọn sạch lá khô, cỏ trước khi tưới để thuốc ngấm hoàn toàn vào đất.

Nên xem: Kinh nghiệm diệt ve sầu hại cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đại ca chùa bộc

    Thông tin về ve sầu và cách bảo vệ thiên địch rất hữu ích. Nhưng việc dùng Hóa Chất trừ ve sầu rất nhiều nơi nghiên cứu thường ít có hiệu quả, nếu có thì rất tốn kém và gây ô nhiễm môi trường. Marshal (Carbosulfan) do cty Khử Trùng và Giám Định Thuốc (VFC) phân phối, đây là loại thuộc rất tốt trừ sâu và tuyến trùng, nhưng trừ ve sầu hiệu quả thì cần phải thử nghiệm lại.

    Vì ấu trùng ve sầu nằm trong đất, ấu trùng trải qua mấy tuổi và tập tính sinh học của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ nên dùng thuốc hóa học có là giải pháp hiệu quả?!. Với côn trùng, đa số dùng thuốc hóa học hiệu quả khi ấu trùng ở tuổi 1 và 2, càng lớn tính kháng thuốc càng mạnh. Không đúng thời điểm, 1 lít dung dịch thuốc cho 1 gốc cây cà phê có đủ?

    Cách tốt nhất là bảo vệ thiên địch, không được diệt loại kiến, bón phân hữu cơ để tạo quần thể thiên địch, nấm và tuyến trùng ăn thịt ấu trùng ve sầu.

  2. văn lâm

    Không phải do thuốc diệt kiến đâu các bạn ơi, chớ quy kết vội!
    Cũng như con sâu róm trên đất Lâm Đồng đó thôi, thời tiết, thổ nhưỡng, môi trường sống (cây cà phê) làm phát sinh ve sầu rộng khắp như thế.
    Năm 2008 hay sao ở Đồng Hới Quảng Bình ve sầu con kêu đến độ học sinh không học được, chuông điện thoại còn không nghe nữa!

    1. Đại ca chùa bộc

      Tất nhiên, quần thể kiến chỉ kiểm soát quần thể vê sầu ở một mức độ nào đó. Khi thiên địch bị tiêu diệt, thì sự mất cân bằng sinh học xảy ra nên quần thể vê sầu ít bị kiểm soát hơn và dẫn tới bùng phát. Vì chưa có biện pháp nào hữu hiệu hơn, nên tạo và bảo vệ thiện địch được cho là hữu hiệu nhất.

      Còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng làm Vè Sầu bùng phát như sự canh tác cà phê lâu năm nên thức ăn luôn đầy đủ, quần thể ve sầu tích lũy và ngày một tăng.

  3. le cong

    Chào các bác, anh đại ca chùa bộc. Cho em hỏi về việc diệt kiến ạ. Nhà em năm nào tới mùa khô cũng xuất hiện dịch rệp sáp phải xịt nhiều lần rất khổ. Nhiều người chỉ là phải diệt kiến vì nó sống cộng sinh với rệp. Mà diệt kiến thì dễ bùng phát dịch ve sầu. Mong các bác chỉ cho em cách phòng rệp mà không phải diệt kiến ạ.
    Cảm ơn các anh. Chúc các anh luôn khỏe.

    1. Chùa bộc

      – Với rệp sáp, kiến là một môi giới tha rệp sáp lan truyền.
      – Muốn trừ rệp sáp hiệu quả là cho vòi xịp gần nơi chúng ở như chùm quả, kẽ lá để thuốc mới tiếp xúc trực tiếp với chúng. Như vậy đâu có phun toàn bộ cây nên ít tốn thuốc và ít tác động với môi trường (thiên địch).
      – Hiện tại đã có 1 số công ty có sản phẩm dùng nấm đối kháng như nấm xanh (Metarhizium), nấm trắng (Beauveria Bassiana). Bạn có thể dùng cái này để diệt sâu hại cho an toàn.
      Thân chào!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85